Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần tìm kiếm "đầu tàu" vững chãi

Giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đặt ra nhiều bài toán thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là sự thiếu vắng các doanh nghiệp đầu tàu vững mạnh.

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã diễn ra sáng 19/12/2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hội nghị được đánh giá là cơ hội mở ra diễn đàn thảo luận, chia sẻ thẳng thắn của nhiều bên về các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng hơn 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp Việt.

Hội nghị bàn về giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn về giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sáng 19/12/2018

 

Công nghiệp hỗ trợ - nền tảng quan trọng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sáng 19/12/2018
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt.

 

Đây cũng là ngành công nghiệp nền tảng để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2018 là khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và trên 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy, chiếm khoảng 4% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tạo việc làm cho gần 600.000 lao động, tương đương 8% số lao động trong toàn ngành CBCT, với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh năm 2018 ước đạt trên 900 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% cho tổng doanh thu của toàn ngành chế biến chế tạo.

 

“Các nước có nền công nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới đều rất quan tâm, chú trọng và đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ từ rất sớm và thực tế là họ đã đạt được những thành tựu vượt bậc”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn nhận định, nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế nhất định nên chưa phát triển được như kỳ vọng, đặc biệt là quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tuy đã cải thiện nhưng còn ít về số lượng cũng như thiếu nguồn lực và công nghệ sản xuất, dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ.

“Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, cần coi công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.

“Cùng với đó, cần xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, chỉ rõ các doanh nghiệp dẫn đầu trong từng lĩnh vực. Từ đó có chính sách, giải pháp tập trung hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp Việt Nam trở thành hạt nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp CNHT nâng cao trình độ và tháo gỡ khó khăn tài chính

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua, những cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa đã tạo thêm động lực cho khu vực tư nhân, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, qua đó giúp tăng năng suất lao động trong khu vực công nghiệp và góp phần làm tăng năng suất lao động của nền kinh tế.

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sáng 19/12/2018
Toàn cảnh Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sáng 19/12/2018

 

Tuy vậy, chuyển dịch của khu vực công nghiệp trong cơ cấu GDP nhìn chung còn chậm trong 05 năm qua. Theo đó, qua các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 90% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác.

Sản phẩm công nghiệp Việt Nam phần lớn là những sản phẩm cuối cùng như điện tử, dệt may và da giày, phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu, phụ tùng và vật liệu nhập khẩu do công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ kém phát triển. Sản phẩm cuối cùng đều có tiêu chuẩn và chất lượng toàn cầu, vì vậy các linh kiện và phụ tùng lắp ráp cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn và chất lượng toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng việc phần lớn linh kiện và phụ tùng có giá trị gia tăng cao phải nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15 % GDP so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN và khu vực Đông Á, Thái Lan 26%, Hàn Quốc 28% , Trung Quốc 36%.

 

“Công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng - sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua triển khai hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về tài chính. Đặc biệt, chú trọng công tác xử lý môi trường để khuyến khích các địa phương hợp tác và tiếp nhận các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố mình.

“Bộ Công Thương đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy CNHT phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời cũng mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ đạt được những mục tiêu, định hướng đề ra”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Thy Thảo - Ảnh: Chinhphu.vn