Theo Cổng Thông tin Điện tử Vĩnh Phúc, thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 38 của Chính phủ, tỉnh đã chủ động linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục hành chính thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư. Qua đó, giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ký kết được các đơn hàng mới với giá trị lớn và đẩy mạnh sản xuất, bù lại khoảng thời gian 2 năm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Công ty TNHH sản phẩm thông minh ASSA ABLOY Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện 2 chuyên sản xuất khóa cửa thông minh, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc. Thời gian qua, doanh nghiệp không chỉ duy trì ổn định sản xuất mà còn mở rộng quy mô nhà xưởng.
Ông Nguyễn Đức Giáp, Trưởng phòng nhân sự cấp cao của công ty cho biết: "Sự hỗ trợ tính cực của các cấp, các ngành, nhất là Ban quản lý các khu công nghiệp về thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp đơn vị sản xuất tương đối ổn định, với sản lượng xuất khẩu bình quân 100 - 120 nghìn sản phẩm khóa cửa thông minh/tháng; riêng tháng 4/2022 tăng lên 135 nghìn sản phẩm. Nhờ sản xuất hiệu quả, tháng 1/2022, công ty đã tăng lương cơ bản cho công nhân, đưa thu nhập bình quân lên gần 10 triệu đồng/người/tháng".
Nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh trước tác động của dịch Covid-19, Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) thực hiện Dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu năm 2022 tăng nhà cung cấp nội địa và thêm hơn 200 linh kiện được nội địa hóa.
Với cam kết sản xuất và phát triển lâu dài tại Việt Nam, công ty đã đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm, gia tăng nhà cung cấp Việt. Trong giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, đơn vị vẫn tuyển dụng thêm 12 nhà cung cấp mới.
Đến nay, Toyota Việt Nam là nhà sản xuất ô tô FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất với hơn 724 linh kiện (thân xe, khung gầm, ghế, ắc quy…). Riêng trong năm 2020 - 2021 có 324 linh kiện mới được nội địa hóa. Đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa đã giúp doanh nghiệp gia tăng sản xuất với tổng doanh số bán hàng trong tháng 3/2022 đạt 8.097 xe, tăng 21% so với cùng kỳ và đứng đầu toàn thị trường.
Tuy các doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể nhưng sản xuất công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất đầu tư, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
Nhằm gia tăng “sức khỏe” cho doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh sẽ linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để tăng khả năng cạnh tranh; xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa; tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thúc đẩy xuất khẩu;
Thực hiện giải quyết từ 70 - 80% số thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử; triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic, các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực thương mại - công nghiệp chuyển đổi số; thực hiện các chính sách về giảm lãi suất các khoản vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũ; tăng cường cho vay mới để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp.