TÓM TẮT:
Ngành công nghiệp Halal toàn cầu phát triển nhanh chóng đã và đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế mới. Kèm theo đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực Halal của các nước tham gia vào thị trường Halal quốc tế. Đáp ứng nhân lực Halal đang là thách thức lớn đối với các nước có ít người Hồi giáo và đang trong quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghiệp Halal, trong đó có Việt Nam. Xuất phát từ thực trạng đó, bài viết sẽ đi sâu làm rõ ảnh hưởng của vấn đề thiếu nguồn nhân lực lên ngành công nghiệp Halal và cản trở các nước tham gia vào thị trường Halal quốc tế, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để kiến nghị giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Halal Việt Nam.
Từ khóa: Halal, công nghiệp Halal, đào tạo nhân lực Halal.
1. Ngành công nghiệp Halal và thách thức về thiếu nguồn nhân lực
Ngành công nghiệp Halal (gọi tắt là ngành Halal) là tổng thể các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo như thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo, y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với người Hồi giáo, chuỗi cung ứng,…
Trong thế giới đương đại, thị trường Halal đã vượt ra ngoài các nước Hồi giáo và được người tiêu dùng không theo Hồi giáo toàn thế giới quan tâm, mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác, phát triển kinh tế.1 Theo báo cáo của IMARC, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm 2022.2 Với số người theo đạo Hồi dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 chiếm khoảng 30% dân số thế giới, quy mô thị trường Halal toàn cầu dự báo sẽ đạt mức tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%.3
Halal là thuật ngữ luật Hồi giáo có ý nghĩa “được phép”. Một sản phẩm được coi là Halal khi không chứa các thành phần bị cấm (haram) như thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, rượu và động vật không được chế biến theo quy định của kinh Qur'an. Trước đây, Halal chỉ được áp dụng cho thực phẩm nhưng hiện nay đã mở rộng bao gồm hầu hết mọi loại hàng hóa và dịch vụ, từ thực phẩm đến mỹ phẩm, thời trang, dược phẩm, tài chính, du lịch,...4
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp Halal toàn cầu trong vài thập kỷ qua đã và đang đặt ra thách thức lớn về nguồn nhân lực cho tất cả các nước tham gia vào thị trường Halal quốc tế, bao gồm cả các nước có ngành công nghiệp Halal phát triển. Như tại Mỹ, các tổ chức cấp chứng nhận Halal luôn ở trong tình trạng thiếu nhân sự đủ trình độ để thực hiện kiểm định và cấp phép sản phẩm Halal.5 Châu Âu có nhu cầu cao về sản phẩm Halal nhưng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về Halal rất hạn chế. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực Halal càng trở nên thách thức hơn đối với các nước mà Hồi giáo không phải tôn giáo chính và cộng đồng người Hồi giáo chiếm thiểu số như Việt Nam.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước đến nay đều khẳng định nguồn nhân lực Halal là một trong các thành tố quan trọng của ngành công nghiệp Halal, nhưng lại chưa làm rõ ảnh hưởng của tình trạng thiếu nhân sự Halal lên quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghiệp Halal, cũng như sự tham gia của các nước vào thị trường Halal quốc tế. Vấn đề thiếu nhân sự Halal không chỉ do không đáp ứng về số lượng, mà còn do lực lượng lao động không đáp ứng trình độ, chuyên môn làm việc trong ngành công nghiệp Halal. Vấn đề này cần được giải quyết bởi các giải pháp cụ thể về đào tạo và xây dựng năng lực.
Ngành công nghiệp Halal cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực Halal bài bản. Nhân lực Halal hiện diện ở mọi thành phần trong toàn bộ hệ sinh thái Halal, bao gồm các học giả tôn giáo, nhà khoa học và chuyên gia công nghệ, các bên tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm; người tiêu dùng và chính phủ, cần có kiến thức về tiêu chuẩn chung đối với các sản phẩm Halal, quy trình và điều kiện cấp chứng chỉ Halal tại các thị trường Halal lớn trên thế giới, đáp ứng trình độ chuyên môn của từng vị trí cụ thể trong chuỗi cung ứng Halal.6
Theo đó, các học giả Hồi giáo cần được đào tạo về chuỗi cung ứng thực phẩm hiện đại để xây dựng các quy định tôn giáo dựa trên thực tế. Các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ thực phẩm cần nắm vững các nguyên tắc trong luật Hồi giáo về thực phẩm. Các doanh nghiệp Halal cần một lượng nhân sự lớn, có trình độ chuyên môn cao, phục vụ tại nhiều vị trí trong chuỗi cung ứng Halal như: nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu, các nhân viên đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng, kiểm toán nội bộ, xử lý thực phẩm, quản lý kho vận, vận chuyển… Các cơ quan quản lý Halal của nhà nước cần nắm vững tất cả các vấn đề này để xây dựng chính sách, quản lý điều hành vĩ mô ngành công nghiệp Halal và cấp phép/chứng nhận Halal. Người tiêu dùng cần nắm được tình trạng của các sản phẩm và dịch vụ Halal trong chuỗi cung ứng, từ đó xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng và thiết lập mối quan tâm với sản phẩm, dịch vụ Halal.
Không chỉ là thành tố quan trọng của ngành công nghiệp Halal, nhân sự Halal còn là điều kiện bắt buộc trong xin cấp phép/chứng nhận Halal tại nhiều nước. Theo thống kê, một trong số các nguyên nhân các doanh nghiệp bị từ chối cấp chứng nhận Halal hay gặp phải là do thiếu nhân sự có chuyên môn, hiểu biết về quy trình Halal.7 Malaysia quy định doanh nghiệp xin cấp phép/chứng chỉ Halal phải có nhân viên Hồi giáo làm nhiệm vụ giám sát và có đủ nguồn nhân lực để thực hiện hệ thống kiểm soát Halal của công ty; công ty phải thực hiện đào tạo/huấn luyện cho các nhân viên về các nguyên tắc Halal.8 Indonesia quy định, doanh nghiệp xin cấp phép/chứng chỉ Halal phải có đội ngũ quản lý Halal chịu trách nhiệm lập kế hoạch, triển khai, đánh giá và cải thiện hệ thống bảo đảm Halal; ban hành quy trình đào tạo về Halal; đào tạo Halal phải được thực hiện ít nhất 1 lần/năm.9 Brunei quy định, doanh nghiệp xin cấp phép/chứng nhận Halal phải chỉ định tối thiểu 2 người giám sát quy trình sản xuất các sản phẩm Halal là người Hồi giáo, ít nhất 2 người giám sát là người Hồi giáo, trên 18 tuổi, có kiến thức cơ bản về Luật Hồi giáo và hiểu biết về chất lượng thực phẩm và sản phẩm người Hồi giáo sử dụng.10
Các nước quan tâm phát triển ngành công nghiệp Halal thường chú trọng đào tạo nguồn nhân lực Halal từ sớm. Các chương trình đào tạo Halal được xây dựng nhằm đào tạo chuyên gia, người Hồi giáo hoặc người không theo đạo Hồi làm việc liên quan đến ngành công nghiệp Halal, những cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia ngành công nghiệp Halal hoặc những người muốn cải thiện trình độ sản xuất Halal.11 Các chương trình đào tạo này được phát triển dựa trên Luật Hồi giáo, thường bao gồm các nội dung về khái niệm Halal, tầm quan trọng của Halal đối với người tiêu dùng Hồi giáo, thực phẩm nào là Halal (được phép) và Haram (bị cấm), thị trường Halal, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chứng nhận Halal và đào tạo quản lý Halal nội bộ.
Tiếp theo, bài viết sẽ khảo sát kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực Halal của một số nước có ngành công nghiệp Halal phát triển, bao gồm các nước Hồi giáo và không theo Hồi giáo trong khu vực.
2. Kinh nghiệm các nước trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Halal
2.1. Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Halal tại một số nước Hồi giáo trong khu vực
Malaysia
Malaysia có ngành công nghiệp Halal dẫn đầu thế giới và khu vực. Malaysia có vị thế vượt trội trong thị trường Halal toàn cầu nhờ được sự hỗ trợ của chính phủ, nghiên cứu và phát triển, chính sách và phát triển nguồn nhân lực.12 Năm 2023, Malaysia đã công bố Kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal đến năm 2030, trong đó, chú trọng đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Halal.13 Sự quan tâm đến thị trường Halal quốc tế trong những thập kỷ qua đã tạo ra một nền tảng tốt để tăng cường các chương trình đào tạo Halal, các nghiên cứu và nghiên cứu chính thức tại Malaysia. Đào tạo Halal tại Malaysia gồm 2 loại hình: đào tạo nhận thức về Halal và đào tạo năng lực Halal. Nội dung đào tạo Halal thực hiện theo giáo trình của Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) và được tổ chức bởi một nhà cung cấp đào tạo Halal, được chứng nhận bởi Hội đồng Chuyên gia Halal.14
Viện Nghiên cứu và Quản lý Halal của Malaysia có nhiệm vụ phát triển các mô-đun, chương trình đào tạo và dịch vụ Halal. Các trung tâm nghiên cứu này tập trung đào tạo nhân sự về quản lý Halal và nghiên cứu khoa học về Halal, cấp bằng cấp, chứng chỉ đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu Halal như bằng diploma, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, cũng như các chương trình đào tạo chuyên gia và dạy nghề.16 Ngoài ra, Malaysia còn hợp tác quốc tế với các cơ quan đào tạo Halal các nước trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ Halal. Các chương trình đào tạo Halal của Malaysia hướng tới đào tạo lực nguồn nhân lực Halal chuyên nghiệp.15
Indonesia
Indonesia là nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới với công nghiệp Halal là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Nước này đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực Halal từ sớm. Theo Kế hoạch Tổng thể Phát triển Công nghiệp Halal Indonesia 2023-2029, 1 trong 4 chiến lược chính trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp Halal của Indonesia là tăng cường thương hiệu và nhận thức về Halal.17
Công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực Halal của Indonesia được thúc đẩy thông qua các cơ sở quan trọng như Viện Đánh giá Thực phẩm, Thuốc và Mỹ phẩm Indonesia (LPPOM-MUI) thành lập năm 1989. Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) là tổ chức chịu trách nhiệm cấp chứng nhận Halal và được LPPOM hỗ trợ từ năm 1989. LPPOM tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khoa học như hóa học, công nghệ thực phẩm và thú y.18 Trung tâm Khoa học Halal thuộc Đại học Nông nghiệp Bogor thành lập năm 2008 có chức năng hỗ trợ kiểm định và chứng nhận Halal, nghiên cứu phát triển quy trình phát hiện các chất trái tiêu chuẩn Halal. Trung tâm Nghiên cứu Sản phẩm Halal của Đại học Gadjah Mada tập trung nghiên cứu hệ thống và quản lý Halal, phát triển phương pháp phân tích và thiết bị liên quan. Các trung tâm này tổ chức nhiều khóa đào tạo và hội thảo về phân tích và kiểm toán sản phẩm Halal, nhằm nâng cao kiến thức và hỗ trợ phát triển thị trường Halal.19 Indonesia cũng tích cực thiết lập mạng lưới hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy nghiên cứu về Halal.20
Tại Indonesia, các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về Halal thường được tuyển dụng vào các tổ chức cấp chứng nhận Halal, cơ sở sản xuất, phòng thí nghiệm và các cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm như LPPOM-MUI. Một số chuyên gia có cơ hội làm việc tại các tổ chức quốc tế thông qua các dự án hợp tác quốc tế, hội thảo, khóa đào tạo, hoặc các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế.
Brunei
Từ năm 2011, Brunei đã ban hành các bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia bắt buộc nhằm phục vụ thực hành tôn giáo và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Halal trong nước nhằm mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ.21 Công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực Halal của Brunei chủ yếu được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Halal tại Đại học Hồi giáo Sultan Sharif Ali (UNISSA) năm 2017, đang triển khai các chương trình nghiên cứu và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực Halal nhằm phát triển ngành công nghiệp Halal trong nước. Trung tâm tập trung vào việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề Halal hiện nay và cung cấp các chương trình đào tạo các trình độ Cử nhân Khoa học Halal, Thạc sĩ Quản lý Halal (theo hình thức khóa học và luận văn), Thạc sĩ Luật Halal (theo hình thức khóa học và luận văn), Thạc sĩ Khoa học Halal (chỉ học phần) và Tiến sĩ về Quản lý Halal, Luật Halal. Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp chương trình phụ về Khoa học Halal.22 Phòng thí nghiệm Khoa học Halal, Đại học Quốc gia Brunei cũng đã triển khai các nghiên cứu về các phân tích dựa trên DNA và protein. Để thúc đẩy ngành Halal toàn cầu, Brunei đã hợp tác với Đại học Osaka và các cơ sở giáo dục khác, khởi đầu từ năm 2019. Brunei cũng đang thực hiện các chính sách chính trị Hồi giáo đã được thực hiện ở Brunei nhằm mục đích phổ biến và phát triển giáo dục Halal toàn cầu.23
2.2. Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Halal tại các nước không theo Hồi giáo
Nhật Bản
Nhật Bản đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp Halal từ sau dịch Covid-19, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và du lịch Halal.24 Theo Hiệp hội Kinh doanh Halal Nhật Bản (2023), hiện có hơn 30 tổ chức chứng nhận Halal tư nhân và hơn 90 chuyên gia tư vấn Halal đang hoạt động tại Nhật Bản, trong đó hầu hết không được đào tạo bài bản. Các chuyên gia Halal đến từ nhiều nhóm khác nhau, bao gồm cộng đồng Hồi giáo tại Nhật Bản và các học giả Hồi giáo chuyên về nông nghiệp và thực phẩm, các doanh nghiệp Nhật Bản có hiểu biết về các nước Hồi giáo và các tổ chức tôn giáo.25 Nhật Bản đã thiết lập các hệ thống và chương trình giảng dạy về du lịch Halal, trao đổi kiến thức về Halal thông qua các khóa đào tạo, triển lãm quốc tế, hội thảo và hội nghị. Hiệp hội Halal Nhật Bản và Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) đang hợp tác cung cấp các khóa đào tạo hai ngày cho các giám đốc khách sạn Halal, bao gồm kiến thức chung về Hồi giáo, Halal và du lịch Halal. Các khóa đào tạo này đóng vai trò cầu nối cho các bên muốn gia nhập thị trường Halal.26
Các viện nghiên cứu, trường đại học và sinh viên Nhật Bản được khuyến khích tham gia vào xây dựng các nền tảng quản lý kiến thức Halal. Sinh viên quốc tế Nhật Bản và Hồi giáo tại Đại học Keio và Viện Nghiên cứu Keio Shonan Fujisawa (SFC) đã thực hiện một dự án du lịch tại Hakone, phối hợp với Công ty đường sắt Odakyu và Hiệp hội Du lịch Hakone. Dưới sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền địa phương và tổ chức du lịch, Nhóm này đã tổ chức các hội thảo và tham quan thử nghiệm tới Indonesia. Vừa qua, chính quyền tỉnh Kanagawa đã hợp tác với các viện nghiên cứu phát hành tài liệu tiếng Anh hướng dẫn các nhà hàng thân thiện với người Hồi giáo tại Kanagawa. Nhật Bản cũng tranh thủ các sinh viên quốc tế theo đạo Hồi thông qua các chương trình đối tác công nghiệp - học viện.27
Thái Lan
Thái Lan không phải nước Hồi giáo nhưng có ngành công nghiệp Halal khá phát triển trong khu vực. Nước này hiện đang hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực Halal bài bản, chuyên nghiệp. Hội đồng Hồi giáo Trung ương Thái Lan và Viện Tiêu chuẩn Halal và Trung tâm Khoa học Halal Thái Lan đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng, thúc đẩy các tiêu chuẩn Halal, đào tạo nguồn nhân lực và cấp chứng nhận Halal.28 Viện Tiêu chuẩn Halal Thái Lan và Trung tâm Khoa học Halal thành lập năm 2003 có chức năng thiết lập tiêu chuẩn, nghiên cứu và đào tạo liên quan đến Halal. Viện cung cấp các chương trình đào tạo nhân sự có kỹ năng để hỗ trợ ngành công nghiệp và thương mại Halal theo tiêu chuẩn quốc tế. Viện Tiêu chuẩn Halal của Thái Lan thiết lập các tiêu chuẩn Halal, tiến hành nghiên cứu, đào tạo Halal tại Thái Lan và Trung tâm khoa học Halal cung cấp đào tạo và tư vấn trong ngành công nghiệp Halal cho các công ty trong nước và quốc tế tham gia vào các dự án khoa học Halal, cùng các nghiên cứu.29 Ngoài ra, Viện Halal của Đại học Prince Songkla, thành lập năm 2009 cũng có chức năng nghiên cứu, đào tạo và phát triển các sản phẩm và dịch vụ Halal, thúc đẩy khoa học Halal và phát triển nguồn nhân lực Halal của Thái Lan.30
Nhìn chung, tại các nước Hồi giáo trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Brunei, đào tạo Halal được đưa vào chương trình chính quy, nhân lực Halal là lực lượng lao động phổ biến và hành nghề chuyên nghiệp tại các nước Hồi giáo. Trong khi đó, các nước không theo đạo Hồi như Thái Lan cũng đã quan tâm tới đào tạo, phát triển nhân lực Halal hướng tới xây dựng ngành công nghiệp Halal bài bản. Đáng chú ý, Nhật Bản đã khai thác tốt tiềm năng của cộng đồng người Hồi giáo trong nước để phát triển nguồn nhân lực Halal đa dạng. Tuy nhiên, khó khăn các nước này thường gặp phải là rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo Hồi giáo trong quá trình đào tạo dẫn đến nhiều khó khăn trong việc học hỏi các quy trình Halal, giám sát và kiểm tra các quy trình liên quan tới Halal.31 Đáng chú ý, cơ quan quản lý Halal của Thái Lan đang bị quá tải vì phải kiêm nhiệm nhiều chức năng quản lý, đào tạo, giám sát, kiểm tra và quảng bá Halal.32
3. Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực Halal của Việt Nam
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp Halal như vị trí gần thị trường Halal châu Á, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là thành viên của nhiều liên kết kinh tế khu vực, trong đó các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp cận thị trường Halal thế giới. Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ tập trung vào hai thị trường gần là Indonesia và Malaysia. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm của Việt Nam ở tốp 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu toàn cầu.33
Số dân theo đạo Hồi chỉ chiếm khoảng 1% dân số Việt Nam, chủ yếu là người Chăm Bàni và Chăm Islam, cư trú trên địa bàn 15/63 tỉnh, thành phố cả nước thường cư trú ở khu vực nông thôn, công việc chính lại là nghề nông và nghề tự do, buôn bán nhỏ lẻ,... chưa tham gia nhiều vào các hoạt động sản xuất, công nghiệp trong nước. Theo tiến sĩ Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực Halal chất lượng cao, có kiến thức về Halal trong quá trình sản xuất - kinh doanh; các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam chưa tiếp cận được với yêu cầu cao của ngành công nghiệp Halal thế giới; số lượng người Hồi giáo tại Việt Nam không cao, chất lượng lao động thể hiện ở trình độ sản xuất và hiểu biết trong quá trình sản xuất các sản phẩm Halal thấp; đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn hạn chế.34
Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Halal quốc gia, tháng 2/2023, Chính phủ đã ban hành, triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” (Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023) trong đó đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực xây dựng ngành công nghiệp Halal quốc gia. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, năng lực cho các tổ chức cấp chứng nhận Halal Việt Nam; tăng cường cung cấp thông tin về thị trường Hồi giáo (thị hiếu, tập quán kinh doanh, các quy định thị trường...); hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của địa phương, doanh nghiệp tại các thị trường Hồi giáo...35
Nhìn chung, công tác phát triển nguồn nhân lực Halal tại Việt Nam chưa được triển khai toàn diện, mới chỉ chú trọng vào đào tạo, xây dựng năng lực cho các tổ chức cấp chứng nhận Halal và cung cấp thông tin thị trường cơ bản; chưa chú trọng đào tạo Halal chuyên nghiệp cho lực lượng sản xuất, đào tạo chuyên gia và các bên liên quan khác. Mặc dù vậy, trên thực tế, xây dựng năng lực cho các tổ chức cấp chứng nhận Halal Việt Nam cũng chưa được thực hiện hiệu quả. Tình trạng thiếu nhân lực Halal có chuyên môn, hiểu biết về quy định và tiêu chuẩn Halal đang là rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong xin cấp phép/chứng nhận Halal của các tổ chức cấp phép/chứng nhận Halal uy tín trên thế giới; cản trở hoạt động của doanh nghiệp Halal sau xin cấp phép/chứng nhận; cũng như công cuộc phát triển ngành công nghiệp Halal của một nước. Việt Nam cũng chưa khai thác hiệu quả tiềm năng của cộng đồng người Hồi giáo trong nước tham gia vào ngành công nghiệp Halal và nguồn nhân lực Halal ở Việt Nam chủ yếu là người không theo đạo Hồi.36
Trước thực trạng đó, bài viết đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhân lực Halal của Việt Nam như sau:
Thứ nhất, xây dựng các chương trình đào tạo Halal trong nước để trang bị các kiến thức về ngành công nghiệp Halal cũng như các quy tắc về sản phẩm tiêu dùng trong Luật Hồi giáo. Đào tạo Halal không chỉ giới hạn ở người Hồi giáo, giáo dục halal và các khóa học Halal có thể được dùng cho cả người Hồi giáo và người không theo đạo Hồi. Các nhà sản xuất, các chủ thể quản lý cấp phép và các bên liên quan khác trong lĩnh vực Halal có thể tham gia vào các khóa học Halal ngắn hạn trước khi chuyển sang các chương trình trung cấp hoặc nâng cao.
Thứ hai, thành lập các trung tâm đào tạo, trung tâm dạy nghề Halal và trao đổi chuyên gia. Những trung tâm này nên được xây dựng với sự hợp tác của các chuyên gia Halal quốc tế và các tổ chức chứng nhận uy tín để đảm bảo chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các trung tâm đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất và tiêu chuẩn Halal mà còn cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý chất lượng, tiếp thị và xuất khẩu sản phẩm Halal.
Thứ ba, khai thác tiềm năng của cộng đồng người Hồi giáo vào đào tạo Halal cho ngành công nghiệp Halal, đặc biệt trong cung cấp các kiến thức văn hóa và tôn giáo, nhằm bảo đảo các sản phẩm và dịch vụ Halal Việt Nam được phát triển đúng theo các quy định của Hồi giáo. Ngoài ra, các quốc gia này cũng nên khuyến khích và hỗ trợ người Hồi giáo trong nước tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp Halal, nguồn nhân lực phát triển ngành công nghiệp, tạo cơ hội việc làm.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, xây dựng năng lực về Halal. Các nước không theo Hồi giáo như Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước Hồi giáo có ngành công nghiệp Halal phát triển và bề dày kinh nghiệm trong đào tạo nhân sự Halal. Hình thức hợp tác bao gồm trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo và chia sẻ thông tin về các tiêu chuẩn Halal. Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác xây dựng năng lực với các tổ chức quốc tế như Viện Tiêu chuẩn và Đo lường Hồi giáo (SMIIC) hay Hội đồng Halal Thế giới (WHC), đồng thời tăng cường hợp tác với những quốc gia không theo Hồi giáo có kinh nghiệm trong đào tạo nhân sự Halal như Thái Lan và kinh nghiệm trong khai thác tiềm năng cộng đồng người Hồi giáo Halal như Nhật Bản.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Hussain Mohi-ud-Din Qadri (2024). The Global Halal Industry - A Research Companion, Islamic Business and Finance Series.
2 Binh Truong (2023). Halal Food Market in Vietnam Small, but Huge Export Opportunity.
3 Nhĩ Anh (2024). Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal.
4 MATRADE Jeddah (2005). Product Market Study: Marketing Of Halal Products In Saudi Arabia.
5 Al-Mahmood O. A., Fraser A. M (2023). Perceived challenges in implementing Halal standards by Halal certifying bodies in the United States.
6 The Religious Council Brunei Darussalam (2007). BCG Halal 1 - Guideline For Halal Certification.
7 Maria G., Junaid A., Muhammad I., and Muhammad H.K (2020). A Research Overview of Challenges in The Global Halal Market..
8 Department of Standards Malaysia (2019). Malaysian Standard Halal Food - General requirements (Third version) (MS 1500:2019)
9 LPPOM-MUI (2023). The Criteria for Halal product Assurance System.
10 The Religious Council Brunei Darussalam (2007). BCG Halal 1 - Guideline For Halal Certification.
11 Hanini Ilyana Che Hashima, Sariwati Mohd Mohd Shariff (2016). Halal Supply Chain Management Training: Issues And Challenges.
12 Zeiad Amjad Abdulrazzak Aghwan (2022). Introduction to the Science of Halalan Thayyiban, UNISSA Press, Universiti Sultan Sharif Ali, Negara Brunei Darussalam, trang 82-83.
13 Ministry of International Trade and Industry (2023). The Halal Industry Master Plan 2030 (HIMP 2030).
14 Nur Hafizah Harun, Muhamad Amir Nur Hakim Haji Abdullah, Muhammad Syukri Mohd Ashmir Wong, Norazlina Mamat, Shofiyyah Moidin (2021). Halal Training: Issues And Challenges From Trainers' Perspectives In Halal Products Research Institute.
15 Hanini Ilyana Che Hashima, Sariwati Mohd Mohd Shariff (2016). Halal Supply Chain Management Training: Issues And Challenges.
16 Zeiad Amjad Abdulrazzak Aghwan (2022). Introduction to the Science of Halalan Thayyiban, UNISSA Press, Universiti Sultan Sharif Ali, Negara Brunei Darussalam, trang 82-83.
17 KNEKS (2023). Peluncuran Master Plan Industri Halal Indonesia 2023-2029.
18 Zeiad Amjad Abdulrazzak Aghwan (2022). Introduction to the Science of Halalan Thayyiban, UNISSA Press, Universiti Sultan Sharif Ali, Negara Brunei Darussalam, trang 80-81.
19 Như trên.
20 Như trên.
21 Như trên, trang 77-79.
22 Như trên.
23 Như trên.
24 Norlena Hasnan, Youji Kohda (2023). Halal Supply Chain: Challenges Of Halal Certification In Japan.
25 Như trên.
26 Shin Yasuda (2017). Managing Halal Knowledge in Japan: Developing Knowledge Platforms for Halal Tourism in Japan, Asian Journal of Tourism Research, Tập 2, Số 2, trang 65-83.
27 Như trên.
28 Mohd Saiful Anwar Mohd Nawawi, Mohd Fauzi Abu-Hussin, Muhamad Syazwan Faid, Norhidayah Pauzi and Saadan Man, Noratiqah Mohd Sabri (2020). The emergence of Halal food industry in non-Muslim countries: a case study of Thailand.
29 Như trên.
30 Zeiad Amjad Abdulrazzak Aghwan (2022). Introduction to the Science of Halalan Thayyiban, UNISSA Press, Universiti Sultan Sharif Ali, Negara Brunei Darussalam, trang 86-88.
31 Norlena Hasnan, Youji Kohda (2023). Halal Supply Chain: Challenges Of Halal Certification In Japan.
32 Mohd Saiful Anwar Mohd Nawawi, Mohd Fauzi Abu-Hussin, Muhamad Syazwan Faid, Norhidayah Pauzi and Saadan Man, Noratiqah Mohd Sabri (2020). The emergence of Halal food industry in non-Muslim countries: a case study of Thailand.
33 Lê Huy Khôi (2024). Phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp Halal của Việt Nam.
34 Như trên.
35 Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao (2023). Đặc san Halal số 2/2023, trang 14-15.
36 Ban Tôn giáo Chính phủ, Trần Phan (2021). Khái quát Hồi giáo ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nhĩ Anh (2024). Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/nhieu-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-viet-vao-thi-truong-Halal.htm
2. Ban Tôn giáo Chính phủ, Trần Phan (2021). Khái quát Hồi giáo ở Việt Nam. Truy cập tại: https://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/khai-quat-hoi-giao-o-viet-nam-postZpaodrdq31.html
3. Lê Huy Khôi (2024). Phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp Halal của Việt Nam. Truy cập tại: https://vioit.vn/phat-trien-he-sinh-thai-cho-cac-doanh-nghiep-halal-cua-viet-nam.html
4. Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao (2023). Đặc san Halal số 2/2023, trang 14-15, Báo Thế giới & Việt Nam. Truy cập tại:
5. Binh Truong (2023). Halal Food Market in Vietnam Small, but Huge Export Opportunity. Truy cập tại: https://www.vietnam-briefing.com/news/Halal-food-market-vietnam.html/
6. Department of Standards Malaysia (2019). Malaysian Standard Halal Food - General requirements (Third version) (MS 1500:2019). Truy cập tại: https://mysol.jsm.gov.my/getPdfFile/eyJpdiI6IlliWFIzQWtoeFYxaUdROUtON3o1M3c9PSIsInZhbHVlIjoibFB3NTgyZ3dPdUgvcSthSm1jTUY5UT09IiwibWFjIjoiZDkyNTg1MTU1YzYwNTY2MWIwNzEzZTk1Y2NhMDM3MDIzNjcyMzg5NjBlNzJiM2UxMzNiZGU4NWIxMDg4ZjA2NyJ9
7. Farah Alzarooni (2022). The Impact of a New Halal Policy on Certification Bodies: The Case of the UAE. UCD College of Social Sciences and Law. Truy
https://researchrepository.ucd.ie/entities/publication/d06e296a-f617-432e-a51d-0d9395310770/details
8. Hanini Ilyana Che Hashima, Sariwati Mohd Mohd Shariff (2016). Halal Supply Chain Management Training: Issues And Challenges. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/301508318_Halal_Supply_Chain_Management_Training_Issues_and_Challenges
9. Hussain Mohi-ud-Din Qadri (2024). The Global Halal Industry - A Research Companion, Islamic Business and Finance Series.
10. KNEKS (2023). Peluncuran Master Plan Industri Halal Indonesia 2023-2029. Truy cập tại: https://kneks.go.id/berita/605/peluncuran-master-plan-industri-halal-indonesia-2023-2029?category=3
11. LPPOM-MUI (2023). The Criteria for Halal product Assurance System. Truy cập tại: https://halalmui.org/en/halal-assurance-system-criteria-in-has23000/
12. Maria G., Junaid A., Muhammad I., et al. (2020). A Research Overview of Challenges in The Global Halal Market. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/profile/Muhammad-Hayat-Khan-3/publication/367008189_A_Research_Overview_of_Challenges_in_The_Global_Halal_Market/links/63bda855097c7832caa6d051/A-Research-Overview-of-Challenges-in-The-Global-Halal-Market.pdf
13. MATRADE Jeddah (2005). Product Market Study: Marketing Of Halal Products In Saudi Arabia. Truy cập tại: http://www.halalrc.org/images/Research%20Material/Report/MARKETING%20OF%20HALAL%20PRODUCTS%20IN%20SAUDI%20ARABIA.pdf
14. Ministry of International Trade and Industry (2023). The Halal Industry Master Plan 2030 (HIMP 2030). Truy cập tại: https://www.hdcglobal.com/wp-content/uploads/2020/02/Halal-Industri-Master-Plan-2030.pdf
15. Mohd Saiful Anwar Mohd Nawawi, Mohd Fauzi Abu-Hussin, Muhamad Syazwan Faid, et al. (2020). The emergence of Halal food industry in non-Muslim countries: a case study of Thailand.
16. Al-Mahmood O. A., Fraser A. M (2023). Perceived challenges in implementing Halal standards by Halal certifying bodies in the United States. Truy cập tại: https://doi.org/10.1371/journal.pone.0290774
17. Norlena Hasnan, Youji Kohda (2023), Halal Supply Chain: Challenges Of Halal Certification In Japan. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/376069849_Halal_Supply_Chain_Challenges_of_Halal_Certification_in_Japan
18. Nur Hafizah Harun, Muhamad Amir Nur Hakim Haji Abdullah, Muhammad Syukri Mohd Ashmir Wong, et al. (2021). Halal Training: Issues And Challenges From Trainers' Perspectives In Halal Products Research Institute. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/357671872_HALAL_TRAINING_ISSUES_AND_CHALLENGES_FROM_TRAINERS'_PERSPECTIVES_IN_HALAL_PRODUCTS_RESEARCH_INSTITUTE_HPRI
19. Office of Assistant to Deputy Cabinet Secretary for State Documents & Translation (2021). VP Ma’ruf Amin: Development of Solid Ecosystem for Halal Product Industry Needs Strengthening in Several Areas.
20. Rusydiana A.S., Irfany M.I., As-Salafiyah A., et al. (2023). Halal supply chain: a bibliometric analysis. Truy cập tại: https://journal.its.ac.id/index.php/hr/article/view/734
21. Sadath Abdul Salam, Hamzah Mohd, Betania Kartika Muflih, et al. (2023). Halal industry and standardization. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/374897719_Halal_industry_and_standardization
22. Shin Yasuda (2017). Managing Halal Knowledge in Japan: Developing Knowledge Platforms for Halal Tourism in Japan, Asian Journal of Tourism Research, Tập 2, Số 2, trang 65-83. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/319961058_Managing_Halal_Knowledge_in_Japan_Developing_Knowledge_Platforms_for_Halal_Tourism_in_Japan
23. The Religious Council Brunei Darussalam (2007). BCG Halal 1 - GUIDELINE FOR HALAL CERTIFICATION. Truy cập tại: https://www.halalrc.org/images/Research%20Material/Report/GUIDELINE%20FOR%20HALAL%20CERTIFICATION.pdf
24. Zeiad Amjad Abdulrazzak Aghwan (2022). Introduction to the Science of Halalan Thayyiban. UNISSA Press, Universiti Sultan Sharif Ali, Negara Brunei Darussalam.
DEVELOPING HUMAN RESOURCES IN HALAL INDUSTRY: EXPERIENCES FROM OTHER COUNTRIES AND
POLICY IMPLICATIONS FOR VIETNAM
Master. Tang Minh Thanh Thao1
Dang Ngoc Nhat Anh2
Pham Dao Hong Ngoc3
1 Embassy of Viet Nam in Brunei Darussalam
2 Faculty of International Law, Diplomatic Academy of Vietnam
3 Faculty of International Communication and Culture, Diplomatic Academy of Vietnam
ABSTRACT:
The rapid development of the global Halal industry has opened up numerous new economic cooperations, together with a significant demand for Halal human resources from countries participating in the international Halal market. The requirement of Halal human resources presents a major challenge for countries with a small Muslim population and still in the process of building and developing their Halal industry, including Vietnam. Based on this observation, this paper delves into the impact of the lack of human resources on the Halal industry and countries accessing the international Halal market and studies the experiences of other countries to propose solutions on Halal education and training to develop human resources for the Halal industry in Vietnam.
Keywords: Halal human resources, Halal industry, Halal education and training.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]