Mục đích của Hội thảo nhằm tìm các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời áp mái, góp phần thực hiện mục tiêu trong các chiến lược của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh/thành phố; các Hiệp hội, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng công ty/công ty điện lực thành viên; gần 400 các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực năng lượng; cơ quan báo chí, truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, bao gồm cả nguồn NLTT thì công suất mới đạt gần 60.000 MW.
Tuy nhiên theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW các loại.
Trong bối cảnh đó, việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, đăc biệt là gió và mặt trời để sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia và nhiều lợi ích khác… là một trong những xu hướng và giải pháp quan trọng hiện nay.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như: Cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; Hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà; cơ chế đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, với cơ chế thông thoáng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc đạt trên 5.500 MW.
Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW. Trong đó, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.
Một số doanh nghiệp cũng đồng thuận, chính nhờ các cơ chế thông thoáng của Bộ Công Thương đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc phát triển NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.
Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.