TÓM TẮT:
Để phát huy tốt những thành quả đã đạt được, hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh địa phương phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - hội của tỉnh, trong những năm tới, Kon Tum đặt thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu. Các giải pháp đưa ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Bài viết phân tích tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum, trong đó có thu hút vốn đầu tư trên địa bàn với những khó khăn, thuận lợi và đề xuất những giải pháp cho thu hút vốn đầu tư của tỉnh có hiệu quả hơn.
Từ khóa: giải pháp, thu hút vốn đầu tư, tỉnh Kon Tum, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
1. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum năm 2022
Trong năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự điều hành linh hoạt, chủ động và trách nhiệm của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Về lĩnh vực kinh tế, tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tổng giá trị sản xuất ước thực hiện cả năm đạt 51.405 tỷ đồng (đạt 101% kế hoạch, bằng 119,2% so với năm 2021). Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 11,95%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58,4 triệu đồng. Tổng thu ngân sách ước thực hiện cả năm 2.307 tỷ đồng, bằng 120,2% so với năm 2021.
Trong công nghiệp, TP. Kon Tum đang mở rộng các cụm Công nghiệp để đột phá phát triển kinh tế. Ngoài 3 cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã thành lập, đi vào hoạt động (Cụm CN-TTCN làng nghề H’nor, phường Lê Lợi; Cụm CN-TTCN Thanh Trung, phường Ngô Mây; Cụm CN-TTCN xã Hòa Bình), TP. Kon Tum tiếp tục đầu tư Cụm CN mới tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm với diện tích lập quy hoạch hơn 62ha; đồng thời đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch Cụm CN-TTCN tại xã Hòa Bình và xã Ia Chim giai đoạn 2021-2030 với diện tích 569,5ha (8 cụm).
Hoạt động thương mại - dịch vụ ở TP. Kon Tum hoạt động hiệu quả. Các siêu thị VinMart, Co.op Mart… thực hiện tốt các chương trình bình ổn giá; hàng giả, hàng nhái vi phạm bị xử lý nghiêm. TP. Kon Tum cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm thương mại thành phố. Hiện nay, đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất ý tưởng quy hoạch, thiết kế dự án gồm: Trung tâm thương mại, khu nhà phố thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng… TP. Kon Tum với nhiều cảnh đẹp đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan (350.000 lượt). Các điểm du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, được chính quyền quan tâm đầu tư, nhân dân đồng thuận cao.
Trong những kết quả thu được, không thể không kể đến công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sự thiện chí, quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tìm đến với tỉnh Kon Tum.
2. Tình hình thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Tại khu vực Tây Nguyên, Kon Tum được xem là thành phố có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn. Với những ưu đãi lớn, mặt bằng sạch, thủ tục cắt giảm, TP. Kon Tum đang trải thảm, gọi mời các nhà đầu tư. Chính quyền cũng thường xuyên gặp gỡ, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, hỗ trợ khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện nhanh các thủ tục, đăng ký kinh doanh… Nhờ vậy trong năm, có 7 dự án đầu tư mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 138,2 ngàn tỷ đồng.
Trong năm 2022, đã thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 172,6 tỷ đồng, 9 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.483 tỷ đồng. Điều đáng mừng trong số đó có một số nhà đầu tư lớn và tập đoàn có tiềm lực đã đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh như Tập đoàn Sun Group, Công ty Intracom, Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt nam (Vinaconex), Công ty TNHH Liên doanh Xúc tiến Đầu tư và Hợp tác quốc tế FDI; Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vị Trí Vàng, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus,…
Những địa phương được các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu cơ hội đầu tư là thành phố Kon Tum, các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Tô,… Đơn cử như ở huyện Đăk Tô, trong năm 2022, có 4 dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 37,364 tỷ đồng. Huyện Đăk Tô cũng đã lập thủ tục giới thiệu địa điểm cho 9 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Với huyện Tu Mơ Rông, trong năm, có 6 công ty, tập đoàn đến địa bàn khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư. Huyện Tu Mơ Rông cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư vào địa bàn.
Những con số ấn tượng trong thu hút đầu tư năm qua không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư
Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum (DDCI) năm 2022. Tham mưu tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại doanh nghiệp (vào tháng 7 và tháng 10/2022), chương trình Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân để kịp thời nắm bắt, tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Việc cải cách thủ tục hành chính đã giúp cho môi trường đầu tư của Kon Tum ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực; mức độ hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên. Trách nhiệm của đội ngũ công chức thực hiện công vụ cũng được nâng cao, qua đó đã đẩy mạnh được hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nhiều nguồn vốn vào địa bàn.
Về công tác định hướng thu hút đầu tư
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức trên các môi trường điện tử, trang website của tỉnh. Đồng thời, lập phần mềm giới thiệu chuyên sâu, công khai về danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn. Song song với đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh cũng chủ động hợp tác với Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (thuộc Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng bản đồ số dự án đầu tư trong và ngoài nước để thu hút đầu tư.
3. Một số hạn chế
- Nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn chế; nguồn thu phí hạ tầng cửa khẩu còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, tỉnh không có quỹ đất sạch để giới thiệu cho nhà đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp; chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực đến đăng ký đầu tư.
- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều nội dung chồng chéo trong các văn bản pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành.
- Chưa thực hiện tốt công tác rà soát quỹ đất phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương, đề xuất danh mục dự án thu hút đầu tư để tạo điều kiện thuận tiện trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư.
- Một số dự án còn triển khai chậm tiến độ so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư. Chất lượng một số dự án đầu tư vào tỉnh chưa cao, chưa phát huy được tối đa lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Một số dự án sau khi đầu tư hoàn thành, đưa vào vận hành sản xuất - kinh doanh có kết quả và hiệu quả chưa cao, không chủ động được nguyên liệu đầu vào và chưa tìm được sản phẩm đầu ra ổn định, có dự án thua lỗ phải ngừng hoạt
động.
- Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại phải tạm dừng; tình hình đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
4. Giải pháp khắc phục những hạn chế
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông… Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để thu hút đầu tư đối với các dự án: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Kon Tum; Khách sạn tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla; Tổ hợp khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, phường Quyết Thắng; Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại tại khu đất Bến xe Kon Tum, phường Quang Trung;…
- Tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử về hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp”. Định kỳ hàng quý rà soát, tổng hợp báo cáo, công khai kết quả giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư qua các kênh trên. Các Sở, ban, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất - kinh
doanh và khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của doanh nghiệp.
- Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và lĩnh vực tìm hiểu cơ hội đầu tư để tổ chức thực hiện kêu gọi, thu hút đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hiện trạng đất đai và tiềm lực của địa phương. Thực hiện thông tin công khai rộng rãi danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên các phương tiện truyền thông để các tổ chức, cá nhân thuận lợi khai thác tìm hiểu cơ hội đầu tư.
- Đẩy mạnh công tác rà soát, công khai quỹ đất sạch, chuẩn bị danh mục Dự án kêu gọi đầu tư, làm cơ sở để cung cấp thông tin, xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tạo quỹ đất sạch trong khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Hoàn thiện ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, có tính đến năm 2030.
- Tổ chức Hội nghị giới thiệu cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu theo hướng kết nối, liên doanh liên kết đầu tư.
- Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, bảo đảm tiến độ đã đăng ký đầu tư, đưa dự án vào hoạt động tránh lãng phí quỹ đất đã được Nhà nước cho thuê; đánh giá tình hình sử dụng đất, tình hình hoạt động và triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư, qua đó đề xuất xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về đất đai, chậm tiến độ nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư các dự án khác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu kiện của doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường niềm tin của các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
- Sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh để cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; kỹ năng xúc tiến đầu tư; cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, tư vấn giải quyết các tranh chấp quốc tế; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo các chủ đề pháp luật như: sở hữu, doanh nghiệp, hợp đồng, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đất đai, cạnh tranh, thương mại, thương mại quốc tế, nhượng quyền thương mại, giải quyết tranh chấp...
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân trong việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiến tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm dược liệu của tỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngân hàng Nhà nướcchi nhánh tỉnh Kon Tum, (2021). Công văn số 74/KTU-THNS&KSNB ngày 19/2/2021,về việc triển khai các chính sách ưu tiên đối với các dự án đầu tư, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông Kon Tum, (2021). Văn bản số 73/STTTT-TTBCXB ngày 15/01/2021 đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền một số nhiệm vụ trọng tâm.
The investment attraction of Kon Tum province and solutions
Master. Mai Thanh Hang
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Attracting investment and promoting sustainable growth are considered the top goals of Kon Tum province in order to fully take advantage of its gained achievements, develop a sustainable and stable economy, and maximize its potential and competitive advantages in the coming time. This paper analyzes the socio-economic situation of Kon Tum province, including the attraction of investment into areas with difficulties, and also Kon Tum province’s advantages. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Kon Tum province improve its business investment environment, and better support businesses to enhance the efficiency of investment attraction.
Keywords: solutions, attracting investment capital, Kon Tum province, businesses, investors.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]