Tác động của rủi ro thanh khoản đến hành vi chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam

TRẦN ĐẶNG THANH MINH - NGUYỄN TRẦN THÁI HÀ (Khoa Tài chính Kế toán, Đại học Sài Gòn) - PHAN GIA QUYỀN (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu đánh giá tác động của rủi ro thanh khoản (RRTK) đối với hành vi chấp nhận rủi ro (CNRR) của 30 ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2002 - 2016, sử dụng phương pháp ước lượng GMM. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy các ngân hàng có RRTK cao hơn thường có nhiều hành vi CNRR hơn. Hơn nữa, các ngân hàng lớn sẽ có hành vi CNRR thấp hơn so với các ngân hàng nhỏ trong bối cảnh RRTK thấp. Nó cho thấy rằng, các ngân hàng thương mại thường đánh đổi giữa RRTK và sự ổn định trong quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại có hành vi CNRR thấp hơn khi họ có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp, dư nợ cho vay cao hoặc khả năng sinh lời cao.

Từ khóa: Rủi ro thanh khoản, hành vi chấp nhận rủi ro, quy mô ngân hàng, Vietnam, GMM.

1. Giới thiệu

Thanh khoản được xác định như là khả năng một tổ chức tài chính đối mặt với tất cả các nhu cầu về nguồn vốn một cách chính đáng [17]. Hơn thế nữa, theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (2008) định nghĩa tính thanh khoản như là khả năng mà ngân hàng vừa có thể gia tăng phần tài sản, vừa có thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ khi đến hạn mà không gây ra các tổn thất đáng kể.

Bên cạnh đó, RRTK cũng được ghi nhận như là một yếu tố đe dọa đến sự quản trị của các tổ chức tài chính và sự ổn định tài chính của hệ thống ngân hàng [11]. Các ngân hàng thường được khuyên nên duy trì một bộ đệm thanh khoản (liquidity buffer) đối với việc quản trị RRTK cũng như đóng vai trò như một công cụ chống lại các cú sốc thanh khoản nhỏ có thể xảy ra trong tương lai. Gần đây hơn, Hong và các cộng sự (2014) cho thấy rằng, RRTK có thể dẫn đến sự thất bại của các ngân hàng thông qua rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống. Lý thuyết của Acharya và Naqvi (2012) và Wagner (2007) cho thấy rằng, mức độ tài sản thanh khoản của ngân hàng càng cao có thể làm gia tăng rủi ro của ngân hàng. Ngân hàng có các khoản tiền gửi cao bảo vệ ngân hàng thoát khỏi rủi ro rút vốn ồ ạt (run risk) và được xem như là có RRTK thấp, điều này sẽ làm giảm kỷ luật thị trường (Market discipline) và dẫn đến hành vi CNRR cao hơn [11]. Do đó, có thể thấy rằng, việc nghiên cứu xem xét RRTK ảnh hưởng như thế nào đến hành vi CNRR của các ngân hàng tại Việt Nam là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mục tiêu của nghiên cứu này là xem xét tác động của RRTK đến hành vi CNRR của các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam giai đoạn 2002 - 2016. Hơn thế nữa, bài nghiên cứu cũng xem xét ảnh hưởng của quy mô ngân hàng và khủng hoảng tài chính đến mối quan hệ giữa RRTK và hành vi CNRR của các ngân hàng tại Việt Nam bằng các sử dụng biến giả đại diện cho ngân hàng quy mô lớn và giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.

2. Giả thuyết nghiên cứu

2.1. Rủi ro thanh khoản

Vazquez và Federico (2015) tìm thấy nguồn vốn càng ổn định (được đo lường bởi tỷ lệ vốn ổn định theo cách tính của Basel III) có thể làm giảm xác suất thất bại của các ngân hàng. Bên cạnh đó, King (2013) cũng ghi nhận rằng, việc duy trì tỷ lệ vốn ổn định càng cao ngân hàng sẽ phải trả chi phí tiền lãi cao hơn đối với các nguồn vốn càng dài hạn. Theo cách hiểu này, thanh khoản của ngân hàng có thể có tác động ngược chiều đến lợi nhuận của các ngân hàng và gia tăng rủi ro cho ngân hàng.

Hơn thế nữa, RRTK có tương quan ngược chiều với rủi ro thị trường [7]. Mô hình lý thuyết của Wagner (2007) mô tả mối quan hệ giữa thanh khoản của ngân hàng và tính ổn định của ngân hàng. Và tìm thấy được rằng sự gia tăng trong tài sản thanh khoản của ngân hàng có thể làm giảm tính ổn định của ngân hàng  suốt thời gian khủng hoảng tài chính xảy ra nhưng không tác động trong giai đoạn bình thường.

Mặt khác, sự gia tăng tính thanh khoản trong ngành ngân hàng có thể làm gia tăng lãi suất thông qua sự thay đổi chính sách tiền tệ. Sự gia tăng của cung thanh khoản cũng đẩy các ngân hàng vào việc phải đầu tư vào các tài sản có rủi ro. Do đó, cả về mặt lý thuyết và thực nghiệm đều cho thấy rằng RRTK dường như là có tương quan với hành vi CNRR của ngân hàng và do đó, giả thuyết đầu tiên trong nghiên cứu này sẽ được thiết lập tương tự với các giả thuyết được đặt ra trong các nghiên cứu trước đây bao gồm của Acharya và Naqvi (2012) và Khan và các cộng sự (2016):

Giả thuyết H1: Các ngân hàng đối mặt với RRTK càng thấp thì sẽ có rủi ro càng cao.

2.2. Quy mô ngân hàng

Nghiên cứu này kỳ vọng rằng quy mô ngân hàng có tác động đến hành vi CNRR của các ngân hàng. Trước đó, Demsetz & Strahan (1997) cũng cho rằng sự gia tăng trong tổng tài sản của ngân hàng có thể làm giảm rủi ro của ngân hàng và có tương quan cùng chiều với vấn đề đa dạng hóa của ngân hàng. Tương tự vậy, các ngân hàng có quy mô lớn sẽ chấp nhận mức rủi ro thấp hơn, vì quy mô ngân hàng sẽ giúp cải thiện tính ổn định của các ngân hàng như là bằng chứng được tìm thấy bởi Strioh (2004), Mercieca và các cộng sự (2007). Do đó, trong bài nghiên cứu này cũng kỳ vọng rằng, các ngân hàng có quy mô lớn sẽ ít CNRR hơn khi RRTK của ngân hàng thấp hơn.

Giả thuyết H2: Các ngân hàng có quy mô lớn CNRR thấp hơn khi RRTK của ngân hàng thấp hơn.

2.3. Khủng hoảng tài chính toàn cầu

Cornett và các cộng sự (2011) khám phá ra rằng, trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, các ngân hàng nắm giữ danh mục tài sản thanh khoản kém thì cắt giảm liên tục các khoản cho vay. Các ngân hàng giảm thực hiện cấp các khoản vay mới đối với các khách hàng lớn trong suốt đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây [10]. Do đó, nghiên cứu này kỳ vọng rằng các ngân hàng sẽ CNRR thấp hơn khi RRTK của ngân hàng thấp trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, thậm chí các khoản tiền gửi của ngân hàng có gia tăng để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn.

Giả thuyết H3: Rủi ro ngân hàng giảm khi RRTK thấp trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

3. Phương pháp nghiên cứu

Để xem xét ảnh hưởng của RRTK của các ngân hàng đến hành vi CNRR của các ngân hàng, nghiên cứu sử dụng dữ liệu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam giai đoạn 2002 - 2016 từ các báo cáo tài chính được Stoxplus.com thu thập và tổng hợp. Mẫu nghiên cứu cuối cùng mà bài nghiên cứu sử dụng đã loại trừ các ngân hàng được mua lại 0 đồng bởi Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng đã sáp nhập và các Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Phương trình ước lượng mô hình hồi quy dựa trên phương pháp tiếp cận của Khan và các cộng sự (2016) như sau:

CNRRit = β0 + β1*RRTKit + β2*QMTSit + β3*DNCVit + β4*VCSHit + β5*ROAit + εit    (1)

Trong đó, CNRRit là biến phụ thuộc bao gồm hai đại diện là chỉ số Z-score và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng/tổng tài sản [3; 9; 11]. Z-score được xác định bởi tổng của lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản và vốn/tổng tài sản chia cho độ lệch chuẩn của lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản:

Trong đó, ROA là tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản, E/TA là vốn chủ sở hữu/tổng tài sản và ROA là độ lệch chuẩn của tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản trong giai đoạn nghiên cứu. Giá trị Z-score cao sẽ thể hiện sự chắc chắn của ngân hàng, vì vậy ngân hàng chấp nhận ít rủi ro hơn và nược lại. Biến đo lường chấp nhận rủi ro còn lại đại diện bởi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (DPRRit) phản ánh chất lượng tài sản của các ngân hàng. DPRR càng cao phản ánh hành vi chấp nhậ rủi ro của ngân hàng càng cao và ngược lại [3, 11].

Biến độc lập, RRTKit là RRTK được đo lường bởi tỷ lệ tổng tiền gửi của khách hàng/tổng tài sản [5, 11, 13]. Các biến kiểm soát được sử dụng trong nghiên cứu này thể hiện các đặc điểm của ngân hàng được sử dụng trong hầu hết các nghiên cứu trước đây khi nghiên cứu về rủi ro của ngân hàng bao gồm quy mô tài sản (QMTSit) dư nợ cho vay (DNCVit), vốn chủ sở hữu (VCSHit) và lợi nhuận (ROAit).

Mặt khác, bài nghiên cứu cũng mở rộng mô hình cơ bản được trình bày trong phương trình (1) bằng cách đưa thêm biến tương tác giữa biến RRTK và biến giả đại diện cho các ngân hàng lớn và cuộc khủng hoảng tài chính, cụ thể phương trình sẽ được viết lại như sau:

CNRRit = β0 + β1*RRTKit + γ*RRTKit*BGit + β2*QMTSit + β3*DNCVit + β4*VCSHit + β5*ROAit + εit  (2)

Biến giả BGit để nắm bắt ảnh hưởng của loại hình ngân hàng (QMNHit) và giai đoạn khủng hoảng tài chính (KHTCit) đến mối quan hệ giữa RRTK và hành vi CNRR của các ngân hàng. 

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Kết quả ước lượng ảnh hưởng của RRTK đến hành vi CNRR của các ngân hàng

Kết quả ước lượng ảnh hưởng của RRTK đến hành vi CNRR của các ngân hàng

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm Stata 14

Bảng 1 thể hiện kết quả ước lượng ảnh hưởng của RRTK đến hành vi CNRR của các ngân hàng; tác động của quy mô ngân hàng và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến mối quan hệ giữa RRTK và hành vi CNRR của các ngân hàng bằng cách sử dụng biến tương tác. Đầu tiên, dựa vào kết quả kiểm định phương pháp ước lượng GMM có thể thấy rằng giá trị p-value của hai kiểm định AR (2) và Hansen có ý nghĩa cao, cho thấy phương pháp GMM được sử dụng là phù hợp, các ước lượng là tin cậy, không bị sai lệch.

Có thể thấy rằng, biến tỷ lệ tiền gửi khách hàng trên tổng tài sản có mối quan hệ ngược chiều với chỉ số Z-score và cùng chiều với biến chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này cho thấy rằng khi ngân hàng càng huy động được nhiều khoản tiền gửi khách hàng sẽ càng làm gia tăng rủi ro và được giải thích như là việc khi ngân hàng càng có nhiều khoản tiền gửi dư thừa thì sẽ tìm kiếm người đi vay tiềm năng một cách bất chấp [2].

Tương tự quy mô ngân hàng cũng có ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi CNRR của các ngân hàng với cả hai đại diện cho rủi ro là chỉ số Z-score và DPRR có khuynh hướng chấp nhận hành vi rủi ro thấp hơn để giảm thiểu các tác động bất lợi của khủng hoảng (RRTK thấp). Dư nợ cho vay có mối quan hệ đồng biến với chỉ số Z-score cho thấy rằng các ngân hàng càng có dư nợ cho vay càng lớn sẽ càng có hành vi CNRR càng thấp. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu có ảnh hưởng cùng chiều với chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho thấy rằng các ngân hàng càng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao sẽ càng có hành vi CNRR càng nhiều. Lợi nhuận của ngân hàng có tác động ngược chiều đến chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hàm ý rằng khi lợi nhuận của ngân hàng càng nhiều thì ngân hàng sẽ không chấp nhận một mức rủi ro cao.

Hệ số của biến tương tác giữa RRTK và biến giả quy mô là âm đối với trường hợp DPRR và dương đối với trường hợp chỉ số Z-score cho thấy rằng, đối với các ngân hàng có quy mô lớn, thì khi RRTK của các ngân hàng là thấp các ngân hàng lại CNRR thấp hơn so với các ngân hàng có quy mô nhỏ. Có thể giải thích sự khác biệt trong hành vi này như là các ngân hàng quy mô lớn sẽ phải chịu sự giám sát thận trọng cũng như mạnh mẽ từ nhiều phía, cho nên khi RRTK của ngân hàng thấp thì ngân hàng có quy mô lớn cũng chỉ CNRR thấp hơn.

Ngoài ra, hệ số của biến tương tác giữa RRTK và biến giả khủng hoảng tài chính toàn cầu là âm đối với trường hợp DPRRJ và dương đối với trường hợp chỉ số Z-score cho thấy rằng, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, thì khi RRTK của các ngân hàng là thấp thì các ngân hàng lại CNRR thấp hơn so với trong giai đoạn không có khủng hoảng xảy ra.

5. Kết luận

Bằng việc sử dụng phương pháp ước lượng GMM hệ thống, bài nghiên cứu tìm thấy được tỷ lệ tiền gửi có ảnh hưởng cùng chiều đến rủi ro của các ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê cao, nói cách khác, các ngân hàng càng có RRTK tài trợ càng thấp sẽ càng có hành vi CNRR càng cao hơn. Kết quả này vững chắc qua các mô hình ước lượng.

Hơn thế nữa, nghiên cứu này cũng xem xét ảnh hưởng của quy mô ngân hàng và giai đoạn khủng hoảng tài chính đến mối quan hệ giữa RRTK và hành vi CNRR của các ngân hàng bằng cách sử dụng biến tương tác giữa RRTK và biến giả quy mô và giai đoạn khủng hoảng. Phát hiện cho thấy rằng, các ngân hàng quy mô lớn sẽ có hành vi CNRR thấp hơn so với các ngân hàng nhỏ khi RRTK của các ngân hàng là tương đối thấp. Đồng thời, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính xảy ra, các nhà quản trị của các ngân hàng có khuynh hướng chấp nhận hành vi rủi ro thấp hơn để giảm thiểu các tác động bất lợi của khủng hoảng. Ngoài ra, các ngân hàng càng có dư nợ cho vay càng lớn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng thấp, lợi nhuận của ngân hàng càng cao thì sẽ càng có hành vi CNRR càng thấp.

Từ các kết quả đạt được, nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị dành cho các nhà quản trị ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Các nhà quản trị ngân hàng không nên chủ quan khi RRTK của ngân hàng đang tương đối thấp mà sử dụng nguồn vốn một cách bừa bãi, không có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh trường hợp gây ra các bất lợi xấu cho ngân hàng trong tương lai cũng như gia tăng khả năng thất bại của ngân hàng.

Đồng thời, các ngân hàng có thể cân nhắc xem xét tình trạng hiện tại của mình cũng như giai đoạn kinh doanh, để từ đó thay đổi chiến lược kinh doanh cũng như khẩu vị rủi ro của mình. Chẳng hạn như các ngân hàng quy mô lớn CNRR thấp hơn các ngân hàng có quy mô nhỏ, mặc dù RRTK tài trợ của các ngân hàng đang tương đối thấp. Điều này hàm ý rằng, các ngân hàng quy mô lớn không cần phải tập trung và cạnh tranh với các ngân hàng quy mô nhỏ đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống (huy động và cho vay), vì điều này là không cần thiết. Các ngân hàng có thể cân nhắc đến việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh phi truyền thống bao gồm kinh doanh ngoại hối, giao dịch chứng khoán đầu tư và kinh doanh cũng như các hoạt động dịch vụ của ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Acharya, V., & Naqvi, H. (2012). The seeds of a crisis: A theory of bank liquidity and risk taking over the business cycle. Journal of Financial Economics, 106(2), 349-366.
  2. Adrian, T., & Shin, H. S. (2010). Liquidity and leverage. Journal of financial intermediation, 19(3), 418-437.
  3. Cebenoyan, A. S., & Strahan, P. E. (2004). Risk management, capital structure and lending at banks. Journal of Banking & Finance, 28(1), 19-43.
  4. Cornett, M. M., McNutt, J. J., Strahan, P. E., & Tehranian, H. (2011). Liquidity risk management and credit supply in the financial crisis. Journal of Financial Economics, 101(2), 297-312.
  5. Delis, M. D., Hasan, I., & Tsionas, E. G. (2014). The risk of financial intermediaries. Journal of Banking & Finance, 44, 1-12.
  6. Demsetz, R. S., & Strahan, P. E. (1997). Diversification, size, and risk at bank holding companies. Journal of money, credit, and banking, 300-313.
  7. Drehmann, M., & Nikolaou, K. (2013). Funding liquidity risk: Definition and measurement. Journal of Banking & Finance, 37(7), 2173-2182.
  8. Hong, H., Huang, J. Z., & Wu, D. (2014). The information content of Basel III liquidity risk measures. Journal of Financial Stability, 15, 91-111.
  9. Houston, J. F., Lin, C., Lin, P., & Ma, Y. (2010). Creditor rights, information sharing, and bank risk taking. Journal of Financial Economics, 96(3), 485-512.
  10. Ivashina, V., & Scharfstein, D. (2010). Bank lending during the financial crisis of 2008. Journal of Financial economics, 97(3), 319-338.
  11. Khan, M. S., Scheule, H., & Wu, E. (2016). Funding liquidity and bank risk taking. Journal of Banking & Finance.
  12. King, M. R. (2013). The Basel III net stable funding ratio and bank net interest margins. Journal of Banking & Finance, 37(11), 4144-4156.
  13. Lee, C. C., & Hsieh, M. F. (2013). The impact of bank capital on profitability and risk in Asian banking. Journal of international money and finance, 32, 251-281.
  14. Mercieca, S., Schaeck, K., & Wolfe, S. (2007). Small European banks: Benefits from diversification?. Journal of Banking & Finance, 31(7), 1975-1998.
  15. Vazquez, F., & Federico, P. (2015). Bank funding structures and risk: Evidence from the global financial crisis. Journal of Banking & Finance, 61, 1-14.
  16. Wagner, W. (2007). The liquidity of bank assets and banking stability. Journal of Banking & Finance, 31(1), 121-139.
  17. Yeager, F. C., & Seitz, N. (1982). Financial institution management: Text and cases. Reston Publishing Company.

THE IMPACT OF LIQUIDITY RISK TO RISK-TAKING BEHAVIOR

OF VIETNAMESE COMMERICAL BANKS

● TRAN DANG THANH MINH

● NGUYEN TRAN THAI HA

Faculty of Finance and Accounting, Sai Gon University

● PHAN GIA QUYEN

Sai Gon Thuong Tin Commercial Joint Stock Bank

ABSTRACT:

This study assesses the impact of liquidity risk on the risk-taking behavior of 30 Vietnamese commercial banks from 2002 to 2016 by using the GMM estimation method. The empirical evidence shows that banks with a higher liquidity risk often display risk-taking behavior. Meanwhile, large banks will display lower risk-taking behavior than small banks in the context of low liquidity risk. It shows that commercial banks often trade-off between liquidity risk and profitability. In addition, this study finds that the commercial banks display lower risk-taking behavior when they have low equity ratio, high loan outstanding balance or high profitability.

Keywords: Liquidity risk, risk-taking behavior, the size of bank, Vietnam, GMM.