TÓM TẮT:
Ngân sách nhà nước (NSNN) là bộ phận quan trọng trong hoạt động của mỗi quốc gia và là công cụ vật chất quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội. Để đảm bảo hiệu quả trong việc chi tiêu và huy động vốn cho NSNN, đòi hỏi mỗi quốc gia phải kết hợp hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ. Do đó, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu về thực trạng thâm hụt NSNN tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra nhiều áp lực cho NSNN; từ đó đưa ra các giải pháp khuyến nghị giúp nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN trong bài viết tiếp theo.
Từ khóa: ngân sách, thâm hụt ngân sách, cân đối ngân sách nhà nước.
1. Đặt vấn đề
Trong 3 năm trở lại đây, những diễn biến bất ổn của nền kinh tế chính trị thế giới cùng sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Mặc dù là một trong số ít những quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn và thách thức. Trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa với tổng giá trị lên đến 278.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% GDP của năm 2021. Vào tháng 01/2022 vừa qua, Chính phủ lại tiếp tục ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022 - 2023 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 350.000 tỷ đồng. Việc thực hiện các gói kích thích kinh tế cùng các biện pháp cứu trợ này đã gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nguồn thu, chi NSNN dẫn đến việc bội chi ngân sách ngày càng tăng cao.
Trong bối cảnh đó, các nước trên thế giới cũng đồng loạt triển khai các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ quy mô lớn để đối phó với những diễn biến phức tạp của tăng trưởng kinh tế, lạm phát và rủi ro trên thị trường tài chính. Mặc dù, việc thực hiện chính sách này góp phần hỗ trợ các nước phục hồi kinh tế, nhưng lại dẫn đến làn sóng thoái vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu huy động vốn vay cho cân đối NSNN được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao. Cùng với đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN cũng đang tăng nhanh và trong giai đoạn 2021 - 2022 có khả năng tiến sát/vượt ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép (25%) trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực trước tác động của đại dịch COVID-19. Tất cả những yếu tố này khiến cho tình hình thâm hụt ngân sách của nước ta đã và đang ngày càng trầm trọng hơn.
Để hiểu rõ vấn đề thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động mới, trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích thực trạng thâm hụt ngân sách Việt Nam giai đoạn 2010 - 2021, từ đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách trong giai đoạn này.
2. Tổng quan lý thuyết về thâm hụt NSNN[1]
NSNN có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của một quốc gia. Nhắc đến NSNN là đề cập đến 2 hoạt động tài chính cơ bản của Nhà nước, đó là thu - chi ngân sách. Thu, chi NSNN có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nhưng cũng có tính độc lập tương đối. Chính vì vậy, thu, chi hay cân đối NSNN không nằm ở trạng thái tĩnh, mà luôn luôn vận động, chuyển hóa lẫn nhau. Và thâm hụt NSNN là một trong những trạng thái của quá trình vận động đó.
Thâm hụt NSNN hay còn gọi là bội chi NSNN là tình trạng khi tổng chi tiêu của NSNN vượt quá các khoản thu NSNN trong một năm tài khóa. Mức độ thâm hụt NSNN được đo lường bằng tỷ lệ thâm hụt so với GDP hoặc so với tổng số thu trong NSNN. Tình trạng thâm hụt NSNN có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nền kinh tế của một quốc gia tùy theo tỉ lệ thâm hụt và thời gian thâm hụt. Tại hầu hết các quốc gia, tình trạng thâm hụt ngân sách thường được Chính phủ bù đắp bằng việc đi vay trong nước và ngoài nước hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) để vay nợ. Tại Việt Nam những năm qua, thâm hụt tài khóa được tài trợ phần lớn bởi vay nợ thông qua phát hành TPCP.
3. Thực trạng thâm hụt NSNN trong bối cảnh COVID-19
3.1. Tình hình thu NSNN[2]
Trong 10 năm trở lại đây, thu NSNN tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhờ tăng cường quản ý thu, chống thất thu, chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế, nên tổng thu cân đối NSNN các năm gần đây đều vượt dự toán (năm 2016 vượt 11,5%; năm 2017 vượt 6,2%; năm 2018 vượt 8,5%; sơ bộ năm 2019 vượt 9,9%). Năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh đã ảnh hưởng đến công tác thu, chi NSNN.
Ước tính tổng thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6.915 nghìn tỷ đồng[3], gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù, quy mô thu ngân sách tăng đều qua các năm nhưng mức tăng thu lại có xu hướng giảm; tỷ lệ thu NSNN ở mức trung bình khoảng 25,25% so với GDP giai đoạn 2016 - 2020. Nguyên nhân thu NSNN tăng trưởng chậm hơn là do Chính phủ có những điều chỉnh trong chính sách thuế, nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về cơ cấu thu ngân sách, trong thời gian qua, cơ cấu thu NSNN đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế, tăng tỷ trọng thu nội địa từ mức bình quân 59,5% giai đoạn 2006 - 2010 lên mức 68,7% giai đoạn 2011 - 2015 và đạt 85,5% vào năm 2020.
Riêng năm 2021, do vừa phải tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 vừa phải tăng cường thực hiện các khoản chi cho chống dịch và hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nên nguồn thu NSNN liên tục có xu hướng giảm[4] và bị đe dọa thiếu hụt. Chỉ riêng năm 2021, Bộ Tài chính đã thực hiện miễn giảm gần 140.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là gói hỗ trợ rất lớn trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn trong khi nhu cầu chi lại nhiều với nhiều khoản chi không có trong dự toán.
Mặc dù vậy, nhờ vào đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020 và một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ giúp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nguồn thu NSNN đã phần nào được cải thiện. Theo thống kê của Bộ Tài chính, thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán và thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán. Đây là mức thu tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2021 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp.
Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó đoán như hiện nay, dự kiến nguồn thu NSNN trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn thách thức do việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế; trong khi đó, nhu cầu chi phòng, chống dịch bệnh lớn, nên áp lực sẽ gia tăng đối với cân đối NSNN.
3.2. Tình hình chi NSNN[5]
Trong giai đoạn 2010 - 2019, chi ngân sách luôn cao hơn thu NSNN, tỷ lệ chi NSNN đã tăng từ mức 109,6% (năm 2010) lên 113,1% (năm 2019). Theo ước tính, quy mô chi NSNN giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 7,6 triệu tỷ đồng, bình quân chiếm gần 28% GDP; mặc dù đã giảm nhẹ so với giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP nhưng vẫn ở mức cao. Cơ cấu chi NSNN đã được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tuy nhiên, chi NSNN vẫn luôn vượt thu, vượt dự toán, dẫn tới tình trạng mất cân đối NSNN, thậm chí bội chi ngân sách.
Đặc biệt, kể từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia, khiến nguồn thu ngân sách bị suy giảm, dẫn đến áp lực chi NSNN ngày càng lớn, do phải gánh thêm nhiều khoản chi phí phát sinh, đồng thời vẫn phải đảm bảo các khoản chi cho đầu tư phát triển và chi chế độ chính sách. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. NSNN đã phải tăng chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; và xuất cấp hơn 141.000 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 33 địa phương. Bên cạnh các khoản chi lớn này, áp lực trả nợ công với xu hướng tăng nhanh trong năm 2020 - 2021 cũng đặt ra nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi NSNN tại Việt Nam.
3.3. Tình hình thâm hụt NSNN
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao (xấp xỉ 30% GDP), cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi ở cùng giai đoạn phát triển và lớn nhất khu vực ASEAN. Do đó, mặc dù thu cân đối ngân sách có mức tăng đáng kể, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho chi tiêu ngân sách, dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN nước ta ở mức 3,6% GDP, mặc dù đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 5,4% GDP. Tuy nhiên, chủ yếu là do phương thức hạch chi NSNN có thay đổi, còn cấu trúc NSNN vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể theo hướng bền vững, cơ cấu chi chưa có sự cải thiện khi tỷ lệ chi thường xuyên tiếp tục tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến nhu cầu chi NSNN tiếp tục vượt xa so với khả năng thu.
Biểu đồ 1: Tình hình thâm hụt NSNN ở Việt Nam giai đoạn 1998 - 2021
Nguồn: www.countryeconomy.com
Đặc biệt, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế sụt giảm cộng với việc Chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã khiến bội chi NSNN năm 2020 tăng lên 3,99% GDP và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo Bộ Tài chính, dự kiến mức bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2022 khoảng 4% GDP, còn giai đoạn 2022 - 2024 khoảng 3,8% GDP. Điều này đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3,7% GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
4. Đánh giá tình hình thâm hụt NSNN ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19
4.1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt NSNN
4.1.1. Nguyên nhân khách quan
- Diễn biến suy thoái mang tính chu kỳ của nền kinh tế thị trường:
Nền kinh tế thị trường phát triển có tính chu kỳ, trong đó suy thoái và khủng hoảng kinh tế là những rung động lớn, có tác động tiêu cực đến tất cả các mặt kinh tế - xã hội và là nhân tố tác động dẫn đến thâm hụt NSNN. Theo nghiên cứu, NSNN có tính tự động điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế. Nền kinh tế càng suy thoái, trì trệ thì thâm hụt ngân sách càng nặng nề. Đặc biệt, trong bối cảnh dao động của chu kỳ kinh tế, các chính phủ buộc phải sử dụng các chính sách tài khóa, chấp nhận thâm hụt ngân sách một cách bị động (bằng cách giảm thuế, tăng chi tiêu) để kích thích nền kinh tế, nên thâm hụt NSNN cũng bị động tăng lên.
- Dịch bệnh, thiên tai, tình hình bất ổn chính trị:
Từ năm 2018 đến nay, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều bất ổn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch bệnh, thiên tai,… đặc biệt là sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã rơi vào suy thoái khi phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách luôn ở mức báo động và khủng hoảng nợ công nhanh chóng lan rộng, gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ngân hàng và tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia đã phải đồng loạt triển khai các gói kích thích cứu trợ nền kinh tế và tăng cường siết chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này cũng gây ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn cho NSNN của Việt Nam, bởi việc đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ đã dẫn đến tình trạng biến động lãi suất liên tục khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong 2 năm qua, nhưng nguồn thu NSNN đã bị ảnh hưởng nặng nề do thực hiện các chính sách cắt giảm thuế, phí và tăng các khoản chi phát sinh quy mô lớn cho công tác phòng, chống dịch, nên tình hình bội chi NSNN càng trở nên trầm trọng hơn.
4.1.2. Nguyên nhân chủ quan
- Xây dựng dự toán NSNN chưa khoa học và khả thi:
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng thu và chi NSNN luôn vượt mức dự toán ban đầu. Điều này không chỉ cho thấy số liệu dự toán chưa sát với thực tiễn, mà còn thể hiện kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây ảnh hưởng không tốt tới tính bền vững của NSNN và tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định của NSNN.
- Quản lý NSNN chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng thất thu và lãng phí trong chi tiêu:
Thất thu thuế: Thuế là nguồn thu chính và bền vững nhất cho NSNN bên cạnh các nguồn thu khác như tài nguyên, vay, nhận viện trợ… Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật còn quản lý chưa chặt chẽ, nên gây ra tình trạng trốn thuế, làm thất thu một lượng đáng kể cho NSNN. Bên cạnh đó, việc giãn, giảm, miễn thuế một mặt giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách, gây thâm hụt NSNN. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế kéo dài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã làm tăng thâm hụt NSNN.
Chi tiêu đầu tư công kém hiệu quả: Trên thực tế, trong thời gian qua, tình trạng đầu tư công dàn trải và đội vốn dự án ở các địa phương vẫn chưa được khắc phục triệt để, tiến độ thi công nhiều dự án trong điểm quốc gia còn chậm và thiếu hiệu quả, gây lãng phí nguồn NSNN và kìm hãm sự phát triển của quốc gia. Chính tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công kéo dài trong nhiều năm qua đã khiến hiệu quả đầu tư bị hạn chế, làm thâm hụt ngân sách và gia tăng quy mô nợ công quốc gia.
5. Kết luận
Thông qua việc phân tích thực trạng và nguyên nhân dẫn đến thâm hụt NSNN tại Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây áp lực nặng nề lên NSNN, nghiên cứu đã cho thấy việc cân đối NSNN của Việt Nam hiện còn một số vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được dự báo còn kéo dài, tình trạng thâm hụt ngân sách của nước ta dự kiến sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Thêm vào đó, do độ mở của nền kinh tế cùng quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động bởi tình hình biến động kinh tế địa chính trị trên thế giới. Do đó, cần phải mở rộng, đa dạng hóa và tập trung tìm kiếm các giải pháp giúp cải thiện và nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN để có thể đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Các giải pháp khuyến nghị này sẽ được phân tích rõ hơn trong bài viết tiếp theo.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1]NSNN được hiểu là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
[2]Theo quy định tại Điều 5, Luật NSNN 2015 thì thu NSNN tại Việt Nam bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí, toàn bộ các khoản phí thu từ hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, thuế là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu NSNN (khoảng 90%).
[3]Trong đó năm 2016 đạt 1.131,5 nghìn tỷ đồng, năm 2017 đạt 1.293,6 nghìn tỷ đồng, năm 2018 đạt 1.431,7 nghìn tỷ đồng; sơ bộ năm 2019 đạt 1.551,1 nghìn tỷ đồng và năm 2020 ước tính đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng (bằng 98% dự toán).
[4]Cụ thể, số thu NSNN bình quân 4 tháng đầu năm 2021 đạt 122.340 tỷ đồng; số thu NSNN tháng 5 chỉ đạt 88.072 tỷ đồng và tháng 6 chỉ đạt 73.500 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 34.200 tỷ đồng và 48.800 tỷ đồng. Tổng thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán cả năm.
[5]Theo quy định tại Điều 5, Luật NSNN 2015, chi NSNN bao gồm: Chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, chi thường xuyên thường chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi NSNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2015), Luật số 83/2015/QH13, Luật Ngân sách nhà nước.
2. Vương Thị Minh Đức (2020), Cân đối ngân sách nhà nước tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra trước những ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh.
3. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2021), Thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán, truy cập tại: https://mof.gov.vn/web-center/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM213089>.
4. Hoài Anh (2021), Áp lực đảm bảo mức bội chi ngân sách nhà nước, truy cập tại https://haiquanonline.com.vn/ap-luc-dam-bao-muc-boi-chi-ngan-sach-nha-nuoc-156171.html>.
5. Minh Anh (2021), Bội chi ngân sách năm 2022 dự kiến 4% GDP, truy cập tại https://thoibaotaichinhvietnam.vn/boi-chi-ngan-sach-nam-2022-du-kien-4-gdp-94545.html
6. Nguyễn Thị Chinh, Chuyên đề 1: Chính sách chi tiêu và thâm hụt ngân sách Việt Nam hiện nay, https://nif.mof.gov.vn/wecenter/con-tentattachfile/idcplg?dID=22673&dDocName=BTC263362&filename=1644382.PDF
7. Hoàng Văn Sâm (2002), Thâm hụt ngân sách nhà nước ở Việt Nam - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính.
CURRENT SITUATION FOR IMPROVING THE EFFICIENCY
OF CAPITAL MOBILIZATION FOR VIETNAM’S STATE BUDGET
IN THE CONTEXT OF COVID-19 PANDEMIC• TRAN ANH DUNG
Hanoi University of Business and Technology
ABSTRACT:
The state budget plays a key role in the governance of each country and it is an important tool for regulating the macro-economy and society. To effectively using and mobilizing capital for the state budget, countries have to effectively use both fiscal and monetary policies. This paper analyzes the state budget deficit of Vietnam, especially when the COVID-19 pandemic has put a lot of pressures on Vietnam’s state budget. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve the efficiency of capital mobilization for Vietnam’s state budget.
Keywords: budget, budget deficit, government budget balance.