TÓM TẮT:
Bài viết phân tích hiện trạng sản xuất và tiêu thụ xoài trên địa bàn tỉnh An Giang. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất này khá cao, trung bình một năm hộ sản xuất thu được lợi nhuận 12,7 triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, việc sản xuất cũng tồn tại nhiều khó khăn, như: sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chưa tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế.
Việc tiêu thụ xoài chủ yếu dựa vào thương lái, không thông qua hợp đồng bao tiêu nên lúc cao điểm thu hoạch rộ dễ bị ép giá... Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất những giải pháp cho việc sản xuất và tiêu thụ xoài có hiệu quả hơn.
Từ khóa: Sản xuất và tiêu thụ xoài, cây ăn trái, thương lái, tỉnh An Giang.
1. Đặt vấn đề
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 307 nghìn ha diện tích cây ăn trái, chiếm khoảng 40% diện tích cây ăn trái cả nước, trong đó An Giang là một trong những tỉnh trồng cây ăn trái đặc trưng của khu vực ĐBSCL.
Thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phong trào chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái đã được nông dân tích cực hưởng ứng. Năm 2016, toàn tỉnh An Giang chuyển trồng mới được khoảng 1.946 ha cây ăn trái, chủ yếu là các loại cây như xoài, bưởi, cam, quýt, nhãn, mận… Điều này giúp nâng diện tích cây lâu năm hiện có trong tỉnh lên hơn 13.000 ha, tăng trên 11,4% diện tích so với năm trước; trong đó loại cây ăn quả có gần 10.900 ha, chiếm khoảng trên 83,4% diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh.
Xoài là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường và được sử dụng rộng rãi từ trái còn xanh đến trái chín, phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế và du lịch, nâng cao đời sống, đồng thời cũng là nguồn thu nhập quan trọng của các nhà vườn.
Theo thống kê từ Cục Trồng trọt, An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng trồng xoài đạt chất lượng xuất khẩu, tiếp đến là 2 tỉnh Đồng Tháp và Đồng Nai.
Theo Cục Thống kê tỉnh An Giang, tổng diện tích xoài toàn tỉnh năm 2018 là trên 10.000 ha, trong đó xoài Ba Màu (hay xoài tượng da xanh) và Cát Hòa Lộc chiếm khoảng 7.800 ha (80% tổng diện tích).
Mặc dù, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho nhà vườn sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao đầu ra sản phẩm nhưng nhiều nhà vườn vẫn còn gặp không ít khó khăn từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Vậy làm thế nào để thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ xoài trên địa bàn đạt hiệu quả chính là vấn đề được nhà vườn và chính quyền địa phương quan tâm.
2. Mục tiêu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu sẽ tập trung phân tích hiệu quả kinh tế, thuận lợi và khó khăn của sản xuất và tiêu thụ xoài trên địa bàn tỉnh An Giang, nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách về thực trạng sản xuất cũng như tiêu thụ xoài, phân tích hiệu quả kinh tế của cây xoài trong việc góp phần phát triển, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người trồng xoài.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Theo số liệu của Cục Thống kê An Giang, hai huyện có diện tích trồng xoài lớn nhất là Chợ Mới và Tịnh Biên, bài viết đã thu thập số liệu từ kết quả khảo sát thực tế 40 hộ trồng xoài ở hai huyện trên.
Sử dụng phương pháp thống kê mô tả nhằm mô tả thực trạng sản xuất và tiêu thụ xoài trên địa bàn tỉnh, đồng thời dựa vào phương pháp thống kê chi phí - lợi nhuận để phân tích hiệu quả kinh tế của cây xoài.
3. Thực trạng sản xuất và tiêu thụ xoài tại An Giang
3.1. Khái quát tình hình sản xuất
Thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, An Giang mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, đất bãi bồi sang trồng cây ăn trái. Năm 2019, hầu hết diện tích các loại cây lâu năm đều tăng so với năm trước. Các cây ăn trái được trồng tại An Giang gồm: Chuối, xoài, nhãn, bưởi và các cây ăn quả khác. Trong đó, xoài, chuối, nhãn là 3 loại cây ăn trái đang được trồng nhiều nhất. Cây xoài được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Chợ Mới chiếm khoảng 80% tổng diện tích trồng xoài toàn tỉnh. Giống xoài trồng phổ biến gồm: xoài thanh ca, xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái Lan, xoài Đài Loan.
Bảng 1. Diện tích và năng suất xoài ở các huyện của tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2018
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh An Giang năm 2018
Diện tích trồng xoài ở An Giang tăng liên tục qua các năm, mỗi năm tăng 15 - 17%, vì một số nhà vườn đã khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới và trồng thêm diện tích mới theo chủ trương chung của tỉnh… Tập trung nhiều ở huyện Chợ Mới, Tịnh Biên và An Phú. Nổi bật là huyện Chợ Mới với diện tích chiếm hơn 55% diện tích của cả tỉnh do UBND huyện tập trung quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng chọn lọc giống để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng màu có giá trị cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, vườn cây ăn trái gắn du lịch sinh thái tại 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân). Riêng xã Mỹ Hiệp, 100% đất vườn tập trung phát triển sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái.
Xét về mặt sản lượng, theo kết quả thống kê sản lượng cũng tăng liên tục qua các năm. Cụ thể, năm 2018, tổng sản lượng xoài toàn Tỉnh đạt khoảng 136 ngàn tấn, tăng hơn 23 ngàn tấn so với năm 2017. Cây xoài huyện Chợ Mới có năng suất cao nhất tỉnh, khoảng 20 tấn/ha. Kết quả này nhờ vào kỹ thuật canh tác được chú trọng và sự thay thế các giống xoài cho năng suất cao.
3.2. Kênh phân phối
Xoài ở An Giang được tiêu thụ dưới dạng ăn tươi là chủ yếu, chưa qua chế biến. Kênh phân phối được thể hiện ở Sơ đồ 1.
Sơ đồ 1: Kênh phân phối xoài ở địa phương
Kênh 1,2 - Nông dân sản xuất → người bán lẻ/người tiêu dùng: Với cách bán này người sản xuất sẽ bán được giá cao nhất, tuy nhiên số lượng tiêu thụ rất ít nên chỉ xuất hiện kênh này đối với những hộ có diện tích trồng rất nhỏ. Khi thu hoạch xoài, hộ gia đình sản xuất sẽ bán cho người bán lẻ hoặc các thành viên trong hộ sẽ mang xoài ra chợ địa phương để bán, hay có thể để phía trước nhà bán cho người đi đường.
Kênh 3 - Nông dân sản xuất → Thương lái → Người bán lẻ → Người tiêu dùng: Nông dân trồng xoài bán cho thương lái tại vườn hoặc chở đến điểm tập trung của thương lái gần nơi trồng xoài. Nông dân có thể tự thu hoạch và bán cho thương lái, hoặc có thể bán xoài mão (thương lái tới vườn tự thu hoạch xoài). Thương lái sau khi thu gom sẽ phân loại sản phẩm và phân phối cho những người bán lẻ trong khu vực. Kênh phân phối này chủ yếu là từ những nông dân thu hoạch xoài với số lượng dưới 100 kg.
Kênh 4 - Nông dân sản xuất → Thương lái địa phương/HTX → Thương lái tỉnh → Siêu thị/ chợ → Người tiêu dùng: Nông dân trồng xoài bán xoài cho thương lái trong khu vực hoặc các hợp tác xã. Tại đây, xoài được phân loại, đóng gói, sau đó bán cho thương lái ở các tỉnh khác hoặc các thành phố lớn. Thương lái tỉnh phân phối lại cho các siêu thị hoặc những người bán lẻ ở chợ hay ở các khu dân cư. Người tiêu dùng mua sản phẩm từ những người bán lẻ hoặc siêu thị để sử dụng. Kênh này thích hợp cho những hộ sản xuất với quy mô lớn hơn, sản lượng xoài thu hoạch mỗi vụ nhiều. Giá bán không cao bằng kênh 1 và 2, nhưng sản lượng bán ngày càng lớn hơn và tương đối ổn định.
Kênh 5 - Nông dân sản xuất → Thương lái địa phương/HTX → Công ty xuất khẩu → Xuất khẩu: Xoài ở dạng tươi được các thương lái địa phương hoặc hợp tác xã thu mua từ nông hộ. Thương lái địa phương/hợp tác xã bán lại cho các nhà xuất khẩu để xuất đi các nước khác. Trong kênh này, thương lái địa phương cũng có thể bán trực tiếp cho các nhà nhập khẩu ngay tại các chợ biên giới (đối với thị trường Campuchia và Trung Quốc). Kênh phân phối này nông dân sẽ bán được giá hơn kênh 3, 4; tuy nhiên xoài đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu không nhiều nên sản lượng bán cũng ít so với các kênh khác.
Tỉnh An Giang có những hợp tác xã trái cây như: Hợp tác xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới), Hợp tác xã GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bà Chi (huyện Tri Tôn). Tuy nhiên, các hợp tác xã này hoạt động chưa mạnh nên phần lớn nông dân thường bán xoài cho thương lái. Hai công ty thu mua xoài xuất khẩu là Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Thu; Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong ở Bến Tre. Hiện tại, Công ty Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) đang xây dựng mã code vùng trồng xoài Ba màu ở huyện Chợ Mới và Tịnh Biên để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Australia, nhưng số lượng rất hạn chế.
Kênh phân phối này giúp cho trái xoài nâng cao được hiệu quả kinh tế và có thể mở rộng thị trường trong tương lai, tuy nhiên đòi hỏi nông hộ sản xuất phải cải tiến kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
3.3. Hiệu quả kinh tế của cây xoài
Cây xoài tại An Giang đã mang lợi nhuận cao hơn từ 7 - 10 lần so với trồng lúa (tùy giá cả thị trường hàng năm và từng loại giống xoài) [3]. Chi phí đầu tư ban đầu đối với cây xoài khoảng 4 triệu đồng cho khâu làm đất và mua cây giống. Những chi phí sản xuất khác tính trung bình trên 1.000m2 mỗi năm khoảng 8,3 triệu đồng.
Bảng 2. Bảng chi phí, doanh thu, lợi nhuận/1.000m2/năm của cây xoài
Nguồn: Kết quả điều tra thực tế 40 hộ trồng xoài ở An Giang
Trong các khoản mục chi thì chi phí phân bón, thuốc sâu, thuốc dưỡng chiếm hơn 45%, cụ thể: chi phí phân bón 2,1 triệu đồng/1.000m2 chiếm 25,3% và thuốc sâu, thuốc dưỡng chiếm 21,69%. Các bệnh thường gặp trên cây xoài như: nám trái, vàng lá, bọ trĩ, sâu đục trái... khiến cho nông dân vừa phải sử dụng thuốc sâu, vừa phải sử dụng thuốc dưỡng để đảm bảo năng suất và chất lượng xoài. Chăm sóc xoài phải thực hiện thường xuyên nên chi phí này cũng tương đối lớn.
Tổng chi phí sản xuất/1 công xoài khoảng 8,3 triệu đồng, với giá xoài trung bình là 15.000 đồng/kg thì nông dân sẽ có doanh thu là 21 triệu đồng/năm, mang lại lợi nhuận 12,7 triệu đồng/công. Tỷ lệ doanh thu/chi phí là 2,53%, nghĩa là 1 đồng chi phí bỏ ra, nông dân sẽ thu về 2,53 đồng doanh thu.
Tỷ lệ lợi nhuận/chi phí là 1,53%, nghĩa là 1 đồng chi phí bỏ ra, nông dân sẽ thu về 1,53 đồng lợi nhuận. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế của cây xoài mang lại khá cao cho nông hộ. Nếu nông dân xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ thành công sẽ có giá bán từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, thì lợi nhuận sẽ cao hơn 40 - 50% so với những vụ bình thường.
So với các loại cây hàng năm như cây lúa thì cây xoài có chi phí đầu tư cao hơn, nhưng lợi nhuận cũng cao hơn nhiều. Theo thông tin từ Đài Truyền thanh huyện Chợ Mới của Bích Trâm ngày 20/4/2019: Nông dân xã Kiến Thành - huyện Chợ Mới thu hoạch lúa Đông Xuân sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được là 2 triệu đồng/công. Nếu tính 3 vụ lúa/năm thì trung bình mỗi năm nông dân có lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng/công, trong khi trồng xoài cho lợi nhuận hơn 12 triệu đồng/năm. Điều này cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả sang cây xoài là một hướng đi rất phù hợp cho nông hộ.
4. Đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ xoài tại An Giang
4.1. Thuận lợi
Vị trí địa lí: An Giang có vị trí tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, là đầu mối giao thương quan trọng nối các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL với các nước lân cận.
Điều kiện sản xuất: Điều kiện đất đai, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao, phù hợp cho cây xoài phát triển. Một số tỉnh ở ĐBSCL bị hạn mặn, thiếu nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp nhưng ở An Giang thì tình trạng này chưa xảy ra nên các vườn xoài của nông dân vẫn rất hiệu quả.
Kinh nghiệm: Nhà vườn có kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm, bên cạnh đó, một số hộ nhận thức được tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên đã mạnh dạn áp dụng cho mô hình sản xuất của hộ, giúp tăng năng suất và giảm thiểu chi phí đầu vào - như sử dụng tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm chi phí tưới.
Nhu cầu tiêu thụ: Nhu cầu xoài ngày càng tăng do điều kiện kinh tế của người dân ngày một khá hơn. Hơn nữa, hội nhập kinh tế thế giới sẽ là đòn bẩy giúp xoài có nhiều cơ hội gia nhập thị trường quốc tế. Gần đây, trái xoài đã dần tìm được hướng xuất khẩu sang các nước phát triển giúp nâng cao giá trị kinh tế của xoài.
Được sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, định hướng phát triển quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất xoài, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Mới và Tịnh Biên. Hai huyện này có thể phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn xoài cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
4.2. Khó khăn
Cạnh tranh về giá và chất lượng với xoài Thái, xoài keo Campuchia: An Giang tiếp giáp với Campuchia nên trái cây của Thái Lan và Campuchia dễ dàng được tìm thấy ở thị trường khu vực, vì thế xoài của An Giang phải cạnh tranh gay gắt hơn. Không những vậy, tình hình dịch hại trên cây trồng diễn biến phức tạp (sâu đục trái, bọ trĩ...)
Chất lượng xoài: Đa số nhà vườn có thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết và còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ trong sản xuất dẫn đến sản phẩm ít, chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên khó tiêu thụ.
Một số nông hộ áp dụng mô hình trồng xoài theo hình thức vườn tạp, mong tránh rủi ro về giá cả nên hiệu quả chưa cao.
Tiêu thụ: Chưa nhiều hộ trồng xoài biết cách tìm kiếm thị trường, dẫn đến thiếu thông tin về thị trường. Phần lớn sản lượng xoài tiêu thụ chủ yếu nhờ vào thương lái (khoảng 85%), không có hợp đồng mua bán bao tiêu nên vào mùa thu hoạch thường bị ép giá. Trái xoài chủ yếu là bán tươi trong nước, chưa qua chế biến và sản lượng xuất khẩu không nhiều nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao.
4.3. Giải pháp hỗ trợ
Giải pháp cho sản xuất: Tập trung phát triển du lịch gắn với vườn xoài để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông hộ.
Cải tạo vườn tạp kém hiệu quả theo hướng chuyên canh hoặc cho nông hộ sản xuất giỏi thuê đất để cải tạo và sản xuất. Từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất xoài cát (làm đất, tưới nước, bón phân, tỉa cành tạo tán…) nhằm giảm chi phí đến mức tối ưu trong sản xuất.
Ngành nông nghiệp cần cập nhật tình hình dịch hại trên xoài thường xuyên và kịp thời chuyển giao các biện pháp phòng trừ hữu hiệu cho nông dân. Xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo và phổ biến quy trình canh tác, xử lý trái, phòng trừ dịch hại trên xoài để nông dân có điều kiện tham gia học tập kinh nghiệm. Từng bước phát triển vườn xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế, mang lại lợi nhuận cao cho nông hộ.
Giải pháp cho tiêu thụ: Nông hộ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để góp phần sản xuất và tiêu thụ xoài hiệu quả. Tùy tình hình sản xuất của hộ để chủ động tìm kênh phấn phối có giá cao, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Địa phương thúc đẩy việc hình thành mối liên kết ngang giữa nông dân và nông dân để thành lập các nhóm sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã,… từ đó, tạo thế mạnh cho việc sản xuất xoài và tránh tình trạng bị ép giá. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích - hỗ trợ phát triển xoài bền vững theo mô hình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP. Mở rộng quy mô chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, được truy vấn nguồn gốc an toàn, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và ký kết hợp đồng xuất khẩu để ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.
Địa phương tạo môi trường đầu tư thuận lợi, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến xoài, đa dạng hóa sản phẩm từ xoài (chế biến nước ép xoài, mứt xoài, xoài sấy…), nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Nâng cấp kênh tiêu thụ sản phẩm xoài thông qua các liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân qua từng thời vụ.
5. Kết luận
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái thì cây xoài được nhiều nông hộ chọn lựa vì hiệu quả kinh tế nó mang lại. Với một công xoài (1.000m2) mỗi năm mang lại lợi nhuận khoảng 12,7 triệu đồng, trong khi nếu làm lúa mỗi năm chỉ thu được lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, nên diện tích sản xuất xoài tăng liên tục qua các năm.
Tuy nhiên, trong sản xuất và tiêu thụ, nông dân cũng gặp không ít khó khăn như: sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, khó áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nên chi phí sản xuất còn cao. Nhiều nông dân chưa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên chất lượng trái xoài chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Để cây xoài mang lại được hiệu quả kinh tế cao và phát triển ổn định, cần thay đổi thói quen sản xuất trong nông hộ, thúc đẩy liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp công nghệ để đa dạng hóa các sản phẩm từ xoài giúp nâng cao giá trị kinh tế cho trái xoài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Dương Ngọc Thành ( 2012). Giải pháp để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng xoài cát tỉnh Đồng Tháp. Thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ.
- Lê Thị Thu Oanh (2011). Đánh giá thực trạng và phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Luận văn Đại học ngành Kinh tế Nông nghiệp, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ.
- Lê Hoàng Vũ (2019). An Giang: Trồng xoài hướng đến xuất khẩu. https://nongnghiep.vn/an-giang-trong-xoai-huong-den-xuat-khau-d242931.html
- VITIC tổng hợp (2019) An Giang: Xây dựng nhãn hiệu Xoài Ba Màu, đẩy mạnh tiêu thụ. Bộ Công Thương. Trang thông tin thương mại biên giới miền núi và hải đảo.
- Cục Thống kê tỉnh An Giang (2018), Niên giám thống kê tỉnh An Giang năm 2018.
MANGO PRODUCTION AND CONSUMPTION IN AN GIANG PROVINCE:
CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
• Master. LE THI THIEN HUONG
Faculty of Economics - Business Administration,
An Giang University, An Giang, Vietnam
Vietnam National University Ho Chi Minh City, Vietnam
ABSTRACT:
This paper analyzes the current situation of mango production and consumption in An Giang Province. The economic efficiency of the mango production model is quite high compared to other production models. The average annual profit of a household growing mango trees is at 12.7 million VND / 1,000m2. However, the mango production model also has difficulties. For example the production is small and fragmented and the production does not follow export standards. In addition, the consumption of mango mainly relies on traders in stead of exclusive sales contracts. This article proposes solutions for mango production and consumption.
Keywords: Production and consumption of mangoes, fruit trees, traders, An Giang Province.