Quản lý hướng dẫn viên nước ngoài: Thực trạng và kiến nghị

PGS.TS. NGUYỄN CÔNG HOAN (Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT:

Thời gian gần đây, một số hướng dẫn viên quốc tế hoạt động không có giấy phép hành nghề tại rất nhiều điểm du lịch, khu du lịch trong cả nước đang là mối quan tâm lo ngại đối với các nhà quản lý nhà nước về du lịch, ban quản lý điểm tham quan. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, tác giả chỉ nghiên cứu một số nội dung dưới góc độ quản lý nhà nước về du lịch như thế nào cho tốt, tránh ảnh hưởng đến lượng du khách quốc tế đến du lịch Việt Nam, trong đó có khách du lịch là người Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Từ khóa: Hướng dẫn viên nước ngoài, quản lý nhà nước về du lịch, khu du lịch.

1. Thực trạng quản lý hướng dẫn viên quốc tế là người nước ngoài

1.1. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2015, tổng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang hoạt động là 1.519 doanh nghiệp, được phân loại thành các loại hình doanh nghiệp như sau: doanh nghiệp nhà nước là 7; công ty trách nhiệm hữu hạn là 1.012; công ty cổ phần là 475; doanh nghiệp tư nhân là 10; liên doanh là 15 doanh nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các công ty phải thực hiện đúng theo các điều từ Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51 của Luật Du lịch, năm 2005. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế kinh doanh sai chức năng của mình ghi trong giấy phép sẽ bị xử phạt theo đúng các điều trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

1.2. Hợp tác liên kết giữa các công ty lữ hành quốc tế Việt Nam và Trung Quốc

Hiện nay, có nhiều công ty lữ hành quốc tế của Trung Quốc đã liên kết với một số công ty lữ hành Việt Nam xây dựng chương trình du lịch, đưa khách đến tham quan, mua sắm tại ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại miền Trung như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang của Việt Nam trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành Du lịch của Việt Nam nói chung và các địa phương có lượng khách quốc tế đến và tham quan nói riêng. Tuy nhiên thực tế trong thời gian qua, một số công ty lữ hành đã hạ giá thành làm tour nhằm cắt giảm chi phí các dịch vụ, trốn thuế và các giao dịch khép kín, thanh toán chương trình du lịch giữa hai bên bằng tiền mặt, thỏa thuận khác nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và các ban ngành. Để đạt được lợi ích kinh tế, công ty lữ hành quốc tế đã tạo thuận tiện và nới lỏng một số khâu, công đoạn trong hợp đồng liên kết với các công ty lữ hành Trung Quốc đưa khách vào Việt Nam với số lượng lớn, trong khi bản thân công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng hướng dẫn viên du lịch có đủ trình độ ngoại ngữ như yêu cầu của đối tác.

1.3. Lượng khách quốc tế nói tiếng Hoa

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch là người Trung Quốc đến du lịch Việt Nam tăng nhanh. Họ không chỉ tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng tại các tỉnh phía Bắc giáp biên giới Việt Nam, mà còn đến các tỉnh miền Trung Việt Nam như tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh, thành khác. Đây là tín hiệu đáng mừng trong ngành kinh tế du lịch đem lại một nguồn thu nhập rất lớn cho các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người lao động trực tiếp và gián tiếp, tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ cho khách du lịch tại địa phương nơi có khách du lịch đến tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam năm 2016 là 2,228 triệu lượt khách trong tổng số khách quốc tế là trên 10 triệu. Chỉ tính riêng tháng 6/2016, số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam là 193.310 khách trong tổng số 700.446 khách quốc tế đến Việt Nam. Với số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đòi hỏi một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế tiếng Hoa phải tăng tương ứng cả về số lượng và chất lượng mới đáp ứng được nhu cầu của lượng khách du lịch tiềm năng này. Đây là một bài toán khó đối với người làm công tác quản lý du lịch và cả những người làm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.

1.4. Công tác quản lý tại các điểm tham quan, khu du lịch

Công tác quản lý khách du lịch đến các điểm tham quan, khu du lịch còn lỏng lẻo. Bản thân các điểm du lịch chỉ quan tâm đến số lượng vé bán được với số lượng khách đến tham quan thu được bao nhiêu tiền, chưa quan tâm nhiều đến đội ngũ hướng dẫn viên nội địa hoặc quốc tế thông qua kiểm tra thẻ hướng dẫn viên còn hạn hay hết hạn, hướng dẫn viên quốc tế thuộc ngôn ngữ nào.

Cán bộ quản lý tại điểm tham quan không thể thường xuyên kiểm tra thông tin, nội dung mà người hướng dẫn đang thuyết minh cho khách vì nhiều lý do khác nhau như: Không biết ngoại ngữ hoặc không giỏi ngoại ngữ dẫn đến tình trạng hướng dẫn viên tự tiện truyền tải thông tin không đúng với khách du lịch. Mặt khác, tại các điểm tham quan tuy có một đội ngũ hướng dẫn viên hoặc thuyết minh, nhưng do khâu tổ chức không khoa học, cùng một lúc nhiều đoàn đến tham quan không bố trí được thuyết minh viên hướng dẫn cho khách, nên có tình trạng hướng dẫn viên phải tự thuyết minh.

2. Đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế có ngoại ngữ là tiếng Hoa

2.1. Hướng dẫn viên quốc tế tiếng Hoa

Trong những năm gần đây, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đột biến, họ thường tập trung đến du lịch tại một tỉnh, thành phố ồ ạt trong khoảng một thời gian ngắn, do đó các công ty lữ hành quốc tế đã bị thiếu trầm trọng đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Hoa trong khoảng thời gian này; bên cạnh đó, các địa phương không thể quản lý được đội ngũ hướng dẫn viên của mình khi số lượng khách Trung Quốc tăng quá nhanh như tại thành phố Đà Nẵng, Nha Trang. Trong khi đó, đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Hoa lại chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Bắc có số lượng khách Trung Quốc đến tham quan nhiều như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn…

Hiện cả nước có trên 1.500 hướng dẫn viên quốc tế tiếng Hoa là con số không phải nhỏ so với số lượng khách là người Trung Quốc và những quốc gia nói tiếng Hoa đến Việt Nam du lịch. Do số lượng khách nói tiếng Hoa đến Việt Nam rải rác nhiều tỉnh thành phố trong cả nước, trải rộng từ Bắc - Trung - Nam, nên số lượng hướng dẫn viên tiếng Hoa là đủ để cung cấp cho thị trường toàn quốc. Nếu chỉ tính riêng thành phố Đà Nẵng có 19 công ty lữ hành quốc tế và 7 chi nhánh chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc, với 360 hướng dẫn viên quốc tế tiếng Hoa được cấp thẻ trong tổng số 2.238 hướng dẫn viên. Đây là con số rất lớn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Số lượng hướng dẫn viên này đủ đảm nhiệm việc hướng dẫn cho tất cả các đoàn khách đến từ Trung Quốc đến tham quan tại thành phố Đà Nẵng và Hội An cũng như một số tỉnh thành lân cận. Hoặc tỉnh Khánh Hòa hiện nay với số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ quốc tế tiếng Hoa là 10 người, đây là con số không nhỏ có thể đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn tại điểm tham quan. Đồng thời, hướng dẫn viên làm nghề di chuyển nên các hướng dẫn viên có thể di chuyển từ Đà Năng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ra trợ giúp hướng dẫn nếu các công ty du lịch quốc tế có nhiều khách Trung Quốc không đủ hướng dẫn. Nhưng riêng đối với các đoàn du lịch Trung Quốc đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh khác đều có đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ hướng dẫn và di chuyển đến các thành phố lớn trong đó có Khánh Hòa và Đà Nẵng.

2.2. Hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài

Trong thời gian gần đây, số lượng hướng dẫn viên quốc tế tiếng Hoa không phải là người Việt thuộc các công ty lữ hành quốc tế hoạt không có giấy phép tại Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố miền Trung nói riêng như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... đang trở nên ngày một nhiều và đã là một vấn đề nghiêm trọng đối với người làm quản lý nhà nước về du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên trong nước, cán bộ quản lý tại các điểm tham quan du lịch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn viên du lịch không có giấy phép hành nghề hướng dẫn bao gồm:

- Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong nước vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi những hệ lụy sau này đối với hoạt động kinh doanh ký kết hợp tác với các công ty du lịch phía Trung Quốc.

- Sự quản lý của cán bộ tại điểm tham quan không có đủ nhân lực quản lý, hoặc thiếu thiết bị kỹ thuật để kiểm tra chặt chẽ đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế đưa khách đến tham quan và thuyết minh tại điểm tham quan mình quản lý.

- Để quản lý, kiểm tra nội dung thuyết minh tại các điểm tham quan của các hướng dẫn viên tiếng Hoa là rất khó khăn. Ngoài ra, một nhóm khách du lịch là người Trung Quốc tự tổ chức đi du lịch riêng lẻ, với tư cách là cá nhân đi du lịch. Nhưng trên thực tế, các nhóm du khách đi riêng lẻ thường có một người đứng ra tổ chức hướng dẫn, điều hành, vì họ là người có thể am hiểu về điểm đến tại bất cứ nơi đâu. Họ tự tổ chức không thông qua công ty lữ hành quốc tế bên Việt Nam để hoạt động hướng dẫn và đã vi phạm luật tại Điểm a, Khoản 3, Điều 73, Luật Du lịch Việt Nam, năm 2005 quy định điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế là người có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Một số kiến nghị quản lý đội ngũ hướng dẫn viên người nước ngoài

3.1. Đối với Tổng cục Du lịch

Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là cơ quan cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch đối với các công ty kinh doanh lữ hành quốc tế tại các tỉnh thành phố, đặc biệt là những tỉnh, thành phố có số lượng khách du lịch Trung Quốc như thành phố Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang. Tổng cục Du lịch cần phối hợp với các bộ, ban ngành, sở du lịch/sở văn hóa, thể thao và du lịch cũng như chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố nơi có các điểm tham quan du lịch có khách quốc tế đến tham quan trong đó có khách Trung Quốc thống nhất một số hoạt động như sau:

- Tổng cục Du lịch kết hợp các sở văn hóa, thể thao và du lịch hoặc sở du lịch thuộc các tỉnh, thành phố thống nhất về thống kê và lập dữ liệu nội dung các điểm tham quan, khu du lịch theo tiêu chuẩn chung để dễ dàng quản lý trên hệ thống mạng máy tính kết nối internet. Đồng thời, Tổng cục Du lịch kết hợp với các nhà cung cấp hệ thống mạng để xây dựng hệ thống dữ liệu về các điểm tham quan trên địa bàn các tỉnh, thành phố của cả nước theo những ký hiệu và lập trình riêng để dễ dàng nhận biết và kiểm soát. Xây dựng hệ thống phần mềm nhận diện hình ảnh người và biểu ghi số lượt hướng dẫn viên du lịch sử dụng thẻ hướng dẫn của mình tại mỗi điểm tham quan, thời gian sử dụng, số lần sử dụng thông qua máy quét tại mỗi điểm hướng dẫn tham quan du lịch. Dữ liệu này có lợi cho công tác quản lý nhà nước như sau:

+ Số lượt hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên nội địa sử dụng thẻ của mình trong cả một thời gian thẻ có giá trị;

+ Kiểm tra được số lượt hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên nội địa đến các điểm tham quan, khu du lịch bao nhiêu lần;

+ Kiểm tra được số ngày, tháng, năm mà hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên nội địa đưa các đoàn khách tham quan đến từng điểm tham quan, khu du lịch;

+ Thống kê số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan tại mỗi điểm, khu du lịch trong ngày, tuần, tháng, năm;

+ Thống kê giá vé trên tổng số vé được bán ra tương ứng số tiền thu được tại mỗi điểm đến, khu du lịch (nếu có bán vé), tính trong từng ngày, tuần, tháng, năm.

3.2. Đối với sở du lịch/sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố

Sở du lịch/sở văn hóa, thể thao và du lịch thuộc các tỉnh, thành phố cần phải đầu tư công nghệ thông tin bằng cách nối mạng internet trực tiếp đến các điểm tham quan, mỗi điểm tham quan cần bằng máy quét hình ảnh đối với hướng dẫn viên du lịch để kiểm tra:

- Yêu cầu các điểm tham quan du lịch phải có hệ thống máy tính chủ và máy quét để dễ dàng nhận diện hình ảnh của hướng dẫn viên tại điểm của mình. Đối với hướng dẫn viên không có hồ sơ hình ảnh gốc khi quét dễ dàng phát hiện và kịp thời báo cho thanh tra sở du lịch hoặc sở văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương có hình thức xử lý, ngăn chặn được những tình huống xấu đáng tiếc xảy ra.

- Rà soát, thống kê lại tất cả các thẻ hướng dẫn viên quốc tế của các ngôn ngữ khác nhau để nắm được số lượng thẻ còn hạn hoặc hết hạn sử dụng, để từ đó có kế hoạch triển khai; các sở văn hóa, thể thao và du lịch hoặc sở du lịch thuộc của các tỉnh thành phố mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên môn, lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn xin cấp mới thẻ hoặc chuyển đổi thẻ.

- Phối hợp với các điểm tham quan đưa ra cách thức quản lý và xử lý những trường hợp hướng dẫn viên vi phạm một cách nhanh, hiệu quả, khoa học nhất.

3.3. Đối với các điểm tham quan, khu du lịch quản lý về đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế

- Bố trí nhân viên soát vé du khách và kiểm tra thẻ hướng dẫn viên quốc tế thông qua máy quét ảnh nối mạng với cơ sở dữ liệu tại Tổng cục Du lịch về số thẻ, thời hạn sử dụng, ngoại ngữ, hình trong thẻ và người sử dụng thẻ có đúng và phù hợp với dữ liệu gốc tại máy chủ không. Nếu một trong các thông tin trong thẻ hướng dẫn viên không đúng thì cán bộ soát vé báo cáo cấp trên có hình thức xử lý theo Điều 77 của Luật Du lịch và xử phạt bằng tiền đối với các lỗi vi phạm theo Điều 44, Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức tiền nặng, nhẹ tùy theo lỗi vi phạm của người hướng dẫn viên du lịch.

- Các điểm tham quan du lịch cần xây dựng nội quy, quy trình vào tham quan tại điểm tham quan mình quản lý theo thứ tự từng nhóm đoàn cụ thể.

- Bố trí đội ngũ hướng dẫn viên/thuyết minh viên tại điểm hướng dẫn cho khách theo ngôn ngữ, nếu không có hướng dẫn viên tại điểm thuộc nhóm ngôn ngữ đó cần phải kiểm tra hướng dẫn viên của đoàn khách đúng với Luật Du lịch.

3.4. Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế

Đối với công ty kinh doanh lữ hành quốc tế Việt Nam nếu vi phạm một trong những điều từ 46 đến Điều 52 của Luật Du lịch Việt Nam:

+ Nếu vi phạm tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ được xử lý vi phạm theo từng mức độ và xử phạt bằng tiền theo đúng Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Đồng thời, tùy theo mức độ nặng nhẹ, ngoài xử phạt đối với các công ty du lịch lữ hành quốc tế không có hợp đồng đại lý đối với các công ty lữ hành và các vi phạm khác có thể thu hồi giấy phép và không cho hoạt động kinh doanh trở lại.

+ Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đúng các khoản trong Điều 51 Luật Du lịch Việt Nam năm 2015.

3.5. Đối với hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên người nước ngoài

Đối với hướng dẫn viên quốc tế là người Việt Nam, nếu vi phạm một trong những Điểm, Khoản, Điều, Chương, Mục từ Điều 73 đến Điều 77 của Luật Du lịch sẽ bị xử lý theo đúng Luật. Đồng thời phải bị xử phạt nộp bằng tiền theo đúng mức độ vi phạm của mình phù hợp với các Điểm, Khoản, Điều, Chương, Mục trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Đối với hướng dẫn viên du lịch là người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam vi phạm Điều 73, Điều 76, Điều 77 của Luật Du lịch cần xử phạt:

+ Sẽ bị xử phạt nộp bằng tiền theo đúng mức độ vi phạm của mình nằm trong các Điểm, Khoản, Điều, Chương, Mục trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

+ Đồng thời, những hướng dẫn viên người nước ngoài bị xử lý, trục xuất về nước đối với những đối tượng lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam du lịch nhưng làm lao động trái phép.

4. Kết luận

Tình trạng người nước ngoài đến Việt Nam làm hướng dẫn viên không đúng với Luật Du lịch Việt Nam đang là mối lo ngại lớn cho các nhà quản lý du lịch, cho cả những người hướng dẫn viên trong nước làm nghề chân chính hiện nay. Nhưng để có biện pháp đối phó với tình trạng hướng dẫn viên này đã xảy ra ở Việt Nam trong thời gian vừa qua là một bài toán khó cho những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch. Nhà nước cần có những chế tài mới bằng cách bổ sung thêm một số điều mới vào Luật Du lịch Việt Nam sắp tới về người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép ở Việt Nam cần phải xử lý như thế nào cho phù hợp với lợi ích về kinh tế và ngoại giao giữa các quốc gia hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Du lịch Việt Nam, 2005, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Nghị định 158/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013, về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

3. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13466

MANAGING TOUR FOREIGN GUIDES IN VIETNAM: CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS

Assoc.Prof.Ph.D. NGUYEN CONG HOAN

University of Finance and Marketing

ABSTRACT:

Some foregin tour guides who do not have licenses are performing at many tourist destinations and resorts across Vietnam. This phenomenon has become one of the most concerns for Vietnamese authorities at all levels in managing tourism industry. This study is to propose some recommendations for both enhancing the effectiveness of governmental management in tourism industry and avoiding negative impacts on international tourists, including Chinese travellers, who visit Vietnam.

Keywords: Foregin tourguides, governmental management in tourism industry, tourist destination.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây