“Mở đường mà tiến” khi kinh tế thế giới ngày càng khó đoán định

Tinh thần “mở đường mà tiến” của Thủ tướng được ngành Công Thương thể hiện rõ ngay tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023. Nhiều vấn đề được các đại biểu ngành Công Thương tham luận đề xuất nhằm vượt qua những khó khăn khách quan, khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố địa chính trị, ngày càng trở nên khó đoán định.
hủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023

 

“Non cao cũng có đường trèo”

Nếu 2022 được nhìn nhận là năm “phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới”, thì năm 2023 này chắc chắn phải được xem là “khó đoán định” nhất trong nửa thế kỷ trở lại đây, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973. Khó đoán định vì chưa biết cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina bao giờ mới kết thúc; chưa biết bao giờ giá năng lượng trên thế giới trở lại bình thường; chưa rõ liệu lạm phát toàn cầu đã chạm đáy hay chưa; chưa biết khi nào nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng trưởng trở lại…

Tất cả những cái “chưa biết”, “chưa rõ” ấy không chỉ làm đau đầu các chuyên gia kinh tế thế giới, mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tổng cầu, gây tác động trực tiếp tới các nước hội nhập sâu rộng như Việt Nam, với 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 2 trong Đông - Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn cầu, theo Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings.

Báo cáo và các ý kiến tham luận tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 diễn ra sáng 3/2/2023, đã cho thấy một bức tranh chung với nhiều sức ép từ những khó khăn, bất định của thế giới, từ nền kinh tế đang gặp khó khăn cả về tổng cung và tổng cầu, cùng những hạn chế nội tại trong Ngành cần phải khắc phục như sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm; sức mua trong nước hồi phục chậm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần thẳng thắn, cầu thị của Bộ Công Thương, và chỉ đạo: “Đã nhận diện được nguyên nhân như vậy rồi thì không thể ngồi im được, phải hành động, thị trường thu hẹp thì phải tìm cách mở rộng, kiếm thêm thị trường mới và giữ cầu thị trường hiện có; rồi kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất”.

Tư tưởng chủ đạo “mở đường mà tiến” của Thủ tướng đã trở nên quen thuộc với ngành Công Thương. Trước đó, ngày 19/8/2022, tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - cuộc gặp đầu tiên của Chính phủ đối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang có xu hướng thu hẹp do nhiều yếu tố khách quan, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp - Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là chúng ta mở rộng thị trường, khắc phục những thị trường đang bị thu hẹp. Non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi. Truyền thống của dân tộc là càng khó khăn càng đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để vượt qua và vươn lên”.

Hướng tới phát triển bền vững

Tinh thần “mở đường mà tiến” của Thủ tướng được ngành Công Thương thể hiện rõ ngay tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023. Tư lệnh ngành Công Thương khẳng định, trước hết, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 09/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương với 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể) ngay từ những ngày đầu năm 2023.

kinh tế thế giới

Đặc biệt, nhiều vấn đề được các đại biểu ngành Công Thương tham luận đề xuất nhằm vượt qua những khó khăn khách quan. Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển Công nghiệp, tuy nhiên, cần xác định rõ về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Dựa trên ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như bám sát tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Công Thương đã tiếp thu và chỉnh sửa theo hướng thu gọn phạm vi thành xây dựng Luật Công nghiệp nền tảng. Dự kiến Hồ sơ sẽ được trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 31/3/2023.

Mặc dù vậy, do hệ thống pháp luật cần có thời gian xây dựng và hoàn thiện nên để đáp ứng công tác quản lý nhà nước, Cục sẽ xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may - da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp nối kết quả của năm 2022, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa, chiến lược ngành ô tô và chiến lược ngành thép theo hướng công nghiệp xanh.

Trong xúc tiến thương mại, trước bối cảnh đơn hàng xuất khẩu bị thu hẹp từ quý IV năm 2022, Bộ đã triển khai kịp thời Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng với việc ban hành Chương trình cấp quốc gia về XTTM và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động XTTM ở trong nước và quốc tế, với hàng trăm nghìn lượt doanh nghiệp được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này. Đối với thị trường lớn như Trung Quốc, Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải” dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội và sẽ trở thành Diễn đàn thường niên.

Để mở rộng tiêu dùng trong nước, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, bên cạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về tiêu thụ nông sản; phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… sẽ đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng và phương thức bán lẻ mới ở cả khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và khu vực đồng bằng, đô thị.

Cũng với tinh thần “mở đường mà tiến”, trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi ngày càng cao, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương đều chủ động hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong công nghiệp là nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa, chiến lược ngành ô tô và chiến lược ngành thép theo hướng công nghiệp xanh.

Trong tiêu dùng là đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đạị và cơ sở phân phối truyền thống. Trong xúc tiến thương mại là, khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu.

Trong xuất nhập khẩu là, hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với  bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu; xác định các động lực mới cho phát triển xuất nhập khẩu gồm: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo.

Trong khoa học công nghệ là triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững vừa là mục tiêu mang tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vừa là công cụ cạnh tranh để mở rộng sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, sẵn sàng vượt qua những ranh giới khắc nghiệt của thị trườn, khi kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố địa chính trị, ngày càng trở nên khó đoán định.

Thục Địa