Đó là những chia sẻ của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong đại dịch Covid-19.
Phóng viên: Thời gian qua, phương án "3 tại chỗ" đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP.Hồ Chí Minh lại gặp nhiều bất cập. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Số lượng các doanh nghiệp cũng như công nhân ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn hẳn Bắc Ninh, Bắc Giang, trong khi dịch đã lan rộng từ trước khi bắt đầu áp dụng "3 tại chỗ". Ngoài vấn đề chi phí để thiết lập phương án "3 tại chỗ", phương án này không thể đảm bảo duy trì được 100% lượng công nhân.
Bên cạnh đó, do dịch đã lan rộng trong cộng đồng xung quanh nên doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng bị đe dọa bùng phát dịch, khi đó chi phí để xử lý ổ dịch còn tốn kém hơn nữa.
Do vậy, một số doanh nghiệp sau thời gian áp dụng "3 tại chỗ" cũng phải dừng, chấp nhận đóng cửa nhà máy.
Chủ một doanh nghiệp gỗ ở Long An chia sẻ, kể cả khi doanh nghiệp cố duy trì sản xuất theo "3 tại chỗ", nhưng thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu từ các doanh nghiệp đã đóng cửa thì doanh nghiệp cũng không thể hoàn thiện được sản phẩm cuối cùng.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về hệ lụy từ việc các doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, đặc biệt là tác động tới xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Không có sản xuất thì không có hàng hóa để lưu thông trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp dừng sản xuất thì các lô hàng nhập khẩu cũng không được tiếp nhận, xử lý, gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng.
Trong khi đó, vận chuyển đường bộ dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn có những khó khăn ở từng chốt, trạm cụ thể do lực lượng thi hành.
Một doanh nghiệp điện tử cho biết, cứ mỗi tuần dừng sản xuất thì phải cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi. Đến nay, doanh nghiệp dừng sản xuất đã 5 tuần, như vậy ngay cả lúc này nếu được hoạt động trở lại thì cũng phải 3-4 tháng nữa doanh nghiệp mới có thể mong trở lại tình trạng như trước khi có dịch. Mà đến thời điểm này, vẫn chưa thể biết khi nào doanh nghiệp sẽ được hoạt động trở lại, khi TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9.
Nếu chỉ nhìn vào con số xuất khẩu, thì 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với trị giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 71 tỷ USD, trung bình mỗi ngày khu vực này xuất khẩu 390 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng.
Dù không phải tất cả doanh nghiệp trong khu vực này đã dừng sản xuất, một số doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục xuất khẩu lượng hàng đã sản xuất trước đó, nhưng con số trên phần nào cho thấy tác động của đại dịch đối với nền kinh tế nếu sản xuất chưa được phục hồi.
Phóng viên: Theo ông, thời gian tới cần triển khai các giải pháp như thế nào để giúp các doanh nghiệp từng bước vượt khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất giữa đại dịch?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Trong công văn số 4769 ngày 6/8/2021 gửi Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Cụ thể là, ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", nên bổ sung các hình thức duy trì sản xuất khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp; bổ sung quy trình cơ quan y tế phối hợp với doanh nghiệp tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác; bổ sung quy định về xét nghiệm gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh.
Địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định.
Có thể nói, những đề xuất này là khá tổng hợp và sát với thực tế hiện nay để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, từng bước giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại văn bản số 6565 ngày 12/8/2021 cập nhật hướng dẫn về phòng chống dịch tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, Bộ Y tế vẫn chưa có quy định hướng dẫn các nội dung nêu trên.
Trong giai đoạn cấp bách hiện nay, việc chống dịch được đặt ưu tiên cao hơn, nhưng về lâu dài không thể không tính đến các biện pháp duy trì dân sinh, dân kế. Việc cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại cho sản xuất, áp dụng hình thức vừa sản xuất, vừa chống dịch như thế nào là điều các doanh nghiệp đang mong mỏi hiện nay.
Tôi cho rằng, để hiện thực hóa ý tưởng tạo "vùng xanh" cho sản xuất, nên cho phép những doanh nghiệp đã có đa số công nhân đã được tiêm vắc xin, đáp ứng yêu cầu giãn cách trong sản xuất, trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân được hoạt động trở lại, không yêu cầu phải "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm".
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!