Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Lãnh đạo một số đơn vị Bộ Công Thương: Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Cục Xuất nhập khẩu; Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Lãnh đạo chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất đánh giá: Thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã nỗ lực thực hiện theo trách nhiệm, thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục hồi nền kinh tế.
Việc ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm cho 10 doanh nghiệp đầu mối lớn trong Quý II/2022 là hết sức cần thiết trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là giải pháp cấp bách bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo ổn định nguồn cung ứng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước; trong mọi tình huống vẫn bảo đảm bao tiêu sản phẩm cho doanh nghiệp, trong đó có liên doanh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). Tinh thần chung, Bộ Công Thương không can thiệp vào nội bộ của doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình.
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải đối mặt, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương, trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-BCT cho phù hợp tình hình. Trường hợp PVN không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, PVN cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Trong khi PVN chưa có cam kết mang tính pháp lý và chịu trách nhiệm về tài chính đối với những cam kết về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 242/QĐ-BCT.
Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có. Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hoá của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.
Trên cơ sở đó, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu báo cáo đề xuất phương án điều hành xăng dầu quý III và quý IV/2022. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sớm triển khai và vận hành phần mềm quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh xăng dầu.