TÓM TẮT:
Bài viết phân tích một số thách thức đối với tiến trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN và đưa ra định hướng hoàn thiện tiến trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Từ khóa: cộng đồng kinh tế ASEAN, hài hòa hóa pháp luật, thách thức, định hướng tham khảo.
1. Đặt vấn đề
Cộng đồng kinh tế ASEAN đã và đang được hình thành và phát triển trong phạm vi các nước Đông Nam Á. Sự kiện này đặt ra cho các nước thành viên trong cộng đồng nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, trong đó có vấn đề hài hòa hóa pháp luật các nước ASEAN đang được các quốc gia trong cộng đồng chung quan tâm hàng đầu. Nhu cầu tương thích hóa pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN là cần thiết, không những tạo điều kiện cho việc đầu tư, giao lưu thương mại nội khối, mà còn giúp gắn kết giữa các quốc gia và dân tộc với nhau. Điều này càng cấp thiết khi pháp luật các quốc gia ở ASEAN vẫn còn nhiều điểm khác biệt, mặc dù các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm các phương thức hài hòa hóa pháp luật với nhau. Vì vậy, các nước ASEAN đang tìm kiếm những vấn đề pháp lý chung cấp bách và các giải pháp pháp lý được hài hòa hóa để tiến tới xây dựng một nền tảng pháp luật chung trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
2. Thách thức đối với tiến trình hài hòa hóa pháp luật các nước ASEAN
2.1. Quy định về tính hiệu lực của Hiến pháp các quốc gia ASEAN chưa đồng bộ
Mặc dù các quốc gia ASEAN đang quyết tâm xây dựng một cộng đồng kinh tế chung, đồng thời cũng tiến tới hài hòa hóa pháp luật với chủ trương xây dựng một hệ thống pháp luật chung, thống nhất giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN hiện nay là pháp luật của các quốc gia trong khu vực, từ Hiến Pháp đến văn bản luật đều khác nhau giữa các hệ thống pháp luật. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với Việt Nam nói riêng và đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói chung trong vấn đề xây dựng một luật chung thống nhất. Ví dụ, nghiên cứu về quy định tính hiệu lực trong Hiến pháp của các quốc gia ASEAN cho thấy không có sự thống nhất hoàn toàn giữa các quốc gia trong việc quy định tính hiệu lực của Hiến pháp. Ở góc độ chung, dựa trên sự đáp ứng các tiêu chí đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp, Hiến pháp là đạo luật pháp lý cao nhất; quy định mọi cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức đều phải tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp; quy định bất kỳ văn bản pháp luật nào trái với Hiến pháp đều phải bị bãi bỏ hoặc không có hiệu lực thi hành và chia thành 3 nhóm[1].
2.2. Các vấn đề pháp lý hiện hữu đang cần đến hài hòa hóa pháp luật
ASEAN đã tạo ra được một số nền tảng pháp lý chung để đi đến hài hòa hóa pháp luật trong khu vực, như các thỏa thuận về kinh tế, thương mại, đặc biệt AFTA, một số hiệp định chung, chương trình hành động chung,… Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực đang nguy cơ tiềm ẩn chung đến sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, điều này sẽ gián tiếp tới kết quả của quá trình hài hòa hóa pháp luật trong khu vực.
2.2.1. Vấn đề về nhân quyền
Vấn đề nhân quyền là một trong những vấn đề ngày càng quan trọng, trong các thành viên ASEAN, nhiều quốc gia đang đối mặt với vấn đề nhân quyền trong khu vực như:
Xung đột sắc tộc: Hiện nay, thách thức lớn nhất đối với ASEAN liên quan đến vấn đề quyền con người là khủng hoảng của người Rohingya tại bang Rakhine miền Tây của Myanmar. Cuộc xung đột giữa người Hồi giáo (Muslim) và người theo đạo Phật, nổ ra từ tháng 6/2012 đã đẩy cao mâu thuẫn tôn giáo sắc tộc ở quốc gia này. Xung đột giữa người thiểu số Rakhine theo đạo Phật chống lại những người được gọi là “không có tư cách công dân Rohingya” theo Hồi giáo tại bang duyên hải Rakhine miền Tây Myanmar đã đánh dấu một trong những vụ bất ổn giáo phái tồi tệ nhất tại Myanmar trong những năm gần đây. Điều này không chỉ còn là vấn đề riêng của Myanmar mà còn tác động mạnh mẽ tới khu vực cũng như đối với thế giới Hồi giáo[2].
Quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Ở nhiều nước thành viên, trong đó có Việt Nam, công dân được đảm bảo quyền im lặng cho đến khi có mặt của luật sư hay những người đại diện. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác không có quy định này. Sự khác biệt như vậy dẫn tới sự thiếu tương thích trong giải thích và thực hiện quyền con người[3].
2.2.2. Vấn đề về lao động nhập cư
ASEAN cũng đang phải đối mặt với các vấn đề quyền con người về lao động nhập cư khác ở khu vực, đặc biệt là sau những nạn buôn người thông qua việc nhập cư trái phép, xảy ra nhiều nhất ở Thái Lan, Myanmar và Indonesia,… Nạn buôn người gia tăng, đòi hỏi ASEAN phải đưa ra một tuyên bố ràng buộc giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn nạn buôn người tiếp diễn cũng như thiết lập một cơ chế giám sát hải quân và cảnh sát khu vực.
Đặc biệt, quan trọng nhất là quy định về di dân của các quốc gia thành viên vẫn có giá trị tối cao, nghĩa là quyết định cấp bao nhiêu thị thực lao động, loại nào; chấp nhận hay từ chối đơn xin cấp thị thực vẫn sẽ là quyền của từng quốc gia thành viên ASEAN. Ví dụ: Thái Lan hiện cấm người nhập cư làm việc trong 39 ngành nghề, như xây dựng, kế toán, kiến trúc, là những nghề đã có trong thỏa thuận công nhận chung. Hơn nữa, AEC do chú trọng vào lao động nhập cư trình độ cao mà không quan tâm đến đa số người di trú ở ASEAN là những lao động trình độ thấp và thường là người nhập cư không giấy tờ. AEC chưa có kế hoạch nới lỏng quy định nhập cư lao động tay nghề thấp hay trung bình, dù đã có một số đối thoại khu vực[4].
2.2.3. Vấn đề khủng bố
Các nhà lãnh đạo ASEAN coi khủng bố là nguy cơ lớn đối với hòa bình và an ninh thế giới, là thách thức lớn đối với ASEAN trong việc xây dựng ASEAN hòa bình, thịnh vượng. Một trong những thành công của tuyên bố này đối với việc hài hòa hóa pháp luật ở khía cạnh chống khủng bố là phải thực hiện những giải pháp chung, mang tính thực tiễn cho cuộc đấu tranh chống khủng bố.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống khủng bố ở Đông Nam Á vẫn chủ yếu là đơn phương hoặc song phương, hoạt động của các quốc gia thành viên ASEAN vẫn mang tính độc lập, ít có sự phối hợp đồng bộ.
Cho đến nay, việc thành lập các cơ quan ASEAN liên quan đến chống khủng bố vẫn chỉ đang trong giai đoạn "thảo luận" và những nỗ lực chủ yếu của hợp tác chống khủng bố của ASEAN chủ yếu là "xây dựng niềm tin".
2.3. Sự đa dạng và khác biệt về truyền thống pháp luật giữa các quốc gia thành viên ASEAN
Bên cạnh những điểm tương đồng nhất định trong pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN, thì mỗi quốc gia ASEAN với những đặc điểm riêng về lịch sử, truyền thống, địa lí, thành phần dân cư, trình độ phát triển kinh tế, chính trị, tôn giáo,... là nền tảng tạo nên sự đa dạng về xã hội và hệ thống pháp luật cho khu vực này. Phần lớn hệ thống pháp luật của các quốc gia này chứa đựng các yếu tố của hai hoặc nhiều dòng họ pháp luật. Có thể thấy các quốc gia thành viên ASEAN không có sự đồng nhất trong truyền thống pháp luật, nói cách khác, pháp luật các nước ASEAN chứa đựng tất cả những yếu tố của các dòng họ của các hệ thống pháp luật trên thế giới. Chính yếu tố này sẽ là điều gây cản trở rất lớn để có một quan điểm chung đi đến sự hài hòa pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực cụ thể: Pháp luật các quốc gia ASEAN tiếp nhận dòng họ pháp luật Civil law (Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines); Pháp luật các quốc gia ASEAN tiếp nhận dòng họ pháp luật Common law (Malaysia, Singapore, Brunei, Myanmar, Philippines); Dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa ở các nước ASEAN (Dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa cũng hiện diện trong các nước ASEAN ngay sau Đại chiến thế giới lần thứ II. Ngoài Việt Nam và Lào, hai hệ thống pháp luật khác là Myanmar và Indonesia cũng đã có những nhân tố nhất định của dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa trong lịch sử phát triển của mình); Luật Hồi giáo ở các nước ASEAN (Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan, Philippines)[5].
3. Định hướng hoàn thiện tiến trình hài hòa hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN
3.1. Phải xây dựng một tòa án công lý chung có hiệu lực cao
Theo Koutrakos (2015): “Xét riêng vấn đề hài hòa hóa, vai trò của tòa án là rất nổi trội ở 2 lý do: Thứ nhất, tòa án tham gia mọi hình thức hài hòa hóa ngay từ khi bắt đầu tiến trình hội nhập châu Âu,… Thứ hai, khi thực hiện chức năng hài hòa hóa nói trên, tòa án thể hiện sự tương quan trực tiếp với tiến độ hội nhập của Liên minh. Nói cách khác, hội nhập càng sâu thông qua hoạt động lập pháp thứ cấp thì hướng tiếp cận của tòa án lại càng ít mang tính can thiệp khi giải thích các điều khoản về sự di chuyển tự do trong các Hiệp ước”[6].
3.2. Phải thiết lập những khuôn khổ pháp lý chung, mang tính giải pháp cụ thể
Hiện nay cộng đồng các quốc gia ASEAN đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết và thực tế, ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hài hòa hóa pháp luật đó là vấn đề về nhân quyền, lao động nhập cư, đánh cá bất hợp pháp, vấn đề khủng bố,… Nên để có kết quả hài hòa hóa pháp luật trong khu vực thì các quốc gia thành viên cần nhanh chóng có các giải pháp chung trực tiếp giữa các quốc gia hoặc nội luật hóa những vấn đề cấp thiết này. Nền tảng của pháp luật Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được hình thành trên nền tảng chung của những quy định đã thống nhất.
3.3. Xây dựng khuôn khổ pháp luật phải hài hòa với mục tiêu chính sách
Trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật thì nội dung hài hòa này rất quan trọng, bởi hài hòa hóa sẽ đứng trước thách thức nếu mục tiêu chính sách không phù hợp với nguyên tắc, thể chế nền tảng của Cộng đồng. Tham khảo trường hợp này tại EU, thì tòa án công lý phán quyết dựa trên mục tiêu chính sách của việc hài hòa hóa pháp luật.
3.4. Hoàn thiện các nguyên tắc phân quyền
Muốn hệ thống pháp luật chung được thực thi tốt, vận hành hiệu quả thì ASEAN cần xây dựng thêm các nguyên tắc phân chia quyền lực cho các cơ quan trong Cộng đồng. Hiện nay, Hiến pháp của một số quốc gia ASEAN đã đưa ra một số cơ chế để kiểm soát quyền lực nhà nước, xuất phát từ nhu cầu chống tham nhũng và ngăn ngừa sự lạm quyền. Ví dụ: mô hình Ủy ban chống tham nhũng, Ủy ban nhân sự, Ủy ban bầu cử, Thanh tra Nghị viện,…
Nguyên tắc phân chia quyền lực đã rất thành công tại EU. EU đã hài hòa được lợi ích của các bên với một quy trình ban hành quyết định được thực hiện và kiểm soát bởi 3 tổ chức là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. ASEAN có thể tham khảo để xây dựng và có cơ chế đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật chung và tiến tới một hệ thống pháp luật chung ra đời.
3.5. Đồng nhất về tính hiệu lực Hiến pháp các quốc gia ASEAN
Các quốc gia ASEAN cần đồng bộ tính hiệu lực của Hiến pháp, đảm bảo 3 yếu tố: 1) Khẳng định Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất; 2) Quy định mọi cơ quan nhà nước, cá nhân và tổ chức đều phải tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp; 3) Quy định bất kỳ văn bản pháp luật nào trái với Hiến pháp đều phải bị bãi bỏ hoặc không có hiệu lực thi hành.
Quy định này hướng tới giúp cho sự tương đồng trong khu vực về hiệu lực Hiến pháp, hướng tới sự đồng bộ về hiệu lực của các văn bản khác trong nội luật của mỗi quốc gia, điều này sẽ giảm đi sự khác biệt quá lớn về pháp luật các quốc gia trong khu vực, giúp cho việc hài hòa hóa pháp luật trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN được tiến hành một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Quy định này ở Hiến pháp các quốc gia Liên minh châu Âu EU rất hoàn thiện và phát triển và đồng bộ, cho phép giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, điều này tạo nên sự tương đồng lớn về mặt tư duy pháp lý giữa các quốc gia trong khu vực, tạo điều kiện cho tiến trình hài hòa hóa pháp luật sớm phát triển.
5. Kết luận
Để hướng tới hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vấn đề cấp bách đặt ra là cần xây dựng một nền tảng pháp luật chung trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Để đạt được điều này, cần phải nhìn ra được thách thức đối với tiến trình hài hòa hóa pháp luật các nước ASEAN để có định hướng khắc phục thách thức, rào cản đó. Trong tiến trình này, ASEAN có thể hướng tới tham khảo kinh nghiệm hài hòa hóa pháp luật EU để áp dụng trong tiến trình hoàn thiện hài hòa hóa pháp luật ASEAN, tiến tới xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN hợp tác - phát triển bền vững.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
[1] Tô Văn Hòa (2013). Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 48-70 và Trần Thị Diệu Hương (2015). Bàn về quy định tính hiệu lực của Hiến pháp Việt Nam trong góc nhìn đối chiếu với Hiến pháp một số quốc gia Đông Nam Á. Tạp chí Nghề luật, số 6.
[2] Dương Văn Huy (2020). Vấn đề nhân quyền ở Đông Nam Á, Xây dựng Đảng. Truy cập tại: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2020/14165/van-de-nhan-quyen-o-dong-nam-a.aspx.
[3] Lê Hồng Hạnh (2015). Hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng châu Âu (EU) và những vấn đề cần tham khảo trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN. Hội thảo quốc tế về chủ đề “Hài hòa hóa pháp luật trong xây dựng cộng đồng ASEAN - Những vấn đề đặt ra với Việt Nam qua kinh nghiệm từ EU”, Đà Nẵng, ngày 16 - 17/7/2015.
[4] Testaverde, Mauro, Harry Moroz, Claire H. Hollweg, Achim Schmillen. (2017). Di dân để tìm kiếm cơ hội: Vượt qua rào cản dịch chuyển lao động ở Đông Nam Á. Báo cáo tóm tắt. Ngân hàng Thế giới, Washington, DC.
[5] Nguyễn Quốc Hoàn (2009). Tổng quan về hệ thống pháp luật các nước Asean. Tạp chí Luật học, số 12/2009.
[6] Vũ Thanh Tùng, Hoàng Thị Minh Châu (2019). Vận dụng bài học kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu EU trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật chung cho Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 46.
Challenges to the legal harmonization process of ASEAN member countries when realising the ASEAN Economic Community
Master. Tran Thi Dieu Huong1
Master. Tran Ngoc Thuy1
1University of Law, Hue University
Abstract:
This paper analyzes a number of challenges to the legal harmonization process of ASEAN member countries and provides orientations for completing this legal harmonization process towards the ASEAN Economic Community.
Keywords: ASEAN Economic Community, legal harmonization, challenges, reference orientation.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 4, tháng 3 năm 2022]