TÓM TẮT: Việt Nam đang có thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trẻ trung, sôi nổi và quyết tâm trong việc hiện thực hóa những đam mê của họ với niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, để thành công thì những doanh nghiệp này ngoài việc trang bị kiến thức kinh doanh đầy đủ, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị kinh doanh, ý chí khởi nghiệp của bản thân… còn cần một môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh. Bài viết giới thiệu khái quát tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, tóm tắt một số lý luận cơ bản về tinh thần khởi nghiệp, trên cơ sở đó phân tích thực trạng về tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của doanh nhân Việt Nam để đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trở thành động lực phát triển cho các doanh nghiệp. Từ khóa: Khởi sự doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, doanh nhân Việt Nam, thời kỳ hội nhập. |
- Đặt vấn đề
Tính đến thời điểm hiện nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã lên đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính tinh thần khởi nghiệp kinh doanh là nhân tố tiên quyết để hình thành nên lực lượng đó. Việc thừa nhận những đóng góp của giới doanh nhân hay xây dựng tinh thần khởi nghiệp của họ trong thời kỳ hội nhập là một việc làm cần thiết.
Ở nước ta, hệ thống giáo dục chưa chú trọng việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chưa được trang bị những nguyên lý cơ bản về kinh tế học và tiếp cận thực tiễn về kinh doanh. Phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, thậm chí không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa có ý niệm đầy đủ về lập thân, lập nghiệp. Hơn nữa, các chương trình giáo dục - đào tạo ở các cấp chỉ nặng trang bị kiến thức, kỹ năng để trở thành người làm thuê hơn là làm chủ.
Trong khi đó tinh thần làm chủ, tinh thần khởi nghiệp hầu hết lại được khởi nguồn từ những con người lăn lộn thực tiễn, ít có cơ hội học hành. Thực trạng là phần lớn những người khởi nghiệp, lập nghiệp ở Việt Nam có trình độ học vấn thấp, còn đối với những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn lẽ ra có nhiều cơ hội khởi sự kinh doanh thành công, lại hướng đến việc đi làm công, làm thuê. Phải chăng đây là một đặc điểm riêng có ở xã hội ta? Đặc điểm đó có tạo ra rào cản lớn cho quá trình hình thành tinh thần khởi nghiệp trong đời sống hiện đại của đất nước?
- Một số lý luận cơ bản về tinh thần khởi nghiệp
2.1. Khái niệm về khởi sự doanh nghiệp
“Khởi sự doanh nghiệp” thường được dùng ngắn gọn với hai từ “Khởi nghiệp”, đề cập tới việc một cá nhân hay nhóm người khởi sự công việc kinh doanh và theo đuổi con đường kinh doanh như một lựa chọn nghề nghiệp (Trần Văn Trang, 2017).
Đối với giới học thuật, “khởi nghiệp là quá trình một cá nhân hay nhóm tìm kiếm và theo đuổi một cơ hội kinh doanh” hoặc đó là “quá trình sáng tạo ra giá trị bằng cách huy động các nguồn lực để tận dụng cơ hội” hoặc đó là “quá trình biến các ý tưởng kinh doanh ban đầu trở thành hiện thực” (Trần Văn Trang, 2017).
2.2. Khái niệm về nhà khởi nghiệp
Định nghĩa về nhà khởi nghiệp/ khởi sự một doanh nghiệp (entrepreneur) thường được hiểu với ý nghĩa là người sáng tạo hay khởi sự một doanh nghiệp mới. Trên thực tế, nhà khởi nghiệp được áp dụng để chỉ cả những người làm chủ hay điều hành doanh nghiệp.
“Nhà khởi sự doanh nghiệp là những người (chủ doanh nghiệp) tìm tòi tạo ra giá trị thông qua tổ chức hoặc mở rộng các hoạt động kinh tế bao gồm “tạo ra và khai thác sản phẩm, quá trình hoặc thị trường mới”; hay “nhà khởi nghiệp là những người có kiểm soát trực tiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp bởi sự sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu một phần đáng kể cổ phần của doanh nghiệp” (Nguyễn Hồng Sơn - Phan Chí Anh, 2013).
2.3. Khái niệm về tinh thần khởi nghiệp
Tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) còn được gọi là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, là một thuật ngữ xuất hiện khá lâu trên thế giới. Theo các nhà nghiên cứu thì những doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải là những con người mà bản thân họ có hoài bão vượt lên số phận, chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới và sáng tạo; đồng thời dũng cảm gánh chịu những tai họa nghiêm trọng về vật chất và tinh thần khi làm ăn thua lỗ. Nhà kinh tế học Mỹ Peter F. Drucker cho rằng “tinh thần doanh nhân khởi nghiệp được hiểu là hành động của doanh nhân khởi nghiệp - người tiến hành việc biến những cảm nhận nhạy bén về kinh doanh, tài chính và sự đổi mới thành những sản phẩm hàng hóa mang tính kinh tế. Kết quả của những hành động này là tạo nên những tổ chức mới hoặc góp phần tái tạo những tổ chức đã “già cỗi”. Hình thức rõ ràng nhất của tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là bắt đầu xây dựng những doanh nghiệp mới” (Peter F.Drucker, 2011). Tổng quát, có thể nói tinh thần khởi nghiệp là tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Đồng thời, hầu hết các tác giả đều thống nhất khái niệm “tinh thần khởi nghiệp - tinh thần kinh doanh” (entrepreneurship) gắn với khái niệm “khởi nghiệp - doanh nhân” (entrepreneur). Và trong những năm gần đây có một khái niệm khởi nghiệp rất “hot” khác ra đời, đó là Startup.
Các yếu tố cốt lõi của tinh thần khởi nghiệp là: Khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh; thái độ chấp nhận rủi ro; và ý tưởng đổi mới - sáng tạo. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số đặc trưng của tinh thần khởi nghiệp là: (i) Có hoài bão và khát vọng kinh doanh; (ii) Có khả năng kiến tạo cơ hội kinh doanh; (iii) Độc lập và dám làm, dám chịu trách nhiệm; (iv) Phát triển ý tưởng sáng tạo và đổi mới phương pháp giải quyết vấn đề; (v) Bền bỉ và dám chấp nhận rủi ro, thất bại; và vi) Có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Từ đó, có thể thấy động cơ chủ đạo của người khởi nghiệp trước hết là muốn khẳng định bản thân và sau đó là muốn đóng góp cho xã hội, còn động cơ vì tiền, vì sự giàu có chỉ là thứ yếu.
- Thực trạng về tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt Nam
Ở Việt Nam, sự tự tin về năng lực kinh doanh thường tỷ lệ thuận với độ tuổi. Tỷ lệ thanh niên (18 - 34 tuổi) nhận thức có khả năng kinh doanh ở Việt Nam là 55% trong khi tỷ lệ này ở trung niên (35 - 64 tuổi) là 68,6%. Trong khi đó, dường như thanh niên lại là nhóm nhanh nhạy và nhìn nhận cơ hội kinh doanh tốt hơn, khi mà 58,7% thanh niên nhận thấy có cơ hội kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người lứa tuổi trung niên là 54,9%. Đây là điểm khác biệt đầu tiên so với kết quả khảo sát năm 2014 khi mà không có sự khác biệt về nhận thức cơ hội kinh doanh giữa thanh niên và trung niên. Điểm khác biệt thứ hai là về tỷ lệ người lo sợ thất bại trong kinh doanh. Nếu năm 2014, tỷ lệ thanh niên lo sợ thất bại trong kinh doanh cao hơn so với người trung niên thì năm 2015 lại hoàn toàn ngược lại. Tỷ lệ thanh niên nhận thấy lo sợ thất bại trong kinh doanh là 43,8% thấp hơn mức 47,4% của những người trung niên.
Tuổi càng cao thì tỷ lệ người có ý định khởi sự càng giảm: Có 28,2% thanh niên có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới, trong khi tỷ lệ này ở những người trung niên chỉ là 15,3%. Thực trạng tỷ lệ thanh niên có ý định khởi sự kinh doanh cao hơn người trung niên đúng với hầu hết các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến đối tượng thanh niên để xây dựng các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp. Họ là những người nhạy bén trong việc nhìn nhận và nắm bắt cơ hội kinh doanh, dám chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp. Điều duy nhất còn hạn chế của thanh niên so với người trung niên chính là khả năng kinh doanh. Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục tăng cường trang bị các kiến thức cơ bản về kinh doanh trong các hệ thống giáo dục, cần có các chương trình đào tạo về các nghiệp vụ và kỹ năng khởi sự kinh doanh để trang bị năng lực kinh doanh cho đối tượng thanh niên.
* Để đánh giá nhận thức của xã hội về doanh nhân và công việc kinh doanh, nghiên cứu GEM đã dựa vào 3 chỉ số:
- Tỷ lệ người đồng ý rằng kinh doanh là một lựa chọn nghề nghiệp tốt
- Tỷ lệ người đồng ý rằng những người kinh doanh thành công có vị trí xã hội cao
- Tỷ lệ người đã được nghe quảng bá về các câu chuyện kinh doanh thành công trên các phương tiện thông tin đại chúng
Kết quả nghiên cứu GEM 2014 và GEM 2015 đã cho thấy công việc kinh doanh và doanh nhân ngày nay đã được cả thế giới thừa nhận và tôn trọng. Ở hầu khắp các nước trên thế giới, đa số người dân đều coi kinh doanh là một lựa chọn nghề nghiệp đáng mơ ước. (Hình 2)
Ở Việt Nam, tỷ lệ người được hỏi có mong muốn lựa chọn nghề nghiệp là kinh doanh ngày càng có xu hướng tăng lên, từ 63,4% năm 2013 lên 67,2% năm 2014 và 73,3% năm 2015, xếp thứ 11/60, cao hơn nhiều so với mức trung bình 65,7% của các nước phát triển dựa trên nguồn lực. Đây chính là một động lực quan trọng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài ra, có 75,8% người Việt Nam được hỏi đồng ý với nhận định rằng những doanh nhân thành đạt thường có vị trí cao trong xã hội và được mọi người tôn trọng, xếp thứ 16/60. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ vào quảng bá các hình ảnh về những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam; 73,5% người trưởng thành được hỏi khẳng định đã nghe các câu chuyện về doanh nhân qua các phương tiện thông tin truyền thông, giúp Việt Nam xếp thứ 8/60 về chỉ số này năm 2015.
Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.629,8 nghìn tỷ đồng vốn tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn trong năm 2016. Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2016 là 2.520,9 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2015. Số lao động ước tính được tạo việc làm trong các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là 1.268 nghìn người, bằng 86,1% so với năm 2015. Những con số này cho thấy phần nào tác động của các chính sách và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ trong năm 2016.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2016 (tính đến hết ngày 20/12) trên cả nước đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 đơn vị, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015, theo số liệu thống kê từ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Số vốn cam kết đưa vào thị trường của số doanh nghiệp này là 891.094 tỉ đồng, đạt bình quân 8,09 tỉ đồng mỗi doanh nghiệp, tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, cùng thời gian trên, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là gần 26.700 doanh nghiệp, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp mới thành lập đã đăng ký tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là kinh doanh bất động sản (tăng 83,9%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%) và giáo dục đào tạo (tăng 43,1%).
Ngược lại, một số ngành nghề kinh doanh có số lượng đăng ký giảm so với cùng kỳ là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 26,2%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 15%).
Năm 2016 được chính phủ lựa chọn làm năm “quốc gia khởi nghiệp” với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai dưới đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Một nghiên cứu vừa được công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ 2017 cho biết, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp.
Khảo sát về tinh thần khởi nghiệp (AGER) tại 45 quốc gia với 50.861 người từ 14 tuổi trở lên vừa được công bố bởi sự phối hợp thực hiện của Tập đoàn Amway, Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) và công ty nghiên cứu thị trường GFK. Đáng chú ý, theo báo cáo này, Việt Nam đứng đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp (AESI) và đứng thứ hai về Thái độ tích cực đối với khởi nghiệp.
Cụ thể, 91% người Việt được hỏi cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Đồng thời, 96% cho rằng họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, 76% trả lời lý do muốn khởi nghiệp là “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình”. Để được độc lập trong kinh doanh là lý do chính người Việt muốn khởi nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhiều doanh nhân, việc khởi nghiệp (Startup) hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, đa số doanh nghiệp khởi nghiệp thường non trẻ, nguồn tài chính không có nhiều, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn. Do đó, những kiến thức về thủ tục hành chính, pháp lý… đang khiến những doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều lúng túng.
- Một số giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Thứ nhất, cần phải hình thành tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện trong hệ thống giáo dục và xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, việc cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn giáo dục - đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp.
Thứ hai, để khởi nghiệp thành công cần phải biết được nội lực của mình. Từ khi có ý tưởng đến khi thành lập một dự án cần chuẩn bị kế hoạch bài bản gồm: cơ sở, tiền đề để khởi nghiệp, chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp, bộ máy điều hành đảm bảo tinh gọn, nhưng hiệu quả. Tuy nhiên để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt kết quả tốt rất cần hỗ trợ của nhà nước về vốn, thủ tục hành chính tinh gọn.
Thứ ba, là cần có các chính sách nhất quán và đồng bộ từ chính phủ và các cấp chính quyền, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp. Hiện nay, các chính sách, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn quá thiếu và yếu kém. Theo số liệu công bố của nhà nước, trong những năm gần đây, số lượng các công ty mới thành lập bình quân khoảng 80.000 doanh nghiệp/năm nhưng cũng đã có bình quân khoảng 50.000 công ty ngừng hoạt động/mỗi năm. Điều này chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống nhưng vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách và sự đầu tư đúng mức, hỗ trợ cần thiết từ nhà nước và xã hội nên những doanh nghiệp mới hoạt động, những người khởi nghiệp không trụ lại được với tỷ lệ khá lớn.
Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là thanh niên về khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Sớm nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp doanh nghiệp.
Thứ năm, cần nhanh chóng và kiên quyết cải cách thể chế theo hướng giảm mạnh thủ tục hành chính, triệt bỏ tệ nạn sách nhiễu doanh nghiệp từ các cơ quan công quyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình khởi nghiệp, quá trình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp được thông suốt và hiệu quả.
- Kết luận
Tóm lại, con đường khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay thường rất khốc liệt và nhiều rủi ro nhưng nếu không dấn thân, mạnh dạn, dám đối mặt với thách thức thì không thể khởi nghiệp thành công. Chắc chắn rằng một khi tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp nở rộ trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là trong thế hệ trẻ Việt Nam thì nó sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ nhất, chủ yếu nhất thúc đẩy phát triển nền kinh tế, phát triển xã hội, đưa đất nước tiến lên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Đỗ, Khởi nghiệp làm doanh nhân, Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2006.
- Đinh Việt Hòa, Tinh thần Khởi nghiệp kinh doanh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
- Nguyễn Hồng Sơn - Phan Chí Anh, Phụ nữ khởi nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
- Trần Văn Trang, Cẩm nang hiểu biết về kinh doanh, Sách hướng dẫn khởi nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2017.
- VCCI, Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014, Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2015.
- VCCI, Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015, Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà Nội, 2016.
- VCCI, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2017.
ANALYZING THE ENTREPRENEURIAL SPIRIT OF VIETNAMESE ENTREPRENEURS IN THE INTEGRATION PERIOD MA. NGUYEN THI THANH TAM Department of Business Administration, Faculty of Business Administration, Thuong mai University ABSTRACT: Vietnam has a new generation of young, vibrant and determined entrepreneurs who are committed to realizing their passion for business. In order to succeed, apart from equipping them with sufficient business knowledge, market knowledge, business management model, entrepreneurial spirit, they also need a professional and healthy business environment. This article introduces the entrepreneurial spirit in Vietnam, summarizes some basic theories of entrepreneurial spirit. On that basis, the article proposes some solutions to strongly promote entrepreneurial spirit to become the driving force for business development. Keywords: Start-up, Starting a business, Start-up spirit, integration period. |