Thực hiện Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTT của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại thị trường trong nước, trong ngày 29/5, lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình đã ra quân, mở các điểm bán hàng lưu động, hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ quả vải thiều và nhiều nông sản khác.
Dẫn lại lời của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, ông Nguyễn Bá Thức - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hòa Bình cho biết, hỗ trợ bà con nông dân trong lưu thông, tiêu thụ hàng hóa là một nhiệm vụ thời điểm, mang yếu tố chính trị cao, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường.
Theo đó, ngày 29/5, lực lượng QLTT Hòa Bình đã gửi 600kg rau của quả, nông sản của tỉnh chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Nhân chuyến xe chở hàng này, lực lượng đã phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu mua 2,5 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa về Hòa Bình tiêu thụ thông qua các điểm bán hàng lưu động.
Cục trưởng Nguyễn Bá Thức chia sẻ, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Hoà Bình) đã phối hợp cùng doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, trước mắt là vụ vải ở Bắc Giang.
Hiện nay việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là vận chuyển nông sản từ tỉnh sang các địa phương khác và ngược lại. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, nhất là bà con nông dân.
“Với nhiệm vụ mới vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao, chúng tôi tập trung thu mua nông sản bị ùn ứ hỗ trợ bà con nông dân tại tỉnh Bắc Giang, nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, cũng như góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, Cục trưởng Nguyễn Bá Thức nhấn mạnh.
Đối với việc vận chuyển quả vải từ Bắc Giang về Hòa Bình tiêu thụ, Cục trưởng Nguyễn Bá Thức cho biết, tất cả người và xe chở vải từ vùng dịch Bắc Giang đều được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Ngoài hỗ trợ bà con vùng dịch 600kg rau củ quả, công chức, viên chức QLTT Hòa Bình còn tham gia mở điểm bán hàng lưu động, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con. Toàn bộ công chức, viên chức khi tham gia hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển nông sản, hàng hóa đều tuân thủ nghiêm ngặt và đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hòa Bình cho biết, giá vải được Đội thu mua tại vườn ở Bắc Giang là 17.000 đồng/kg. Về đến Hòa Bình, giá vải được bán tại điểm hỗ trợ bán hàng là 20.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tuần sẽ có khoảng 2 chuyến hàng với tổng khoảng 4-5 tấn vải thiều được vận chuyển về tiêu thụ tại điểm bán hàng của Đội QLTT số 3.
“Cục QLTT Hòa Bình sẽ thực hiện thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình này tại một số Đội trên địa bàn Hòa Bình”, Cục trưởng Nguyễn Bá Thức chia sẻ.
Được biết, đây là chiến dịch đầu tiên của lực lượng QLTT Hòa Bình trong việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTT của Tổng cục QLTT.
Trước đó, ngày 28/5, Cục QLTT Hòa Bình đã họp bàn các giải pháp tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trong mùa dịch Covid-19. Tại đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khi xảy ra đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe, các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Không niêm yết giá bán hàng hóa, bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết, lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, mua vét, mua gom hàng hóa để trục lợi hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ đạo lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan như: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật... nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.