TÓM TẮT:
Tham vấn được hiểu là quá trình trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ giúp người cần tham vấn hiểu rõ bản chất vấn đề, nắm vững những cách giải quyết và đưa ra phương án giải quyết tối ưu. Tham vấn cộng đồng dân cư là hoạt động không thể thiếu trong quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo ĐTM. Bài viết phân tích, bình luận các quy định pháp luật về tham vấn cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Từ khóa: tham vấn cộng đồng dân cư, đánh giá tác động môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, Luật Bảo vệ môi trường 2020, hướng dẫn, thi hành..
1. Khái quát chung về hoạt động tham vấn cộng đồng dân cư trong quá trình đánh giá tác động môi trường
Tham vấn cộng đồng dân cư trong đánh giá tác động môi trường nhằm huy động các bên có liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định để bảo đảm cho dự án có tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, hợp tác và khả thi; thu thập thông tin có liên quan đến nội dung dự án và những thông tin về môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị… tại địa bàn dự án; tìm kiếm và huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư về các biện pháp duy trì các tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực do dự án tạo ra, đặc biệt là những kinh nghiệm truyền thống và kiến thức bản địa của nhân dân địa phương. Như vậy, tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM là quá trình tham gia của cộng đồng trong việc lập, thẩm định báo cáo ĐTM và trao đổi thông tin giữa chủ dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM của dự án đó với các bên có liên quan đến dự án.
Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường không chỉ là công cụ để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, qua đó bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của quốc gia, mà còn là sự thể hiện dân chủ xã hội thông qua các quyền của người dân như tiếp cận thông tin về môi trường, quyền tham gia vào các công việc chung của cộng đồng. Vì vậy, các quy định pháp luật về tham vấn trong quá trình đánh giá tác động môi trường quy định phù hợp những chủ thể nào chịu tác động trực tiếp, nội dung, quy trình tiến hành tham vấn là rất quan trọng, nhằm bảo đảm việc ĐTM khoa học, hiệu quả. Kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo ĐTM. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư nếu có. Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo ĐTM.
2. Quy định pháp luật về tham vấn cộng đồng dân cư trong quá trình đánh giá tác động môi trường
Quy định pháp luật hiện hành về tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM được quy định cụ thể tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020), Điều 26 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật BVMT bao gồm một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, quy định pháp luật về đối tượng tham vấn trong ĐTM.
Khoản 1 Điều 33 Luật BVMT 2020 quy định: cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư; cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án là đối tượng được tham vấn. Cụ thể hóa hơn tại điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2022 quy định đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình ĐTM.
So với Luật BVMT năm 2014, quy định hiện hành của Luật BVMT 2020 và văn bản hướng dẫn - Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã cụ thể hóa hơn các đối tượng cộng đồng dân cư được tham vấn. Điều này đã khắc phục được quy định “chung chung” về “cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án” theo quy định trước đây của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Bên cạnh cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động của dự án nêu trên, các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp tới dự án đầu tư cũng được quy định là đối tượng tham vấn. Trong số các cơ quan, tổ chức là đối tượng được tham vấn theo quy định cụ thể hơn tại điểm b khoản 1 điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì Ủy ban Nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án cũng là 2 tổ chức đại diện của cộng đồng dân cư. Luật BVMT 2020 kế thừa quy định của Luật BVMT 2014 khi tiếp tục quy định đối tượng tham vấn không chỉ bao gồm cộng đồng dân cư, tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư (Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã), mà còn các cơ quan, tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Thực tế cho thấy, việc tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư chỉ đáng tin cậy đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Còn đối với các dự án có quy mô lớn và mức độ ảnh hưởng đáng kể, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến từ các tổ chức thuộc nhiều ban, ngành lĩnh vực để giúp bản báo cáo có thể bao quát được nhiều vấn đề xã hội và môi trường. Quy định về đối tượng tham vấn hiện nay cũng chính là thể hiện chính sách nhà nước kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.
Thứ hai, quy định pháp luật về nội dung tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM.
Nội dung tham vấn được quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật BVMT 2020 và quy định chi tiết hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, một số nội dung tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM như vị trí thực hiện dự án đầu tư; tác động môi trường của dự án đầu tư; biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; các nội dung khác có liên quan đến dự án đầu tư, bao gồm: phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản hoặc chôn lấp chất thải, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với dự án có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật. Đây là những nội dung vô cùng quan trọng trong nội dung của báo cáo ĐTM.
Thứ ba, quy định pháp luật về hình thức tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM.
Hình thức tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM được quy định bao gồm 2 hình thức: tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến.
- Quy định pháp luật về hình thức tham vấn cộng đồng dân cư thông qua đăng tải trên trang thông tin định tử, quy định về hình thức tham vấn thông qua việc đăng tải trên trang thông tin điện tử là một quy định hoàn toàn mới của Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử được quy định cụ thể tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo ĐTM đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM để tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn. Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án.
- Quy định pháp luật về hình thức tham vấn cộng đồng dân cư bằng tổ chức họp lấy ý kiến, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Cụ thể, chủ dự án chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo ĐTM tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra trước thời điểm họp ít nhất là 5 ngày. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết báo cáo ĐTM kể từ khi nhận được báo cáo ĐTM cho đến khi kết thúc họp lấy ý kiến. Bên cạnh đó, chủ dự án có trách nhiệm trình bày nội dung báo cáo ĐTM tại cuộc họp tham vấn. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và các phản hồi, cam kết của chủ dự án phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp tham vấn cộng đồng theo mẫu do Bộ TNMT quy định. Với quy định này, người dân được tham vấn trực tiếp thông qua họp cộng đồng dân cư cho chủ đầu tư và ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp thực hiện mà không thông qua bất cứ một cơ quan hay tổ chức đại diện nào. Việc quy định như vậy đảm bảo được sự chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư đối với các dự án liên quan đến vấn đề môi trường xung quanh. Bằng cách tham gia cuộc họp trực tiếp, cộng đồng dân cư, người dân có thể bày tỏ được nguyện vọng và có thể đề xuất các giải pháp để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên có liên quan.
Như vậy, Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định mới cũng như sửa đổi phù hợp làm nổi bật lên được vai trò của tham vấn cộng đồng nói riêng và vai trò của cộng đồng dân cư chung trong ĐTM. Việc sửa đổi bổ sung nhiều quy định về tham vấn cộng đồng trong ĐTM có nhiều ý nghĩa: quy định chi tiết về các đối tượng cộng đồng dân cư được tham vấn giúp cho quá trình triển khai thực hiện dễ dàng hơn, không bị bỏ sót những đối tượng cần tham vấn; quy định rõ ràng trách nhiệm trước pháp luật của chủ dự án trong việc thực hiện tham vấn cộng đồng để giảm bớt tình trạng phớt lờ ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư; quy định bổ sung hình thức tham vấn thông qua cổng thông tin điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình này. Quy định tại Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bổ sung khá đầy đủ về hình thức tham vấn cộng đồng dân cư trong báo cáo tác động môi trường. Theo đó, cộng đồng dân cư được tạo điều kiện tốt nhất để có thể tham gia vào quá trình tham vấn. Nếu không thể tham gia họp lấy ý kiến cũng hoàn toàn có thể theo dõi nội dung báo cáo ĐTM cho ý kiến và phản hồi theo hình thức trực tuyến. Có thể nhận định việc bổ sung quy định hình thức tham vấn cộng đồng thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử là bước tiến mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, quy định mới này tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong ĐTM.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
- Bùi Đức Hiển (2017), Pháp luật về sự tham gia của CĐDC trong BVMT ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2017.
- Doãn Hồng Nhung (2015), Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường với vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, sách chuyên khảo, Nxb Tư pháp.
- Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
- Chính phủ (2022). Nghị định số 08/2022/NĐ - CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Nxb Dân trí.
Regulations on the community consultation during the implementation of environmental impact assessment according to the 2020 Law on Environmental Protection 2020 and its guiding documents
Master. Nguyen Thi Hang
Lecturer, Faculty of Economic Law, Hanoi Law University
Abstract:
Consultation is the process of exchanging, sharing and supporting the person in need of consultation to understand the nature of the problem and come up with the optimal solution. Community consultation is an indispensable activity in the process of environmental impact assessment. The community consultation’s results are important information for investors to research and come up with solutions to minimize impacts of projects on the environment and complete their environmental impact assessment. This paper analyzes the regulations on the community consultation during the implementation of environmental impact assessment according to the 2020 Law on Environmental Protection 2020 and its guiding documents.
Keywords: community consultation, environmental impact assessment, ensuring sustainable development, the 2020 Law on Environmental Protection, guiding, implementing.