PV: Thưa bà, theo tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, vụ vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu từ ngày 10/6 - 10/7 tới đây. Bộ Công Thương đã có những chiến dịch cụ thể như thế nào để hỗ trợ cho thị trường trong nước tiêu thụ sản phẩm vải thiều đặc sản này?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Như chúng ta đã biết, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng các tỉnh có sản lượng vải thiều lớn trong 9 năm vừa qua và đã trở thành một hoạt động thường niên để hỗ trợ cho các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh - là những địa bàn có nhiều trái vải thiều được trồng tập trung và sản lượng rất lớn, tính mùa vụ lại rất ngắn, thu hoạch thường tập trung trong 3-4 tuần.
Chúng tôi đã có những chiến lược trước đây rất phù hợp trong việc vận chuyển hàng hóa, tổ chức hệ thống thu mua phục vụ cả nhu cầu xuất khẩu cũng như tại thị trường trong nước, để đảm bảo thu mua với giá thành tốt nhất, có lợi cho bà con nông dân và bên cạnh đó có những hoạt động dịch vụ phụ trợ có thể thu được lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.
Nhưng năm nay, dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới rất phức tạp bùng phát tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là những địa bàn có thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thì đã đặt ra thách thức rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 25/5 đã ban hành Chỉ thị 08 về việc tăng cường hỗ trợ lưu thông, phân phối, tiêu thụ những sản phẩm nông sản, trong đó có quả vải thiều. Và trong tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng của ngành công thương vào cuộc. Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường và các Sở Công Thương cùng các hệ thống phân phối hiện đại cũng như truyền thống, đồng tâm hiệp lực làm thế nào không để hàng hóa bị ứ đọng ở đâu và được tiêu thụ với giá tốt nhất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thông qua nhiều biện pháp cũng như kịch bản khác nhau tương ứng từng cấp độ dịch bệnh.
PV: Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương mới đây, tỉnh Bắc Giang đã cho biết là có 3 kịch bản tiêu thụ sản phẩm vải thiều, trong bối cảnh dịch bệnh sẽ tăng lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước lên 60%, thậm chí lên 90%. Vậy kế hoạch này được Bộ Công Thương triển khai cụ thể như thế nào?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Chúng tôi đã có nhiều cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và làm việc với Sở Công Thương để qua đó xác định được những kịch bản phù hợp. Hiện nay, qua báo cáo, tỉnh đang kích hoạt kịch bản thứ hai, đó là kịch bản khi dịch bệnh vẫn diễn biến ở mức độ chưa phải là trầm trọng lắm, mức tiêu thụ nội địa khoảng độ 70% và xuất khẩu khoảng 30%.
Những ngày vừa qua, lượng vải sớm đã được tiêu thụ khoảng 80.000 tấn, trong đó chúng ta đang tiêu thụ ở mức 36% là xuất khẩu và 63% tại thị trường trong nước, còn 1% thương mại điện tử và một số kênh khác. Đặc biệt, các chợ đầu mối, chợ truyền thống năm nay tiêu thụ sản lượng cao hơn hẳn so với các năm trước.
PV: Miền Nam đang được coi là một thị trường trọng điểm để tiêu thụ sản phẩm vải thiều chính vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch bệnh thì việc thông thương, lưu thông hàng hóa có gặp nhiều trở ngại. Bộ Công Thương có những đề xuất cụ thể như thế nào để đảm bảo tiêu thụ, lưu thông nhanh nhất, thưa bà?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương soạn thảo ra một quy trình thu mua, lưu thông những mặt hàng nông sản và Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1083, theo đó cũng có những căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về việc người vận chuyển, bốc xếp hàng hóa phải tuân thủ những yêu cầu nào. Cho tới nay, với tình hình dịch bệnh, nếu như các địa phương đồng lòng hỗ trợ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và có những cách làm vận dụng sáng tạo để bảo đảm có luồng xanh cho hàng hóa nông sản đi, thì tôi nghĩ rằng là hết sức thuận lợi.
Tơi đây, sẽ cần có những nghiên cứu thêm để thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm lưu thông hàng hóa. Bộ Công Thương chắc chắn sẽ có những cuộc họp và làm việc, phối hợp với các Bộ, ban, ngành cũng như các địa phương để cải tiến hơn nữa quy trình lưu thông hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông sản được trồng tập trung và tính mùa vụ cao như quả vải. Đặc biệt, với chiến dịch mới của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động tấn công bằng việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các lực lượng thương lái hay lái xe vận tải thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ phải có những thay đổi tương thích hơn, thuận lợi hơn cho việc lưu thông hàng hóa đi qua các chốt kiểm dịch đối với những đối tượng đã được tiêm chủng và đã được kiểm dịch đầy đủ. Cần có những phương thức linh hoạt hơn để bảo đảm hàng hóa đi được nhanh nhất, vận chuyển tốt nhất.
PV: Tại thị trường trong nước, bà có những kiến nghị cụ thể như thế nào để có thể hỗ trợ tốt nhất trong việc tiêu thụ quả vải nói riêng và sản phẩm nông sản tới vụ nói chung?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Biện pháp đầu tiên là phải bảo vệ được thị trường trong nước, thông qua nhiều hoạt động trong đó có bảo vệ được những hệ thống phân phối hiện nay đang là kênh tiêu thụ chính của quả vải này. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang căng mình để bảo vệ được các chợ đầu mối không bị Covid-19 xâm nhập và phải đóng cửa. Các chợ đầu mối lớn mà “ăn hàng” quả vải như Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền hiện đang được các lực lượng chức năng nỗ lực bảo vệ tốt nhất, yêu cầu các tiểu thương trong chợ áp dụng quy định về phòng chống dịch tốt nhất, thực hiện 5K và hướng dẫn tại Quyết định số 2225 của Bộ Y tế năm 2020 về việc phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở thương mại.
Thứ hai, huy động, tổ chức tốt tất cả các mạng lưới, hệ thống vào cuộc để ủng hộ bán được vải thiều nhiều hơn. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các Sở Công Thương và hệ thống phân phối làm sao đẩy được mức tiêu thụ quả vải tăng gấp đôi so với mức cao nhất của những năm trước đây. Đây là một trong những nhiệm vụ chúng tôi thấy rất thiết thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phòng trường hợp mà ở đâu đó thị trường bị tắc nghẽn vì dịch bệnh thì vẫn còn có những điểm tựa khác để hỗ trợ tiêu thụ được mặt hàng này.
Tiếp nữa, chúng tôi đề nghị rằng sẽ có những giải pháp thống nhất hơn, thuận lợi hơn đối với việc vận chuyển, lưu thông mặt hàng vải đặc thù này. Các địa phương cần ngồi lại với nhau để thống nhất cùng với các tỉnh có vải, tổ chức ra được một luồng bảo đảm phòng chống dịch tốt mà đồng thời quả vải đi nhanh nhất, thuận tiện nhất đến những địa bàn mục tiêu như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đang có nhu cầu cao đối với quả vải.
Chúng tôi mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để Bộ Công Thương lại cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Sở Công Thương tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại như Tuần lễ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương hay Lục Ngạn - Bắc Giang như mọi năm để tạo thêm những không gian giới thiệu, trải nghiệm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thành công.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!