Tác động của quản trị thanh khoản đến khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS. TĂNG MỸ SANG (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu thực của hệ thống ngân hàng (NH) thương mại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018, nhằm kiểm định sự tác động của quản trị thanh khoản đến khả năng sinh lợi của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy quản trị thanh khoản có tác động đến suất sinh lợi của các NH, trong đó hệ số an toàn vốn, hệ số đầu tư và hệ số thanh toán nhanh có tác động đáng kể. Từ kết quả phân tích định lượng, bài viết đã đề xuất một số hàm ý cho các giải pháp hoàn thiện công tác quản trị thanh khoản nhằm giúp hệ thống NH phát triển bền vững, là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam trước sự biến động ngày càng phức tạp của nền kinh tế thế giới.

Từ khóa: Quản trị thanh khoản, khả năng sinh lợi của ngân hàng, quản trị ngân hàng, ngân hàng thương mại.

1. Giới thiệu

Hoạt động của hệ thống NH thương mại có tầm quan trọng nhất định đối với nền kinh tế của các quốc gia. Trong quá trình quản trị NH, các nhà quản lý luôn phải đảm bảo tính thanh khoản để duy trì ổn định hoạt động cho chính bản thân các NH và của cả hệ thống. Đây là loại rủi ro đã được Ủy ban Basel nhận diện và đưa ra những quy định điều chỉnh sau một số loại rủi ro khác. Hệ thống NH Việt Nam ra đời từ rất lâu, là một trong những tổ chức tài chính quan trọng nhất, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, được đánh giá có những bước tiến mới về chất và lượng nhưng vấn đề thanh khoản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, có một số giai đoạn hệ thống NHTM rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời, từ đó tác động đến lãi suất, dẫn đến lãi suất huy động và cho vay tăng cao, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các NH mà còn gây ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp từ đó tác động đến nền kinh tế. Chính vì vậy, nghiên cứu các giải pháp giúp NH đảm bảo thanh khoản để duy trì sự ổn định là rất cần thiết, đây chính là lý do nghiên cứu của bài viết này.

2. Tổng quan nghiên cứu

Hệ thống NH là một trong những định chế tài chính lớn nhất và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế. Chính vì sự quan trọng này nên hoạt động của hệ thống NH chịu rất nhiều quy định khác nhau, một trong những quy định này là yêu cầu vốn tối thiểu được xây dựng bởi Ủy ban Basel, nhằm giúp các NH có thể hấp thu những tổn thất xảy ra trong quá trình kinh doanh. Hiệp ước Basel I đã ra đời trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bị gián đoạn và vấn đề khủng hoảng nợ của Mỹ Latin, là một hiệp ước đã quy định về hoạt động NH và quy định về giám sát. Hiệp ước đã tập trung vào rủi ro tín dụng và tỷ lệ vốn tối thiểu của tài sản có rủi ro là 8%, áp dụng bắt đầu từ cuối năm 1992 (Bis.org, 2014). Tháng 1 năm 1996, một số điều khoản đã được ban hành để đảm bảo yêu cầu cho rủi ro thị trường. Tháng 6 năm 2004, hiệp ước Basel II đã được ban hành với một khuôn khổ khá đầy đủ các quy định liên quan đến an toàn nguồn vốn cho hoạt động của các NH bao gồm 3 trụ cột chính. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, Ủy ban Basel nhận thấy Basel II vẫn chưa đáp ứng cho một thị trường tài chính khá phức tạp, ngành NH rơi vào khủng hoảng do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, bộ đệm thanh khoản chưa tương xứng, quản trị rủi ro doanh nghiệp và quản lý rủi ro kém và cơ chế phúc lợi chưa phù hợp. Sau đó, một quá trình điều chỉnh lớn những nội dung của Basel II đã được thực hiện và vào tháng 12 năm 2010, các tiêu chuẩn Basel đã được ban hành và được các NH quốc tế áp dụng vào năm 2019. Nội dung của Basel III chủ yếu tập trung vào việc thắt chặt định nghĩa về vốn của NH, quy định về tỷ lệ đòn bẩy, bộ đệm an toàn, quy định về nguồn vốn để đảm bảo cho rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng cho các sản phẩm phái sinh ngày càng gia tăng của thị trường. Như vậy có thể thấy một trong những vấn đề rất quan trọng mà các nhà quản trị NH phải quan tâm ở bất kỳ thời điểm nào chính là đảm bảo khả năng thanh khoản. Trong những năm gần đây, tác động của khả năng thanh khoản đến hiệu quả hoạt động NH là một trong những chủ đề đang được các nhà quản trị NH và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để kiểm định mối liên hệ này, Ibrahim, S. S. (2017) chỉ ra rằng 2 vấn đề rất quan trọng trong công tác quản lý của NH là tính thanh khoản và khả năng sinh lời. Eevarajasingam, N. (2014) đã chứng mình rằng tỷ suất sinh lợi, rủi ro và sự hài lòng của khách hàng có thể bị ảnh hưởng bởi các quyết định về thanh khoản và khả năng sinh lợi. Tất cả các NH thương mại đều cố gắng thu hút thêm nhiều khách hàng mới để tìm kiếm nhiều lợi nhuận hơn từ đó tăng khả năng sinh lợi cho NH. Nghiên cứu của Kaur and Skilky (2013) đã cho thấy hiệu quả hoạt động của NH được thể hiện bằng các tỷ suất sinh lợi kết hợp với phân tích về tính khoản. Tính thanh khoản không chỉ quan trọng đối với các định chế tài chính, mà đó còn là cơ sở để ra các quyết định quan trọng. Tác giả Don (2009) đã khẳng định rằng, sự tồn tại của một công ty nên chú trọng vào tính thanh khoản hơn là khả năng sinh lợi. Tương tự, tác giả Arena (2008) quan sát và thấy rằng một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự phá sản của NH chính là vấn đề về thanh khoản. Các NH có xu hướng thích dự trữ ít tiền để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Theo Shafana (2015), vị thế thanh khoản của công ty sẽ mạnh hơn khi họ giữ một tỷ trọng lớn tài sản ngắn hạn nhưng lợi nhuận sẽ bị giảm xuống. Nhiều NH và tổ chức tài chính chưa thể xác định mức dự trữ thanh khoản hợp lý. Theo Kaur và Skilky (2013), bản chất đặc thù của công ty sẽ quyết định yêu cầu về thanh khoản. Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu của các tác giả khác cho thấy mối liên hệ giữa rủi ro thanh khoản và khả năng sinh lợi, tuy nhiên có một lưu ý rất quan trọng cho bất kỳ NH nào là cần thiết phải giữ cân bằng giữa thanh khoản và khả năng sinh lời ở vị trí an toàn khi họ quyết định đầu tư vào các tài sản ngắn hạn.Nghiên cứu của Bordeleau, É., & Graham, C. (2010) cho thấy khả năng sinh lợi của NH Canada được cải thiện khi NH nắm giữ một lượng tài sản thanh khoản cần thiết, nếu nắm giữ quá nhiều, khả năng sinh lợi của NH sẽ bị suy giảm. Bên cạnh đó, khả năng sinh lợi của NH còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mô hình kinh doanh của NH và điều kiện kinh tế vĩ mô. Hai nhóm tỷ số được sử dụng phổ biến để đánh giá khả năng thanh khoản của NH là hệ số thanh toán chung và hệ số thanh toán nhanh. Trong đó, hệ số thanh toán chung có tác động cùng chiều và hệ số thanh toán nhanh có tác động ngược chiều, điều này hàm ý rằng nếu thanh khoản NH trong ngắn hạn được đảm bảo thì có thể gia tăng lợi nhuận cho NH nhưng nếu trong ngắn hạn, NH nắm giữ quá nhiều tài sản có khả năng thanh toán ngay như tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng khác... sẽ làm giảm cơ hội kiếm lời từ các tài sản khác trên thị trường, điều này được chứng minh qua các nghiên cứu của Khan, R. A., & Ali, M. (2016), Ibrahim, S. S. (2017). Bên cạnh các tỷ số thanh toán, quản trị thanh khoản của một NH còn được thể hiện thông qua một số chỉ tiêu khác. Trong nghiên cứu của các tác giả Khan, R. A., & Ali, M. (2016), Ibrahim, S. S. (2017), hệ số an toàn vốn, hệ số cho vay và hệ số thanh toán chung được sử dụng để kiểm định vấn đề này, trong đó hệ số cho vay và hệ số đầu tư càng cao thì càng giúp NH kiếm được nhiều lợi nhuận, nhưng đối với hệ số an toàn vốn, nếu NH giữ tỷ lệ này quá cao thì nguồn vốn đầu tư vào các hợp đồng kinh doanh có rủi ro thấp sẽ mang lại suất sinh lợi thấp.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu và mẫu nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng mẫu dữ liệu bảng gồm 1.026 quan sát được thu thập từ báo cáo tài chính hàng năm của 19 NH thương mại Việt Nam. Toàn bộ dữ liệu được lấy từ từ báo cáo tài chính trên trang web của các NH và dữ liệu trên trang web www.cafef.vn và www.vietstock.vn. Mặc dù dữ liệu được thu thập chỉ có 19 NH nhưng tổng tài sản của 19 NH này tính đến năm 2017 chiếm tỷ trọng hơn 86% so với toàn hệ thống nên mang tính đại diện cho cả hệ thống NHTM Việt Nam.

3.2. Mô tả các biến và các giả thuyết

Việc lựa chọn biến cơ bản và đưa ra các giả thuyết nghiên cứu chủ yếu dựa trên các công trình thực nghiệm đã thực hiện, chủ yếu từ công trình nghiên cứu của Alshatti, A. S. (2015). Hai mô hình đề xuất cho nghiên cứu này bao gồm:

mo-hinh-de-xuat-cho-nghien-cuu

Trong đó:

  • Biến phụ thuộc bao gồm ROA và ROE. Trong đó, ROE là hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Lợi nhuận thuần / Vốn chủ sở hữu), đo lường hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để tạo ra lợi nhuận. ROA là hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản (Lợi nhuận thuần/ Tổng tài sản), đo lường hiệu quả của việc sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận.
  • Biến độc lập là các biến đo lường khả năng thanh khoản của Các biến độc lập bao gồm hệ số thanh toán chung, hệ số thanh toán nhanh, hệ số an toàn vốn, hệ số cho vay, hệ số đầu tư. Trong đó, IR là hệ số đầu tư (Cho vay/Tiền gửi của khách hàng); NCFTA là hệ số cho vay (Cho vay/Tổng tài sản); CR là hệ số an toàn vốn (hệ số CAR); LR là hệ số thanh toán chung (tài sản ngắn hạn/Tổng tài sản); QR là hệ số thanh toán nhanh ((tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho)/Tổng tài sản).

Để kiểm định tác động của quản trị thanh khoản đến khả năng sinh lời của hệ thống NHTM Việt Nam, bài nghiên cứu đưa ra 5 giả thuyết như sau:

  • Giả thuyết H1: Hệ số thanh khoản chung không có tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của các NH;
  • Giả thuyết H2: Hệ số đầu tư không có tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của NH;
  • Giả thuyết H3: Hệ số an toàn vốn có tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của NH;
  • Giả thuyết H4: Hệ số thanh khoản nhanh không có tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của NH;
  • Giả thuyết H5: Hệ số cho vay trên tổng tài sản không có tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của NH.

4. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm

Như đã trình bày ở trên, do bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu theo kiểu bảng (Panel data), vì vậy các phương pháp ước lượng mô hình (1) và (2) được chọn là Pooled OLS, kỹ thuật ước lượng hiệu ứng cố định (FEM), hiệu ứng ngẫu nhiên (REM), bình phương nhỏ nhất tổng quát (General Least Square -– GLS). Bởi vì hạn chế của OLS trong ước lượng là có hiện tượng bị chệch do phương sai thay đổi, tự tương quan hay nội sinh (Kiviet, J. F, 1995), do đó phương pháp GLS để được sử dụng để xử lý hiện tượng tự tương quan (Wooldridge, 2002).

thong-ke-mo-ta

Căn cứ vào dữ liệu thống kê trong Bảng 1 có thể thấy rằng, ROE của hệ thống NH khá cao (khoảng 10%), cao hơn so với ROA (khoảng 8%) nhưng khá chênh lệch giữa các NH, hệ số an toàn vốn chủ sở hữu nhìn chung đáp ứng yêu cầu của NH nhà nước, trung bình của các NHTM là gần 14%, cao hơn so với mức quy định hiện hành là 9%. Tỷ lệ cho vay của NH khá cao, khoảng 86% so với tiền gửi, tỉ lệ cho vay trên tổng tài sản chiếm khoảng 55%. Hệ số thanh toán chung chỉ chiếm khoảng 13,1%, hệ số thanh toán nhanh ở mức khoảng 39%. Sử dụng bộ dữ liệu trên, tác giả tiếp tục ước lượng mô hình (1) và (2).

ket-qua-phan-tich

Dựa vào phân tích tương quan trong Bảng 2, ta thấy trong mô hình 1, tất cả các biến IR, NCFTA, CR, LR tác động cùng chiều với ROA. Không có hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng do các hệ số tương quan có giá trị khá thấp (cao nhất là 0.3226, chuẩn so sánh theo Farrar & Glauber (1967) là 0.8). Đối với mô hình 2, các biến IR, NCFTA, LR tác động cùng chiều với ROE, biến CR tác động ngược chiều. Mô hình này cũng không có hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng do các hệ số tương quan có giá trị khá thấp (cao nhất là 0.2513).

Đối với tác động của các biến độc lập đối với ROA, khi so sánh 2 mô hình OLS và FEM tại mức ý nghĩa 1%, kết quả nghiên cứu cho thấy Prob > F = 0.0004 nhỏ hơn 1% nên bác bỏ giả thuyết Ho, mô hình FEM được chọn. So sánh hai mô hình FEM và REM tại mức ý nghĩa 1%, kết quả nghiên cứu cho thấy Prob > chi2 = 0.0125 lớn hơn 1% nên bác bỏ giả thuyết Ho chính, vì vậy mô hình REM được chọn. Như vậy, sau khi so sánh 3 mô hình, kết quả cho thấy mô hình REM được chọn.

Đối với tác động của các biến độc lập đối với ROE, khi so sánh hai mô hình OLS và FEM tại mức ý nghĩa 1%, kết quả nghiên cứu cho thấy Prob > F = 0.0003 nhỏ hơn 1% nên bác bỏ giả thuyết Ho, mô hình FEM được chọn. So sánh hai mô hình FEM và REM tại mức ý nghĩa 1%, kết quả nghiên cứu cho thấy Prob > chi2 = 0.0023 nhỏ hơn 1% nên bác bỏ giả thuyết Ho chính vì vậy mô hình FEM được chọn. Như vậy, sau khi so sánh 3 mô hình, kết quả cho thấy mô hình FEM được chọn.

Kiểm định các giả thuyết của mô hình 1 và mô hình 2, VIF của tất cả các biến độc lập của cả 2 mô hình đều nhỏ hơn 10 nên hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình được đánh giá là không nghiêm trọng (Gujarati, D. N., & Porter, D. C, 2003). Với mức ý nghĩa 1%, kiểm định White cho kết quả là Prob > Chi2 = 0.0000, nhỏ hơn 1% nên bác bỏ giả thuyết Ho, tức là có hiện tượng phương sai thay đổi. Với mức ý nghĩa 1%, kiểm định cho kết quả lần lượt của 2 mô hình là Prob > F = 0.0000, Prob > F = 0.0003 , đều nhỏ hơn 1% nên bác bỏ giả thuyết Ho, tức là có hiện tượng tự tương quan.

Kết quả kiểm định từng phần cho thấy 2 mô hình đều có hiện tượng đa cộng tuyến được đánh giá là không nghiêm trọng, có hiện tượng phương sai thay đổi và hiện tượng tự tương quan. Theo Wooldrige (2002), có thể sử dụng phương pháp GLS để khắc phục hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi để đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả. Kết quả sau khi xử lý bằng phương pháp GLS được trình bày trong Bảng 3.

ket-qua-hoi-quy

Mô hình nghiên cứu được xem là không phù hợp khi tất cả các hệ số hồi quy bằng 0 và mô hình được xem là phù hợp nếu có ít nhất một hệ số hồi qui khác không. Với giả thuyết Ho: các hệ số hồi qui đều bằng không; H1: có ít nhất một hệ số hồi qui khác không. Kết quả mô hình nghiên cứu cho thấy 2 mô hình có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 1% (do Prob > chi2 của 2 mô hình đều nhỏ hơn 1%) nên kết quả mô hình phù hợp và có thể sử dụng được. Vậy, kết quả mô hình nghiên cứu có phương trình như sau:

ROE = -0,2158203+0,0629559IR+0,252675NCFTA -0,1787187CR+0,131047 LR-0,3559739QR

ROA = 0,0158427+ 0,0064535IR + 0,09885NCFTA + 0,0502248CR + 0,0077762LR + 0,0232475QR

Kết quả ước lượng hồi qui mô hình 1 cho thấy giá trị cho vay trên tổng tiền gửi, hệ số an toàn vốn và hệ số thanh toán nhanh có tác động đáng kể trong khi hệ số thanh toán chung và hệ số cho vay trên tổng tài sản không tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của NH thương mại Việt Nam. Trong nhóm các yếu tố có tác động đáng kể thì hệ số an toàn vốn tác động mạnh nhất, kế tiếp là hệ số thanh toán nhanh. Như vậy kết quả định lượng phù hợp với giả thiết H2, H3 và H5. Trong khi đó, các giả thiết H1 và H4 bị bác bỏ.

Kết quả ước lượng hồi qui mô hình 2 cho thấy giá trị cho vay trên tổng tài sản và hệ số thanh toán nhanh có tác động đáng kể trong khi hệ số thanh toán chung, hệ số an toàn vốn và hệ số cho vay trên tổng tiền gửi không tác động đáng kể đến khả năng sinh lợi của NH thương mại Việt Nam. Các giả thiết H4 và H5 là phù hợp, các giả thiết H1, H2 và H3 bị bác bỏ, trong đó nhóm các yếu tố có tác động đáng kể thì hệ số thanh toán nhanh có tác động mạnh hơn.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Thông qua dữ liệu thu thập từ báo cáo tài chính của hệ thống NH Việt Nam để xem xét tác động của quản trị thanh khoản đến khả năng sinh lợi, kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao sẽ tác động mạnh đến khả năng tìm kiếm lợi nhuận của các NH. Bên cạnh đó, hệ số an toàn vốn và giá trị tài sản được sử dụng để đầu tư cũng có tác động mạnh đến khả năng sinh lợi tính trên phương diện tổng tài sản của NH. Dựa trên kết quả trên, tác giả rút ra một số hàm ý chính sách như sau:

  • Đảm bảo hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Theo lộ trình của NH nhà nước là lộ trình áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn được chia thành 2 giai đoạn trong đó 10 NH được chọn làm thí điểm đến năm 2020, nhưng trong nhóm 10 NH được chọn mới có 7 NH thực hiện. Việc thực hiện này đồng nghĩa với việc NH sẽ tính hệ số CAR theo thông tư 41 từ ngày 01/1/2019, các NH sẽ phải bổ sung thêm nguồn vốn, phân bổ tài sản vừa đảm bảo vùng đệm an toàn vừa sử dụng tối ưu nhất nguồn vốn. Vấn đề này là một trong những thách thức rất lớn đặt ra đối với các nhà quản trị NH nhưng việc thực hiện tốt sẽ giúp các NH tăng năng lực, vững vàng hơn trước sóng gió thị trường, trở thành nền tảng vững chắc cho thị trường tài chính và nền kinh tế;
  • Chọn lựa hình thức đầu tư an toàn hơn, đặc biệt là trong mảng cho vay đối với khách hàng, giảm việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và những người có liên quan, giảm đầu tư vào các lĩnh vực có rủi ro cao;
  • Đảm bảo khả năng chi trả, đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng đối với NH vì nếu NH luôn đảm bảo khả năng thanh khoản sẽ tạo lòng tin cho khách hàng, tăng lòng trung thành, tạo bước đệm thu hút nhiều khách hàng mới, kết hợp với chọn lựa hình thức sử dụng nguồn vốn phù hợp, từ đó có thể tăng khả năng sinh lợi của NH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Arena, M., 2008. Bank failures and bank fundamentals: A comparative analysis of Latin America and East Asia during the nineties using bank-level data. Journal of Banking and Finance 32, 299-310.
  2. Basel Committee on Banking Supervision (BCBS), 2013. Basel III: The Liquidity Coverage Ratio and liquidity risk monitoring tools, January
  3. Basel Committee on Banking Supervision (BCBS), 2013. Basel III: The Liquidity Coverage Ratio and liquidity risk monitoring tools, January
  4. Bordeleau, É., & Graham, C. (2010). The impact of liquidity on bank profitability (No. 2010, 38). Bank of Canada working paper.
  5. Collins, J. (2009). Good to Great-(Why Some Companies Make the Leap and others Don't).
  6. Eevarajasingam, N. (2014). A study on Liquidity and Profitability of Private Banks in Sri Lanka. Research Journal of Finance and Accounting. 5(21): 165-173.
  7. Farrar, D. E., & Glauber, R. R. (1967). Multicollinearity in regression analysis: the problem revisited. The Review of Economic and Statistics, 92-107.
  8. Gujarati, D. N., & Porter, D. C. (2003). Basic econometrics (ed.). New York: McGraw-HiII.
  9. Khan, R. A., & Ali, M. (2016). Impact of liquidity on profitability of commercial banks in Pakistan: An analysis on banking sector in Pakistan. Global Journal of Management and Business Research.
  10. Kiviet, J. F. (1995). On bias, inconsistency, and efficiency of various estimators in dynamic panel data models. Journal of econometrics, 68(1), 53-78.

 

IMPACTS OF THE LIQUIDITY MANAGEMENT ON THE PROFITABILITY OF VIETNAM’S COMMERCIAL BANKS

Master. TANG MY SANG

Faculty of Business Administration

University of Economics and Finance - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This research was conducted by analyzing data of Vietnam’s commercial banking system during the period 2010 to 2018 to test the impact of liquidity management on the profitability of Vietnamese commercial banks. The research’s result shows that the liquidity management impacts on the profitability of Vietnamese commercial banks. Noticeably, the capital adequacy, investment and quick ratios have significant impacts on the profitability of Vietnamese commercial banks. Based on the qualitative analysis, the research proposes some solutions to improve the liquidity management’s effectiveness to help Vietnam’s banking system develop sustainably and set a concrete development foundation for Vietnam’s economy.

Keywords: Liquidity management, profitability of bank, bank governance.