1. Ý nghĩa việc xây dựng sàn kinh doanh xăng dầu
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, xăng dầu là hàng hóa liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia. Trong suốt thời gian dài vừa qua, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do Nhà nước quản lý, điều tiết để đảm bảo ổn định vĩ mô và an sinh xã hội.
Thế nhưng, khi những bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong năm 2022, khi nguồn cung gián đoan, chuỗi cung ứng đứt gẫy do bùng phát cuộc chiến Nga - Ukraine, thay vì có những giải pháp kịp thời, phù hợp để ổn định lại thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước được giao chịu trách nhiệm quản lý lại có những biểu hiện chậm trễ, lúng túng, né tránh khiến những bất ổn của thị trường ngày một lan rộng, dẫn đến hàng loạt khó khăn, thiếu hụt trong cung ứng mặt hàng này trong một thời gian. Từ thực tế đó, không ít ý kiến cho rằng, việc quản lý kinh doanh và phân phối xăng dầu trong nước đã và đang tồn tại những bất ổn, nhất là khi nhìn vào nhiều quốc gia trên thế giới. nhiều doanh nghiệp (DN), thương nhân phân phối và các chuyên gia đã đưa ra đề xuất cần lập sàn xăng dầu tương tự như sàn cà phê, gạo, chứng khoán... mà Việt Nam đang có, để bảo đảm tính minh bạch đầu vào - đầu ra của thị trường xăng dầu.
Thực tế trên thị trường, Việt Nam chỉ chủ động được một phần nguồn cung xăng dầu đang ảnh hưởng đến tính thanh khoản và tính đa dạng của sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến biến động giá lớn và rủi ro về nguồn cung trong ngắn hạn. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%. Tỷ lệ này có nguyên nhân lớn là do nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn) đã tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 từ 15/3/2024, dẫn đến sản lượng sản xuất trong nước giảm đáng kể. Cơ cấu nguồn cung xăng dầu bình quân nhiều năm gần đây đều ở mức nhập khẩu chiếm khoảng 30-35% cơ cấu, sản xuất trong nước chiếm 65-70%.
Với mức độ nhập khẩu như vậy, giá cả xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá cả thị trường xăng dầu thế giới. Ngoài lượng 44,5% xăng dầu nhập khẩu hoàn toàn phụ thuộc giá thế giới, thì lượng sản xuất xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 của 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt 6,87 triệu tấn, tương đương khoảng 8,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại cũng được nhập dầu thô từ các thị trường nước ngoài nên giá cả cũng phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế.
Hiện nay, việc điều hành giá cả xăng dầu thông qua giá cơ sở theo các chỉ tiêu và định mức được các cơ quan Nhà nước quy định. Mặc dù xăng dầu có rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, kể cả các doanh nghiệp tư nhân nhưng giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành, 7 ngày lại phải công bố điều chỉnh một lần.
Việc cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế được thực hiện thông qua 2 nhà máy lọc dầu gồm Dung Quất hoạt động từ 2009 và Nhà máy Nghi Sơn, đưa vào hoạt động năm 2018; 38 doanh nghiệp đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%; hơn 320 thương nhân phân phối và hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Chính vì vậy, thị trường chịu sự chi phối của một số doanh nghiệp lớn, có mạng lưới phân phối rộng khắp, vừa là đầu mối nhập khẩu, mua bán, vừa thực hiện phân phối bán lẻ. Các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu độc lập chịu nhiều sự o ép trong kinh doanh.
Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu, Chính phủ đã có nhiều sửa đổi về cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp xăng dầu, một số chuyên gia đã có ý kiến đề xuất xây dựng sàn kinh doanh xăng dầu.
Việc hình thành một Sàn giao dịch xăng dầu như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ cùng giao dịch mua bán xăng dầu mang tính vật chất tại Việt Nam là thực sự cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, sàn giao dịch sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, khối lượng, giảm thiểu rủi ro. Thứ hai, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các các chủ thể trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp tư nhân bán lẻ xăng dầu đều có quyền tham gia. Thứ ba, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong cả nước. Thứ tư là góp phần hạ giá bán đối với xăng dầu, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, do việc định giá sát với nguồn nhập khẩu từ các thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Aramco (Trung Đông), Mumbai (Ấn Độ) hay Kazakhstan (Trung Á)... có giá thấp hơn từ 8-10% so với giá Platt Singapore. Thứ năm, Sàn giao dịch xăng dầu là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy về khối lượng, giá cả, chất lượng hàng hóa giúp cho các chủ thể kinh tế, ngay cả cơ quan quản lý nhà nước có những dự báo chính xác, góp phần dự báo và lên kế hoạch, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
2. Mô hình, cơ cấu, tổ chức và phương thức vận động của sàn kinh doanh xăng dầu
Về mặt mô hình: Trước hết, đây là Sàn giao dịch xăng dầu vật chất giữa các chủ thể trong thị trường xăng dầu, không phải sàn giao dịch quốc tế, giao dịch phái sinh. Có thể là hình thức sàn thương mại điện tử, nơi các chủ thể niêm yết các nhu cầu mua - bán các mặt hàng xăng dầu, chất lượng, khối lượng, giá cả, thời gian cung ứng…Sau đó, có thể mở rộng cho các sản phẩm gas, khí thiên nhiên, LNG…Về lâu dài, trên sàn này có thể có các giao dịch phòng tránh rủi ro mang tính phái sinh như: Giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn, giao dịch tương lai, giao dịch hoán đổi swap…
Về chủ thể tham gia: Gồm 2 nhà máy lọc hóa dầu, 38 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, hơn 320 thương nhân phân phối và đại diện của các doanh nghiệp xăng dầu tư nhân trong hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào sàn. Nhà nước có thể giao cho một đơn vị thành lập Sàn giao dịch xăng dầu, đề ra các nguyên tắc, chính sách, cơ chế hoạt động, tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động và thu thuế, phí phù hợp với khối lượng giao dịch trên sàn.
Về phương thức giao dịch: Người bán có thể niêm yết thời gian, địa điểm, loại hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả…của mặt hàng mà chủ thể cung ứng. Người mua có thể xem xét lập hợp đồng mua các sản phẩm của các chủ thể bán có các thông số và giá cả phù hợp hoặc tham gia đấu thầu để có thể mua với giá cả phù hợp. Người mua cũng có thể đặt mua qua niêm yết thời gian, địa điểm, loại hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả…của mặt hàng mà chủ thể cần mua. Đây là hình thức mua bán hàng hóa vật chất theo hình thức giao ngay. Người bán phải có sẵn khối lượng hàng hóa chào bán tại kho khu vực chào bán. Tuy nhiên, do đặc tính của thị trường xăng dầu, thời gian giao hàng vật chất có thể trong vòng 3-7 ngày sau khi ký kết hợp đồng, tùy từng lô hàng, từng điều kiện hợp đồng. Để thuận tiện cho giao dịch, cần có quy định khối lượng hạn mức giao dịch tối thiểu cho từng mặt hàng. Trong hoạt động giao dịch trên Sàn, để tránh tình trạng thao túng thị trường có thể cần có quy định về thị phần và hạn mức giao dịch cho từng đơn vị, đặc biệt là với các doanh nghiệp đầu mối lớn. Đồng thời, cần có cơ chế và các quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trong thanh toán và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu trên sàn một cách nhanh gọn, dứt điểm và rõ ràng.
Như vậy giá cả là giá thỏa thuận giữa người mua và người bán. Nhưng trong thời gian đầu, giá cả sẽ dựa trên giá quốc tế và theo công thức tính toán đã được các cơ quan quản lý Nhà nước quy định. Có thể áp dụng mô hình định giá kết hợp giữa giá tham chiếu quốc tế và các yếu tố trong nước, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để các chủ thể tính toán giá chào mua hoặc giá chào bán.
Để thực hiện việc mua bán diễn ra đúng quy định, trôi chảy thì các chủ thể tham gia thị trường cần phải thực hiện ký quỹ dự phòng rủi ro hoặc đặt cọc theo tỷ lệ % trên giá trị khi ký Hợp đồng mua bán xăng dầu với Trung tâm thanh toán của Sàn giao dịch. Nếu các bên không thực hiện đúng hợp đồng về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng...thì Trung tâm thanh toán của Sàn giao dịch sẽ căn cứ quyết định của Tòa án để trích quỹ dự phòng rủi ro hay trích tiền cọc để xử lý. Trung tâm thanh toán của Sàn giao dịch sẽ là người thu phí tham gia sàn của các chủ thể, quản lý quỹ dự phòng, tiền đặt cọc hợp đồng, thanh toán và xử lý tài chính các hợp đồng mua bán xăng dầu của các chủ thể.
Để đảm bảo tính pháp lý, các nguyên tắc, các quy định của Sàn được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia cần thành lập cơ quan giám sát độc lập. Để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giao dịch cần áp dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ chuỗi khối (blockchain), AI trong giám sát giao dịch, nhằm phát hiện giao dịch bất thường và ngăn chặn các hành vi gian lận.
Tuy nhiên, xăng dầu hiện nay vẫn là mặt hàng quan trọng có tính chiến lược với sản xuất và an sinh xã hội và đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nên rất cần thận trọng trong việc triển khai các phương thức quản lý, kinh doanh. Đặc biệt, cần xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp như gián đoạn nguồn cung hoặc biến động giá cực đoan. Để xây dựng được sàn xăng dầu theo nền kinh tế thị trường cần các điều kiện, cơ chế, biện pháp quản lý cụ thể, tỷ mỷ, công khai và minh bạch, nên cần được nghiên cứu, thử nghiệm một cách cẩn trọng.
3. Một số giải pháp cần thực hiện
Việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu với mô hình mua bán hàng hóa vật chất theo hình thức giao ngay là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để quản lý vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu đặt ra cần phải có các nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Cần xem xét cách thức triển khai như thế nào, đối tượng tham gia ra sao, điều kiện, nguyên tắc, thủ tục, cơ chế, rồi nhiều vấn đề khác như thế nào. Từ đó có thể xây dựng ra một hệ thống văn bản quy định chi tiết những vấn đề liên quan đến sàn giao dịch xăng dầu.
Tất nhiên, những việc này cần thời gian xem xét, nghiên cứu, nhưng có thể làm ngay những nội dung có thể làm. Quan trọng là phải bắt tay vào nghiên cứu ngay, triển khai ngay các công việc để có thể đưa Sàn giao dịch xăng dầu vào hoạt động và chỉnh sửa dần. Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để sớm đưa Sàn giao dịch xăng dầu vào hoạt động.
Trước hết, cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý có liên quan đến Sàn giao dịch xăng dầu để sàn có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động. Có thể giao việc xây dựng và quản lý Sàn giao dịch xăng dầu cho Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trên cơ sở các quy định của các cơ quan quản lý về đối tượng tham gia, điều kiện, nguyên tắc, thủ tục, cơ chế hoạt động...Sàn có thể đưa vào hoạt động ngay khi có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng. Sau đó sẽ dần hoàn thiện theo sự phát triển của thị trường. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đầu mối niêm yết khối lượng hàng hóa, thời gian, giá cả...trên trang web của tập đoàn mình và trong mạng lưới đại lý. Cần sớm có cơ chế thành lập sàn để các thông tin này đến được tất cả các chủ thể trên sàn và có cơ chế để tất cả các chủ thể đủ điều kiện có thể tham gia giao dịch, mua bán trực tiếp trên sàn.
Thứ hai, xây dựng cơ chế điều hành giá phù hợp với kinh tế thị trường. Về mặt giá cả, trong thời gian trước mắt, định kỳ cơ quan Nhà nước phải công bố công thức tính và giá trần xăng dầu với giá bán buôn mức 1 tối đa; mức 2 tối đa và giá bán lẻ tối đa để thị trường có thể hoạt động ổn định. Các chủ thể bán hàng sẽ cạnh tranh công bằng trong việc xác định giá bán, nhưng phải thấp hơn giá trần đã được quy định. Các chủ thể mua có thể chủ động lựa chọn mua hàng của chủ thể có giá thấp nhất và có các điều kiện phù hợp nhất. Về lâu dài sẽ dần để thị trường và các doanh nghiệp tự quyết định các mức giá.
Thứ ba, về mặt khối lượng, để đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu tiêu dùng của thị trường, trong thời gian trước mắt, hàng năm, Bộ Công Thương phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đủ điều kiện. Các đầu mối này phải thực hiện đúng hạn ngạch, đúng thời gian, đảm bảo tiêu thụ ổn định trong hệ thống, đảm bảo lượng xăng dầu dự trữ trong kinh doanh và đủ bán ra thị trường. Về lâu dài, các doanh nghiệp sẽ dần tự xác định để tính toán số lượng mua sản phẩm xăng dầu trong nước và nhập khẩu quốc tế để đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhà nước chỉ làm chức năng thanh tra, kiểm tra để giá cả phù hợp với giá thế giới và phù hợp định hướng của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ tư, cần đổi mới phương thức quản lý và can thiệp của chính phủ vào sự biến động giá cả của thị trường xăng dầu. Chính phủ dần can thiệp vào giá cả thị trường thông qua việc tăng/giảm nguồn cung xăng dầu trên sàn từ việc xả kho dự trữ quốc gia hoặc tăng mua dự trữ. Đã đến lúc cần xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia tại từng vùng để phục vụ nhu cầu an ninh năng lượng. Việc trích lập, hình thành và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ cần thay đổi bằng việc Chính phủ tập trung quản lý và chuyển hóa thành xăng dầu cơ bản trong dự trữ quốc gia để có thể sẵn sàng bán ra can thiệp thị trường khi có các cú sốc về giá hay nguồn cung.
Thứ năm, đẩy mạnh số hóa trong quản lý, áp dụng blockchain, AI trong quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu để tăng tính công khai, minh bạch. Hoạt động số hóa đã phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thời gian qua. Việc cấp hóa đơn điện tử và kết nối cơ quan thuế đã đem lại sự công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Khi phát triển sàn giao dịch xăng dầu, các chủ thể tham gia không quá nhiều, việc áp dụng công nghệ blockchain, AI sẽ giúp các chủ thể thực hiện công khai hơn, minh bạch hơn, đảm bảo sự tin tưởng trong ký kết, giao dịch của các chủ thể, đảm bảo sự an toàn, bền vững của chuỗi cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế.
Thứ sáu, xây dựng hệ thống báo cáo và công bố thông tin chuẩn mực và có tính pháp lý cao. Yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối công bố định kỳ về nguồn cung, dự trữ và chi phí, tăng cường giám sát và kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xăng dầu. Trên cơ sở đó, đảm bảo tính khoa học, tính chính xác và độ tin cậy với các số liệu, báo cáo sản lượng, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xăng dầu.
Thứ bảy, nhanh chóng xây dựng Kho cơ sở dữ liệu tập trung về thị trường xăng dầu, có thể truy cập công khai, liên tục để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản lượng, kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian, đúng chủng loại, đúng địa bàn của hoạt động sử dụng xăng dầu, tránh tình trạng thiếu hụt tạm thời hàng hóa cung ứng trên một số địa bàn, trong một số khoảng thời gian nào đó./.
Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế
Đinh Nguyễn Kim Chi - Học viện Tài chính