Thực trạng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

ThS. LƯƠNG THỊ YẾN - ThS. TRẦN THANH THỦY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị được coi là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, bởi tính linh hoạt, hữu ích và kịp thời của thông tin kế toán phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp. Chính vì kiến thức về kế toán quản trị trong đội ngũ làm công tác kế toán của doanh nghiệp sản xuất còn mới mẻ, nên việc áp dụng vào thực tế có nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc đổi mới và không ngừng hoàn thiện công tác kế toán quản trị để thích nghi với yêu cầu, nội dung đổi mới hiện nay là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp, thị trường, công cụ quản lý, tài chính.

I. Đặt vấn đề

Kế toán quản trị đều có chung một mục đích quản trị. Mỗi doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế thị trường sẽ theo đuổi những mục đích quản trị khác nhau và sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực của nhà quản trị và những công cụ mà nhà quản trị sử dụng để thu nhận, xử lý, báo cáo thông tin.

Kế toán quản trị (KTQT)?là một bộ phận cấu thành trong hệ thống thông tin kế toán của đơn vị nhằm phản ánh, xử lý và cung cấp thông tin về quá trình huy động, sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động của đơn vị nhằm phục vụ cho mục đích của nhà quản trị tổ chức đó.

KTQT là khoa học thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế tài chính về quá trình huy động, sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động của đơn vị nhằm giúp các nhà quản trị trong quá trình ra các quyết định liên quan đến việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát và đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động của đơn vị.

KTQT là môn khoa học kinh tế và ứng dụng có lịch sử hình thành và quá trình phát triển, có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng.

KTQT là công cụ quản lý hữu hiệu được sử dụng cho các nhà quản trị bên trong một tổ chức, KTQT nhằm giúp các nhà quản trị thực hiện các chức năng quản trị như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá và ra các quyết định liên quan đến quá trình huy động, sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động nhằm đạt tới mục tiêu của đơn vị. Là công cụ quản lý vi mô, kế toán quản trị thể hiện ý trí và nghệ thuật trong quản lý điều hành tổ chức của từng nhà quản trị.

KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.

KTQT là công cụ đắc lực nhằm thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp nhằm đem lại quyền lợi, thỏa mãn những mục tiêu đề ra của chính bản thân người sáng lập ra nó. KTQT không chi thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về nghiệp vụ kinh tế đã xảy ra mà còn xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra quyết định quản trị. Các thông tin này phải phù hợp với yêu cầu của nhà quản trị, dễ hiểu và cụ thể phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp. KTQT chỉ cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế tài chính trong phạm vi yêu cầu quản lý nội bộ của một doanh nghiệp, không có ý nghĩa đối với các đối tượng bên ngoài; KTQT là một bộ phận của công tác kế toán nói chung và là công cụ quan trọng không thể thiếu đối với công tác quản lý nội bộ doanh nghiệp.

KTQT và kế toán tài chính là hai bộ phận không thể tách rời của một doanh nghiệp. Chúng có những điểm giống nhau cơ bản sau:

- Đều đề cập đến các sự kiện kinh tế trong doanh nghiệp và đều quan tâm đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động, quá trình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Một bên phản ảnh tổng quát, một bên phản ảnh cụ thể, chi tiết của sự tổng quát đó.

- Đều dựa trên những ghi chép ban đầu của kế toán.

- KTQT và kế toán tài chính đều biểu hiện trách nhiệm của người quản lý và đều là công cụ quản lý doanh nghiệp.

Tóm lại, kế toán quản trị hay kế toán tài chính đều là kế toán nên chúng mang trong mình những chức năng của kế toán nói chung.

Do đối tượng sử dụng thông tin khác nhau, mục đích sử dụng thông tin khác nhau, nên giữa KTQT và kế toán tài chính có nhiều điểm khác biệt:

Về đối tượng sử dụng thông tin: Đối tượng sử dụng thông tin của KTQT là các thành viên bên trong doanh nghiệp: Ban giám đốc, Chủ sở hữu, Trưởng bộ phận,... Trong khi đó, đối tượng của kế toán tài chính chủ yếu là ở bên ngoài doanh nghiệp: Các cổ đông, cơ quan thuế, cơ quan quản lý tài chính,...

Về nguyên tắc trình bày và cung cấp thông tin: Thông tin kế toán tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia. Trái lại, trong nền kinh tế thị trường, do yêu cầu phải nắm bắt nhanh các cơ cội kinh doanh đa dạng nên thông tin KTQT cần phải linh hoạt, nhanh chóng và phù hợp với từng quyết định của người quản trị, không buộc phải tuân thủ các nguyên tắc hay chuẩn mực kế toán chung.

Về tính pháp lý của kế toán: Kế toán tài chính có tính pháp lệnh, nghĩa là hệ thống sổ sách, ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán tài chính đều phải tuân theo các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận. Ngược lại, tổ chức công tác quản trị lại mang tính nội bộ, thuộc thẩm quyền của từng doanh nghiệp phù hợp với đặc thù quản lý, yêu cầu quản lý, điều kiện và khả năng quản lý cụ thể của từng doanh nghiệp.

Về đặc điểm của thông tin: Thông tin của kế toán tài chính là thông tin thực hiện về những nghiệp vụ đã phát sinh, đã xảy ra, được thu thập từ các chứng từ ban đầu về kế toán. Trong khi đó, thông tin của KTQT chủ yếu đặt trọng tâm cho tương lai vì phần lớn nhiệm vụ của nhà quản trị là lựa chọn phương án, đề án cho một sự kiện hoặc một quá trình chưa xảy ra.

Về hình thức báo cáo sử dụng: Báo cáo được sử dụng trong kế toán tài chính là các báo cáo kế toán tổng hợp (gọi là các Báo cáo tài chính) phản ánh tổng quát về sản nghiệp, kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một thời kỳ (gồm Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính). Trong khi đó, báo cáo của KTQT đi sâu vào từng bộ phận, từng khâu công việc của doanh nghiệp (như báo cáo chi phí sản xuất và giá thành, báo cáo nợ phải trả, báo cáo nhập xuất và tồn kho của hàng tồn kho...).

II. Thực trạng

Lịch sử về kế toán doanh nghiệp chứng minh là KTQT tồn tại rất lâu trong hệ thống kế toán doanh nghiệp. Tuy nhiên, KTQT chỉ mới được hệ thống hóa và phát triển một cách có hệ thống về lý luận và thực tiễn ở những thập kỷ gần đây trong các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô, sự tiến bộ nhất định về khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, điều kiện xử lý thông tin.

Ở Việt Nam, KTQT cũng đã xuất hiện và phát triển gắn liền với các chính sách, chế độ kế toán áp dụng ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế toán quản trị chỉ mới được đề cập một cách có hệ thống vào đầu những năm 1990 trở về đây và trở thành cấp bách trong việc xây dựng hệ thống thông tin kế toán vào đầu những năm 2000, khi các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản lý để tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng đến KTQT, mặc dù trong quá trình điều hành doanh nghiệp họ đều phải đưa ra quyết định trên những thông tin của KTQT. Thông tin có được là do xử lý một cách cảm quan và kinh nghiệm của nhà quản lý nên nó mang tính khoa học không cao.

Qua khảo sát việc vận dụng KTQT ở các doanh nghiệp sản xuất, KTQT thấy tồn tại dưới hai mô hình:

- Mô hình thứ nhất: Với các doanh nghiệp có hệ thống quản lý chủ yếu dựa trên nền tảng chuyên môn hóa sâu theo từng bộ phận hoạt động sản xuất kinh doanh, từng hoạt động quản lý thì nội dung KTQT được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế - tài chính theo từng bộ phận chuyên môn hóa để phục vụ hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm tra và ra quyết định của từng nhà quản lý ở từng cấp quản trị.

- Mô hình thứ hai: Với các doanh nghiệp có hệ thống quản lý chủ yếu dựa trên nền tảng từng “quá trình hoạt động”. Nội dung KTQT của mô hình này được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế - tài chính từng “quá trình hoạt động” để phục vụ hoạch định. Tổ chức phối hợp - thực hiện, đánh giá hiệu quả của từng “đội công tác quá trình”. Đội công tác quá trình bao gồm nhiều người có chuyên môn khác nhau cùng thực hiện một quá trình sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (DNVVN) không chỉ chịu sức ép cạnh tranh với các công ty trong nước, mà còn phải cạnh tranh gay gắt, quyết liệt hơn từ các tập đoàn đa quốc gia, những công ty hùng mạnh cả về vốn, thương hiệu và trình độ quản lý. Do vậy, để cạnh tranh được, các DNVVN phải tìm được cho mình một hướng đi hợp lý để tồn tại và phát triển. Một trong số các giải pháp cần phải làm là tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý… mà thông tin để làm cơ sở không thể khác hơn ngoài thông tin kế toán. Chính vì vậy, các DNVVN muốn phát triển bền vững thì đòi hỏi phải có bộ máy kế toán tốt, hiệu quả.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó, không phải các doanh nghiệp nhỏ nào cũng làm được, vì phần lớn những doanh nghiệp này mới thành lập, hạn chế về vốn. Giải pháp hiện nay các doanh nghiệp thường dùng là thuê kế toán viên có nghiệp vụ giỏi làm ngoài giờ hoặc thuê những người có trình độ thấp với chi phí có thể chấp nhận được. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp sẽ có một hệ thống kế toán manh mún, hoạt động kém hiệu quả và thông tin cung cấp không kịp thời để ra quyết định.

Mặt khác, do doanh nghiệp chỉ quan tâm nhiều đến hàng hóa, nguồn tiền nên cũng ít quan tâm đến việc phân tích chiến lược để ra các quyết định đúng đắn trong phát triển kinh doanh và sử dụng nguồn tài chính hiệu quả.

III. GIẢI PHÁP

Từ những thực trạng và định hướng trên, để có thể áp dụng KTQT vào các doanh nghiệp sản xuất cần phải có các giải pháp đồng bộ sau:

Nhà nước và các cơ quan quản lý cần can thiệp nhằm quy định và hướng dẫn mô hình KTQT, để doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng và hiệu quả mang lại khi vận dụng KTQT. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tốt hơn trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu, triển khai phát triển lâu dài KTQT.

Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, hệ thống sổ sách kế toán và hệ thống báo cáo KTQT cho phù hợp với công tác quản lý và đặc điểm SXKD riêng, dựa trên các mô hình KTQT đã được áp dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Báo cáo của KTQT lập ra phải sử dụng kết hợp với các báo cáo khác của doanh nghiệp như báo cáo về thị trường, đối thủ cạnh tranh,… để có những nhìn nhận một cách toàn diện hơn về các yếu tố tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của KTQT, chủ động đẩy mạnh áp dụng KTQT trong hoạt động điều hành SXKD nhằm đạt được hiệu quả quản lý cao nhất.

Đối với nhà quản trị doanh nghiệp: Cần nâng cao nhận thức và trình độ quản lý để tăng cường hiệu quả đối với các quyết định quản trị, nhằm đáp ứng khả năng cạnh tranh và yêu cầu hội nhập thực tế.

Các doanh nghiệp phải tự xây dựng một hệ thống chỉ tiêu KTQT cụ thể theo mục tiêu đề ra đồng bộ và thống nhất, tránh sự trùng lắp, đảm bảo cho thông tin được thông suốt, nhanh chóng và kịp thời. Báo cáo KTQT cần kết hợp với các loại báo cáo khác của doanh nghiệp, như báo cáo về thị trường, về công nghệ sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố tác động đến quá trình SXKD.

Đối với nguồn nhân lực thực hiện KTQT: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho các kế toán viên về kế toán tài chính cũng như KTQT. Bên cạnh đó, nhân viên KTQT cần phải đảm bảo được những chuẩn mực đạo đức đối với việc hành nghề và các chuẩn mực này được nghiên cứu, ban hành bởi một tổ chức nghề nghiệp có uy tín.

Đối với việc tổ chức bộ máy kế toán của các doanh nghiệp: Thực tế hiện nay, các DN chủ yếu tập trung vào kế toán tài chính, do đó cần sắp xếp lại bộ máy kế toán theo hướng kết hợp giữa bộ phận KTTC và KTQT, trong đó KTQT sử dụng nguồn thông tin đầu vào chủ yếu do KTTC cung cấp, xử lý và lượng hóa thông tin theo các chức năng riêng của mình.

Ứng dụng công nghệ thông tin trên phần mềm quản trị thống nhất, giúp cho việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Tăng cường học tập kinh nghiệm áp dụng KTQT của những tập đoàn kinh tế tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới về mô hình báo cáo, hệ thống chỉ tiêu, từ đó áp dụng phù hợp với thực tế của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đoàn Xuân Tiên (2009), Giáo trình Kế toán quản trị doanh nghiệp, Nhà xuất bản Tài chính.

2. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy (2013), Giáo trình Kế toán tài chính, Nhà xuất bản Tài chính.

3. Nguyễn Ngọc Quang (2010), Giáo trình Kế toán quản trị doanh nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Bộ Tài Chính (2006), Thông tư 53/2006- “Hướng dẫn chế độ áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp”.

5. http://tapchitaichinh.vn

http://webketoan.com.

THE CURRENT SITUATION OF IMPLEMENTING MANAGEMENT ACCOUNTING IN VIETNAMESE ENTERPRISES

MA. LUONG THI YEN

MA. TRAN THANH THUY

Faculty of Accounting - University of Economic Technical Industries

ABSTRACT:

The management accounting is considered one of the most effective management tools in the context of fierce competition thanks to its flexibity, usefulness and timeliness in providing accounting information for internal management purposes. However, the implementation of management accounting in many enterprises has facing with problems as accountants of these enterprises lack of knowledges about the management accounting. Therefore, it is important for Vietnamese enterprises to continue improving their management accounting activities in accordance with the market’s growth.

Keywords: Management accounting, enterprise, market, management tool, finance.