Tóm tắt:
Nghiên cứu nhằm nâng cao sức hút, sức cạnh tranh của các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam hiện nay và để thực hiện được các yêu cầu của Chính phủ đề ra, cần nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển bền vững các KCN. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở phân tích thực trạng các KCN và tình hình thu hút FDI vào các KCN hiện nay, thấy được những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thu hút FDI cho phát triển bền vững các KCN, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi, nâng cao tính cạnh tranh, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ khóa: khu công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút FDI.
1. Đặt vấn đề
Trải qua 29 năm kể từ khi Chính phủ Việt Nam ban hành quy định cụ thể về khu công nghiệp trong Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 (Luật số 52-l/CTN, ngày 11/11/1996), đến nay, số lượng các khu công nghiệp (KCN) ngày càng tăng và giữ vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong đó, có thể thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn giữ một vị trí quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư góp phần phát triển các KCN Việt Nam trong suốt thời gian qua. FDI không chỉ mang lại nguồn vốn cần thiết đến các KCN mà nó còn đem lại công nghệ, kinh nghiệm vận hành, quản lý quốc tế, giúp nâng cao chất lượng, hiệu suất sản xuất các KCN, nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó góp phần hình thành khu vực kinh tế vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả địa phương và quốc gia. FDI mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, địa phương và khu vực, tuy nhiên, khả năng thu hút FDI tại các KCN ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển bền vững. Nhận thức rõ những lợi thế, tồn tại ở KCN Việt Nam hiện nay cũng như những hạn chế trong quá trình thu hút FDI vào các KCN để có giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào khu vực này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong thời gian tới.
2. Hiện trạng các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay
Với lợi thế nguồn lao động giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các KCN. KCN trên cả nước gia tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả nước đã có 418 KCN thành lập với tổng diện tích 219,1 nghìn ha, trong đó có 298 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 155,3 nghìn ha. Đến nay, các KCN đã phát triển và có mặt tại 61 địa phương trên Tổ quốc. Bên cạnh đó, các KCN ở Việt Nam hiện nay cũng rất đa dạng về ngành nghề, không chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống như may mặc và chế biến thực phẩm, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, ô tô, và chế tạo máy móc. Điều này giúp tạo ra sự đa dạng hóa kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cho các Doanh nghiệp trong khu vực.
Với sự phát triển ngày một lớn mạnh, thống kê của VCCI cho thấy các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp vào khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Góp phần đáng kể vào nguồn ngân sách nhà nước, thặng dư cán cân thương mại, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất,…Ngoài ra, theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, các KCN ở địa phương đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (chiếm 41,3% số lao động làm việc trong KCN trong cả nước).
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của các KCN thời gian qua thì việc duy trì và phát triển KCN đang đối mặt với một số thách thức đáng kể liên quan đến ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt cơ sở hạ tầng tương ứng. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đến hơn 50% các KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa tận dụng hết được nguồn tài nguyên đất đai vốn có rộng lớn của nền kinh tế. Đồng thời, mô hình phát triển KCN còn chậm đổi mới, số lượng các KCN sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ,… còn tương đối thưa thớt. Quy hoạch phát triển KCN còn thiếu tầm nhìn tổng thể và dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế - xã hội khác. Hạ tầng, nhà ở công nhân còn thiếu, chưa gắn kết, đồng bộ với sự phát triển KCN. Vẫn còn tồn tại mô hình phát triển KCN theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất, chưa xây dựng và phát triển được nhiều mô hình KCN mới như mô hình KCN công nghệ cao, KCN sinh thái,… để tận dụng được các cơ hội và yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế về phát triển xanh, bảo vệ môi trường... và chưa đáp ứng được đòi hỏi của xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Những thách thức trên đòi hỏi cần phải có một nguồn vốn lớn cho đầu tư, quy hoạch, đổi mới công nghệ, tái cấu trúc để chuyển đổi mô hình KCN. Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn FDI cũng như đứng trước nhu cầu đầu tư lớn cho phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đặt ra mục tiêu thu hút tổng vốn FDI đăng ký vào các KCN, khu kinh tế đến năm 2030 đạt khoảng 280 - 330 tỷ USD, tổng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 240 - 290 tỷ USD. Chính vì vậy để có thể thực hiện mục tiêu phát triển bền vững KCN trên cả nước, các Bộ, ngành, địa phương cần có các cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những khó khăn mà các khu KCN đang gặp phải đồng thời tận dụng những lợi thế, cơ hội để nâng cao sức hút, sức cạnh tranh của các KCN hiện nay.
3. Tình hình thu hút FDI vào các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay
Cùng với sự khởi sắc trong bức tranh kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam trong 03 tháng đầu năm. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/03/2024 cả nước có 39.758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,83 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD. Theo đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, FDI vào các khu công nghiệp thu hút khoảng 40% tổng lượng vốn FDI tăng thêm mỗi năm của cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, các KCN, khu kinh tế đã thu hút được dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bất nhất là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Hà Lan với tỷ trọng khoảng 83% tổng vốn FDI vào KCN.
Bảng 1. Cơ cấu FDI theo đối tác đầu tư tại các khu công nghiệp
STT |
Đối tác |
Tỷ trọng |
1 |
Hàn Quốc |
23,7% |
2 |
Nhật Bản |
16,9% |
3 |
Singapore |
13,6% |
4 |
Đài Loan |
11,9% |
5 |
Hồng Kông |
7,4% |
6 |
Trung Quốc |
6,3% |
7 |
Hà Lan |
3,4% |
8 |
Các đối tác khác |
16,8% |
Tổng |
100% |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
FDI vào KCN chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bảng 2. Cơ cấu FDI theo địa phương tại các khu công nghiệp
STT |
Địa phương |
Tỷ trọng |
1 |
Đồng Nai |
12,9% |
2 |
Bình Dương |
10,3% |
3 |
Bắc Ninh |
8,0% |
4 |
Hải Phòng |
7,8% |
5 |
TP. Hồ Chí Minh |
6,6% |
6 |
Bà Rịa – Vũng Tàu |
5,3% |
7 |
Hà Tĩnh |
4,6% |
8 |
Các địa phương khác |
44,5% |
Tổng |
100% |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Lượng vốn FDI lớn đổ vào các KCN trong thời gian qua đã bổ sung một nguồn lực dồi dào cho đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp nước ngoài mang dòng vốn đến Việt Nam giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, tạo nền móng quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Các tập đoàn đa quốc gia với công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển trên thế giới mang đến các kinh nghiệm quản lý, chia sẻ và truyền đạt những kiến thức cho các doanh nghiệp địa phương, giúp nâng cao năng lực quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp trong khu vực. Các công nghệ mới mang đến Việt Nam góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường sức cạnh tranh của các KCN trên thị trường quốc tế. Về kinh tế, doanh nghiệp FDI với mục tiêu đầu tư cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho thị trường xuất khẩu, góp phần tăng cường năng lực xuất khẩu và tạo ra các nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam. Về xã hội, các doanh nghiệp FDI góp phần tạo việc làm cho hàng triệu lao động, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất cho người lao động. Ngoài ra, trong những năm gần đây với xu hướng tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp nước ngoài mang đến công nghệ mới làm giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường đến công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Từ những kết quả đạt được có thể thấy FDI luôn giữ vai trò tiên quyết đối với sự phát triển bền vững KCN tại Việt Nam. Vì vậy việc tạo một môi trường thuận lợi để tăng cường sức hút, sức hấp dẫn đối vời dòng vốn này sẽ góp phần phát triển bền vững các KCN Việt Nam hiện nay.
4. Hạn chế trong thu hút FDI và phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam hiện nay
Nhìn lại chặng đường thu hút FDI vào các KCN tại Việt Nam, có thể thấy bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Thứ nhất, hạn chế về thể chế, chính sách của Nhà nước về thu hút FDI vào các KCN.
Mặc dù, Chính phủ đã có những nỗ lực trong hoàn thiện xây dựng chính sách về KCN, ban hành nhiều chính sách về ưu đãi, hấp dẫn thu hút FDI. Tuy nhiên, nhiều thể chế, chính sách hiện tại về các KCN còn thiếu sót, thiếu tính đồng bộ, chưa thiết thực. Các quy hoạch định hướng còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa sát với nhu cầu và khả năng thực tế của khu vực. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh thường xuyên thay đổi và khó lường trước được gây khó khăn đối với các nhà đầu tư trong việc nắm bắt thông tin. Một vài chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính bảo hộ đối với doanh nghiệp trong nước, chưa thực sự tạo môi trường đầu tư bình đẳng, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Về các chính sách ưu đãi đầu tư, các ngành, lĩnh vực ưu đãi đầu tư còn thiếu tính chọn lọc, mới tập trung vào số lượng chưa chú trọng vào chất lượng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giá trị lan tỏa,…, chưa có sự phân biệt ưu đãi giữa ngành sản xuất với các hoạt động thương mại, dịch vụ và giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau trong các khu kinh tế. Các chính sách ưu đãi này cũng chưa đủ động lực thể hút các doanh nghiệp FDI đặc biệt với các dự án chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, hạn chế về thủ tục pháp lý và pháp luật liên quan đến đầu tư.
Các thủ tục hành chính ở nhiều địa phương còn rườm rà, qua nhiều khâu, nhiều bước dẫn đến chậm trễ trong thực hiện làm giảm hiệu quả trong việc phát triển các KCN theo định hướng xanh, bền vững. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam bị gây khó khăn bởi các quy trình đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan về tính minh bạch và thời gian xử lý. Một số quy trình, thủ tục như cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án FDI còn chưa được đảm bảo chặt chẽ dẫn đến khiếu nại, tranh chấp gây ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh. Các quy định và định hướng phát triển khu công nghiệp tuy đã được ban hành nhưng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản pháp quy khác nhau và trong các bộ luật liên quan, rất khó cho các nhà đầu tư tiếp cận một cách đầy đủ và chính xác.
Thứ ba, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao phục vụ trong các KCN.
Mặc dù số lượng lao động tại các KCN là tương đối lớn tuy nhiên chất lượng của lao động còn thấp. Các doanh nghiệp trong KCN địa phương chủ yếu chỉ yêu cầu lao động phổ thông, không có bằng cấp, chỉ đáp ứng nhu cầu của các công việc đơn giản trong quá trình sản xuất. Theo kết quả khảo sát của Viện Lao động và xã hội có 2/3 số doanh nghiệp cho biết: phần lớn người lao động thiếu hụt kỹ năng chuyên môn và nòng cốt. Ví dụ như tại KCN Hải Phòng nơi đang có tỷ trọng thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics chiếm hơn 80% nhưng mới chỉ khoảng 11% số lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao, 19% đạt trình độ chuyên môn bậc trung. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ thì nguồn lao động này không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc vận hành máy móc, thiết bị công nghệ cao đòi hỏi người lao động phải có trình độ, được đào tạo và tiếp xúc với khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, ở các địa phương hiện nay còn chưa phổ biến các trung tâm đào tạo, trung tâm dạy nghề, các chương trình dạy nghề miễn phí nhằm cung cấp lao động chất lượng cao cho thị trường.
Thứ tư, hạn chế về hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ tại các KCN.
Mặc dù hạ tầng kỹ thuật của một số KCN đã có những cải thiện, nhưng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ vẫn còn hạn chế, thiếu các điều kiện cần thiết, thiếu công nghệ hiện đại ở một số khu vực, gây ra bất tiện cho các nhà đầu tư quốc tế. Một số KCN với các dự án lớn không đáp ứng được nhu cầu điện và nước cho các doanh nghiệp trong KCN gây gián đoạn sản xuất và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Hạ tầng giao thông kém như đường xá kém chất lượng có thể làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và gây trở ngại cho việc di chuyển của ngừoi lao động. Một số khu vực có kết nối viễn thông yếu, mạng lưới viễn thông không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp có thể gây trở ngại cho việc truy cập internet và giao tiếp kỹ thuật số, đặc biệt với các doanh nghiệp FDI đang trong quá trình hướng tới chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống xử lý nước, hẹ thống xử lý rác thải, các dịch vụ như bảo vệ, y tế và giáo dục có thể làm giảm sức hấp dẫn của KCN đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thiếu hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ hậu cần có thể làm giảm sự linh hoạt và khả năng sửa chữa nhanh chóng, dẫn đến gián đoạn sản xuất và tăng chi phí bảo dưỡng.
Thứ năm, còn thiếu các mô hình phát triển KCN kiểu mới phù hợp với mục tiêu của các doanh nghiệp FDI.
Mô hình các KCN còn chậm đổi mới, thiếu vắng các KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ. Nguyên nhân là do, đến nay vẫn chưa có một quy định chính thức nào cho khái niệm KCN xanh và cũng chưa có luật pháp nào có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, quyền lợi và trách nhiệm về việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Quy định pháp lý về việc sử dụng nước tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện dự án. Như vậy có thể thấy, thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến KCN xanh, sinh thái vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Đặc biệt, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất hay các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất xanh chưa có phụ thuộc nhiều vào khả năng cũng nhu cầu của doanh nghiệp.
5. Một số giải pháp đề ra
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến thu hút FDI vào khu công nghiệp
Tăng cường sự chủ động vào cuộc mạnh mẽ về đồng bộ trong bạn hành thể chế, chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Cải thiện khả năng dự báo và tính minh bạch trong xây dựng quy hoạch. Xây dựng quy trình theo dõi, đánh giá sự phù hợp, tác động, chất lượng của chính sách và tính hiệu lực, hiệu quả của khâu thực thi chính sách. Ban hành chính sách tạo hành lang pháp lý cho phát triển và quản lý các hình thức và phương thức đầu tư mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Có cac cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng thu hút nguồn vốn FDI vào các lũnh vực cần ưu tiên. Xây dựng các chính sách phát triển cụm liên ngành, chuỗi giá trị góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của các KCN trên cả nước.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về FDI tại các KCN. Đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động đầu tư tại các khu công nghiệp. Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về FDI. Cải thiện tính minh bạch trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu xây dựng cơ chế áp dụng các thủ tục đầu tư kinh doanh một cách linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm đối với những ngành, nghề kinh doanh phù hợp để tạo ra sự cạnh tranh trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI chất lượng.
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI
Địa phương cần có chính sách hỗ trợ các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động. Ngừoi lao động có các cơ hội tiếp cận các khóa học về kỹ năng cơ bản, kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn để nâng cao trình độ và hiểu biết. Thiết lập các chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học hoặc trung học nghề để đảm bảo rằng những gì được giảng dạy phản ánh nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Phối hợp với các Doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Đài Loan (Trung Quốc), cụ thể như: Nissan, LG,… để xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu và tuyển dụng trước khi tốt nghiệp. Các trường ở địa phương cũng nên đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút hoặc tận dụng các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam. Việc tận dụng hiệu quả nguồn lực chuyên gia, giảng viên chất lượng, giàu kinh nghiệm và kiến thức từ các nước bạn đi trước trong ngành công nghiệp hỗ trợ, được kì vọng sẽ mang lại những hiệu quả cao trong việc phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Thứ tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng dịch vụ. Cần tạo ra một cơ sở hoặc một cổng thông tin điện tử trực tuyến kết nối công nghiệp hỗ trợ địa phương với các doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu. Cổng thông tin kỹ thuật số này có thể được thành lập ở cấp trung ương và cấp chính quyền địa phương đồng thời có thể thực hiện thêm các hoạt động hội thảo hoặc triển lãm để kết nối những địa phương có nhu cầu với các đối tác cung cấp. Các KCN và địa phương cũng phải thưởng xuyên đánh giá và cập nhật xu hướng công nghệ, khoa học kỹ thuật. Xây dựng chiến lược phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghệ hỗ trợ theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hợp tác, chuyển giao công nghệ và quản trị đồng thời nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khoa học công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Thứ năm, nhanh chóng chuyển đổi mô hình các KCN hiện tại sang KCN thông minh, KCN xanh. Các nhà đầu tư đặc biệt là doanh nghiệp FDI gần đây đang quan tâm nhiều hơn đến dự án công nghiệp xanh. Khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, bên cạnh các ưu tiên như vị trí, nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác, xu hướng khu công nghiệp xanh cũng là yếu tố được các doanh nghiệp FDI ưu tiên khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Theo đó, hiện có 4 mô hình khu công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, được nhiều quan tâm nhất là khu công nghiệp sinh thái - xu hướng của thế giới; khu công nghiệp đô thị dịch vụ - công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; khu công nghiệp thông minh - quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải bằng hệ thống thông minh; khu công nghiệp tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.
Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cần có nhiều hơn các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất đảm bảo sạch hơn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, từng bước thay thế các KCN truyền thống sang mô hình xanh, thông minh. Trong quá trình chuyển đổi, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những vướng mắc mà doanh gặp phải khi chuyển đổi sang mô hình KCN bền vững, từ đó có giải pháp chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan để xây dựng và phát triển các KCN thông minh, hiệu quả và bền vững góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các KCN hiện nay và giúp thu hút mạnh mẽ nguồn vốn của các doanh nghiệp nước ngoài.
5. Kết luận
Các KCN ở Việt Nam luôn giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, là động lực của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp lớn lao vào thành công của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, phát triển bền vững các KCN tại Việt Nam luôn là vấn đề nằm trong mục tiêu chiến lược quốc gia trong đoạn 2021 - 2030 đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chung về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của các KCN cũng như vai trò của nguồn vốn FDI, Đảng, Nhà nước và các cơ quan địa phương cần phải có các hành động nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, công bằng, minh bạch nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI vào các KCN phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, để thực hiện mục tiêu này, đóng góp quan trọng nhất đến từ các cơ quan nhà nước trong việc ban hành các chủ trương, chính sách pháp luật thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Phát triển bền vững các KCN tại Việt Nam hiện nay sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Kỷ yếu Hội thảo:“Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện”. Truy cập tại: https://ipcs.mpi.gov.vn/hoi-thao-phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-chinh-sach-va-giai-phap-thuc-hien/.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cục Đầu tư nước ngoài (tháng 2/2024). Báo cáo Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài 2 tháng đầu năm 2024. Truy cập tại: https://ipcs.mpi.gov.vn/tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-02-thang-dau-2024/.
- Phan Hữu Thắng (tháng 3/2024). Phát triển khu công nghiệp và vai trò của doanh nghiệp. Truy cập tại: https://nhandan.vn/phat-trien-ha-tang-khu-cong-nghiep-de-thuc-day-tang-truong-post801344.html.
- Phạm Quang Đại (2023). Phát triển khu công nghiệp bền vững là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023.
- Việt Hằng (tháng 3/2024). Phát triển bền vững - "”Chìa khóa" gia tăng sức hấp dẫn của các khu công nghiệp Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-ben-vung-chia-khoa-gia-tang-suc-hap-dan-cua-cac-khu-cong-nghiep-viet-nam-118767.htm
- Nhóm phóng viên kinh tế (tháng 3/2024). Hiện thực hóa tham vọng Net-Zero. Truy cập tại: https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-tham-vong-net-zero-post784948.html
- Ngô Công Thành (tháng 1/2024). Phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam và nhu cầu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đến năm 2030. Truy cập tại: https://vietnamfinance.vn/phat-trien-kcn-o-viet-nam-va-nhu-cau-thu-hut-dau-tu-vao-cac-kcn-den-nam-2030-d105657.html.
- Tống Minh (tháng 2/2024). Khu công nghiệp “xanh” - luồng gió mới hút vốn FDI. Truy cập tại: https://baotainguyenmoitruong.vn/khu-cong-nghiep-xanh-luong-gio-moi-hut-von-fdi-372202.html
- Tô Hà (tháng 3/2024). Phát triển hạ tầng khu công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng. Truy cập tại: https://nhandan.vn/phat-trien-ha-tang-khu-cong-nghiep-de-thuc-day-tang-truong-post801344.html.
The sustainable development of industrial zones in Vietnam
and the role of FDI attraction
Master. Dao Thi Viet Hang
HaNoi University of Science and Technology
Abstract:
This study aims to improve the attractiveness and competitiveness of industrial parks in Vietnam. The study also aims to fulfill the requirements set out by the government about seeking solutions to attract foreign direct investment (FDI) for the sustainable development of industrial zones. This study analyzed the current situation of industrial zones and FDI attraction to industrial zones in Vietnam. The study pointed out the remaining limitations in the process of attracting FDI for the sustainable development of industrial zones. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to create a favorable environment, improve competitiveness, and increase FDI attractiveness in industrial zones.
Keywords: industrial parks, foreign direct investment, FDI attraction.