Diễn đàn không chỉ là nơi tôn vinh các doanh nghiệp nằm trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ những góc nhìn chuyên sâu về cách thức chuyển dịch xanh tại Việt Nam và trên thế giới.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh là xu thế tất yếu
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, được các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển hướng tới như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hoà các-bon và phát triển bền vững.
Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có phát thải các-bon lớn, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hoá nhập khẩu.
“Đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của phát triển bền vững, phát triển xanh.” - ông Hoàng Minh Chiến nhận định.
Phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đang trở thành một yếu tố cấp thiết và bắt buộc ngành kinh doanh trên toàn thế giới hiện nay. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này.
Và thực tế cho thấy phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày càng gia tăng đó, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Brand Finance công bố 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Trong khuôn khổ sự kiện, Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance và Mibrand Việt Nam trao chứng nhận chính thức về giá trị thương hiệu, thứ hạng, chỉ số sức mạnh thương hiệu và ghi nhận các thành tựu của các thương hiệu trong bảng xếp hạng.
Giá trị thương hiệu được hiểu là lợi ích kinh tế ròng mà chủ sở hữu thương hiệu sẽ nhận được thông qua cấp giấy phép cho thương hiệu trong thị trường mở. Bên cạnh đó, Brand Finance xác định sức mạnh tương đối của các thương hiệu thông qua thẻ điểm cân bằng gồm các số liệu đánh giá hoạt động đầu tư tiếp thị, vốn cổ đông và hiệu quả kinh doanh.
Tuân thủ ISO 20671, đánh giá của Brand Finance về vốn cổ đông kết hợp với dữ liệu gốc trong nghiên cứu thị trường từ hơn 150.000 người tham gia phỏng vấn tại 38 quốc gia thuộc 31 lĩnh vực. Bảng xếp hạng đầy đủ, các thông tin chuyên sâu, biểu đồ phân tích và nhiều thông tin khác về phương pháp luận cũng như định nghĩa các thuật ngữ đều có trong Báo cáo xếp hạng 100 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam năm 2023.
Bảng xếp hạng cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành tại Việt Nam. Trong đó, Viễn thông, Ngân hàng và Thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỉ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%,…
Điển hình, Viettel ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu thêm 2% đạt 8,9 tỷ USD, trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 8 năm liên tiếp. Xếp thứ hai là Vinamilk với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD và tăng 6% so với năm 2022.
Với mức tăng trưởng vượt bậc 105%, chiếm 2% tổng giá trị, ngành Công nghệ đã và đang nổi lên như một ngành có tiềm năng lớn trước thời đại chuyển đổi số. Đứng đầu ngành là FPT với giá trị thương hiệu lên đến 594,5 triệu USD, tăng 52%.
Báo cáo cũng cho thấy, các thương hiệu ngân hàng Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những thách thức kinh tế bằng cách triển khai số hoá và cải thiện dịch vụ khách hàng. Nền kinh tế Việt Nam đã phải đối diện với một khởi đầu khó khăn nửa đầu năm 2023 khi xuất khẩu suy giảm và lãi suất toàn cầu tăng.
Ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu chung là 47%, ngành ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị toàn ngành, với sự đóng góp vượt bậc của các thương hiệu Vietcombank (1,9 tỉ USD), Agribank (1,4 tỉ USD), BIDV (1,4 tỉ USD), Techcombank (1,4 tỉ USD), VP Bank (1,3 tỉ USD), MB (803,4 triệu USD), TPBank (424,9 triệu USD)…
Ngoài ra, 9 thương hiệu ngân hàng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng của Brand Finance năm nay gồm có: TPBank, LPBank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông, Eximbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt và NCB.
Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance, nhận định, bất chấp những khó khăn thách thức về kinh tế, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam đã thể hiện mức tăng trưởng vượt bậc trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam của Brand Finance năm nay.
“Chúng tôi thấy cam kết của họ đối với nhiệm vụ số hóa và nâng cao dịch vụ khách hàng đã mang lại kết quả. Chúng tôi cũng xin chúc mừng Viettel, Vietcombank và BIDV lần lượt đứng đầu bảng xếp hạng với thương hiệu giá trị nhất, mạnh nhất và tăng trưởng nhanh nhất” - ông Alex Haigh nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các đại diện của Cục Xúc tiến thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo của các thương hiệu dẫn đầu tại Việt Nam đã cùng tham gia phiên đối thoại thẳng thắn, chia sẻ những góc nhìn chuyên sâu và cả những xu thế mới về chuyển dịch xanh tại Việt Nam và trên thế giới tại Toạ đàm “Phát triển xanh - Cách tiếp cận phù hợp cho các thương hiệu Việt”.
Đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp,… thảo luận về vai trò của các bên liên quan trong việc thúc đẩy phát triển xanh, từ đó cùng nhau đề xuất một số cách tiếp cận và giải pháp phù hợp về phát triển xanh trong ngành kinh doanh tại Việt Nam.