TÓM TẮT:
Bài viết nhằm phân tích vai trò và hạn chế của các sản phẩm phái sinh hàng hóa cũng như trình bày thực trạng phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa thế giới và Việt Nam. Đây là kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cho các mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam”, mã số QG.16.54, được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU).
Từ khóa: Phái sinh hàng hóa, Sở giao dịch hàng hóa nông sản, thị trường phái sinh.
1. Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp triển khai mô hình giao dịch hàng hóa tương lai thông qua sàn như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, điều, sắt thép… trong đó khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc giao nhận hàng được thực hiện trong tương lai. Các yếu tố của giao dịch như khối lượng, thời gian đến hạn, tiêu chuẩn hàng hóa, mức giá... được các sàn giao dịch quy định.
Một số ngân hàng khác cũng tạo kênh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế, nhưng mức độ phổ cập còn hạn chế. Bài viết nhằm phân tích thực trạng giao dịch tại các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới và Việt Nam, vai trò và hạn chế của các sản phẩm phái sinh hàng hóa và đề xuất một số kiến nghị.
2. Thị trường hàng hóa phái sinh thế giới
Theo Báo cáo của Futures Industry Association (FIA) 2004, các thị trường tương lai chính thức đầu tiên là các sàn giao dịch gạo trong thế kỷ 18 tại Nhật Bản. Theo thống kê của FIA, thị trường phái sinh trao đổi trên toàn cầu chủ yếu là tài chính, các sản phẩm hàng hóa tương lai truyền thống và quyền chọn, bao gồm cả kim loại quý và nông nghiệp, năng lượng sản phẩm chỉ chiếm 7,8%. Sự suy giảm tương đối trong các mặt hàng có nguồn gốc phi tài chính không phải bị thu hẹp, mà chỉ đơn thuần là một tốc độ tăng trưởng chậm hơn hơn so với các sản phẩm tài chính.
Các sàn giao dịch Mỹ vẫn là một lực lượng chính trong các hàng hóa tương lai và quyền chọn trên thị trường toàn cầu. Các số liệu thống kê FIA cũng phản ánh sự nổi lên của Trung Quốc với 2 trong 3 sàn giao dịch hàng hóa, cụ thể là các Commodities Exchange và Shanghai Futures Exchange, đã được ghi lại trong các số liệu thống kê của FIA. Shanghai Futures Exchange thậm chí đã vượt qua Chicago Board of Trade (CBOT) để trở thành sàn trao đổi hàng hóa lớn thứ ba trong bảng xếp hạng toàn cầu và các giao dịch trao đổi số lượng lớn nhất của hợp đồng giao dịch nông sản. Sự tăng trưởng mạnh của việc kinh doanh hợp đồng tương lai của Trung Quốc phản ánh sự tăng lên trong nhu cầu tiêu thụ hàng hóa để hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của quốc gia này.
Thị trường hàng hóa phái sinh phát triển song song với nhu cầu quản lý về sự thay đổi giá của các mặt hàng chủ chốt. Theo lý thuyết tài chính hiện đại, sự ra đời của thị trường phái sinh trong một thị trường giao ngay giúp hoàn tất quá trình định giá dựa vào thị trường, phòng ngừa những những rủi ro về biến giá trên thị trường giao ngay ở mức chi phí thấp (Shamsher và cộng sự, 2007). Cũng theo nghiên cứu này, có 19 thị trường hàng hóa phái sinh mới nổi ở châu Á. Một số nước đã phát triển thị trường này một cách tích cực với khả năng thanh khoản cao như Nhật Bản, nhưng hầu hết trong số các thị trường mới nổi ở châu Á mới chỉ phát triển ở giai đoạn sớm. Thanh khoản hạn chế, thiếu khung pháp lý và định chế tài chính được xem là vấn đề nổi bật nhất.
Nghiên cứu của Jayne và cộng sự (2014) là một trong những nghiên cứu điển hình về thị trường tại khu vực Châu Phi. Có 6 yếu tố chính cản trở giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp ở châu Phi:
Thứ nhất, bị hạn chế trong việc thu hút sự cam kết của các tổ chức tài chính để giao dịch hàng hóa, trong thanh toán chuyển khoản từ người mua tới người bán và những người cho vay.
Thứ hai, các giao dịch về các hợp đồng theo nhu cầu các nhà đầu tư chưa được đáp ứng.
Thứ ba, không có khả năng giảm chi phí giao dịch ngoại tệ. Các biện pháp bảo vệ hợp đồng còn thiếu và việc tuân thủ hợp đồng chỉ được thi hành một cách yếu ớt.
Thứ tư, nguy cơ xung đột lợi ích giữa các nhà môi giới.
Thứ năm, khả năng thao túng thị trường, xảy ra khi thị trường ít giao dịch.
Thứ sáu, các chủ thể tham gia vào một thị trưởng giao dịch ít buộc phải chịu chi phí cố định cao khi khối lượng giao dịch bị hạn chế không cho phép chi phí được khấu trừ trong một cơ sở khối lượng lớn các giao dịch. Sự can thiệp khó dự đoán của chính phủ vào thị trường hàng hóa càng làm trầm trọng tình trạng này.
Euna Shim (2006) đã cung cấp những phân tích cụ thể về những yếu tố được xem là quan trọng trong việc tạo ra kết quả đáng chú ý như vậy thông qua các nghiên cứu tình huống - case study tại 7 nước là Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nam Phi và Thái Lan. Dựa trên những đánh giá này, các nước có thể đánh giá khả năng thành công của một hợp đồng mới và bắt đầu sàn giao dịch. Trong đó, yếu tố thanh khoản được xem quan trọng nhất cho hoạt động thị trường tương lai. Cần có nền kinh tế vĩ mô ổn định trước khi có sự khởi động sàn giao dịch phái sinh và thị trường hàng hóa nội địa phải đủ lớn cho các sản phẩm cơ bản của hợp đồng tương lai.
Cùng với Euna Shim (2006), Panos (1999) cũng đưa ra những gợi ý trong việc thành lập các thị trường phái sinh nông sản ở các nước đang phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý rủi ro và thiết lập các mức giá kỳ hạn. Theo tác giả, để các nước đang phát triển tạo lập được thị trường phái sinh nông sản thì cần phải vượt qua các rào cản thị trường như : Hàng rào điều lệ và luật pháp; Hàng rào chính sách và sự can thiệp của chính phủ; Sự hiểu biết về thị trường phái sinh nông sản và có sự thiết lập các công cụ rào chắn rủi ro của các định chế tài chính, sự nhận thức của tất cả những người có liên quan đến thị trường như các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các nhà điều hành doanh nghiệp cũng như niềm tin của những người tham gia thị trường.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường hàng hóa phái sinh tại các nước đang phát triển là sự sụt giá và bất ổn định các mặt hàng nông sản (Irfan Ul Haq và cộng sự, 2004). Nguyên nhân của sự sụt giá trong dài hạn và sự bất ổn định giá cả trong ngắn hạn là do ngày càng có nhiều mặt hàng thay thế chất lượng hơn, thiếu các kênh đầu tư, chưa tiêu chuẩn hóa chất lượng các mặt hàng nông sản…
Adammer và cộng sự (2015) đã tìm hiểu quá trình định giá của hợp đồng tương lai nông sản được giao dịch hạn chế tại Sở giao dịch châu Âu ở Frankfurt dựa trên mô hình VECM và các biến thời gian khác nhau. Người tham gia thị trường có thể dựa vào các tín hiệu giá từ sàn giao dịch phái sinh, ngay cả khi thị trường kì hạn được giao dịch ít và hầu như không được sử dụng cho mục đích bảo hiểm rủi ro. Kết quả cho thấy, các ngưỡng trần khối lượng giao dịch ở mức thấp là cần thiết cho việc định giá hiệu quả.
Nghiên cứu của Irfan Ul Haq và K Chandrasekhara Rao (2013), xem xét mối quan hệ giữa giá giao ngay và giá tương lai của các mặt hàng nông sản Ấn Độ, từ đó ước tính tỷ lệ đầu cơ tối ưu và phòng ngừa rủi ro hiệu quả của các mặt hàng nông nghiệp bằng cách sử dụng ECM - Error Correction Mechanism và biện pháp Ederington tương ứng. Nghiên cứu này được tiến hành trên 10 mặt hàng nông nghiệp, dữ liệu được thu thập từ NCDEX, Ấn Độ trong giai đoạn 2006 - 2011. Kết quả cho thấy số lượng tốt của bảo hiểm rủi ro tại thị trường hàng hóa nông sản Ấn Độ.
Philip Garcia và Raymond M. Leuthod (2004) đã tổng hợp tình hình nghiên cứu một cách khá đầy đủ về hợp đồng hàng hóa tương lai và thị trường quyền chọn nông sản trên các phương diện về mối quan hệ về giá liên thời gian của những hàng hóa có thể cất giữ, đầu cơ hàng hóa, hành vi về giá và các vấn đề về thể chế. Qua đó, các tác giả đưa ra những vấn đề vẫn còn tranh cãi và những thách thức cho các nghiên cứu về sau. Trong đó tập trung vào các nghiên cứu về (i) Quản trị rủi ro và chiến lược của thị trường; (ii) Hành vi về giá và biến động; (iii) Giao dịch điện tử và quỹ giao dịch; (iii) Khuôn khổ quốc tế. Các tác giả đề ra các hướng nghiên cứu này để đáp ứng được sự thay đổi của thị trường trong tương lai và những việc mà nhà sản xuất, doanh nghiệp và Chính phủ cần làm để phù hợp với sự vận động của thị trường.
3. Phát triển thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam
Giao dịch kỳ hạn hạt điều qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh: Ngày 07/3/2002, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Nuttrade.com LLC, một công ty quản lý website chuyên cung cấp thông tin giao dịch về hạt điều trên Internet đã khai trương Sàn Giao dịch Kỳ hạn hạt điều.
Sàn giao dịch có mục đích thúc đẩy hoạt động kinh doanh các mặt hàng nông sản khác tại Việt Nam và giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu gom hàng hóa trong khu vực và giao dịch với các châu lục khác (Nguyễn, 2015). Đây là mô hình giao dịch kỳ hạn đầu tiên thực hiện ở Việt Nam qua sàn giao dịch tập trung. Tuy nhiên, Sàn Giao dịch Hạt điều chưa đạt được như kỳ vọng, sàn chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn và đã ngừng hoạt động (Hồ và Võ, 2013).
Sàn Giao dịch Thủy sản Cần Giờ: Tháng 05/2002, Sàn Giao dịch thuỷ sản Cần Giờ (Cangio ATC) được thành lập, hoạt động theo mô hình công ty, doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản Cholimex làm chủ đầu tư dưới sự cấp phép của UBND TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu, sàn giao dịch thủy sản thu hút được nhiều người giao dịch vì giá sàn, sản lượng, kích cỡ tôm đều được thỏa thuận công khai, các hạng mục hỗ trợ như bến đậu tàu, hệ thống cung cấp nước ngọt, hệ thống nước ngọt, kho lạnh được đầu tư chất lượng. Có thời điểm lượng tôm được giao dịch tại đây chiếm đến 80% sản lượng nuôi tại Cần Giờ (Hồ và Võ, 2013). Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng lượng tôm và người tham gia giao dịch giảm dần, trung tâm dừng hoạt động do không phát sinh thêm giao dịch.
Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột BCEC: Ngày 04/12/2006, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2278/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC- Buon Ma Thuot Coffee Exchange Center). Tháng 12/2008 Trung tâm đi vào hoạt động dưới sự tài trợ của Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột hoạt động với vai trò vừa là thị trường sơ cấp, vừa là thị trường thứ cấp. Ở thị trường sơ cấp, người sản xuất đưa sản phẩm vào giao dịch lần đầu tiên, hình thành hợp đồng nguyên thủy. Ở thị trường thứ cấp, các hợp đồng nguyên thủy được đưa vào các giao dịch có thể mua bán lại quyền mua (Bùi, 2010).
Tuy BCEC đã được chuẩn bị khá kỹ cả về sản phẩm lẫn các cách thức giao dịch, các giao dịch phái sinh cà phê qua sàn vẫn chưa phát triển và còn nhiều hạn chế. Một số quy định dù đã được chuẩn hóa theo quy định của sản phẩm phái sinh nhưng vẫn chưa phù hợp như: quy định về số lượng cà phê giao dịch, vị trí của hệ thống kho bãi, chưa thu hút được nhà đầu tư. Ngoài ra, BCEC chưa có các biện pháp hỗ trợ giao dịch (Nguyễn, 2015) và đã dẫn đến thất bại.Sàn Giao dịch Hàng hoá Sài Gòn Thương Tín (Sacom - STE): Tháng 03/2010, Sàn Giao dịch Hàng hoá Sài Gòn Thương Tín Sacom được thành lập bởi Công ty cổ phần Giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Thương Tín với hai mặt hàng là đường thô và đường tinh. Là sàn ra đời sau với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Sacombank ở trang bị và hệ thống khách hàng, nhưng các giao dịch phái sinh hàng hóa tại STE vẫn chưa thể phát triển, đa số các giao dịch tại sàn vẫn là mua bán ngay các hàng hóa được niêm yết (Nguyễn, 2015). Qua 8 tháng hoạt động, khối lượng giao dịch tại mỗi phiên chỉ khoảng 10 tấn đường. Những tháng sau đó, sàn giao dịch gần như dừng hoạt động vì không phát sinh thêm giao dịch từ phía người bán.
Sàn Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV): Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam với tên gọi ban đầu là VNX được thành lập tháng 09/2010. VNX là Sở Giao dịch hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam được cấp Giấy phép thành lập bởi Bộ Công Thương. VNX bắt đầu chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2011. Khắc phục nhược điểm từ các sàn đi trước, đối với công tác hỗ trợ phát triển thị trường và sản phẩm, VNX đã tiếp xúc các doanh nghiệp cà phê, cao su, thép để lắng nghe ý kiến của những người trong ngành và xây dựng sản phẩm dịch vụ phù hợp. Vào tháng 8/2012, sự cố trục trặc về hệ thống công nghệ thông tin đã khiến VNX ngừng hoạt động khoảng 8 tháng.
Vào ngày 9/4/2018, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006/NĐ-CP đã tạo ra nhiều đột phá mới cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa. Sau đó không lâu, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã được hồi sinh. Cụ thể, ngày 08/6/2018, Bộ Công Thương chính thức ký Giấy phép số 486/GP-BCT thành lập Sở Giao dịch Hàng hóa với tên gọi mới tiếng Việt là Sở Giao dịch Hàng Hóa Việt Nam và tiếng Anh là Mercantile Exchange of Viet Nam (MXV). Ngày 17/8/2018, MXV chính thức đi vào vận hành với 40 mặt hàng chủ lực, là sản phẩm thế mạnh và có nhu cầu đầu tư lớn tại thị trường Việt nam, bao gồm các loại hàng hóa: nông sản, nguyên liệu công nghiệp nhẹ, nguyên liệu công nghiệp nặng, năng lượng và kim loại.
MXV thực hiện tất cả các nghiệp vụ thị trường gồm giao dịch, bù trừ và chuyển giao thanh toán, đảm bảo đồng bộ, tránh tách biệt giữa hoạt động giao dịch và bù trừ. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có các chức năng chính sau: (i) Bảo hiểm giá, (ii) Tạo lập thị trường, (iii) Thu thập và phổ biến thông qua thị trường, (iv) Phân loại hàng hóa.
Trước khi MXV ra đời, về cơ bản mô hình kinh doanh hàng hóa của các Sở giao dịch nêu trên có một số bất cập như sau: (i) Mô hình vẫn chưa được chuẩn hóa, các quy định về quản lý hành chính, rủi ro, phương thức kinh doanh mỗi nơi mỗi khác không tạo được tính đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng; (ii) Chưa giải quyết được bài toán đầu cơ: thị trường vẫn tồn tại hiện tượng đầu cơ trong giao dịch; (iii) Chưa hỗ trợ nhiều cho việc ổn định và phát triển thị trường hàng hóa trong nước; (iv) Chưa hình thành một kênh thu hút vốn nhàn rỗi từ thị trường.
4. Kết luận
Nằm trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã có định hướng phát triển và thành lập các sở giao dịch hàng hóa nội địa, các sàn giao dịch hàng hóa kết nối giao dịch với các sàn giao dịch quốc tế. Cho tới nay, tại Việt Nam còn duy nhất Sàn Giao dịch Hàng hóa Việt Nam còn tồn tại và đóng vai trò trung gian kết nối các nhà đầu tư trong nước với các Sàn giao dịch quốc tế, đồng nghĩa với việc các trung tâm/sở giao dịch mà Việt Nam thành lập trước đây đều thất bại.
Bài viết đã cố gắng trình bày thực trạng phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa thế giới và Việt Nam, với mong muốn giúp người đọc có bức tranh toàn cảnh về các giao dịch nông sản hiện nay trên thế giới và Việt Nam. Những nghiên cứu chuyên sâu hơn về đánh giá kết quả giao dịch phái sinh hàng hóa tại Việt Nam hay những đề xuất để cải thiện và nâng cao hiệu quả giao dịch tại Việt Nam cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Garcia, P., & Leuthold, R. M. (2004). A selected review of agricultural commodity futures and options markets. European Review of Agricultural Economics, 31(3), 235–272. http://doi.org/10.1093/erae/31.3.235.
- Haq, I. U., & Rao, K. C. (2013). Optimal Hedge Ratio and Hedging Effectiveness of Indian Agricultural Commodities X (2).
- Hồ, T. N., & Võ, S. M. (2013). Báo cáo nghiên cứu thực tiễn hoạt động giao dịch hàng hóa tương lai ở Việt Nam. Vụ Pháp chế và Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
- Jayne, T. S., Sturgess, C., Kopicki, R., & Sitko, N. (2014). Agricultural Commodity Exchanges and the Development of Grain Markets and Trade in Africa: A Review of Recent Experience. Indaba Agricultural Policy Research Institute (IAPRI) Working Paper 88.
- Nguyễn, P. K. K. (2015). Phát triển giao dịch phái sinh hàng hóa phi tài chính tại Việt Nam. Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
- Shim, E. (2006). Success factors of agricultural futures market in developing countries and their implication on existing and new local exchanges in developing countries. The Fletcher school.
VIETNAMESE AND GLOBAL COMMODITY DERIVATIVES MARKETS
Ph.D DINH XUAN CUONG
Faculty of Finance - Banking, University of Economics and Business,
Vietnam National University - Hanoi
ABSTRACT:
This paper is to analyze the role and limitations of commodity derivatives as well as present the development status of Vietnamese and global commodities markets. This paper is the summary of the research named “Developing a derivatives market for strategic agricultural products of Vietnam" with the code of QG.16.54 and sponsored by Vietnam National University - Hanoi (VNU).
Keywords: Commodity derivatives, agricultural commodities exchange, derivatives market.