TÓM TẮT:
Quản lý về biển, đảo theo ngành, lĩnh vực trong điều kiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, đảo còn thiếu đồng bộ và chồng chéo làm cho hiệu lực thi hành pháp luật yếu, tổ chức triển khai thiếu phối hợp giữa các ngành, các cấp. Do đó, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là tăng cường thiết chế dân chủ để nhân dân tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo thực thi pháp luật hiệu quả. Do đó, bài viết “Quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo trong nền kinh tế thị trường” đi theo hướng nghiên cứu tiếp cận quyền con người, quyền công dân gắn với hoạt động quản lý nhà nước về biển và hải đảo.
Từ khóa: Quản lý về biển, đảo, tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận thông tin, quản lý nhà nước.
1. Đặt vấn đề
Tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948. Trong tiến trình hội nhập quốc tế thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến quyền con người và luôn có các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm không ngừng nâng cao quyền tiếp cận thông tin của người dân, coi đây là một giải pháp hữu hiệu bảo đảm quyền con người được thực thi ở Việt Nam, cũng như thể hiện thái độ tích cực hội nhập quốc tế theo xu thế nhân quyền và hòa bình. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân ở Việt Nam trong mối tương quan với các loại quyền chính trị - dân sự khác vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu, đầy đủ để người dân thực hiện quyền của mình.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Thực chất, ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin của người dân chỉ đến Hiến pháp năm 1992 mới được đề cập trong Điều 69: Công dân có quyền được thông tin. Trước đó, trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 chưa có các quy định về quyền tiếp cận thông tin. Thực chất, quyền tiếp cận thông tin hay quyền được thông tin trong Hiến pháp năm 1992 và 2013 là sự thể chế tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (được bổ sung, phát triển năm 2011): “Bảo đảm quyền được thông tin... của công dân”. Tiếp theo, để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 và 2013, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành có các quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước đang nắm giữ.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chiến lược biển Việt Nam, các đơn vị, địa phương liên quan đã chủ động trong công tác tuyên truyền về pháp luật, đường lối, chủ trương chính sách quản lý về biển, đảo, với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, các đơn vị xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội vùng biển, trên biển và hải đảo nhằm tăng cường quản lý nhà nước về biển và hải đảo.
Tuy nhiên, công tác quản lý biển và hải đảo hiện nay vẫn còn những hạn chế tồn tại, như: sự tham gia của cộng đồng, địa phương vào tiến trình quản lý hoàn toàn thụ động và không thường xuyên quyền tiếp cận thông tin về quản lý nhà nước biển đảo cho công dân chưa đảm bảo nắm rõ được kịp thời, nhanh chóng và chính xác.
2. Quan niệm về quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo
Quyền tiếp cận thông tin là một quyền con người và là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin được tiếp tục khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển và Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường. Ở Việt Nam cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản QPPL có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống.
Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới tiến bộ, tích cực, liên quan đến quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; ghi nhận hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992. Theo đó, tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi "quyền được thông tin" thành "quyền tiếp cận thông tin" là một trong những quyền cơ bản của công dân. Việc ban hành Luật tiếp cận thông tin sẽ bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần và quy định của Hiến pháp.
Hơn nữa, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cũng là nhằm bảo đảm các quyền khác của con người, của công dân mà Hiến pháp đã quy định (ví dụ như quyền tham gia quản lý nhà nước về biển và hải đảo… Bởi vì, khi người dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về các hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân có điều kiện chủ động tham gia vào các hoạt động của nhà nước và xã hội; đóng góp ý kiến vào xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, sẽ giúp cho Nhà nước hoạch định chính sách, pháp luật vừa sát thực tế, vừa hợp với lòng dân, sẽ bảo đảm sự đồng thuận xã hội trước khi ban hành quyết định, qua đó giúp cho điều hành và quản trị xã hội được hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, thực thi quyền tiếp cận thông tin của công dân còn giúp nâng cao tính trách nhiệm của nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền khác của con người được tốt hơn.
Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 tại kỳ họp thứ 11. Chủ tịch Nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2015. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 quy định tại Điều 3 mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.
Riêng trong lĩnh vực môi trường, lần đầu tiên quyền tiếp cận thông tin về lĩnh vực này mới chỉ được ghi nhận một cách ngắn gọn tại Điều 10, Luật BVMT năm 1993, theo đó: Các cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường, định kỳ báo cáo với Quốc hội về tình hình môi trường, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường và thông báo cho nhân dân biết. Tuy nhiên, đến khi Luật BVMT năm 2005 được ban hành, quyền tiếp cận thông tin về môi trường đã được đề cập một cách chi tiết hơn trong nhiều điều khoản, theo đó quyền này được hiểu là: Quyền của mọi công dân theo quy định của pháp luật có khả năng nhận và sử dụng được những thông tin về môi trường do các cơ quan có thẩm quyền nắm giữ.
Tại Chương X - Quan trắc và thông tin về môi trường, đã có các quy định: Thống kê, lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường (Điều 102); Công bố, cung cấp thông tin về môi trường (Điều 103); Công khai thông tin, dữ liệu về môi trường (Điều 104) và thực hiện dân chủ cơ sở về BVMT (Điều 105).
Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin về môi trường còn được đề cập tại một số điều khoản liên quan đến: Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường và trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường v.v... Hoặc các Điều 67, 68, 71, Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Những điều khoản pháp luật nói trên đã thiết lập khuôn khổ pháp lý của quyền tiếp cận thông tin về môi trường ở nước ta.
Trong Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định tại Điều 6 về việc tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia thuận lợi, có hiệu quả của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp, bằng văn bản hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tiếp thu, giải trình phải được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định tại Điều 4 theo đó, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước là góp phần mở rộng hay minh bạch hóa, công khai hóa các hoạt động công vụ của bộ máy công quyền nhằm giúp người dân có khả năng giám sát, kiểm tra và trực tiếp tham gia đóng góp vào những hoạt động đó.
Như vậy, nội hàm của quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo được hiểu theo mức độ rộng, hẹp khác nhau giữa các quốc gia, tuy nhiên, nhận thức chung cho rằng, cốt lõi của quyền tiếp cận thông tin quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo là khả năng của cá nhân công dân, trong phạm vi luật định, được tiếp nhận, tìm kiếm phổ biến các thông tin, bao gồm những thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ.
Như vậy, quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo chính là quyền của công dân được tìm kiếm, tiếp nhận những thông tin về thể chế; kết quả thực thi thể chế; thủ tục hành chính; chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước ở các cấp về môi trường biển, hải đảo; về đội ngũ cán bộ, công chức; nguồn lực tài chính, tài sản công và các điều kiện khác về vật chất, kỹ thuật nhằm đảm bảo thực thi công vụ hiệu quả theo quy định của pháp luật về môi trường biển, hải đảo.
3. Sự cần thiết của việc đảm bảo thực hiện quyền quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo hiện nay
Thứ nhất, trong tiến trình hội nhập quốc tế thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo và luôn có các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo không ngừng nâng cao quyền tiếp cận thông tin của người dân, coi đây là một giải pháp hữu hiệu đảm bảo quyền con người và gắn với việc đưa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống được thực thi ở Việt Nam, cũng như thể hiện thái độ tích cực hội nhập quốc tế theo xu thế quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo.
Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo của Việt Nam trong mối tương quan với các loại quyền chính trị - dân sự khác vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu, đầy đủ để người dân thực hiện quyền của mình. Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế có tình trạng áp dụng những người thi hành pháp luật, công chức thực thi pháp luật không nghiêm túc, lợi ích nhóm, cục bộ, tư lợi cá nhân nên không muốn công khai thông tin. Cho nên đã dẫn đến tình trạng công dân muốn giám sát nhưng thiếu thông tin, không thể thực hiện quyền của mình giám sát. Vì vậy, đã không thể khống chế tình trạng ô nhiễm môi trường biển, bưng bít thông tin vẫn còn, vi phạm pháp luật và sự tuỳ tiện của các cán bộ, công chức khi thừa hành công vụ. Có tình trạng lợi dụng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác đã sử dụng thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, công bằng trong xã hội. Thậm chí việc cung cấp thông tin còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cán bộ, công chức. Việc chia sẻ thông tin cũng rất hạn chế trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Các cán bộ, công chức thường có tâm lý tránh rủi ro và kiểm soát thông tin, thiếu ý thức và thiện chí trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin.
Thứ hai, song song với việc cụ thể hóa các quy định từ Hiến pháp, Nhà nước ta đã “nội luật hóa” một số quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo của công dân trong nước và công dân nước ngoài đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc thể chế và chi tiết hóa quyền được thông tin hay tiếp cận thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn kiện pháp lý quốc tế khác thành các quy định của luật và văn bản pháp quy còn chậm và chưa hệ thống, chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực của cuộc sống, chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể, đơn giản, nên việc thực hiện quyền được thông tin của công dân còn hạn chế.
Thứ ba, các quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, nên việc quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo do các cơ quan nhà nước nắm giữ vẫn vô cùng khó khăn, dẫn tới tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền chưa được thực hiện, biểu hiện rõ nhất là trên lĩnh vực ô nhiễm môi trường biển, báo cáo đánh giá tác động môi trường biển, thông tin liên quan đến an ninh biển, hải đảo… Vì thế, hiện tượng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong cơ quan nhà nước vẫn phổ biến, dẫn tới hiện tượng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp và thậm chí có sử dụng vũ khí nóng để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chẳng hạn, như thực trạng về ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề báo động "đỏ", mà hiện tượng hải sản tự nhiên và nuôi trồng đột ngột chết trên quy mô chưa từng có diễn ra tại các tỉnh miền Trung trong tháng 4/2016, được các nhà khoa học trong và ngoài nước kết luận là do độc tố học và tảo độc. Vì vậy, nếu không sớm thực hiện các giải pháp khả thi để giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển bền vững biển và hải đảo của nước ta.
4. Một số giải pháp nhằm hạn chế các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến quyền quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo hiện nay
Quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải là đảm bảo tiếp cận các thông tin chuẩn xác. Nếu thông tin nhiều, được thông tin đầy đủ, nhưng không chuẩn xác, thông tin chưa được phân tích đánh giá và thông tin không do ai chịu trách nhiệm về tính xác thực thì cũng trở thành những thông tin không cần thiết cho người dân. Vì vậy, để hạn chế các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo của người dân, cần phải thực thi triệt để một số giải pháp sau đây:
- Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin theo hướng tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông tin. Buộc nhóm chủ thể này trước khi thông tin phải có sự phân tích, đánh giá, thậm chí là có kết luận, khuyến nghị cụ thể trước khi đưa ra công chúng.
- Giới hạn cụ thể một số thông tin thuộc về bí mật Nhà nước mà công chúng không được yêu cầu cung cấp, không có quyền tiếp cận.
- Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua năm 2016 cần có hướng dẫn chi tiết áp dụng cho ngành Quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo, cần phải được xây dựng và thực thi trong cơ chế phối hợp thực hiện chặt chẽ với Pháp lệnh về thực hiện dân chủ và một số luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền tiếp cận thông tin. Coi sự phối hợp này là cần thiết để đảm bảo thực thi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, dân là chủ đất nước.
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo. Các vi phạm trong lĩnh vực này cần phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để răn đe các trường hợp vi phạm khác.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí nói chung và kiến thức pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước về môi trường biển, hải đảo và nghĩa vụ cung cấp thông tin chuẩn xác của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thông tin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Nghị quyết số 09-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương khóa X ngày 09/02/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến 2020”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Đặng Xuân Phương (2014), Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.11.
3. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2009), Bài giảng Lớp Bồi dưỡng “Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo”, Hà Nội, tr.30.
4. Trần Quang Lý (2013), Quản lý nhà nước về môi trường biển – Lý luận và Thực tiễn, Luận văn Thạc sỹ Kinh tế biển, Đại học Hàng hải, tr.34.
5. Văn Hào - TTXVN, Báo động "đỏ" về ô nhiễm môi trường biển, truy cập tại http://dantri.com.vn/xa-hoi/bao-dong-do-ve-o-nhiem-moi-truong-bien-20160604094307966.htm [truy cập: 12h ngày 10/10/2016.
RIGHTS TO ACCESS GOVERNMENTAL
INFORMATION ABOUT MARINE ENVIRONMENT
IN THE CONTEXT OF A MARKET ECONOMY
Master. NGUYEN THU TRANG
Faculty of Law - National Economics
University
ABSTRACT:
The implementation of management of seas and islands by branches and sectors in Vietnam is inefficient as Vietnamese laws on seas and islands are asynchronous. As a result, one of the most urgent tasks for Vietnam is to reinforce democratic institutions in order to enable Vietnamese people to cooperate with governmental agencies which are responsible for managing seas and islands on implementing laws. This study introduces rights to access governmental information about marine environment in the context of a market economy.
Key words: Management of seas and islands, information access, rights of access to information, state management.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây