Bước sang năm 2023, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định, chúng ta tiếp tục đứng trước nhiều thách thức như suy thoái kinh tế thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, lạm phát, lãi suất tăng cao…
Bà Lê Hoàng Oanh cho rằng, để hóa giải những thách thức này, trước hết Việt Nam cần tập trung giữ vững năng lực và thị trường xuất khẩu hiện có.
“Muốn vậy phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của hàng hoá xuất khẩu, đảm bảo “xuất khẩu xanh”, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, không phải chỉ xuất khẩu những gì mình có”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khẳng định.
Bên cạnh yếu tố chất lượng hàng hoá, yếu tố quan trọng nữa là đảm bảo hàng hoá xuất khẩu được thông suốt: thủ tục xuất khẩu thông thoáng, thuận lợi về logistics, nắm vững, cập nhật chính sách nhập khẩu của nước sở tại…
Ngoài ra, để giữ vững thành tích xuất khẩu thì việc đảm bảo “đầu vào cho xuất khẩu” cũng đóng vai trò then chốt, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đối với các nguyên liệu dệt may; Nguyên liệu cho ngành chế biến thuỷ sản từ Nam Á, Đông Nam Á; nguyên liệu khoáng sản từ một số nước châu Đại dương và châu Phi… Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cần đa dạng ở các thị trường, tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường nhất định.
Bà Lê Hoàng Oanh cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia thay đổi như thế nào để ứng phó với chính sách áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU (CBAM) áp dụng từ tháng 10/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là biện pháp quan trọng hỗ trợ xuất khẩu bên cạnh việc doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các quy định mới.
Song song với giữ vững thị trường, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Nam Á, châu Phi, v..v…
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, định hướng trong năm 2023 và các năm tiếp theo là mở rộng thị trường Vân Nam.
Bà Lê Hoàng Oanh phân tích, Quảng Tây và Vân Nam dân số ngang nhau, khoảng 50 triệu dân, nhưng quy mô thương mại của Việt Nam với Vân Nam 2022 chỉ chiếm 10,8% quy mô thương mại Việt Nam với Quảng Tây (tức là 3,2 tỷ USD so với gần 30 tỷ USD).
“Ta và Quảng Tây quan hệ tốt rồi, bay chúng tôi đặt trọng tâm quan hệ thương mại với Vân Nam như một thị trường quốc gia mới”, bà Lê Hoàng Oanh cho hay.
Đối với thị trường Nam Á, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục đặt sự quan tâm vào thị trường Ấn Độ với sức mua và nhu cầu thị trường lớn (1,4 tỉ dân).
Hàng năm, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 560 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 8 tỷ USD, chỉ chiếm 1,4%. Song song đó, thị trường Bangladesh, Pakistan cũng sẽ được chú trọng như là bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Đối với thị trường châu Phi, Bộ Công Thương nhận định đây là khu vực cần chú trọng phát triển bởi dư địa còn rất lớn, Việt Nam mới chiếm 0,6% thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD của châu Phi mỗi năm.
“Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thị trường Nam Phi. Quan hệ với Nam Phi, không chỉ có xuất khẩu mà là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước”, bà Lê Hoàng Oanh thông tin.
Đến nay, sau một thời gian dài đàm phán, Việt Nam và Nam Phi đã hoàn tất cơ bản MOU về khoáng sản và đang tiến đến ký kết. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nhập khẩu nguyên liệu khoáng sản đầu vào phục vụ sản xuất trong nước.
Mặt khác, Bộ Công Thương vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là tập trung tổng kết kinh nghiệm của các nước trong tận dụng FTAs để đưa ra những kiến nghị cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Dự kiến, khi FTA với Israel được ký kết trong năm nay, chúng tôi sẽ có kế hoạch thực thi hiệu quả và phối hợp với các đơn vị, cơ quan khởi động đàm phán FTA với UAE để mở ra cơ hội hợp tác cho khu vực Trung Đông”, bà Lê Hoàng Oanh cho biết.