TÓM TẮT:
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong phát triển thị trường nội địa với các phần mềm tự xây dựng hoặc thiết kế theo yêu cầu. Áp dụng phương pháp nghiên cứu tình huống, thông qua phỏng vấn các chuyên gia trong ngành, bài viết đã phân tích trường hợp cụ thể của phát triển thị trường phần mềm eDocman, từ đó xác định những điểm mạnh, điểm yếu, những nhân tố tác động và các bước cần thay đổi để đưa ra hướng đi đúng đắn hơn cho Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm (CMCSoft), cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, nhằm phát triển thị trường phần mềm tại Việt Nam. Đồng thời, bài viết cũng chỉ rõ những lưu ý cần nghiên cứu tiếp theo đối với phát triển thị trường phần mềm.
Từ khóa: Thị trường phần mềm, phát triển thị trường, eDocman, CMCSoft.
1. Thị trường phần mềm hỗ trợ quản lý văn bản: cơ hội và thách thức
Hiện tại, cả nước đã có hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT, với 1.000 doanh nghiệp phần mềm (DNPM). Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 lao động bao gồm FPT Software, FPT Information Systems, TMA, CSC,... Ngoài 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đã có thêm 5 tỉnh, thành phố tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu trên 1 tỷ USD về CNTT, điện tử viễn thông (ĐTVT) là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hải Phòng[1]. Trong đó Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã trở thành những trung tâm sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường thế giới; 5 địa phương còn lại đã hình thành các nhà máy sản xuất thiết bị phần cứng điện tử có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Thị trường phần mềm hỗ trợ quản lý văn bản, một trong những sản phẩm đang được triển khai rộng khắp tại các doanh nghiệp/tổ chức, mức độ cạnh tranh là khá gay gắt. Bên cạnh các doanh nghiệp đã có mặt khá lâu trên thị trường này như CMC, FPT, LacViet,... có khá nhiều doanh nghiệp mới tham gia, tạo nên những biến động và các sắc thái cạnh tranh đa dạng trong ngành. (Hình 1)
Chính vì vậy, để giữ vững vị trí là một trong những doanh nghiệp tiên phong, đảm bảo sự phát triển bền vững, CMC cũng như nhiều công ty khác cần có chiến lược rõ ràng trong cạnh tranh, phát triển thị trường mới cũng như củng cố quan hệ với các khách hàng sẵn có. Nghiên cứu này tập trung vào vấn đế phát triển thị trường mới của các công ty phần mềm. Thông qua nghiên cứu thực trạng công tác phát triển thị trường đang diễn ra đối với eDocman của CMCSoft, nghiên cứu hướng tới việc trả lời các câu hỏi nghiên cứu: (1) phát triển thị trường eDocman tại CMCSoft đang diễn ra như thế nào, (2) đâu là những điểm đáng chú ý, cần được khắc phục đối với riêng sản phẩm cũng như đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được xây dựng theo phương pháp nghiên cứu tình huống, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu các bước trong phát triển thị trường của eDocman đã được thực hiện như thế nào, với các kết quả ra sao. Sử dụng phương pháp này, nghiên cứu hướng tới phân tích một tình huống thực tế và ứng dụng những gì thu được từ trường hợp đó để giải quyết vấn đề trong phát triển thị trường phần mềm nói chung và thị trường phần mềm eDocman nói riêng. Trong nghiên cứu này, trường hợp được xem xét là bối cảnh phát triển thị trường phần mềm eDocman.
Nghiên cứu tìm hiểu các dữ liệu thứ cấp và thực hiện phỏng vấn sâu 23 chuyên gia ngành CNPM và nhà quản lý các doanh nghiệp hiện đang sử dụng phần mềm hỗ trợ quản lý văn bản để làm rõ các bước phát triển thị trường phần mềm eDocman. Thông qua mô hình nghiên cứu của Apulu & Latham (2011) và Aleke và ctg (2011), nghiên cứu khám phá các khía cạnh: (1) Nghiên cứu và lựa chọn thị trường mục tiêu, (2) định vị thị trường, (3) xác định chiến lược phát triển thị trường, (4) sử dụng các công cụ marketing hỗ trợ trong phát triển thị trường eDocman.
Để tìm hiểu những điểm thuận lợi và khó khăn, những điểm mạnh, điểm yếu, các nhân tố ảnh hưởng trong phát triển thị trường phần mềm, nghiên cứu áp dụng kỹ thuật phân tích đối sánh giữa eDocman và một vài đối thủ cạnh tranh, gắn liền với quá trình phân tích ngữ cảnh từ một số lượng hạn chế sự kiện hoặc điều kiện và mối quan hệ giữa chúng.
Kết quả nghiên cứu cung cấp những thông tin cơ bản cho việc cải thiện các bước phát triển thị trường cho Công ty CMCSoft. Đồng thời, nghiên cứu cũng giúp làm rõ hơn bối cảnh phát triển thị trường phần mềm ở Việt Nam và tăng cường tính thuyết phục cho những gì đã được tìm ra từ các nghiên cứu đã công bố của các tác giả đi trước.
3. Định hướng phát triển và thị trường mục tiêu của eDocman
Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC (CMCSoft ) là thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC - Doanh nghiệp CNTT Top 2 tại Việt Nam. CMCSoft cung cấp các phần mềm đóng gói và cung cấp các dịch vụ theo sản phẩm đóng gói; cung cấp giải pháp và dịch vụ phần mềm trong các lĩnh vực: Tài chính, Bảo hiểm, Ngân hàng, Viễn thông, Giáo dục, Chính phủ và Doanh nghiệp; tư vấn và triển khai các ứng dụng ERP, MES, Business Intelligence, Billing,...
Hiện nay Công ty TNHH Giải pháp phần mềm CMC là một trong 50 doanh nghiệp phần mềm lớn nhất tại Việt Nam, với rất nhiều bằng khen, giải thưởng như Sao Khuê, Top 50 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam và là đối tác lớn của các “ông trùm” công nghệ như Oracle, Microsoft, IBM, SAP, TeamViewer, Samsung,... Ngay từ những năm đầu phát triển, CMC SOFT đã tập trung hướng đến các sản phẩm và dịch vụ phần mềm dành cho khối chính phủ và doanh nghiệp. Sự trải nghiệm đã khiến những sản phẩm và dịch vụ Công ty cung cấp ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng nhiều hơn nữa các nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Vì vậy, việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty nói chung và sản phẩm eDocman nói riêng của công ty có nhiều ưu thế hơn các doanh nghiệp khác.
Việc lựa chọn thị trường mục tiêu và định vị trên thị trường của công ty đều được xác định từ các nghiên cứu thị trường về (1) cân đối cung - cầu trong thị trường phần mềm (số lượng, chất lượng, mức độ tăng trưởng trên thị trường hiện tại, xác định sức mua của khách hàng cũ, số lượng khách hàng mới tiềm năng, tình hình cung ứng của ngành và mức độ đáp ứng các nhu cầu của khách hàng) (Aleke và ctg., 2011; Hanène và Jamil, 2019), (2) những nhân tố ảnh hưởng tới quyết định mua của khách hàng đối với các sản phẩm phần mềm (giá cả, mức độ chấp nhận thương hiệu) (Apulu & Latham, 2011; Kannabiran, 2012), (3) năng lực cung cấp của doanh nghiệp (mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm của công ty, độ phủ thị trường, địa điểm tiếp xúc khách hàng) (Aleke và ctg., 2011; Hanène và Jamil, 2019), (4) các chính sách, chế độ của Nhà nước liên quan tới ngành phần mềm (Aleke và ctg., 2011).
Các nghiên cứu từ số liệu sơ cấp và thứ cấp đã giúp công ty xác định được những phân đoạn thị trường chủ yếu trong ngành phần mềm với các tiêu chí phân đoạn theo nhu cầu sử dụng và đặc điểm hành vi sử dụng của các nhóm khách hàng như trong Bảng 1.
Bảng 1. Phân đoạn thị trường sản phẩm hỗ trợ quản lý văn bản
Khúc thị trường |
Nhu cầu sử dụng |
Đặc điểm hành vi |
Cơ quan Bộ ban ngành - Chính phủ |
Rất cấp thiết |
Thời gian tiếp nhận, luân chuyển hay tra cứu văn bản nhiều, số lượng công văn chứng từ nhiều; chi phí in ấn, photocopy nhiều; số lượng người dùng lớn, cần xử lý văn bản trong một ngày nhiều. |
Ngành Tài chính - Ngân hàng |
Cấp thiết |
Số lượng chứng từ công văn chứng từ, tài liệu khá nhiều; số lượng người dùng lớn, cần xử lý văn bản trong một ngày nhiều |
Các doanh nghiệp khác |
Có nhu cầu khá cấp thiết |
Có nhu cầu về áp dụng công nghệ vào xử lý công văn, chứng từ |
Các tổ chức phi lợi nhuận khác |
Có nhu cầu mức độ không cao |
Có nhu cầu về hiện đại hóa quy trình quản lý, tiết kiệm nhân lực. |
(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)
4. Định vị giá trị của eDocman
Có thể nói ngành sản xuất phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã trở thành một nền tảng thiết yếu của quá trình xây dựng, phát triển của nhiều ngành nghề (Aleke và ctg., 2011). Hầu hết các tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động (Apulu & Latham, 2011; Kannabiran, 2012). Vì vậy, các đối thủ cạnh tranh sản phẩm eDocman ở trong khu vực cũng như trong và ngoài nước là tương đối nhiều, cường độ cạnh tranh trong ngành khá gay gắt. Bên cạnh các đối thủ cạnh tranh chủ yếu là những công ty như Lạc Việt, VS, Tân Dân, CTIN, eDocman trong tương lai còn phải đương đầu với khá nhiều đối thủ mới là sản phẩm của các nhà cung cấp sản phẩm phần mềm như một dịch vụ SaaS. Số lượng các sản phẩm thay thế của eDocman cũng rất phong phú và khá hấp dẫn khách hàng bởi chi phí thấp (gần như bằng 0), mức độ linh hoạt cao, mức độ đa dạng về các chức năng (Google Apps, các ứng dụng online chuyên sâu cho quản lý hỗ trợ (help desk), CRM, các dịch vụ phát triển trên Sharepoint).
Để cạnh tranh thành công, việc định vị giá trị của sản phẩm là một quyết định hết sức quan trọng. Định vị giá trị đối với các sản phẩm phần mềm có thể được thực hiện qua: (1) đặc tính sản phẩm, dịch vụ, (2) yêu cầu đầu tư ban đầu, (3) khả năng mở rộng/nâng cấp và (4), thương hiệu của nhà cung cấp (Apulu & Latham, 2011; Cephus, 2016; Hanène và Jamil, 2019; Kannabiran, 2012). Đối với eDocman, kết quả nghiên cứu căn cứ để định vị giá trị cho thấy:
- Đặc tính sản phẩm: Là phần mềm quản lý văn bản, quản lý công văn, hồ sơ công việc và điều hành tác nghiệp. eDocman tạo một môi trường cộng tác hiện đại, đơn giản và thân thiện cho trao đổi thông tin giữa các nhân viên của tổ chức. Tính năng sản phẩm gồm nhóm chức năng Văn phòng số, nhóm chức năng Cộng tác và Truyền thông nội bộ, nhóm chức năng Thư viện số và Hồ sơ tài liệu và nhóm chức năng Quản lý Điều hành, Quản lý Quy trình Kinh doanh, Sản xuất.
- Yêu cầu đầu tư ban đầu: Một trong những điểm nổi bật nhất tạo nên sự đột phá của eDocman chính là phần mềm sử dụng giao diện web nên không cần cài đặt phần mềm ở từng máy trạm. Nhờ đó, cơ quan, doanh nghiệp không phải tốn nhiều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, không gặp phải rủi ro khi triển khai trên nhiều loại máy tính khác nhau, nhiều phiên bản hệ điều hành khác nhau, rút ngắn được thời gian triển khai so với các phần mềm khác và được hỗ trợ khác phục sự cố ngay tức thì.
- Khả năng mở rộng/nâng cấp: Phần mềm eDocman hướng đến một hệ thống thông tin đồng nhất, là nền tảng hệ thống tổng thể để triển khai, tích hợp nhiều ứng dụng, vì vậy phần mềm luôn sẵn sàng mở rộng cả về ứng dụng lẫn quy mô triển khai theo nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp. Cơ quan, doanh nghiệp có thể cài đặt thêm các ứng dụng đáp ứng nhu cầu tin học hóa của đơn vị mình và có thể mở rộng quy mô triển khai đến từng địa phương, chi nhánh, đơn vị trực thuộc theo quy mô của cơ quan, doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, phần mềm có khả năng tương thích với nhiều thiết bị nên giảm thiểu được tối đa những lỗi thường gặp so với phiên bản cũ.
- Thương hiệu: Với đặc thù là ngành gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký bản quyền tác giả, khó kiểm soát trong bảo vệ trí tuệ, và rất dễ bị bắt chước về sản phẩm, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của CMCSoft. Hiện tại, xem xét trong ngành cũng như trên địa bàn cả nước, Công ty CMCSoft có ưu thế hơn các đối thủ cạnh tranh, điều này được minh chứng khi CMCSoft được vinh dự nhận cách danh hiệu, như: Top 2 Công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam (bình trọn của HCA liên tục từ năm 2007- năm 2011); Sản phẩm ATTT được yêu thích (bình chọn của VNISA năm 2010), mặt khác công ty còn dẫn đầu thị trường phần mềm đóng gói trong lĩnh vực giáo dục, quản lý thông tin doanh nghiệp (chiếm khoảng 40% thị phần so với các sản phẩm cùng loại) và là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có năng lực mạnh trong tự nghiên cứu và phát triển phần mềm đóng gói.
5. Chiến lược phát triển thị trường của công ty
Trong giai đoạn 2017-2019, phần mềm eDocman chỉ chiếm vị trí thứ 2 trên thị trường phần mềm hỗ trợ cho việc quản lý văn bản tại Việt Nam, dao động khoảng 13%. Phần mềm vẫn còn nhiều nhược điểm như sản phẩm chưa ổn định, tốc độ chậm, thiếu các ứng dụng mobile app, thiếu giải pháp tổng thể cho ký số, công tác quản trị kém, thời gian triển khai kéo dài, không có công tác quản lý sản phẩm và không kiểm soát được yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, công tác hỗ trợ bảo trì sản phẩm chưa kịp thời, các khách hàng cũ không được chăm sóc. Tuy trong thời gian vừa qua, Công ty đã có nhiều biện pháp khắc phục những vấn đề trên nhưng vẫn chưa triệt để nên sản phẩm eDocman vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường. Tốc độ tăng trưởng của sản phẩm eDocman tương đối chậm, cụ thể năm 2018 tăng 0,05% so với năm 2017, năm 2019 tăng 0,33% so với năm 2018, cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc triển khai các chiến lược phát triển thị trường của Công ty.
Kết quả này đến từ việc Công ty áp dụng chiến lược phát triển thị trường theo chiều sâu. Tuy nhiên, lĩnh vực phát triển phần mềm nói chung và sản phẩm hỗ trợ quản lý văn bản như eDocman nói riêng, đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Việc mở rộng thị trường theo chiều không sẽ không mang lại hiệu quả cao. Thay vào đó, Công ty cần phải thâm nhập sâu hơn thị trường, đào sâu khai thác những khách hàng hiện có của mình, giữ chân khách hàng, nghiên cứu và cải thiện thêm chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các công cụ hỗ trợ chiến lược phát triển thị trường mà sản phẩm eDocman đặt trọng tâm bao gồm: (1) sản phẩm, (2) kênh phân phối và (3) xúc tiến bán hàng. Đối với đối tượng khách hàng là các tổ chức, việc đặt trọng tâm các công cụ marketing như vậy là khá hợp lý.
5.1. Chính sách sản phẩm
Phần mềm quản lý công văn eDocman mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng, với giao diện đẹp mắt, cách sử dụng đơn giản, eDocman plus đang là phần mềm quản lý công văn tốt nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam. Với chất lượng tốt, sản phẩm này của Công ty có chỗ đứng trên thị trường, làm tăng khả năng cạnh tranh, tăng khối lượng sản phẩm tiêu thụ, đẩy nhanh việc phát triển thị trường cho sản phẩm.
5.2. Chính sách phân phối
CMCSoft thực hiện phương thức phân phối trực tiếp, nhân viên kinh doanh sẽ tìm kiếm và bán hàng trực tiếp đến cho khách hàng. Sau khi tiếp nhận thông tin yêu cầu của khách hàng, nhân viên kinh doanh sẽ phối hợp với nhân viên kỹ thuật để lên giải pháp cung cấp cho khách. Khi khách hàng thống nhất về nội dung các chức năng, nhân viên kinh doanh sẽ lập bảng chào giá và gửi đến khách hàng. Việc này phải bám sát các nhu cầu của khách hàng để điều chỉnh sao cho hợp lý. Sau khi thống nhất với khách hàng có thể làm thủ tục đầu tư hay đấu thầu tùy theo quy mô dự án. Sau khi kí kết hợp đồng, đội ngũ triển khai của công ty sẽ tiến hành thực hiện triển khai theo ngiệp vụ của khách hàng. Thời gian từ lúc tiếp nhận thông tin đến khi hoàn thành dự án có thể kéo dài từ 3 tháng đến 3 năm.
5.3. Chính sách xúc tiến bán
Để thúc đẩy và mở rộng thị trường, CMCSoft sử dụng công cụ bán hàng cá nhân, marketing trực tiếp và quan hệ công chúng. Công ty thường xuyên gửi tới khách hàng email khi có những thông báo mới về sản phẩm. Hàng năm, Công ty thường tổ chức khảo sát sự hài lòng của khách hàng và tìm hiểu những nhu cầu mới của khách hàng thông qua các cuộc điều tra đánh giá sản phẩm vào tháng 12. Ngoài ra, Công ty có tổ chức các workshop theo định kì 6 tháng/1 lần để thu thập nhu cầu của khách hàng, đồng thời trình bày và giới thiệu sản phẩm.
Việc tham gia các diễn đàn online và offline về CNTT như Vinasa, Vifossa và tham gia các giải thưởng ICT hàng năm của công ty cũng thúc đẩy sự hiểu biết về thương hiệu của Công ty, tạo điều kiện nhận biết thương hiệu dễ dàng hơn từ phía các khách hàng trong tương lai.
6. Giải pháp và hàm ý quản lý
Nghiên cứu cho thấy, eDocman qua nhiều năm đã xây dựng và chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng trên gần khắp cả nước. Những giá trị mà eDocman mang lại cho người dùng đáp ứng khá tốt yêu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu của Công ty - phân khúc Bộ, ban, ngành-– Chính phủ. Tuy nhiên, các sản phẩm chất lượng chưa thực sự có nhiều đột phá, và chưa chiếm lĩnh được thị trường đầy cạnh tranh của Việt Nam. Để phát triển tốt hơn thị trường phần mềm, CMCSoft cần tập trung xây dựng chiến lược sản phẩm mới dựa trên nền tảng giá trị cốt lõi đã có: (1) Kinh nghiệm trên lĩnh vực quản trị nội dung (CM - Content Management) và (2) xử lý quy trình (workflow). Bên cạnh đó, việc tăng cường nghiên cứu thị trường, quảng bá cho sản phẩm và phát triển kênh bán hàng trực tiếp cũng là những công việc mà CMCSoft và các doanh nghiệp phần mềm khác cần tập trung hơn để có thể phát triển bền vững trên thị trường nội địa. Đây cũng là những gì đã được kiểm chứng ở nhiều nghiên cứu khác như Chan và Siohong (2017), Drigas (2011), Boohene (2015).
Để làm giàu hơn nữa các kinh nghiệm quản lý trong phát triển thị trường phần mềm nội địa, nghiên cứu cần được mở rộng cho các dạng phần mềm khác, có tính tới yếu tố về quy mô người dùng, quy mô doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nên được phát triển theo hướng các nghiên cứu định lượng để khẳng định thêm những khám phá đã được xác định từ trường hợp của eDocman.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Aleke, B., Ojiako, U., & Wainwright, D. W. (2011). ICT adoption in developing countries:
perspectives from small-scale agribusinesses. Journal of Enterprise Information
Management, 24(1), 68-84. doi:http://dx.doi.org/10.1108/17410391111097438 - Apulu, I., & Latham, A. (2011). Drivers for information and communication technology
adoption: A case study of Nigerian small and medium sized enterprises. International
Journal of Business and Management, 6(5), 51-60.
doi:http://dx.doi.org/10.5539/ijbm.v6n5p51 - Cephus K. Nyandoro, (2016). “Factors Influencing Information Communication Technology (ICT) Acceptance and Use in Small and Medium Enterprises (SMEs) in Kenya”, PhD. Dissertation, Capella University.Chan S.M., Siohong Tih. (2017). Determinant Factors of Industrial Purchasing Personnel’s Adoption of Internet for Business Purchasing Related Activities. LogForum, 13(3), 285-299, http://dx.doi.org/10.17270/J.LOG.2017.3.4
- Drigas, A., Koukianakis, L., & Papagerasimou, Y. (2011). Towards an ICT-based psychology: E-psychology. Computers in Human Behavior, 27(4), 1416-1423. doi:10.1016/j.chb.2010.07.045
- Hanène Trabelsi Ellouze, Jamil Chaabouni. (2019). The Effect of Client Firm’s IT Capability on IS Outsourcing Success in Tunisia: The Mediating Role of Relationship Quality. International Journal of Business and Economics Research, 8(4), 170-179.
doi: 10.11648/j.ijber.20190804.12 - Kannabiran, G. (2012). Enablers and inhibitors of advanced information technologies adoption
by SMEs. Journal of Enterprise Information Management, 25(2), 186-209.
doi:http://dx.doi.org/10.1108/17410391211204419.
Developing the domestic software market: The case study
of eDocman software
Assoc.Prof. Ph.D Pham Thi Thanh Hong
School of Economics and Management
Vu Thi Phuong Thanh
CMC Software Solution Co.,Ltd
ABSTRACT:
Vietnamese enterprises’ self-built and custom software is facing many difficulties in the domestic market. This study is to analyze the specific case of eDocman software by using the case study method and interviewing industry experts. This study is to identify strengths, weaknesses, influencing factors and steps that CMC Software Solution Co.,Ltd (CC Software) as well as other Vietnam’s software companies should do in order to develop the domestic software market. In addition, this study presents research notes for further studies on the software market development.
Keywords: Software market, market development, eDocman, CMCSoft.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]