Chia sẻ với nỗ lực vượt khó của địa phương
Hơn 4 ngày (14-17/7), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Bộ Công Thương di chuyển trên cung đường đồi núi gần 1.500km đến làm việc trực tiếp tại 4 tỉnh Tây Bắc, từ Lào Cai sang Lai Châu đến Điện Biên và kết thúc ở Sơn La.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, chuyến đi đến làm việc với các tỉnh miền núi phía Bắc lần này là dịp quan trọng để Bộ Công Thương tiếp cận gần gũi hơn nữa với địa phương, thể hiện sự nghiêm túc và quan điểm cầu thị của các đơn vị thuộc Bộ đối với những vấn đề mà địa phương còn gặp khó trong quá trình phát triển của mình.
4 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đều nằm ở khu vực miền núi phía Tây Bắc, còn nhiều khó khăn do địa hình trắc trở, thời tiết bất lợi dẫn đến thiên tai, đặc thù đồng bào dân tộc. Lại thêm 6 tháng đầu năm dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương phải gánh thêm áp lực lớn trong phát triển kinh tế xã hội.
Song, các địa phương đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phòng chống dịch bệnh gắn với khôi phục phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trong đó, hai lĩnh vực lớn của ngành Công Thương là công nghiệp và thương mại đóng vai trò trụ cột kinh tế, đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội tại các tỉnh này 6 tháng đầu năm, giúp địa phương duy trì mức tăng trưởng dương giữa giai đoạn khó khăn.
Tại Lào Cai, sản xuất công nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn là điểm sáng trong phát kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần rất lớn vào tăng trưởng GRDP địa phương, chiếm 47-48%. Tại Lai Châu, tổng giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 đạt 30,7 triệu USD, đã hoàn thành tới 67,9% kế hoạch năm dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Điện Biên và Sơn La cũng giữ được sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo tăng so với cùng kỳ.
Ông Trần Văn Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biệu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, có được kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nói riêng và những năm qua nói chung, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, quan tâm của các Bộ, ngành, trong đó đặc biệt có Bộ Công Thương và các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ.
Đến với địa phương nào, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện các đơn vị thuộc Bộ cũng đều nghiên cứu kĩ báo cáo, kiến nghị cũng như lắng nghe trao đổi của lãnh đạo tỉnh về tình hình thực tiễn tại địa phương.
“Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức, áp lực đang đặt ra với địa phương, từ đó càng đánh giá cao hơn nỗ lực và kết quả tích cực mà địa phương đã đạt được trong thời gian qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đồng thời đề cao vai trò của địa phương khi là cầu nối giữa Bộ Công Thương với doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiểu rõ địa phương để phát huy vai trò định hướng
Một trong những vấn đề được người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh trong chuyến làm việc lần này tại 4 tỉnh Tây Bắc là “đặc thù của địa phương". Cần hiểu rõ địa phương có thế mạnh gì, tiềm năng nào, đặc trưng riêng ra sao để xây dựng được kế hoạch hỗ trợ và phối hợp cho đúng. Cùng là Tây Bắc, cùng là miền núi, nhưng Lào Cai, Lai Châu hay Điện Biên, Sơn La đều cần những hướng đi riêng.
Đối với Lào Cai, từ khóa mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra là “bền vững”. Làm sao để tỉnh phát triển theo hướng bền vững hơn, giảm khai khoáng thô sơ, tăng hàm lượng chế biến trong sản phẩm để tạo điều kiện nền tảng cho thực hiện chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp.
Đặc biệt, với đặc thù có trên 200km đường biên giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Lào Cai cần được hỗ trợ để phát triển mạnh hơn nữa kinh tế - thương mại biên mậu, trở thành đầu cầu giao thương kết nối không chỉ của thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam mà cả thị trường ASEAN rộng lớn 600 triệu dân.
Trong khi đó, Lai Châu hiện là trung tâm năng lượng lớn của cả nước về thủy điện, khi mỗi năm đóng góp cho hệ thống quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện với công suất ổn định, giá bán cạnh tranh. Do đó, những vướng mắc về quy hoạch thủy điện nhỏ, quy hoạch đất rừng cần được xử lý sớm để tỉnh phát huy thế mạnh của mình.
Với quy mô sản xuất chưa lớn, Lai Châu nên tập trung vào tận dụng các thị trường ngách. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn cũng là vấn đề mà Bộ Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ Lai Châu.
Mặt khác, do điều kiện địa lý không thuận lợi, Điện Biên lại cần tập trung vào phát triển thị trường dựa trên nền tảng số, đẩy mạnh thương mại điện tử để khắc phục điểm yếu này, khai thác tối đa tiềm năng của doanh nghiệp trên địa bàn.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ cùng Điện Biên xác định rõ kế hoạch phát triển thị trường trong và ngoài nước gắn với sản phẩm cụ thể, “hiểu người hiểu mình”, biết địa phương có thế mạnh gì, phù hợp với thị trường nào, từ đó phối hợp lại tổ chức sản xuất, vượt qua các hàng rào kỹ thuật để tiến sâu hơn vào thị trường đó.
Còn với Sơn La, khi đã xác định rõ thế mạnh của mình về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, điều cần làm giờ đây là đẩy mạnh liên kết vùng, tạo chuỗi tiêu thụ nông sản thông qua ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, từ đó định vị rõ ràng thương hiệu và vị thế trên thị trường trong, ngoài nước.
Bộ Công Thương không chỉ phối hợp, hỗ trợ địa phương về nguồn lực, nhân lực mà còn bằng công cụ cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho địa phương khai thác tối đa tiềm năng mình đang có.
Trách nhiệm đồng hành thể hiện bằng hành động
Tại mỗi buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong đoàn công tác lần này của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đều đã có sự trao đổi thẳng thắn, trả lời những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo các tỉnh, đi cùng với đó là gợi ý những hướng phát triển mở rộng hơn cho địa phương, làm sao để khai thác tối đa tiềm năng đặc thù của từng nơi.
Bộ Công Thương khẳng định ý thức rõ về trách nhiệm của mình và sẽ đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, yêu cầu tiếp thu ý kiến, kiến nghị của địa phương, nhấn mạnh “đây đều là những đề xuất xác đáng, phù hợp với thực tiễn tại địa phương”, từ đó nghiên cứu, có ý kiến báo cáo lãnh đạo Bộ và khẩn trương trả lời địa phương.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ chính sách và cơ chế thực thi, điều hành để tạo điều kiện tối đa cho địa phương phát triển nhanh nhưng đảm bảo yếu tố ổn định, bền vững. Đối với những kiến nghị mà lãnh đạo địa phương nêu ra không nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nhất định sẽ có tiếng nói đến cấp trung ương như Chính phủ và Quốc hội để sát cánh cùng địa phương thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới.
“Từ góc độ trách nhiệm và vai trò của mình, các đơn vị của Bộ Công Thương cần “xắn tay áo” vào cuộc ngay, không chỉ lắng nghe, góp ý mà phải tiến tới phối hợp cùng địa phương xây dựng chương trình hành động 6 tháng cuối năm và những năm sau đó”, Bộ trưởng khẳng định.
Ở chiều ngược lại, những bài học kinh nghiệm quý báu và bổ ích từ thực tiễn phát triển của địa phương cũng được đoàn công tác lắng nghe, tiếp thu để xây dựng, nhân rộng mô hình ứng dụng tại các địa phương khác trong những lĩnh vực thuộc ngành Công Thương.
Đặc biệt, sau chuyến làm việc, Bộ Công Thương cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phối hợp công tác với từng địa phương, trong đó có những giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực và nêu rõ nhiệm vụ cần làm của cả hai bên, góp phần tháo gỡ vưỡng mắc của địa phương một cách hiệu quả nhất.