Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan chỉ đạt 4%
Hiệp định CPTPP được phê chuẩn vào 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019 được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước khu vực châu Mỹ nói riêng.
Sau 2 năm đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 44 tỷ USD (tăng 45%) và 3,17 tỷ USD (tăng 41%) so với cùng kỳ năm 2018. Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn CPTPP nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Những con số này khẳng định, Hiệp định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh. Đó là khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp.
Cùng với đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, việc thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường. Để có thể hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn đang gặp một số khó khăn lớn như vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường...
Đồng thuận với nhận định của Thứ trưởng, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, sau 2 năm, Hiệp định CPTPP đã có kết quả tích cực đối với sự tăng trưởng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang các nước châu Mỹ, đặc biệt là 2 thị trường mới là Canada và Mexico.
“Tuy nhiên, nhìn tổng thể, kết quả tăng trưởng xuất khẩu chung sang các nước CPTPP vẫn chưa đạt được như đã kỳ vọng”, bà Trang đánh giá.
Công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy sau 2 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp, mới chỉ đạt 4%.
Trong đó, tỷ lệ thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ theo CPTPP hiện còn ở mức thấp. Cụ thể, Mexico chỉ chiếm 1,3%, Canada cũng chỉ chiếm 1,1%...
Lý giải nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng, bên cạnh các yếu tố khách quan như tình hình dịch Covid-19 thì các vấn đề chủ quan từ chính các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hoá vào thị trường các nước châu Mỹ chưa đạt được như kỳ vọng.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ là một trong những điều kiện tiên quyết để hàng hóa của Việt Nam hưởng các ưu đãi thuế quan từ CPTPP hay các FTA khác. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn trong vấn đề này.
“Doanh nghiệp khi bước vào lần đầu tiên thì sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Đối với một số mặt hàng chủ lực như dệt may, các quy tắc xuất xứ về vải, sợi còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, những băn khoăm về vấn đề môi trường dẫn đến tâm lý e ngại trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm. Điều này gây khó khăn trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như trong việc đáp ứng xuất xứ để hưởng ưu đãi”, bà Nguyễn Cẩm Trang nêu ví dụ.
Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng cũng là một vấn đề đặt ra, đặc biệt là cho các mặt hàng nông sản, thủy sản. Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì còn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ nên còn rất nhiều khó khăn trong việc đứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một lượng lớn doanh nghiệp vẫn chưa nắm vững quy định, cam kết của CPTPP. Dẫn số liệu của VCCI, bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết, CPTPP là Hiệp định khá nổi tiếng. Đa phần các doanh nghiệp chỉ nghe đến các ưu đãi thuế quan chứ chưa nắm sâu và tận dụng được những lợi thế. Trong khi đó, công tác thông tin về cam kết, ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ chưa thực sự hiệu quả.
Chủ động để hưởng lợi
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đồ gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM cũng thừa nhận, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tuy làm xuất khẩu nhưng chủ yếu là gia công, do đó chưa thực sự tận dụng được Hiệp định.
“Doanh nghiệp vẫn chờ người mua hàng đến là nhiều, vẫn chưa có tính chủ động trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như việc chủ động mời chào khách hàng”, ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng đồng tình, tỷ trọng xuất khẩu vào CPTPP của May 10 vẫn còn khiêm tốn. Vướng mắc hiện nay với May 10 và cả ngành dệt may là đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTPP.
“Đối với EVFTA, các nước châu Âu chỉ yêu cầu hàng dệt may đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải. Tuy nhiên, với các nước CPTPP họ yêu cầu từ sợi. Trong quá trình gặp gỡ các đối tác, có những chi tiết doanh nghiệp chúng tôi chưa phát hiện ra nhưng doanh nghiệp bạn lại yêu cầu.
Ví dụ như chi tiết chỉ may, vốn chỉ chiếm chi phí rất nhỏ nhưng nếu không có xuất xứ từ Việt Nam thì cũng không được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, một vài công đoạn trong sản xuất chỉ may chưa thể sản xuất ở Việt Nam”, ông Thân Đức Việt dẫn chứng và cho rằng, hiện nay, May 10 chỉ có khoảng 30% mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế. Do đó, doanh nghiệp đang cố gắng liên kết với các nhà sản xuất vải. Các nhà sản xuất vải lại tiếp tục hợp tác với nhà sản xuất sợi để nghiên cứu các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan.
“Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất vải vào Việt Nam nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ. Chính nút thắt từ vải và nguyên liệu sẽ là cú hích để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng tại Việt Nam từ đó rót vốn vào mảng này”, Tổng Giám đốc May 10 nhìn nhận.
Để tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, còn nhiều điều cần phải làm, cần những giải pháp mạnh hơn nữa, mới hơn nữa.
Cụ thể, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cần có giải pháp mạnh, mới nâng cao hiệu quả thực thi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp cần nâng cao sự chủ động như nắm bắt thông tin, tự mình tìm hiểu đàm phán, thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và có sự chuẩn bị bài bản về nhân lực, tài lực.
Thêm vào đó, thông tin về thị trường nhập khẩu liên quan đến thị hiếu, dung lượng và đặc biệt là các chính sách quản lý của thị trường nhập khẩu cũng cần được cung cấp đến các doanh nghiệp để định hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Về phía các doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao sự chủ động trong việc nắm bắt các thông tin trên. Ngoài ra, khi bước vào một sân chơi mới, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình, có sự chuẩn bị một cách bài bản hơn cả về nhân lực lẫn tài lực để tiếp cận các thị trường mới.
Ông Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên cách tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp Việt là điều rất quan trọng.
Bởi vậy, ngoài việc các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về dịch chuyển chuỗi cung ứng của các nước để tự chủ trong việc tìm và tiếp cận các chuỗi cung ứng, nhằm bảo đảm cho nguồn xuất khẩu của mình.
Đi cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có thêm các chính sách, chương trình vận động, quảng bá để các thị trường nước ngoài hiểu biết thêm về các doanh nghiệp cũng như các sản phẩm của Việt Nam thông qua các kênh tiếp cận đa dạng, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại.