Những vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp khi thực hiện quy định mới về kiểm toán nội bộ

TRƯƠNG THỊ HỒNG PHƯƠNG (Trường Đại học Mở Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong quá trình mở cửa hội nhập kinh tế, với sự phát triển của thị trường vốn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ (KTNB) theo thông lệ quốc tế là xu hướng tất yếu. Trên tinh thần đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên để thực hiện các yêu cầu của Nghị định, doanh nghiệp phải chủ động hoàn thành các chuẩn bị cần thiết để triển khai công tác KTNB. Bài viết tập trung nghiên cứu những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi triển khai Nghị định và đề xuất biện pháp thực hiện các quy định mới về KTNB.

Từ khóa: Kiểm toán nội bộ, chính phủ, tư vấn, doanh nghiệp, nghị định.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, KTNB đã có mặt từ rất lâu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tại nhiều nước phương Tây, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của quản trị rủi ro cũng như vai trò của KTNB đã trở nên ngày càng quan trọng.

Theo quan điểm hiện đại, KTNB không chỉ chịu trách nhiệm trong việc kiểm toán báo cáo tài chính và tập trung vào công tác kiểm tra kế toán, thông tin tài chính của doanh nghiệp (DN) mà còn kiểm toán tính hiệu quả, tính tuân thủ của mọi hoạt động cũng như tư vấn cho nhà quản lý hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. Có thể thấy, KTNB đóng vai trò là người bảo vệ giá trị cho DN. KTNB là một quan sát viên độc lập, nhằm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động. KTNB chịu trách nhiệm phát hiện ra những sai sót trong hoạt động kinh doanh của DN, giữ vai trò là người tư vấn, định hướng cho ban giám đốc và hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro.

2. Quy định mới về kiểm toán nội bộ

Ngày 22/1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/ NĐ-CP về kiểm toán nội bộ. Theo đó, mục tiêu chính của KTNB bao gồm: Đảm bảo và tư vấn độc lập về hiệu quả, hiệu lực của quản trị công ty; quản lý rủi ro; kiểm soát nội bộ.

Nghị định số 05/2019/NĐ-CP áp dụng cho các đối tượng sau:

  • Doanh nghiệp gồm các công ty niêm yết, doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
  • Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
  • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động KTNB.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2019. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có hiệu lực, các đối tượng áp dụng phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định này.

3. Những vấn đề đặt ra khi doanh nghiệp thực hiện các quy định về KTNB

Trước khi Nghị định 05 ra đời, về cơ bản, Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ về KTNB, vì vậy Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực KTNB. Tuy nhiên, khi áp dụng, các DN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến các yêu cầu của Nghị định.

    Tính độc lập của KTNB (Điều 5; Điều 6): Nội dung Nghị định đưa ra yêu cầu cụ thể về việc đảm bảo tính độc lập của bộ phận KTNB. Tính độc lập của KTNB phải được thể hiện thông qua quy chế hoặc điều lệ KTNB, điều này đỏi hỏi các DN phải xác định rõ cách thức tổ chức bộ phận KTNB như thế nào để hài hòa với các bộ phận khác trong đơn vị?

    Nhiệm vụ của bộ phận KTNB (Điều 20): Theo quy định mới, chức năng chính của KTNB là tư vấn và tham mưu. Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp là làm sao phân tách rõ nhiệm vụ của KTĐL vừa đảm bảo tính độc lập của bộ phận này; chức năng KTNB có nên được trao quyền đầy đủ để đáp ứng các quy định và kỳ vọng về nhiệm vụ, trách nhiệm theo yêu cầu của Nghị định hay không? Làm thế nào để tránh chồng chéo và đảm bảo vị thế độc lập cao nhất của KTNB?

     Quyền hạn của KTNB (Điều 22, 23 và 24): Nghị định nhấn mạnh vào việc bộ phận KTNB và người làm KTNB cần phải được trao quyền hạn rõ ràng, cần có quyền truy cập không hạn chế khi thực hiện công tác KTNB. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có thể được đáp ứng từ phía các nhà quản lý và các bộ phận khác có liên quan trong doanh nghiệp? Liệu có tạo ra các mâu thuẫn và xung đột lợi ích (nếu có)?

     Phương pháp thực hiện KTNB “định hướng theo rủi ro” (Điều 13): Để xây dựng được cơ chế, phương pháp KTNB theo định hướng rủi ro đòi hỏi các DN cần có nền tảng quản trị công ty tốt, từ cơ cấu quản trị cho đến hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ cần được phát triển đồng bộ với kiểm toán nội bộ.

4. Một số đề xuất, khuyến nghị

Để đối mặt với những thách thức trên khi áp dụng Nghị định vào thực tế, tác giả đưa ra một số đề xuất cho các doanh nghiệp:

Xây dựng quy chế, điều lệ cho KTNB trong đó xác định rõ:  Cơ cấu quản trị của đơn vị, vị thế KTNB trong cơ cấu quản trị; Cơ chế báo cáo của KTNB đối với Hội đồng Quản trị (HĐQT)/Hội đồng thành viên (HĐTV)/Ban Kiểm soát (BKS) và Ban điều hành; Chế độ lương thưởng của người làm công tác KTNB.

Phân tách rõ hoạt động kiểm toán và tư vấn trong chiến lược của KTNB: Bên cạnh hoạt động kiểm toán, KTNB thực hiện chức năng tư vấn và tham mưu nội bộ khi có yêu cầu. Khi KTNB thực hiện chức năng tư vấn và tham mưu, đề xuất biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp cần lưu ý đến yêu cầu về tính độc lập khi thực hiện các hoạt động kiểm toán sau này.

Quy định rõ quyền và trách nhiệm của HĐQT đối với KTNB. Đối với mô hình quản trị công ty có thành lập Ban kiểm soát (BKS) theo luật định cần làm rõ quyền và trách nhiệm của HĐQT/HĐTV và BKS đối với KTNB; quy định cơ chế báo cáo của KTNB đối với HĐQT và BKS. Doanh nghiệp cần đảm bảo các quyền hạn của KTNB và phải được quy định cụ thể trong Quy chế KTNB. Bên cạnh đó, cần thực hiện truyền thông rõ ràng trong toàn đơn vị và có chế tài xử lý khi các bên liên quan làm cản trở công tác KTNB.

Xây dựng chiến lược KTNB, kế hoạch KTNB và chương trình KTNB dựa trên rủi ro. Doanh nghiệp cần tiến hành đào tạo về phương pháp xác định và đánh giá rủi ro, xây dựng phương pháp luận về quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược quản trị rủi ro phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh của DN; xây dựng danh mục rủi ro toàn DN và thực hiện đánh giá rủi ro định kỳ. Trên cơ sở đó, phối hợp hiệu quả giữa quản lý rủi ro và KTNB. Đây là những giải pháp nhằm giúp xây dựng được cơ chế, phương pháp KTNB theo định hướng rủi ro.

Chủ động xây dựng nguồn lực cần thiết cho hoạt động KTNB. Doanh nghiệp cần chủ động tuyển dụng, đào tạo và huy động nhân sự để thực hiện công tác KTNB, đặc biệt về các kiến thức ngành, kỹ năng phân tích, đánh giá; kiến thức về kiểm toán công nghệ thông tin,… Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo KTNB có đủ ngân sách để thực hiện công việc và duy trì nguồn nhân sự có chất lượng hoặc kết hợp với tư vấn bên ngoài.

5. Kết luận

Tại Việt Nam, vai trò của KTNB khá mờ nhạt, điều này một phần nguyên nhân đến từ hệ thống quản trị của các doanh nghiệp chưa đồng bộ, các quy định về lĩnh vực này còn rải rác. Vì vậy, thực hiện các yêu cầu của Nghị định 05 trên tinh thần phát triển kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế là xu hướng tất yếu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2019), Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 quy định về kiểm toán nội bộ.
  2. Hoang Ngoc Hung (2018), Key challenges to establishing an Internal Audit function in Vietnam, Diễn giả hội thảo quốc tế Building and Implementing an effective Internal Audit function in Vietnam and around the world, Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam, Smart Training, tổ chức ngày 21/8/2018.
  3. Vũ Thúy Hà (2017), Hoàn thiện kiểm toán nội bộ tại các Tổng công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội.
  4. IFAC (2003), International Standard on Auditing 610 - Considering the Work of Internal Audit.

 

ISSUES THAT BUSINESSES SHOULD PAY ATTENTION TO

WHEN THE NEW DECREE ON INTERNAL AUDIT TAKES EFFECT

TRUONG THI HONG PHUONG

Hanoi Open University

ABSTRACT:

Developing internal audit in accordance with international practices is necessary amid the country’s economic integration process and the capital market development with the participation of foreign investors. The Goverment of Vietnam issued Decree 05/2019/ND-CP on internal audit. However, in order to enforcing this decree, enterprises would proactively complete necessary preparations to doing internal audit as prescribed. This paper focuses on issues that businesses should pay attention to when implementing decrees and proposes measures to implement new regulations on internal audit.

Keywords: Internal audit, goverment, consultant, enterprises, decree.