Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của cộng đồng DN, cũng như tình hình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân đang là tiềm năng lớn cho các DN khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.
Tổng Công ty May 10 thời gian qua vẫn dành 80% năng lực sản xuất cho thị trường xuất khẩu và 20% cho thị trường nội địa. Thời gian qua, ngoài làm tốt các hợp đồng của các đối tác xuất khẩu, May 10 vẫn hướng đến thị trường trong nước và luôn coi đây là kế hoạch chinh phục dài hạn của DN.
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, Việt Nam được xem là điểm sáng khi kiểm soát dịch tốt, nên giao thương nội địa dù có gặp khó khăn nhưng cũng không chịu ảnh hưởng nhiều như thị trường xuất khẩu. "Với việc mở rộng thị trường nội địa, năm 2020 doanh thu nội địa của May 10 không giảm mà còn duy trì được như trước khi có dịch. Trong năm 2021, May 10 sẽ đánh giá lại thị trường, giảm bớt cửa hàng làm việc kém hiệu quả, bên cạnh đó mở rộng thị phần nội địa để đợi cơ hội thị trường khôi phục trở lại”, ông Việt cho biết.
Trong đợt dịch Covid-19 lần này, công tác tiêu thụ nông sản đã càng chứng tỏ thế mạnh của thị trường trong nước. Năng lực tiêu thụ nội địa thông qua các chợ truyền thống, siêu thị trên phạm vi toàn quốc được triển khai tốt, giúp nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương được tiêu thụ kịp thời, được giá, hàng hóa không lâm vào tình cảnh phải “giải cứu”
Đơn cử như vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương vẫn tiêu thụ khá thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu, đặc biệt giữ vững được giá trị thương hiệu. Toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 196.300 tấn vải thiều, đạt 109% kế hoạch và đạt gần 95% tổng sản lượng (trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 124.517 tấn, chiếm 63,4%; xuất khẩu 71.788 tấn, chiếm 36,7%),
Chia sẻ về kết quả tiêu thụ vải thiều của địa phương, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, hơn 60% tổng sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước, phân phối hầu khắp các tỉnh, thành phố là cơ sở để địa phương tính toán, nhìn nhận lại thị trường trong nước đầy tiềm năng, nhất là thị trường miền Nam. “Xuất khẩu vẫn là hướng quan trọng. Song việc tiêu thụ tốt trong nội địa sẽ là bước đệm bảo vệ cho xuất khẩu, để quả vải thiều không chịu nhiều sức ép hay bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường nước ngoài", ông Tuấn chia sẻ.
Chỗ dựa cho người dân vùng cách ly, giãn cách
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các DN và ngành phân phối. Đây là một trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đặc biệt trong những ngày qua, việc TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố đã ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tại một số chợ, việc cung cấp hàng hóa có khó khăn hơn bình thường nên chi phí bán hàng tăng dẫn đến giá một số loại rau, củ quả tăng cục bộ.
Ông Trần Duy Đông cho biết, để duy trì và bảo đảm các kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân khi các chợ truyền thống tạm thời ngừng hoạt động, Bộ Công Thương đã đề nghị các DN, hợp tác xã phân phối chủ động liên hệ với Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải cách ly, giãn cách xã hội.
Dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19. Cùng với đó là tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Đồng thời tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh.
Khẳng định tính ưu việt của thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, 52% người được hỏi cho biết đã khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.
Thống kê cho thấy, hàng Việt Nam đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao tại các cơ sở phân phối của DN trong nước (hơn 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.
Có thể thấy, thời gian qua, thị trường nội địa và lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt Nam đã góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa, giữ vững thị trường sẽ góp phần quan trọng bảo đảm đầu ra cho các ngành sản xuất, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.