Năm 2007, công nghiệp chế biến ước đạt 3.998,4 tỷ đồng, tăng 17,62%. Một số sản phẩm tăng mạnh so với năm 2006 như: chế biến thủy sản tăng 15,64%; rau quả đông lạnh và đóng hộp tăng 79,6%; thức ăn gia súc và thủy sản tăng 11,09%; gạo xay xát tăng 8%. Là một tỉnh nông nghiệp, tiềm năng nguyên liệu nông, thủy sản rất lớn, vì thế, An Giang đã có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để nâng giá trị, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thời gian qua, Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở chế biến đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao sản lượng đảm bảo cho tiêu dùng và xuất khẩu như: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang đầu tư mở rộng sản xuất Xí nghiệp đông lạnh 8, nâng công suất chế biến lên 20.000 tấn/năm tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành; Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thành đầu tư nhà máy lau bóng gạo xuất khẩu, công suất 8 tấn/giờ tại huyện Chợ Mới; Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang đầu tư dây chuyền sản xuất đồ hộp công suất 3.500 tấn/năm và 2 kho lạnh công suất 450 tấn với vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng… Hiện nay, An Giang đã có 3.622 cơ sở, nhà máy chế biến nông thủy sản, thu hút gần 43.000 lao động với giá trị chế biến chiếm gần 60% giá trị toàn ngành Nông nghiệp của Tỉnh. Bên cạnh đó, An Giang còn xây dựng và phát triển ngành cơ khí với mục tiêu đảm bảo cơ bản công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn của Tỉnh, tập trung tiến tới việc cơ giới hóa toàn bộ các khâu trước, trong và sau thu hoạch, tân trang, sửa chữa, chế tạo mới các loại máy móc nông nghiệp và thiết bị chế biến thủy sản.
Tỉnh cũng chủ trương phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng phục vụ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở đô thị và nông thôn. Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải đi đôi với việc quản lý, khai thác sử dụng tốt, đạt hiệu quả cao nhất các loại tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng, gắn chặt với việc bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch. Do đó, Tỉnh đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án như: đầu tư nâng công suất dây chuyền sản xuất gạch ceramic 2 triệu m3/năm ở Long Xuyên; Khuyến khích các chủ lò gạch ngói tư nhân đầu tư thiết bị công nghệ lò tuynel, lò gạch kiểu đứng đạt tiêu chuẩn Nhà nước quy định; Mời gọi đầu tư vào nhà máy sản xuất tấm tường bằng vật liệu nhẹ, công suất 1 triệu m3/năm..
An Giang có nhiều làng nghề truyền thống, các cơ sở thủ công mỹ nghệ, đặc sản như dệt thổ cẩm, tranh thêu tay, đường thốt nốt, các loại khô, mắm… khá nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp, hầu hết các làng nghề còn sản xuất nhỏ lẻ, tiêu chuẩn hàng hóa cũng như cách bán hàng còn chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành Công nghiệp An Giang đã chủ động phối hợp với ngành du lịch địa phương khảo sát và hình thành 5 tuyến du lịch gắn với làng nghề, bên cạnh việc đưa sản phẩm vào quảng bá tiêu thụ ở hệ thống nhà hàng khách sạn trong Tỉnh. Hiện nay, An Giang có 29 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, rải đều ở 49 xã, phường trong Tỉnh với hơn 11 nghìn hộ tham gia, giải quyết việc làm cho trên 30 nghìn lao động. Đây là tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc chủ động gắn kết làng nghề với phát triển du lịch, tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống đã có gần trăm năm nay. Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương. Năm 2007, Trung tâm đã triển khai truyền nghề cho 106 học viên với các nghề như chạm, trám cửa, chạm bao lam, dệt thổ cẩm Chăm, rập chuột; tổ chức hội thảo, trình diễn kỹ thuật, máy móc thiết bị mới; cùng với Hiệp hội doanh nghiệp của Tỉnh thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển hàng đặc sản và sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh An Giang”; xây dựng các Đề án hỗ trợ và khôi phục phát triển làng nghề…
Môi trường đầu tư tại An Giang luôn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang hoạt động tại các thành phố lớn của Việt Nam. Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định 71/2007/QĐ - TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020, Quyết định 65/2007/QĐ - TTg về Quy chế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu và khu công nghiệp, An Giang đã thực hiện nhiều hoạt động về xúc tiến đầu tư như: Liên kết hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực, tăng cường các hoạt động marketing địa phương và nhất là quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, làm thay đổi từ nhận thức đến thái độ trách nhiệm của đội ngũ công chức, cải tiến rút ngắn quy trình cấp phép, có bộ phận hỗ trợ thủ tục đầu tư, làm lành mạnh môi trường đầu tư theo khẩu hiệu minh bạch - thân thiện - trách nhiệm. Nhìn chung, tình hình đầu tư vào ngành Công nghiệp của An Giang ngày càng sôi động hơn, tạo được nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi và ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn, đó chính là kết quả của những bước đi vững chắc trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của An Giang.
An Giang có vị trí địa lý không thuận lợi, không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, xa trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của Tỉnh nhưng bên cạnh đó còn một số yếu tố không ổn định như tình trạng ô nhiễm môi trường, chất lượng giá cả nguyên liệu đầu vào, những biến động về thị trường xuất khẩu… Tất cả đã đặt ra cho An Giang một thách thức lớn trong tương lai, nhưng với những gì đã làm được và bằng những nỗ lực không ngừng, An Giang sẽ từng bước phát triển bền vững và thành công trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.