Tình hình lãi suất ngân hàng năm 2016 và giải pháp duy trì lãi suất ổn định

ThS. TRẦN XUÂN HUY (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Vấn đề lãi suất có tác động không nhỏ đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến cung - cầu quỹ cho vay, rủi ro và kỳ hạn, lạm phát dự tính, các chính sách vĩ mô của Chính phủ, sự phát triển của nền kinh tế trong chu kỳ kinh doanh, cũng như chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương. Do đó, một chính sách lãi suất đúng đắn sẽ đem lại một sự ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế.

Từ khóa: Lãi suất, chính sách tiền tệ, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, Chính phủ, ngân hàng, năm 2016.

I. Đặt vấn đề

Lãi suất luôn được coi là biến số nhạy cảm đối với đời sống kinh tế. Lãi suất tác động trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể kinh tế, quyết định đến lợi nhuận của các nhà kinh doanh ngân hàng, quyết định hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Có rất nhiều nghiên cứu, các cuộc tranh luận và bán cãi về lãi suất, về sự tăng giảm lãi suất, diễn biến lãi suất được đưa tin hầu như hàng ngày trên các báo, tạp chí, ti vi... Lãi suất thực sự là một vấn đề nóng bỏng thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp dân cư và xã hội. Quan tâm đến vấn đề lãi suất, chúng ta không ai có thể phủ nhận đây là một công cụ sắc bén trong điều hành kinh tế vĩ mô. Song sử dụng công cụ lãi suất cũng giống như “con dao hai lưỡi”. Muốn điều hành nền kinh tế có hiệu quả, đòi hỏi phải nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng lãi suất, nếu không nó sẽ đem lại những kết quả ngoài dự kiến. Bởi vậy, việc nghiên cứu đề tài “Lãi suất ngân hàng Việt Nam để lý giải và hiểu sâu hơn về những vấn đề về lãi suất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam và những biện pháp khắc phục những khuyết điểm về những vấn đề đó.

II. Thực trạng lãi suất ngân hàng năm 2016

Từ năm 2015 đến hết năm 2016, lãi suất tiền gửi và tiền vay đều được giữ ở mức ổn định, không có biến động quá lớn. Mặt bằng lãi suất năm 2016 cơ bản được giữ ổn định, đặc biệt lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhẹ, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

1. Lãi suất liên ngân hàng

Trong 3 quý đầu năm 2016, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Kể từ cuối quý I/2016, thanh khoản hệ thống duy trì tích cực, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỉ lục trong vài năm trở lại đây. Tại một số thời điểm cuối tháng 9/2016, lãi suất qua đêm chỉ dao động trong khoảng 0,37-0,42%. Nguyên nhân là do:

- Lũy kế 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động cao hơn so với tăng trưởng tín dụng (huy động tăng 14,40% so với dư nợ 11,64%) khiến thanh khoản của các ngân hàng dư thừa trong thời gian này;

- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng dự trữ ngoại hối bằng việc mua vào USD với giá trị lớn (khoảng 11 tỷ USD) làm tăng lượng cung tiền nội địa.

Hình: Lãi suất liên ngân hàng năm 2016

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trở lại do nhu cầu vay vốn tăng cao vào dịp cuối năm, các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng so với huy động.

2. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại

Năm 2016, lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng. Có 2 đợt tăng rõ ràng nhất theo bảng bên dưới là quý I và quý IV. Quý I/2016 tăng so với cuối năm 2015 khoảng 0,5 - 1% chủ yếu là ở kỳ hạn trung dài hạn. Nguyên nhân việc tăng lãi suất quý I là do:

- Tăng trưởng huy động (13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (17,3% trong năm 2015), do đó, thời điểm đầu năm 2016, các ngân hàng cần tăng huy động.

- Thông tư 06 sửa đổi một số điều Thông tư 36 theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

- Tỷ lệ nợ xấu cao khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để có nguồn vốn đầu vào làm tấm đệm cho các khoản phải thu.

Bảng 1. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại

Đơn vị: %

Còn đối với đợt tăng vào cuối năm 2016 được xác định nguyên nhân chủ yếu là do áp lực tỷ giá tăng mạnh từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và quyết định tăng lãi suất trong tháng 12/2016 của FED. Đồng thời là thời điểm cuối năm, khách hàng có nhu cầu rút chi tiêu nhiều, nên việc tăng lãi suất nhằm giữ chân khách hàng và giảm áp lực thanh khoản cho ngân hàng.

3. Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại

Do chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế nên lãi suất cho vay có xu hướng ổn định dù lãi suất huy động có điều chỉnh tăng.

Bảng 2. Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại

Đơn vị: %

Có thể nói, việc lãi suất ổn định trong năm 2016 thể hiện sự tuân thủ của các ngân hàng thương mại trước chính sách của Chính phủ. Đó là ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng và kỳ hạn cụ thể.

Năm 2017 được đánh giá là khó khăn khi tiếp tục duy trì chính sách của Chính phủ trước áp lực điều chỉnh lãi suất tăng của FED. FED dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất trong nước. Bên cạnh đó, việc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% năm 2016 xuống 50% vào năm 2017 khiến cho mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong dài hạn có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát trong nước có xu hướng vượt mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Tất cả điều này gây áp lực gia tăng lãi suất đi trái lại chủ trương của Chính phủ. Và đúng như vậy, thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, mặt bằng lãi suất trung dài hạn đang có xu hướng tăng. Ngoài việc tăng nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn dài, các ngân hàng còn đẩy mạnh việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn để tăng nguồn vốn huy động trung dài hạn như Sacombank và LienVietPostBank (lên tới 8,8%/năm), VPBank (8,2-9,2%/năm) VietABank (lên tới 8,2%/năm).

III. Giải pháp duy trì lãi suất ổn định

- Tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

- Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016.

- Trên cơ sở chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm 2017 và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng. Tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

- Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, nên để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, NHNN ban hành Thông tư quy định tổ chức tín dụng (TCTD) được xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án SXKD hàng xuất khẩu đến hết 31/12/2017.

- Về tỷ giá, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD.

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu NHTM nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, quản lý điều hành của các ngân hàng. Ngoài ra, tái cơ cấu NHTM cũng giúp các NHTM có được uy tín danh tiếng trên thị trường vốn quốc tế để từ đó có thể phát hành các công cụ nợ trên thị trường quốc tế, giảm bớt áp lực cho thị trường vốn trong nước. Cải cách NHTM cũng có nghĩa nâng cao năng lực quản lý điều hành, đặc biệt là quản lý kỳ hạn để có thể chuyển vốn ngắn hạn thành vốn dài hạn một cách hiệu quả. Đồng thời, phải coi trọng phát triển vốn trung dài hạn làm mục tiêu hàng đầu, cố gắng tránh tối đa hiện tượng ham lợi trước mắt như hiện nay.

- Phát triển các thị trường tiền tệ để phát huy vai trò quân hóa lãi suất trong hệ thống ngân hàng: Sự phát triển của thị trường tiền tệ liên ngân hàng và các thị trường vốn ngắn hạn khác như thị trường mở sẽ góp phần lớn đến giảm bớt chênh lệch lãi suất giữa các NHTM trong nước, chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ trong nước và lãi suất trên thị trường quốc tế. Sự phát triển của thị trường tiền tệ cũng giúp cho việc phân bổ, các nguồn lực trong nước có hiệu quả và giảm bớt những chi phí không đáng có do việc chạy đua lãi suất.

- Cải thiện môi trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giảm bớt áp lực lên vốn trung và dài hạn trong nước. Vốn đầu tư nước ngoài luôn gắn liền với chuyển giao công nghệ nếu xét trên khía cạnh đầu tư thì chủ yếu nhu cầu vốn là để trang bị máy móc, công nghệ sản xuất. Với luồng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng lên, nhu cầu vốn đầu tư của hệ thống NHTM trong nước sẽ phần nào giảm bớt khi cùng với vốn đầu tư vào là nhập khẩu máy móc, công nghệ vào theo. Như vậy cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đúng các cam kết đối với cộng đồng đầu tư quốc tế là một trong những vấn đề cấp bách để khơi thông luồng vốn phục vụ cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.

- Sử dụng công cụ tái lập vốn một cách linh hoạt và thận trọng: Khi huy động được nguồn vốn, NHTW cần phải xem xét một cách thận trọng việc phân bổ nguồn vốn, không thể tùy tiện tái cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn, mà chỉ cung cấp thanh toán để giảm bớt áp lực lên đầu tư như: chọn lựa một số hồ sơ tín dụng khả thi thuộc chương trình trọng điểm của nhà nước để tái cấp vốn, tuy nhiên biện pháp này cũng có nhược điểm là sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn giữa các NHTM trong nước. Ngoài ra nó còn gây hiệu ứng ngược trong trung hạn làm tăng lạm phát và dẫn đến lãi suất tăng lên.

- Kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa: Một trong những giải pháp tốt giảm bớt nhu cầu đầu tư làm hạn chế bớt chi tiêu của Chính phủ đối với đầu tư không hiệu quả, tăng cường cơ chế giám sát và quản lý đối với các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách.

- Tăng cường công tắc kiểm tra giám sát đối với các NHTM: Trong điều kiện hiện nay NHNN cần có biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay của các NHTM trong nước, đảm bảo chất lượng tín dụng. Nếu không có các biện pháp thích hợp mà chỉ chạy theo lợi nhuận, các NHTM có thể lơi lỏng việc thẩm định dự án gây hậu quả xấu dến toàn bộ hệ thống. NHNN cần có các biện pháp loại bỏ hiện tượng “cò tín dụng, giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng.

- Giảm bớt và tiến tới xóa bỏ các loại lãi suất ưu đãi, điều chỉnh lại lãi suất tín dụng ưu đãi... Vì sự tồn tại quá nhiều lãi suất ưu đãi đã bóp méo thị trường tiền tệ, tạo môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, sự tồn tại tới hai dạng mô hình ngân hàng chính sách tạo ra một bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả kinh tế, gây lãng phí lớn cho xã hội.

- Phát triển các công cụ kiểm soát gián tiếp. Công cụ kiểm soát gián tiếp hiện nay được áp dụng là lãi suki tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở trong đó lãi suấttái cấp vốn đóng vai trò là lãi suất trần. Lãi suất triết khấu là lãi suấtsàn, lãi suất thị trường mở đóng vai trò là công cụ điều hành thường xuyên của NHNN trên thị trường.

- Thiết kế cơ chế kiểm soát lãi suất ngắn hạn cùng với việc lựa chọn mức lãi suất ngắn hạn phù hợp làm mục tiêu tác động được coi là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ hiệu quả của cơ chế tác động bằng lãi suất. Bên cạnh đó, cần khơi thông hệ thống kênh dẫn truyền tác động của chính sách ting hệ. Trang bị cơ sở giao dịch khang trang và hiện đại, đa dạng hóa dịch vụ nhất là mở tài khoản các nhân làm dịch vụ chi trả lương qua ngân hàng, dịch vụ thẻ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ, tăng thêm giờ giao dịch buổi trưa, cuối ngày, làm thêm ngày lễ thứ bảy, tăng cường tuyên truyền và quảng cáo theo thông lệ quốc tế.

- NHNN cần thực hiện ngay các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận. Đồng thời cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của thị trường tiền tệ, NHTW phải làm tốt là người mua bán cuối cùng với mục đích can thiệp trên thị trường này, tăng cường phạm vi hiệu quả điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN..., để đối phó với hiện tượng lãi suất ngày càng tăng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngân hàng Nhà nước (2015, 2016, 2017). Báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước các năm.

2. Viện Chiến lược ngân hàng (2016). Tuyển tập bài viết về tiền tệ-ngân hàng Việt Nam, NXB Hà Nội.

3. Trần Thọ Đạt (chủ biên) (2017). Thực tiễn công tác quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2016-2017, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

INTEREST RATES OF VIETNAMESE BANKS IN 2016 AND

SOLUTIONS TO STABILIZE THE INTEREST RATES IN VIETNAM

Master. TRAN XUAN HUY

Faculty of Banking and Finance,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Interest rate plays a substantial role in economic activities of Vietnam. The interest rate also has significant impacts on a wide range of important economic aspects of Vietnam, including the demand and supply of capital, financial risks, loan terms, expected inflation, governmental macroeconomic policies, the development of enterprises, monetary policies of the central bank. As a result, an appropriate interest rate policy would boost the economic growth of Vietnam.

Keywords: Interest rate, monetary policy, mobilizing interest rate, lending rate, government, bank, the year of 2016.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây