TÓM TẮT:
Chất lượng dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp dệt may là một trong những tiền đề quan trọng có liên quan đến việc đánh giá năng lực gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích từ cơ sở lý luận về dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc, đến đánh giá chung về thực trạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp dệt may, góp phần giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu sản phẩm hiệu quả hơn.
Từ khóa: chất lượng dịch vụ, gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc, các doanh nghiệp dệt may, Việt Nam.
1. Cơ sở lý luận
1.1. Khái niệm dịch vụ gia công xuất khẩu hàng may mặc
Dịch vụ gia công hàng may mặc xuất khẩu là phương thức sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Điển hình hiện nay hàng may mặc thường được sản xuất theo dịch vụ CMT (cut-make-trim), mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB),… Tùy theo sản phẩm may mặc được sản xuất theo loại hình dịch vụ nào để biết được bên đặt gia công cung cấp những gì và bên nhận gia công phải làm những gì. Bên đặt gia công có thể cung cấp: máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu hoặc bán thành phẩm theo mẫu và định mức cho trước. Bên nhận gia công tổ chức quá trình sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Toàn bộ sản phẩm làm ra bên nhận gia công sẽ giao lại cho bên đặt gia công để nhận tiền công (phí gia công) theo hợp đồng (hoặc trả bằng nguyên liệu hay dịch vụ khác).
Hoạt động gia công được thực hiện thông qua hợp đồng (hợp đồng gia công) được quy định cụ thể về số lượng, chất lượng, giá thành và thời gian hoàn thành, trách nhiệm bồi thường khi nhà thầu để xảy ra mất, hư hỏng hoặc hàng hóa không đạt chất lượng,…
Dịch vụ gia công quốc tế ngày nay là phương thức giao dịch khá phổ biến trong buôn bán quốc tế của nhiều nước. Đối với bên đặt gia công, phương thức này giúp họ lợi dụng được giá rẻ về nguyên phụ liệu và nhân công của nước nhận gia công. Đối với bên nhận gia công, phương thức này giúp họ giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người lao động trong nước và có thể nhận được thiết bị hay công nghệ mới, giúp họ phần nào trong công cuộc xây dựng nền công nghiệp dân tộc.
1.2. Đặc điểm của dịch vụ gia công xuất khẩu hàng may mặc
Dịch vụ gia công là phương thức sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng. Bên đặt gia công sẽ đặt hàng cho bên gia công để sản xuất sản phẩm nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Văn bản để chứng tỏ tính pháp lý của đơn đặt hàng đó là hợp đồng gia công. Sau khi giao thành phẩm cho bên đặt gia công, bên nhận gia công sẽ nhận được một khoản phí (phí gia công) theo thỏa thuận.
Nội dung gia công bao gồm: sản xuất chế tác, sửa chữa, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng hóa theo yêu cầu và bằng nguyên phụ liệu của bên đặt gia công. Khi bên đặt gia công đặt hàng, doanh nghiệp nhận gia công sẽ phải thực hiện toàn bộ các công đoạn để sản xuất ra hàng hóa bằng nguyên phụ liệu mà bên đặt gia công đã cung cấp hoặc yêu cầu. Các khâu trong quá trình sản xuất từ khu đưa nguyên phụ liệu vào cho tới khi hoàn thành sản phẩm để đóng gói giao cho bên đặt, đều phải do bên nhận gia công chịu trách nhiệm.
Để thực hiện việc gia công, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tiến hành chuyển giao công nghệ. Do trình độ khoa học công nghệ kém phát triển của nước nhận gia công, các doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển giao công nghệ cũng như những kinh nghiệm quản lý để bên nhận gia công có thể hoàn thành được hợp đồng. Tuy nhiên việc gia công hàng hóa cũng như việc chuyển giao công nghệ phải được thực hiện đúng theo hợp đồng gia công và theo quy định của pháp luật ở nước nhận gia công và nước đặt gia công.
Bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa gia công. Khi đặt gia công, các mẫu mã mà bên đặt gia công giao cho bên nhận gia công để sản xuất hàng hóa phải là những mẫu mã thuộc quyền sở hữu của bên đặt gia công. Các mẫu mã này phải được bên đặt gia công đăng ký bản quyền tác giả và bên đặt gia công phải chịu mọi trách nhiệm nếu phát hiện những mẫu mã đó là vi phạm bản quyền tác giả.
Bên đặt gia công có quyền cử thanh tra để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công theo thỏa thuận giữa các bên nhằm tránh tình trạng sai sót trong khi sản xuất hàng gia công.
Bên nhận gia công giao sản phẩm hoàn thiện đáp ứng yêu cầu đề ra và nhận tiền công.
1.3. Chất lượng dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc
Phương châm hoạt động của các công ty kinh doanh là phải thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vì khách hàng là nguồn doanh thu và lợi nhuận của công ty. Khi khách hàng thỏa mãn với chất lượng dịch vụ hay hàng hóa của công ty thì khả năng họ tiếp tục đặt mua hàng hoặc tiến hành giao dịch với công ty rất cao. Hơn nữa, khi họ thỏa mãn sẽ có xu hướng nói tốt về dịch vụ của công ty với khách hàng khác. Sự thỏa mãn của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ là cảm xúc đối với công ty kinh doanh dựa trên từng tiếp xúc hay giao dịch của khách hàng với công ty đó (Bitner & Hubbert, 1994).
Chất lượng dịch vụ hiểu theo một cách chung nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng của một tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp một hoặc một số dịch vụ nhất định theo các tiêu chí được thỏa thuận (hoặc ngầm định thỏa thuận) trước giữa người cung cấp và người nhận dịch vụ với một mức giá xác định. Theo ISO 8002, chất lượng dịch vụ là tập hợp các đặc tính của một đối tượng, tạo cho đối tượng đó khả năng thỏa mãn những yêu cầu đã nêu ra hoặc tiềm ẩn. Nói khác đi, chất lượng dịch vụ là yếu tố đặc trưng cho khả năng thỏa mãn của khách hàng đã được xác định hoặc ngầm định xác định trước trong những điều kiện nhất định. Chính yếu tố ngầm định hoặc mặc định làm cho khái niệm chất lượng dịch vụ đôi khi trở nên khá mơ hồ. Trên thực tế, cùng một dịch vụ được cung cấp, đối với khách hàng này là có chất lượng nhưng đối với khách hàng khác lại chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, chất lượng dịch vụ không phải là một phạm trù tuyệt đối và không dễ đo lường một cách chính xác.
Đối với dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp dệt may, chất lượng dịch vụ gia công xuất khẩu là khả năng thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng đặt gia công, là yếu tố tiên quyết và quan trọng bậc nhất quyết định sự lựa chọn để tiến hành giao dịch của khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự hài lòng của khách hàng là sự cảm nhận nên không phải là một khái niệm bất biến. Nó luôn thay đổi theo thời gian, điều kiện và hoàn cảnh. Theo quy luật chung, yêu cầu hài lòng của khách hàng ngày càng cao cùng với sự nâng cao của mức sống và sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc các doanh nghiệp dệt may đáp ứng nhu cầu và làm hài lòng khách hàng bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng là tổ chức đặt gia công luôn là một sự đuổi bắt. Trong cuộc rượt đuổi ấy, doanh nghiệp dệt may nào đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng đối tác, doanh nghiệp đó sẽ trở nên vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.
Chất lượng dịch vụ là vô hình nên không dễ đo lường. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu đưa ra các mô hình đo lường chất lượng dịch vụ. Điển hình trong số đó phải kể đến là mô hình đánh giá chất lượng kỹ thuật/chức năng của Gronroos (1984); mô hình khoảng cách chất lượng dịch vụ của Parasuaraman et al (1985); mô hình đánh giá theo kết quả thực hiện của Cronin và Taylor (1992); mô hình chất lượng dịch vụ bán lẻ và mô hình giá trị nhận thức của Sweeney et al (1997),… Tuy nhiên, được nhắc đến và sử dụng nhiều hơn là mô hình của Parasuraman et al (1985) đến năm 1988 được đặt tên là mô hình SERVERQUAL. Mô hình 5 khoảng cách chất lượng dịch vụ của Parasuaraman đã cho thấy các nhân tố cấu phần hình thành chất lượng dịch vụ của một tổ chức bao gồm các nhân tố bên trong và bên ngoài.
Khác với các yếu tố khác trong mô hình, bởi vì đóng vai trò tiên quyết và quan trọng tới sự lựa chọn đặt hàng gia công của khách hàng (là các doanh nghiệp đặt gia công) nên dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc cũng cần phải được đánh giá, xem xét cẩn thận hơn. Kết quả nghiên cứu của Parasuraman và cộng sự (1988) cho phép xác định thang đo chất lượng dịch vụ gia công xuất khẩu được đo lường bởi các biến sau đây:
+ Sự tin cậy của khách hàng với doanh nghiệp (STC): Được hiểu là khả năng của các doanh nghiệp dệt may nhận đặt gia công hàng may mặc xuất khẩu để thực hiện dịch vụ gia công xuất khẩu một cách an toàn và hiệu quả. Nó mô tả hiệu suất nhất quán, trong đó khách hàng là các doanh nghiệp đặt gia công có thể tin tưởng. Các doanh nghiệp nhận đặt gia công hàng may mặc xuất khẩu phải tuân thủ đúng những gì đã hứa khi cung cấp dịch vụ gia công xuất khẩu.
+ Sự phản hồi của doanh nghiệp với khách hàng (SPH): Đề cập đến sự chu đáo, tính chính xác và tốc độ phản ứng của các doanh nghiệp dệt may trong cung cấp dịch vụ gia công hàng may mặc xuất khẩu. Thành tố này liên quan đến sự sẵn sàng của các doanh nghiệp dệt may nhận đặt gia công hàng may mặc xuất khẩu để hỗ trợ khách hàng và cung cấp dịch vụ kịp thời.
+ Sự đảm bảo của doanh nghiệp với khách hàng (SDB): Thành tố này được xác định là kiến thức và khả năng truyền đạt niềm tin, uy tín và cam kết của doanh nghiệp dệt may nhận đặt gia công hàng may mặc xuất khẩu tới khách hàng là các doanh nghiệp đặt gia công.
+ Sự cảm thông của doanh nghiệp với khách hàng (CT): Đề cập đến khả năng thể hiện sự quan tâm và sự chú ý của doanh nghiệp nhận đặt gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu tới khách hàng là các doanh nghiệp đặt gia công. Sự cảm thông bao gồm khả năng tiếp cận, nhạy cảm và nỗ lực trong việc hiểu nhu cầu của doanh nghiệp đặt gia công.
+ Sự hữu hình (HH): Liên quan đến hình ảnh và uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ lao động của doanh nghiệp dệt may nhận đặt gia công hàng may mặc xuất khẩu có thể được cảm nhận bởi khách hàng là các doanh nghiệp đặt gia công.
2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau: trong đó, dữ liệu sơ cấp thông qua phương pháp quan sát và điều tra cũng như tìm hiểu về các hoạt động sản xuất, công tác thiết kế, công tác lên kế hoạch và triển khai các chiến lược phát triển thị trường tại công ty để có cái nhìn thực tế, hiểu sâu hơn về thực trạng khả năng cung ứng dịch vụ gia công đối với hàng may mặc xuất khẩu, xác định thị trường, các định hướng và mục tiêu của công ty trong việc phát triển dịch vụ gia công, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và lợi thế cạnh tranh của công ty trên thị trường.
Nghiên cứu các thông tin số liệu thu thập được, so sánh, đối chiếu, phân tích tỷ lệ số liệu qua các năm để thấy sự chênh lệnh và thay đổi theo thời gian, kết hợp với các thông tin thu thập được qua điều tra nhằm đánh giá vấn đề nghiên cứu là thị trường và các hoạt động phát triển thị trường một cách khách quan, chính xác (Bảng 1).
Bảng 1: Mô tả mẫu khảo sát
Tiêu chí |
Số lượng |
Tỷ lệ % |
Tiêu chí |
Số lượng |
Tỷ lệ % |
Năm thành lập |
Loại hình doanh nghiệp |
||||
Dưới 5 năm |
43 |
7,64 |
Công ty TNHH |
251 |
44,58 |
Từ 5 - 10 năm |
114 |
20,25 |
|||
Từ 10 - 15 năm |
235 |
41,74 |
Công ty CP |
94 |
16,7 |
Trên 15 năm |
171 |
30,37 |
Công ty vốn đầu tư nước ngoài |
218 |
38,72 |
Quy mô nhân sự |
Quy mô doanh thu |
||||
Dưới 100 lao động |
40 |
7,1 |
Dưới 1 tỷ đồng/ tháng |
53 |
9,41 |
Từ 100 - 300 lao động |
106 |
18,83 |
1 - 10 tỷ đồng/ tháng |
81 |
14,39 |
300 - 500 lao động |
138 |
24,51 |
10 - 50 tỷ đồng/ tháng |
129 |
22,91 |
501 - 1.000 lao động |
147 |
26,11 |
50 - 100 tỷ đồng/ tháng |
164 |
29,13 |
Trên 1.000 lao động |
132 |
23,45 |
Trên 100 tỷ đồng/tháng |
136 |
24,16 |
Nguồn: Kết quả dữ liệu khảo sát bằng SPSS 21
3. Phân tích thực trạng chất lượng dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp dệt may
3.1. Kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha
Sự tin cậy (STC): thang đo này được đo lường bởi 5 biến quan sát STC1; STC2; STC3; STC4; STC5. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là 0.908> 0.6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến trên đều lớn hơn 0.3 nên đảm bảo các biến quan sát có mối tương quan với nhau và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến của các biến quan sát đều nhỏ hơn 0.908 nên thang đo đạt độ tin cậy.
Sự phản hồi (SPH): thang đo này được đo lường bởi 4 biến quan sát SPH1; SPH2; SPH3; SPH4. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là 0.671> 0.6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến trên đều lớn hơn 0.3 nên đảm bảo các biến quan sát có mối tương quan với nhau và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến của các biến quan sát đều nhỏ hơn 0.671 nên thang đo đạt độ tin cậy.
Sự đảm bảo (SDB): thang đo này được đo lường bởi 4 biến quan sát SDB1, SDB2, SDB3, SDB4. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là 0.756 > 0.6, tuy nhiên hệ số tương quan biến tổng của biến SDB3 nhỏ hơn 0.3 và nếu loại biến này thì Cronbach’s Alpha có giá trị 0.854 > 0.756, do đó biến này bị loại.
Sự cảm thông (CT): thang đo này được đo lường bởi 5 biến quan sát CT1, CT2, CT3, CT4, CT5. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là 0.716 > 0.6, tuy nhiên hệ số tương quan biến tổng của biến CT5 nhỏ hơn 0.3 và Cronbach’s Alpha nếu loại CT5 có giá trị 0.783>0.716 do đó biến CT5 bị loại.
Sự hữu hình (HH): thang đo này được đo lường bởi 4 biến quan sát HH1, HH2, HH3, HH4. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là 0.831> 0.6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến trên đều lớn hơn 0.3 nên đảm bảo các biến quan sát có mối tương quan với nhau và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến của các biến quan sát đều nhỏ hơn 0.831 nên thang đo đạt độ tin cậy (Bảng 2).
Bảng 2. Kết quả phân tích độ tin cậy của các thang đo Cronbach’s Alpha
Biến Quan sát |
Trung bình thang đo nếu loại biến |
Phương sai thang đo nếu loại biến |
Tương quan biến tổng |
Cronbach's Alpha nếu loại biến |
Thang đo “Sự tin cậy” với Cronbach’s Alpha = 0.908 |
||||
STC1 |
13,5737 |
5,900 |
,785 |
,885 |
STC2 |
13,7158 |
5,613 |
,788 |
,884 |
STC3 |
13,7105 |
5,765 |
,798 |
,882 |
STC4 |
13,6412 |
6,010 |
,769 |
,888 |
STC5 |
13,7780 |
6,166 |
,705 |
,901 |
Thang đo “Sự phản hồi” với Cronbach’s Alpha = 0.671 |
||||
SPH1 |
12,1563 |
4,121 |
,479 |
,601 |
SPH2 |
11,6501 |
5,925 |
,360 |
,660 |
SPH3 |
11,8508 |
5,704 |
,420 |
,629 |
SPH4 |
12,4387 |
4,389 |
,592 |
,503 |
Thang đo “Sự đảm bảo” với Cronbach’s Alpha = 0.854 |
||||
SDB1 |
7,7442 |
2,319 |
,717 |
,803 |
SDB2 |
7,9041 |
2,222 |
,746 |
,775 |
SDB4 |
8,0142 |
2,270 |
,712 |
,807 |
Thang đo “Sự cảm thông” với Cronbach’s Alpha = 0.783 |
||||
CT1 |
11,9663 |
2,744 |
,629 |
,708 |
CT2 |
11,9485 |
3,013 |
,531 |
,759 |
CT3 |
12,0266 |
2,866 |
,616 |
,715 |
CT4 |
12,0373 |
2,986 |
,580 |
,734 |
Thang đo “Sự hữu hình”với Cronbach’s Alpha = 0.831 |
||||
HH1 |
11,7442 |
2,497 |
,665 |
,785 |
HH2 |
11,6785 |
2,297 |
,635 |
,802 |
HH3 |
11,8615 |
2,696 |
,602 |
,812 |
HH4 |
11,8952 |
2,219 |
,752 |
,743 |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu bằng SPSS21
3.2. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Từ kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo ở phần trên, việc phân tích nhân tố được tiến hành dựa trên 20 biến quan sát của các thang đo trong mô hình đề xuất ban đầu.
Kết quả đạt được hệ số KMO = 0.779> 0.5 và kiểm định Barlett’s có giá trị Chi-Square = 5339,135 với mức ý nghĩa Sig = 0.000 < 0.05, cho thấy việc phân tích nhân tố là phù hợp. Đồng thời, tổng phương sai trích được trích theo phương pháp Principal Axis Factoring là 67,341% > 50% cho thấy các nhân tố mới được rút trích này giải thích 67,341% sự biến thiên của tập dữ liệu và giá trị Initial Eigenvalues = 1,379>1 đủ tiêu chuẩn phân tích nhân tố (Bảng 3).
Bảng 3. Kết quả phân tích EFA
|
Nhân tố |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
|
STC3 |
,864 |
|
|
|
|
STC4 |
,863 |
|
|
|
|
STC1 |
,863 |
|
|
|
|
STC2 |
,844 |
|
|
|
|
STC5 |
,801 |
|
|
|
|
HH4 |
|
,866 |
|
|
|
HH1 |
|
,826 |
|
|
|
HH2 |
|
,751 |
|
|
|
HH3 |
|
,706 |
|
|
|
CT1 |
|
|
,785 |
|
|
CT3 |
|
|
,780 |
|
|
CT4 |
|
|
,770 |
|
|
CT2 |
|
|
,714 |
|
|
SDB2 |
|
|
|
,871 |
|
SDB1 |
|
|
|
,850 |
|
SDB4 |
|
|
|
,835 |
|
SPH3 |
|
|
|
|
,756 |
SPH2 |
|
|
|
|
,719 |
SPH4 |
|
|
|
|
,714 |
SPH1 |
|
|
|
|
,624 |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu bẳng SPSS 21
3.3. Đánh giá chung thực trạng
Thứ nhất, gia công xuất khẩu hàng may mặc của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành Dệt May Việt Nam như hiện nay. Từ chỗ ngành Dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines,… đến nay, Dệt May Việt Nam là ngành có vị trí quan trọng trên bản đồ dệt may thế giới, trong đó phần lớn đóng góp thuộc về gia công xuất khẩu hàng may mặc. Vị thế và vai trò của ngành Dệt May Việt Nam đối với toàn cầu ngày càng được thế giới đánh giá cao, khi Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn nhất ASEAN và là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trong khối CPTPP, lớn thứ 3 toàn cầu chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Thứ hai, gia công xuất khẩu hàng may mặc của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tham gia và tận dụng được nhiều cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, Việt Nam - EU (EVFTA),.., tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2019, ngoài các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì may mặc của Việt Nam còn mở rộng sang các thị trường như ASEAN,Canada, HongKong, Đài Loan, Nga, Australia, Chile.
Thứ ba, gia công xuất khẩu hàng may mặc của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Với lực lượng lao động khoảng 3 triệu người, dệt may nói chung và gia công xuất khẩu hàng may mặc nói riêng là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành công nghiệp cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Như vậy, việc đánh giá chất lượng dịch vụ gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp dệt may là một trong những tiền đề quan trọng có liên quan đến việc đánh giá năng lực gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đây cũng là một bước quan trọng trong nghiên cứu tiếp theo mà tác giả đang thực hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bitner, M. J. & Hubbert, A. R. (1994). Encounter satisfaction versus overall satisfaction versus quality: the customer's voice. service quality: new directions in theory and practice. Thousand Oaks, CA: Sag
- Cronin, J. J., Taylor, S. A. (1992). Measuring service quality: a reexamination and extension. Journal of Marketing, 6 (1992), 55-68.
- Gronroos, C. (1984). A service quality model and its marketing implications. European Journal of Marketing, 18 (4), 36-44.& Oliver, R.L. (Eds.), 72-94.
- Grönroos, C. (2000). Service management and marketing. Hoboken, New Jersey, United States: John Wiley & sons Ltd.
- Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Thống kê.
- Parasuraman, A., Berry, L.L & Zeithaml, V. (1985). A conceptual model of service quality and the implications for future research. Journal of Marketing Management, 49, 41-51.
- Parasuraman, A., Zeithaml, V. & Berry, L. (1988). SERVQUAL: A multiple item scale for measuring customer perceptions of service quality. Journal of Retailing, 64(1), 12-40.
- Parasuraman, A. & Berry, L. L. (1991). Marketing for Services: Competing through Quality. New York, NY: The Free Press.
- Sweeney, J. C., Soutar, G. N., Johnson, L. W. (1997). Retail service quality and perceived value. Journal of Consumer Services, 4 (1), 39-48.
The current service quality of Vietnamese garment processing and exporting enterprises
Ph.D student Do Huyen Trang
Thuongmai University
ABSTRACT:
The product quality is one of the important factors to assess the capacity of Vietnamese garment processing and exporting enterprises. This paper analyzes the theoretical basis of processing and exporting garment products, and assess the current service quality of Vietnamese textile and garment enterprises in order to promote their exports.
Keywords: service quality, processing and exporting garment products, textile enterprises, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]