TÓM TẮT:
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đang áp dụng và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ thống trường mầm non. Song đến nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) TP. HCM, số lượng trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu gửi trẻ. Bài viết chỉ ra nguyên nhân chính dẫn tới những vấn đề còn tồn tại, bất cập, dẫn đến sự thiếu hụt các cơ sở mầm non công lập tại các KCN - KCX TP. HCM, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển giáo dục mầm non tại các KCN-KCX, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động trên địa bàn này.
Từ khóa: Giáo dục mầm non, gửi trẻ, khu công nghiệp-khu chế xuất, TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, các KCN-KCX đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế TP. HCM. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, việc phát triển các KCN-KCX nhanh và nóng cũng dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan tới an sinh xã hội, khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của kinh tế và nhân khẩu, đặc biệt là vấn đề phát triển giáo dục mầm non (GDMN) nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của lao động ngoại tỉnh (đối tượng chiếm tới xấp xỉ 70% lao động tại các doanh nghiệp thuộc các KCN-KCX).
Tính đến tháng 7/2019, trên địa bàn TP. HCM có 17 KCN-KCX hoạt động với 1.371 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng số vốn gần 10 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố; tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động (trong đó, có 70% là lao động ngoại tỉnh), chiếm khoảng 26% lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc KCN-KCX trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương thì việc phát triển nhanh, phát triển nóng các KCN-KCX cũng dẫn tới nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Với quy mô lớn (từ 50.000 công nhân trở lên), các KCN-KCX kéo theo số lượng lớn người nhập cư cùng nhu cầu an sinh xã hội rất lớn. Trong những năm qua, mặc dù được chính quyền quan tâm đầu tư nên chất lượng cuộc sống của người lao động tại các KCN-KCX tại TP.HCM từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, giáo dục là vấn đề mà người lao động tại các KCN-KCX lo lắng và bậc học chịu áp lực nhiều nhất là mầm non. Do số công nhân nhập cư tại các KCN, KCX đông dẫn đến số học sinh trong độ tuổi mầm non tăng cao. Trong khi đó, hệ thống trường lớp không đáp ứng đủ yêu cầu đang đặt ra nhiều áp lực đối với ngành Giáo dục - Đào tạo địa phương.
2. Thực trạng giáo dục mầm non ở KCN, KCX tại TP. HCM
Tính đến cuối 2018, địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 17 KCN- KCX với tổng lao động nữ hơn 174.000 người (chiếm 62,6%). Trong đó, có tới 31% nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi nên nhu cầu gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo rất cao. Tuy vậy, ở các KCN-KCX TP. HCM mới có 23 dự án trường mầm non, trong đó: 18 trường mầm non đã đưa vào hoạt động; 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến xây dựng tại KCN Tân Bình; 2 dự án đề nghị không thực hiện do đã chuyển đổi mục đích sử dụng tại KCN Tân Tạo và KCN Lê Minh Xuân; 1 dự án đang trong quá trình chuyển giao cho đơn vị chủ quản mới tại KCN Lê Minh Xuân.
Thực trạng thiếu các trường mầm non tổ chức giữ trẻ ngoài giờ tại các KCN - KCX đang là nỗi lo lắng của hàng ngàn công nhân TP. HCM. Do các trường MNCL chỉ đáp ứng 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào các CSGD mầm non tư thục (MNTT). Trong khi đó, học phí ở các trường MNTT đảm bảo chất lượng có mức học phí cao, gấp 5 - 9 lần so với trường công lập, trong khi lương công nhân còn thấp (khoảng 4.500.000 đồng/tháng - theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP. HCM).
Một bất cập khác là thời gian trông giữ trẻ của các trường MNCL luôn không khớp với thời gian làm việc của cha mẹ. Công nhân tại các KCN-KCX thường xuyên phải làm việc đến 19h, làm việc theo ca vào cuối tuần. Trong khi đó, các trường MNCL chỉ nhận giữ trẻ đến 17h30 các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, không nhận giữ trẻ vào dịp cuối tuần và dịp nghỉ hè.
Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM, năm 2017 - 2018, toàn thành phố có 45% số trẻ em (khoảng 2.335 trẻ) tại các trường mầm non là con công nhân đang làm việc tại các KCN-KCX. Thế nhưng, số trường mầm non có tổ chức giữ trẻ ngoài giờ (từ 16h30 - 18h00 và thứ 7 hàng tuần) chỉ có 7 trên tổng số 1.326 trường và 523 trẻ được gửi. Mặt khác, do điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, hầu hết các trường MNCL không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi trong các trường MNCL rất ít và ưu tiên nhận trẻ là con em người có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
Trước những khó khăn này, nhiều nữ lao động phải chấp nhận gửi con tại các nhà trẻ tư thục hoặc các nhóm trẻ gia đình để thuận tiện đi làm. Tuy nhiên, các cơ sở GDMN ở loại hình này đang tồn tại nhiều khó khăn, như: trình độ giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chính quyền địa phương chưa kiểm soát hết, dẫn đến tình trạng thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, không đảm bảo về chất lượng nuôi dạy trẻ và là nguyên nhân gây ra các vụ bạo hành, mất an toàn cho trẻ.
Ở các nhóm trẻ có quy mô nhỏ (dưới 10 trẻ) và những nhóm trẻ chưa cấp phép, đa số người giữ trẻ có trình độ chuyên môn thấp, thiếu kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong quá trình chăm sóc, giáo dục, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Một số lao động nữ khác thì chọn cách gửi con cho ông bà chăm sóc. Có nhiều trường hợp sau khi nghỉ thai sản phải nghỉ việc ở nhà nuôi con, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp tại KCN-KCX.
Có thể khẳng định, thực trạng các trường mầm non, mẫu giáo, điểm giữ trẻ đạt chuẩn còn rất thiếu so với nhu cầu, khiến người lao động tại các KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM không khỏi bất an, lo lắng, khi buộc phải gửi con em ở những nhóm trẻ tư thục, tự phát.
3. Những thuận lợi, khó khăn của các CSGD mầm non ở KCN, KCX tại TP. Hồ Chí Minh
3.1. Thuận lợi
Việc đầu tư xây dựng trường mầm non tại các KCX, KCN nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ngành, Thành phố, UBND các Quận, Huyện, các công ty phát triển hạ tầng KCX, KCN trong việc đi khảo sát thực địa, lựa chọn vị trí xây dựng từng công trình; thống nhất đề xuất và được Thường trực UBND Thành phố thông qua, tận dụng tối đa diện tích xây dựng, nâng thêm tầng cao và triển khai ngay các dự án trường mầm non bằng vốn ngân sách thành phố.
Các cấp chính quyền địa phương đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp tích cực, gắn với các tình huống cụ thể của KCN-KCX nhằm tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp mầm non, góp phần giảm bớt gánh nặng quá tải số trẻ/lớp cho các trường công lập trên địa bàn các KCN, KCX TP. HCM. Mặc dù vậy, trước thực tế tăng trưởng “nóng” của các KCN - KCX, dẫn đến nhiều khó khăn mà người lao động tại các KCN-KCX phải đối mặt trong việc tìm nơi gửi trẻ mỗi ngày. Và những khó khăn này cần phải được xem xét phân tích một cách thấu đáo, nhằm đưa ra những biện pháp giải quyết hợp lý.
3.2. Khó khăn và bất cập
Việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án trường mầm non tại KCN -KCX còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như sau:
3.2.1. Về chính sách và quỹ đất xây dựng trường mầm non trong KCN-KCX
Nghị định số 36/1997/NĐ-CP ngày 24/4/1997 và Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về KCN - KCX và khu kinh tế đều quy định cụ thể không có dân cư sinh sống trong KCX, KCN. Do đó, các KCX, KCN đã hình thành và được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Các doanh nghiệp thuê để sản xuất đều có quỹ đất hạn hẹp, vì thế, việc tìm quỹ đất trong các KCX, KCN, việc vận động các doanh nghiệp mở trường học trên phần đất thuê để xây dựng trường mầm non rất khó khăn.
Trước đây, khi quy hoạch các KCN cũng không có phần đất dành cho giáo dục. Nhiều KCX, KCN đã tận dụng tối đa quỹ đất có thể khai thác, không có những mảng cây xanh tập trung đủ lớn để lập dự án xây dựng trường mầm non, diện tích đất không đủ xây dựng trường chuẩn. Các KCX - KCN, quy hoạch cây xanh tập trung thường có vị trí là khoảng cách ly với công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường, dẫn đến việc khó đảm bảo điều kiện về chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Bên cạnh đó, việc thành lập các trường mầm non lân cận các KCN phải tuân thủ thủ tục đất đai, đó là vừa đáp ứng diện tích theo quy định vừa phải chuyển đổi từ đất sử dụng riêng hộ gia đình sang đất giáo dục... khiến cho việc xây trường gặp rất nhiều khó khăn.
3.2.2. Nhu cầu gửi trẻ đặc thù của người lao động tại các KCN-KCX
Những địa bàn có KCN-KCX dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động, chủ yếu là dân nhập cư trong độ tuổi sinh sản, làm công nhân tại các nhà máy trong và ngoài KCN-KCX, nên nhu cầu gửi trẻ ở từ 6 tháng tuổi trong và ngoài giờ của các gia đình này là rất cao.
Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng một số giải pháp giải quyết vấn đề gửi con ngoài giờ của công nhân. Năm học 2016-2017, thành phố thí điểm giữ trẻ ngoài giờ ở một số đơn vị, song nỗ lực này gặp một số khó khăn như khi giáo viên làm quá giờ sẽ vi phạm Luật Lao động, trong khi số lượng giáo viên theo biên chế lại không đủ để chia theo ca, đáp ứng việc giữ trẻ ngoài giờ. Rất khó để sắp xếp giáo viên trong điều kiện cho phép đúng với nhu cầu của người lao động tại các KCN-KCX, bởi vì thỏa mãn được nguyện vọng của người lao động nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được quyền lợi chính đáng của giáo viên mầm non.
3.2.3. Chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non
Với giáo viên mầm non, họ chịu rất nhiều thiệt thòi và áp lực với cường độ lao động căng thẳng trung bình khoảng 10 giờ/ngày. Nếu thực hiện việc trông trẻ ngoài giờ cho phù hợp với đặc thù làm ca của lao động tại các KCN-KCX thì áp lực đối với giáo viên mầm non lại càng lớn hơn.
Trong khi đó, đa phần chính sách đều hướng tới đối tượng giáo viên các trường MNCL, chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và tiền lương cho giáo viên mầm non khối ngoài công lập. Lương thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo, chế độ không thỏa đáng dẫn tới giáo viên MNTT không yên tâm công tác, không gắn bó với nghề, đội ngũ giáo viên của các nhóm lớp luôn biến động, không ổn định. Hiện nay, thu nhập trung bình của giáo viên mầm non mới ra trường tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở các cơ sở công lập, giáo viên sẽ được nhận thêm các khoản phụ cấp, thu nhập tăng thêm nên tổng thu nhập cao hơn. Thực tế này khiến chủ các cơ sở ngoài công lập chịu áp lực lớn về cạnh tranh thu nhập để giữ chân giáo viên, đồng nghĩa với việc tạo thêm khó khăn trong việc xây dựng, phát triển các trường MNTT.
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục chưa được thông thoáng, chưa tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Việc thực thi các chính sách khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục MNTT còn hạn chế. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn KCN, KCX cũng chưa thực sự quan tâm thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động.
Trong khi đó, cơ sở vật chất trường lớp mầm non, chính sách cho giáo viên và trẻ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương. Đề xuất nâng lương, bổ sung thêm các chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non luôn cần được tính toán, đặt trong bối cảnh cân đối quyền lợi và nhu cầu của giáo viên các bậc học khác, nhằm giải quyết triệt để bài toán khó về phát triển giáo dục mầm non tại các KCN-KCX trên địa bàn địa phương.
4. Một số đề xuất giải pháp
4.1. Đề xuất giải pháp đối với các CSGD mầm non
Để phù hợp với đặc thù công việc của lao động tại các KCN-KCX, các cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên tăng biên chế giáo viên ở những trường gần KCN-KCX để đáp ứng yêu cầu về số lượng giáo viên trong việc chia ca tổ chức giữ trẻ ngoài giờ. Cụ thể, thay vì định biên 2 giáo viên/lớp, cần thiết bổ sung thêm mỗi lớp 1 giáo viên để các giáo viên bố trí công việc theo kiểu lệch ca, đảm bảo luôn có đủ 2 giáo viên/lớp, kể cả thời gian giữ trẻ ngoài giờ.
Bên cạnh việc đầu tư vào các trường công lập, chính quyền địa phương cần đầu tư, khuyến khích phát triển các trường MNTT, đầu tư cả về cơ sở hạ tầng lẫn chính sách cho giáo viên, qua đó đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục cho trẻ mầm non trên địa bàn, đặc biệt tại các KCN-KCX. Trẻ học ở các trường MNTT cần được hưởng các chế độ chính sách như trẻ học trong các công lập; hỗ trợ tiền bảo hiểm và hỗ trợ lương cho giảo viên cũng cần tạo sự công bằng giữa mức lương của trường công lập và tư thục.
Cần tăng cường giám sát, đặc biệt là sự giám sát của cộng đồng đối với nhóm lớp độc lập tư thục về hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Tăng cường đào tạo trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non. Đồng thời, thành phố cũng cần khuyến khích người dân mở rộng các điểm trông giữ trẻ bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hiện nay mới tập trung chăm lo đội ngũ trực tiếp giảng dạy là giáo viên. Trong khi đó, hoạt động của cơ sở GDMN cần sự phối hợp của nhiều lực lượng hỗ trợ khác như cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, cấp dưỡng, y tế, bảo vệ, nhưng các nhóm đối tượng này cũng cần được quan tâm đúng mức.
4.2. Đề xuất giải pháp với chính quyền địa phương
TP. HCM cần ưu tiên dành quỹ đất cho GDMN. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển GDMN trong dài hạn, đảm bảo quy mô trường, lớp, số trẻ/nhóm, lớp đáp ứng nhu cầu thực tế.
Do các KCN-KCX tại TP. HCM được hình thành từ khi thành phố chưa có các chế tài cần thiết để buộc nhà đầu tư phải xây dựng các công trình phục vụ người lao động, trong đó có trường mầm non, do đó TP. HCM cần khuyến khích các KCN-KCX liên kết với các nhà đầu tư khác hoặc các trường mầm non khu vực lân cận để đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Tăng cường chỉ đạo các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho con em khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi như trường mầm non, trung tâm văn hóa, trung y tế để đảm bảo an sinh xã hội cho con em công nhân lao động trong các KCN. Cần xây dựng cơ chế thông thoáng, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở trường ngoài công lập, hạn chế việc mở các nhóm lớp độc lập nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ…
Thực hiện nghiên cứu, chỉ đạo cho phép tổ chức giữ trẻ ngoài giờ tại các trường mầm non được chọn thực hiện thí điểm giữ trẻ ngoài giờ, đưa ra quy định cụ thể đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ kinh phí giữ trẻ ngoài giờ; xem xét chính sách hỗ trợ mức tiền học phí gửi trẻ ngoài giờ đảm bảo tính hợp lý; tạo điều kiện cấp phép đối với các cơ sở mầm non đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, để xảy ra nguy hiểm cho trẻ.
4.3. Một số đề xuất khác
Chính phủ cần ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các KCN-KCX. Cần “luật hóa” trách nhiệm của các DN, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi, khiến hiệu quả không như mong đợi.
Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của đoàn thể và của nhà đầu tư từ ưu đãi, vay vốn, đất đai; chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở GDMN.
Ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực tế, ngoài mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục chưa được hưởng hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư như: hỗ trợ về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục… Cần có quy định không chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang đất giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.
5. Kết luận
Từ việc phân tích thực trạng, chỉ ra các yếu tố thuận lợi và khó khăn, nghiên cứu này đã chỉ ra nhóm giải pháp cho việc phát triển GDMN tại các KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể như sau:
Giải pháp với các cơ sở GDMN: Cần tạo ra sự cân bằng giữa các cơ sở mầm non công lập và ngoài công lập. Từ chế độ chính sách cho học sinh tới đầu tư cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ cho giáo viên; tăng biên chế giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ theo ca, gửi trẻ ngoài giờ của lao động tại các KCN-KCX.
Giải pháp đối với chính quyền địa phương: Ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục mầm non; Xây dựng kế hoạch phát triển GDMN trong dài hạn, đảm bảo quy mô trường, lớp, số trẻ/nhóm, lớp đáp ứng với nhu cầu thực tế; Ban hành chính sách thu hút đầu tư cho GDMN, mẫu giáo ở các KCN-KCX; Tạo điều kiện cấp phép đối với các cơ sở mầm non đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, để xảy ra nguy hiểm cho trẻ.
Một số các đề xuất, giải pháp khác: Cần “luật hóa” trách nhiệm của các DN, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi khiến hiệu quả không như mong đợi; Ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo…
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Công Khanh, Thực trạng đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản cho công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh hiện nay và phương hướng phát triển các mô hình cung ứng dịch vụ xã hội cho người lao động trong các giai đoạn tiếp theo, 2019.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo về giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, 2019.
3. Chỉ thị số 16/2015/CT-UBND ngày 2/10/2015 của UBND TP. Hồ Chí Minh về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
4. Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
5. Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015.
6. Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.
7. Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh về chính sách đầu tư đối với giáo dục mầm non và chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc ngành học mầm non trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
8. Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 20/5/2015 của UBND TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
9.Thông tư số 09/2015/TT - BGDĐT sửa đổi Điều lệ trường mầm non kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ - BGD&ĐT đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 44/2010/TT- BGDĐT và 05/2011/TT - BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
10. Thông tư số 13/2018/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2018.
11. Văn bản hợp nhất số 06/VBHN -BGDĐT ngày 18/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục.
THE SITUATION OF PRESCHOOL EDUCATION IN INDUSTRIAL PARKS AND EXPORT PROCESSING ZONES IN HO CHI MINH CITY
Assoc. Prof. PhD. PHAM THI HUYEN MA. HOANG NGOC VINH HANH
National Economics University
ABSTRACT:
Currently Ho Chi Minh City (HCMC) is implementing many policies to support and develop the preschool system. However, up to now, in industrial parks and export processing zones (IZs - EPZs) in the city, the number of public preschools only meets 15% of the demands. The article points out the main reasons leading to the inadequacies, which lead to the shortage of public preschool facilities in IZs - EPZs in HCMC. In that light, the article proposes solutions to develop early childhood education in IZs-EPZs to meet the needs of young workers in this area.
Keywords: Preschool education, child care, industrial-export processing zones, TP. Ho Chi Minh.