TÓM TẮT:
Việc quy định hình phạt không tước tự do vừa có mục đích phòng chống tội phạm, vừa cũng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng hình phạt chính không tước tự do đối với người phạm tội tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với các hình phạt chính khác như là hình phạt tù có thời hạn. Và như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX đã đề ra. Bài viết phân tích và đề xuất một số giải pháp để đáp ứng được tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết.
Từ khóa: Hình phạt chính không tước tự do, pháp luật, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
1. Về các hình phạt chính không tước tự do
Trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định nhiều loại hình phạt khác nhau, trong đó có một số hình phạt nhưng không tước tự do đối với người bị kết án, như hình phạt cảnh cáo, hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ. Thuật ngữ “hình phạt tước tự do” và “hình phạt không tước tự do” tuy chưa được quy định chính thức trong Bộ luật Hình sự nhưng đã được thừa nhận và được nhắc đến nhiều trong các tài liệu khoa học pháp lý khác và cũng được nhiều chuyên gia pháp lý và người làm công tác pháp luật sử dụng. Căn cứ vào tính chất tước bỏ về tự do thân thể của người phạm tội thì hình phạt được chia thành 2 nhóm là: hình phạt tước tự do và hình phạt không tước tự do.
Theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các hình phạt chính không tước tự do bao gồm các hình phạt sau: Cảnh cáo, Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ và Trục xuất.
Các hình phạt này thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo trong việc xử lý tội phạm của chính sách hình sự của Nhà nước ta, mục đích là theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa, giáo dục tính hướng thiện trong việc xử lý tội phạm; qua đó thể hiện sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đúng với tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX đã đề ra là “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm” (trích Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020).
Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng hình phạt không tước tự do (hình phạt chính) đối với người phạm tội tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với các hình phạt chính khác như là hình phạt tù có thời hạn.
2. Thực trạng áp dụng các hình phạt chính không tước tự do trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2019
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, TAND thành phố Biên Hòa đã áp dụng các hình phạt chính không tước tự do rất thấp, số lượng người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính không tước tự do là 512 trong tổng số 4.995 bị cáo bị tuyên án, chiếm tỷ lệ là 10,25%. Và trong tổng số 4.995 bị cáo bị xét xử không có bị cáo nào bị tuyên phạt hình phạt cảnh cáo và hình phạt trục xuất.
Năm 2015 TAND thành phố Biên Hòa đã xét xử 1.207 bị cáo: về hình phạt tiền (hình phạt chính) đã tuyên là 117 bị cáo, chiếm tỷ lệ 9.693%; về hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên là 3 bị cáo, tỷ lệ 0.249%. Năm 2016, TAND Thành phố Biên Hòa đã xét xử 1.160 bị cáo: về hình phạt tiền (hình phạt chính) đã tuyên là 106 bị cáo, chiếm tỷ lệ 8.782%; về hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên là 11, tỷ lệ 0.911%. Năm 2017, TAND thành phố Biên Hòa đã xét xử 865 bị cáo: về hình phạt tiền (hình phạt chính) đã tuyên là 85 bị cáo, chiếm tỷ lệ 7.042%; về hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên là 8 bị cáo, tỷ lệ 0.663%. Năm 2018, TAND thành phố Biên Hòa đã xét xử 853 bị cáo: về hình phạt tiền (hình phạt chính) đã tuyên là 66 bị cáo, chiếm tỷ lệ 5.468%; về hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên là 18 bị cáo, tỷ lệ 1.491%. Năm 2019, TAND thành phố Biên Hòa đã xét xử 910 bị cáo: về hình phạt tiền (hình phạt chính) đã tuyên là 86 bị cáo, chiếm tỷ lệ 7.125%; về hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên là 86 bị cáo, tỷ lệ 0.994%. (Nguồn: Báo cáo của TAND thành phố Biên Hòa).
Qua số liệu thực tế thống kê trên cho thấy, tỷ lệ áp dụng các hình phạt chính không tước tự do trên thực tế còn rất thấp, mặc dù các hình phạt chính không tước tự do chiếm tỉ lệ 4/7 trong hệ thống hình phạt chính, chiếm ưu thế hơn so với các hình phạt tước tự do. Nhưng tỉ trọng hình phạt chính không tước tự do trong Bộ luật Hình sự lại chưa có vị trí xứng đáng trong hệ thống hình phạt. Điều đó chứng tỏ giữa chủ trương, chính sách và thực tiễn áp dụng còn có khoảng cách rất lớn.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng các hình phạt chính không tước tự do trên địa bàn thành phố Biên Hòa
Thứ nhất, nâng cao ý thức của các chủ thể tiến hành tố tụng ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về vai trò và ý nghĩa tác động tích cực của các hình phạt chính không tước tự do, tránh “định kiến” chỉ ưu tiên áp dụng hình phạt tù.
Để giải pháp này được có kết quả tốt cần làm nghiêm túc các nội dung theo trình tự sau:
- Cần đào tạo các thẩm phán ngoài chuyên môn cao thì còn phải có cảm xúc, trách nhiệm, bản lĩnh và chỉ tuân theo pháp luật; và nếu không có tiêu chí này thì không bổ nhiệm/tái bổ nhiệm.
- Có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể các điều kiện áp dụng đối với các hình phạt chính không tước tự do như quy định chặt chẽ đối với án treo. Từ đó mới có căn cứ, cũng như sẽ tránh được “định kiến” chỉ ưu tiên áp dụng hình phạt tù như tình trạng đang diễn ra hiện nay.
- Cần tách bạch trách nhiệm của thẩm phán và kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, khi đó giữa tòa và viện sẽ có “sự độc lập mong muốn” và sự tuân thủ pháp luật cũng sẽ được trọng hơn (cũng bởi có những vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng kiểm sát đã không kịp thời phát hiện dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng, ví dụ như vụ án đang được quan tâm nhất gần đây là vụ án Hồ Duy Hải, Lương Hữu Phước. Hoặc nếu tòa án chỉ làm tốt một công việc là xét xử, là làm đúng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu bên công tố truy tố không đúng luật thì cứ căn cứ theo luật mà bác; được vậy, nền tư pháp nước ta chắc không cần cải cách gì nhiều).
- Cần có quy định thiết thực, khả thi hơn Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân, để tránh các quy định mang tính hình thức, từ đó dẫn đến các thẩm phán chỉ tìm cách đối phó để mong “tồn tại” và “có định kiến” ưu tiên áp dụng hình phạt tù.
Thứ hai, hướng dẫn thi hành và tập huấn quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt chính không tước tự do và thống nhất cách thức áp dụng hình phạt không tước tự do.
Thành phố Biên Hòa tuy là một thành phố cấp huyện nhưng có số lượng vụ án hình sự cũng như số bị cáo bị xét xử cao nhất cả nước. Chỉ tính riêng năm 2019 vừa qua, số vụ án mà Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã xét xử là 636 vụ và có 910 bị cáo. Từ đó cho thấy rất cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể, kiểm tra sâu sát và thường xuyên tổ chức tập huấn các quy định pháp luật hình sự liên quan đến hình phạt chính không tước tự do nhằm việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đồng bộ và đúng đắn trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Được vậy thì mới đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của chính sách pháp luật hình sự nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về các hình phạt chính không tước tự do:
- Về hệ thống hình phạt trong phần chung Bộ luật Hình sự, các hình phạt chính không tước tự do chưa có vị trí xứng đáng trong hệ thống hình phạt; còn thiếu những hình phạt trung chuyển, nhẹ hơn hình phạt tù và không tước tự do như: hình phạt hạn chế tự do, buộc công khai xin lỗi, bắt buộc lao động, tù tại gia,…
- Việc quy định hình phạt tiền có mức co giãn quá xa như hiện nay, giữa mức thấp nhất và mức cao nhất chênh lệch nhau quá nhiều, khiến việc áp dụng khó khăn do bởi tính tùy nghi cao, dẫn đến hình phạt này ít được lựa chọn áp dụng.
- Việc quy định các hình phạt chính không tước tự do chung với các hình phạt khác tước tự do và lại không có quy định bắt buộc áp dụng khiến cho các hình phạt chính không tước tự do bị yếu thế và trên thực tế các hình phạt tước tự do thường được ưu tiên hơn để đảm bảo không bị cho là “có vấn đề trong xét xử”.
- Sớm có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể, thống nhất như thế nào là “chưa đến mức miễn hình phạt” được quy định trong Điều 34 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về hình phạt cảnh cáo và “Không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội” được quy định trong Điều 36 của BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ; Theo đó, cần sớm có văn bản quy định, hướng dẫn thống nhất bắt buộc đối với các hình phạt chính không tước tự do.
Thứ tư, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ có thẩm quyền chứng minh trong điều tra trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Việc đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ có thẩm quyền chứng minh trong điều tra là công việc cần thiết và thường thường xuyên. Tuy nhiên thực tế hiện nay, với đội ngũ cán bộ điều tra, viện kiểm sát cũng như thẩm phán trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đều không có đủ về số lượng để đáp ứng được khối lượng công việc quá nhiều như đã trình bày do thành phố Biên Hòa là một thành phố cấp huyện nhưng có số vụ án cao nhất cả nước. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng áp dụng pháp luật hình sự ở địa phương nói chung và chất lượng áp dụng các hình phạt chính không tước tự do nói riêng.
Thứ năm, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nói chung và ý thức coi trọng ở mức độ đúng mức việc áp dụng các hình phạt chính không tước tự do của thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Việc đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nói chung là hết sức cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng, cần thiết nhất vẫn là những con người cụ thể trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự.
Trong quyển “Xã hội học pháp luật - Những vấn đề cơ bản” của Học viện Khoa học xã hội, chủ biên: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2015), tại trang 319 và 320, có viết: phân loại một cách có điều kiện có 4 loại người áp dụng pháp luật sau:
+ Người tuân thủ pháp luật. Hoạt động của những người áp dụng pháp luật loại này có đặc trưng cơ bản là hoạt động tích cực và có kết quả, trong hoạt động họ tuân thủ một cách thường xuyên các quy phạm pháp luật vật chất và tố tụng, còn các văn bản pháp luật được họ đưa ra không có sai lầm, thiếu sót và phù hợp một cách đầy đủ với các nguyên tắc pháp luật, hợp lý và công bằng.
+ Người quá ư dè dặt (người quá thận trọng). Những người áp dụng pháp luật thuộc loại này bao giờ cũng muốn tránh bỏ trách nhiệm cá nhân đối với tiến trình xem xét, giải quyết vụ việc và đối với kết quả đã được thông qua; phần lớn các hoạt động và quyết định do họ thông qua chỉ với sự đồng ý của những người lãnh đạo cơ quan của họ hoặc của các cơ quan cấp trên; còn đối với những người tham gia vụ việc họ đòi hỏi phải đưa ra các tài liệu không thuộc vụ việc hoặc thực hiện những hoạt động không cần thiết. Suy cho cùng điều đó dẫn đến chủ nghĩa hình thức giấy tờ và quan liêu.
+ Người coi thường pháp luật. Trong hoạt động của những người này thường để xảy ra việc vi phạm các quy phạm pháp luật tố tụng với mục đích làm đơn giản hóa thủ tục xem xét, giải quyết vụ việc và đẩy nhanh một cách thiếu căn cứ quá trình xem xét, giải quyết vụ việc. Người áp dụng pháp luật lập luận cho những hành vi khước từ hình thức tố tụng bằng việc rằng anh ta với tư cách người chuyên nghiệp có khả năng hiểu được một cách nhanh chóng thực chất của vụ việc, có được trực giác cần thiết và không cần phải tiến hành các thủ tục do luật đòi hỏi.
+ Người tham nhũng. Người áp dụng pháp luật thuộc loại này vì nhận hối lộ (nhận tiền, các giá trị vật chất khác) mà cố ý vi phạm các quy phạm pháp luật vật chất và pháp luật tố tụng; đưa ra các quyết định không dựa vào pháp luật vì lợi ích của người đưa hối lộ. Những hoạt động của loại người áp dụng pháp luật này trái với những mục đích của pháp luật và của hoạt động áp dụng pháp luật, gây ra thiệt hại rất lớn đối với các lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của cá nhân. Khi phát hiện được những hành vi tham nhũng, người phạm tội này phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nếu các thẩm phán được bổ nhiệm mà đều thuộc nhóm người tuân thủ pháp luật như trích dẫn trên thì đó chính là hồng phúc của Nhà nước và nhân dân ta.
Thứ sáu, tăng cường công tác giám đốc xét xử, thanh tra, kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Công tác kiểm tra, giám sát của tòa án nhân dân cấp trên và của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa là hết sức quan trọng và cần thiết (thực tế, trong tỉnh Đồng Nai, các vụ án có áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ đều phải chuyển giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai để kiểm tra). Việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra là nhằm để hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử là cần thiết, nhưng mặt khác, nó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các thẩm phán khi phải lựa chọn áp dụng hình phạt. Bởi nếu áp dụng hình phạt tù dù có sai, bị hủy sửa nhưng không vượt quá tỷ lệ cho phép (1,16%) theo quy định tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC thì cũng không bị xử lý trách nhiệm. Trong khi chỉ cần áp dụng hình phạt chính không tước tự do sai một trường hợp thì đã bị xử lý trách nhiệm và có thể bị dừng hoặc không được tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán nếu áp dụng sai từ hai trường hợp trở lên. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các thẩm phán thường có xu hướng áp dụng các hình phạt tù hơn là việc áp dụng các hình phạt chính không tước tự do.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Tòa án Nhân dân tối cao (2017). Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân.
- Báo cáo của TAND Thành phố Biên Hòa.
- Võ Khánh Vinh (2015). Xã hội học pháp luật - Những vấn đề cơ bản của Học viện khoa học xã hội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
THE SITUATION AND SOLUTIONS FOR ENHANCING
THE EFFECTIVENESS OF APPLYING MAIN PENALTIES WHICH DO NOT
DEPRIVE OF FREEDOM IN BIEN HOA CITY, DONG NAI PROVINCE
Lawyer. VU MANH HA
Dong Nai Bar Association
ABSTRACT:
The provisions for penalty which does not deprive of freedom are to preventing crime while still protecting the legitimate rights and interests of the offender. However, in reality the number of main penalties which do not deprive of freedom in Bien Hoa City, Dong Nai Province is still significantly lower than the number of other penalties such as imprisonment with duration. This issue fails to meet the judicial reform set in the the Political Bureau of the Central Committee of the Communist Party of Vietnam’s Resolution No. 49-NQ/TW dated June 2, 2005 on the Strategy for Judicial Reform. This paper analyzes this issue and proposes some solutions to Bien Hoa City in order to meet the Resolution’s expectations.
Keywords: Main penalty which does not deprive of freedom, law, Bien Hoa City, Dong Nai Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 20, tháng 8 năm 2020]