Tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17

ThS. MAI DIỄM LAN HƯƠNG (Giảng viên Bộ môn Kế toán, khoa Kế toán Tài chính, Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu này phân tích thực trạng tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những mặt đạt được, tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trên cơ sở kết quả phân tích, nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17.

Từ khóa: Kế toán, tổ chức công tác kế toán, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17.

1. Đặt vấn đề

Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Nha Trang, địa chỉ tại 58B Đường Hai Tháng Tư, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Công ty có 37 năm kinh nghiệm trong chế biến, xuất khẩu hải sản và là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy hải sản có quy mô hàng đầu khu vực miền Trung. Với năng lực sản xuất bình quân đạt khoảng 200.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, Công ty đã từng bước tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Trong những năm qua, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 đã chủ động cơ cấu lại bộ máy tổ chức, tăng cường công tác quản lý, từng bước hoàn thiện vai trò của công tác kế toán. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, công tác kế toán ở Công ty còn nhiều bất cập. Vì vậy, hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính và từng bước hòa nhập thông lệ, chuẩn mực quốc tế về kế toán.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như khảo sát, thống kê mô tả, phân tích và nội suy, thu thập thông tin từ sự quan sát, tổng hợp phân tích, so sánh, phỏng vấn,… nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty.

3. Thực trạng tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17

3.1. Tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty trong năm 2018

Kết thúc năm 2018, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods như sau: (Xem Bảng)

Bảng. Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods

STT

Chỉ tiêu

ĐVT

2017

2018

%Tăng/

Giảm

1

Sản lượng sản xuất

Tấn

5.346

6.073

13,60%

2

Sản lượng xuất khẩu

Tấn

6.088

7.035

15,56%

3

Kim ngạch xuất khẩu

Triệu (USD)

46,40

54,20

16,81%

4

Doanh thu thuần

Tỷ đồng

1.086,39

1.313,87

20,94%

10

Lợi nhuận sau thuế

Tỷ đồng

41,23

53,34

29,37%

Tình hình sản xuất và xuất khẩu của Công ty đã đạt được nhiều thành tựuvề sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018. Cụ thể: Sản lượng xuất khẩu của Công ty đã đạt 7.035 tấn, tăng 15,56% so với cùng kì, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 54,2 triệu USD tăng 16,81%; Nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng, doanh thu thuần cũng đạt 1.313,87 tỷ đồng và đặc biệt lợi nhuận ròng đạt 53,34 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2017.

3.2. Những mặt đã đạt được

  • Tổ chức bộ máy kế toán

Để hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty đạt hiệu quả cao, các phòng ban của Công ty nắm bắt và xử lý thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, nhưng vẫn đảm bảo tính tập trung thống nhất chặt chẽ trong quản lý cũng như chỉ đạo công tác kế toán nên Công ty đã áp dụng hình thức kế toán vừa tập trung vừa phân tán.

Tính phân tán của bộ máy kế toán được thể hiện: Kế toán trưởng của Công ty đã xây dựng hệ thống kế toán chung cho tất cả các phân xưởng. Kế toán viên tại các phân xưởng sẽ tiến hành thu thập các chứng từ gốc phát sinh ở phân xưởng, định khoản, thực hiện công việc ghi chép ban đầu theo từng ngày. Vào thời điểm cuối tháng, cuối quý các phân xưởng tiến hành đối chiếu sổ sách với nhau và với Công ty cả về số lượng lẫn giá trị.

Tính tập trung của bộ máy kế toán được thể hiện: Mặc dù tại các phân xưởng có bộ phận xác định kết quả kinh doanh riêng nhưng các phân xưởng vẫn không được phép mở tài khoản riêng tại ngân hàng để thực hiện giao dịch với khách hàng. Tất cả các nghiệp vụ liên quan đến tiền gửi ngân hàng và các khoản phải nộp Nhà nước đều phải thông qua Công ty.

Tóm lại, tính phân tán được thể hiện ở yếu tố đầu vào thì tính tập trung được thể hiện ở yếu tố đầu ra, tức là trong công tác tiêu thụ sản phẩm.

  • Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán

Hệ thống chứng từ kế toán áp dụng tại Công ty hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính. Các chứng từ kế toán sử dụng tại Công ty đều thuộc loại hướng dẫn, một số chứng từ Công ty lựa chọn áp dụng theo biểu mẫu ban hành và một số chứng từ khác Công ty tự thiết kế phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của Công ty nhưng vẫn đảm bảo cung cấp những thông tin theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong Công ty đều được lập chứng từ và ghi chép đầy đủ, trung thực, khách quan vào chứng từ kế toán. Các chứng từ được tập trung về Phòng Kế toán Tài vụ, kế toán tổng hợp kiểm tra tính hợp pháp về cả nội dung lẫn hình thức, sau đó chuyển cho kế toán trưởng ký duyệt, thực hiện phân loại và giao cho kế toán các phần hành.

  • Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán

Hiện nay, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods đang áp dụng hệ thống tài khoản do Bộ Tài chính ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính bao gồm 9 loại từ loại 1 đến loại 9. Bên cạnh đó, có một vài tài khoản Công ty đã mở chi tiết thêm tài khoản cấp 2, cấp 3 để dễ dàng theo dõi và phục vụ cho công tác báo cáo.

Ví dụ: Tài khoản 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, Công ty đã mở chi tiết như sau:

- Tài khoản 5112 - Doanh thu bán các thành phẩm

   + Tài khoản 51121 - Doanh thu bán hàng xuất khẩu

   + Tài khoản 51122 - Doanh thu bán thành phẩm nội địa

   + Tài khoản 5112D - Doanh thu bán nước đá

  • Tổ chức hệ thống sổ kế toán

Hiện nay, Công ty áp dụng hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ và áp dụng chương trình phần mềm kế toán trên máy vi tính. Do Công ty dùng hình thức Chứng từ ghi sổ, nên phần mềm kế toán sử dụng các loại sổ sau: Chứng từ ghi sổ, Sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ, các sổ chi tiết các tài khoản, sổ Cái các tài khoản. Hầu hết các loại sổ sách đều được thực hiện qua phần mềm, vì thế sau khi nhập số liệu từ chứng từ gốc, máy vi tính sẽ tự xử lý dữ liệu và kết xuất vào các sổ có liên quan. Các mẫu sổ được thiết kế phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của Công ty nhưng vẫn đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát. Qua tìm hiểu cho thấy, hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ đang áp dụng thích hợp với đặc điểm của Công ty.

  • Tổ chức hệ thống báo cáo kế toán

Hiện tại, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods đã vận dụng hệ thống báo cáo tài chính theo quý và báo cáo năm tuân thủ yêu cầu của các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán doanh nghiệp Việt Nam được ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014, Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 cũng như các Thông tư khác hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán của Bộ Tài chính trong việc lập và trình bày Báo cáo tài chính.

3.3. Những hạn chế còn tồn tại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods còn tồn tại những hạn chế cần hoàn thiện như sau:

  • Về tổ chức bộ máy kế toán

Nhân viên kế toán phải kiêm nhiệm nhiều phần hành kế toán tạo nên áp lực trong công việc. Bên cạnh đó, nhân viên kế toán chưa dành nhiều thời gian để cập nhật các chế độ chính sách mới, trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ tin học chưa được cập nhật thường xuyên.

  • Về tổ chức hệ thống chứng từ kế toán

Việc ghi chép các nội dung trên chứng từ chưa đầy đủ, kịp thời, như: không ghi ngày, tháng lập chứng từ, ngày tháng phát sinh, thiếu chữ ký của các bên liên quan và nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh chưa được ghi rõ ràng, cụ thể, nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, đối chiếu.

Việc giao nhận và luân chuyển chứng từ giữa nhân viên kế toán phân xưởng và kế toán văn phòng Công ty còn chậm, chưa khoa học và chưa có phiếu giao nhận chứng từ nên đôi khi chứng từ bị thất lạc.

  • Về tổ chức hệ thống sổ kế toán

Hiện nay, hệ thống sổ kế toán tổng hợp được sử dụng tại Công ty tương đối đầy đủ nhưng mức độ chi tiết cho từng tài khoản chưa cao, cụ thể Công ty chưa mở sổ chi tiết tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và sổ chi tiết tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” cho từng sản phẩm nên gây khó khăn cho việc cung cấp thông tin phục vụ công tác kế toán.

  • Về tổ chức hệ thống báo cáo kế toán

Mặc dù các báo cáo tài chính tại Công ty đã được lập theo mẫu quy định. Tuy nhiên, công tác lập báo cáo kế toán quản trị hiện nay tại Công ty chưa thực sự được quan tâm đúng mức, việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của Công ty.

4. Các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17

Một là, Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán. Bộ máy kế toán tại Công ty cần được tổ chức khoa học và hợp lý hơn, đồng thời tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nhân viên kế toán cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ lẫn năng lực thực tiễn.

Công ty có thể bổ sung thêm nhân viên kế toán, tách các phần hành kế toán riêng biệt, phân chia trách nhiệm rõ ràng của từng nhân viên trong phòng kế toán. Cụ thể: (Xem Sơ đồ)

Sơ đồ: Bộ máy kế toán của Công ty

Sơ đồ: Bộ máy kế toán của Công ty

Việc áp dụng giải pháp này tại Công ty có tác dụng hạn chế áp lực trong công việc cho nhân viên kế toán.

Hai là, Hoàn thiện tổ chức hệ thống chứng từ kế toán. Hệ thống chứng từ kế toán sử dụng tại Công ty cần phải hoàn thiện từ khâu lập chứng từ, phân loại, sắp xếp chứng từ, kiểm tra chứng từ cho đến khâu luân chuyển chứng từ.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng tập hợp chứng từ chậm trễ, phòng kế toán nên quy định thời gian nộp chứng từ cụ thể để có số liệu phản ánh kịp thời. Bên cạnh đó, Ban giám đốc Công ty phải có sự hỗ trợ trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng chế độ thưởng phạt rõ ràng, trừ vào tiền lương hoặc tiền thưởng của nhân viên nếu nộp chậm theo quy định.

Ba là, Hoàn thiện tổ chức hệ thống sổ kế toán. Để cung cấp thông tin kịp thời, hợp lý cho nhà quản trị về doanh thu của từng mặt hàng, từng hoạt động, từng thị trường, Công ty nên mở thêm sổ chi tiết cho tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”. Cụ thể:

  • TK 5112 - Doanh thu bán thành phẩm
    • TK 51122 - Doanh thu bán thành phẩm nội địa
      • TK 51122.001 - Doanh thu bán cá
      • TK 51122.002 - Doanh thu bán tôm
      • TK 51122.003 - Doanh thu bán mực
      • TK 51122.004 - Doanh thu bán ghẹ
      • TK 51122.005 - Doanh thu bán bạch tuộc
      • TK 51122.006 - Doanh thu bán ruốc khô
      • TK 51122.007 - Doanh thu bán mực khô
  • TK 632 - Giá vốn hàng bán
    • TK 6322 - Giá vốn của thành phẩm nội địa
      • TK 6322.001 - Giá vốn của cá
      • TK 6322.002 - Giá vốn của tôm
      • TK 6322.003 - Giá vốn của mực
      • TK 6322.004 - Giá vốn của ghẹ
      • TK 6322.005 - Giá vốn của bạch tuộc
      • TK 6322.006 - Giá vốn của ruốc khô
      • TK 6322.007 - Giá vốn của mực khô

Giải pháp này được thực hiện làm căn cứ để có những đánh giá đúng đắn về tính hiệu quả của doanh thu tiêu thụ, góp phần thuận lợi cho việc lên kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh doanh cho Công ty.

Bốn là, Hoàn thiện tổ chức hệ thống báo cáo kế toán. Công ty nên lập thêm Báo cáo kế toán quản trị để đáp ứng thông tin cho nhà quản trị trong việc quản trị tại Công ty, như: Báo cáo tình hình sử dụng vật liệu, báo cáo về chi phí nhân công trực tiếp, báo cáo phân tích tình hình thực hiện chi phí, báo cáo phân tích giá thành sản phẩm, dự toán về doanh thu và sản lượng tiêu thụ… Thông qua hệ thống Báo cáo kế toán quản trị này, giúp nhà quản trị có cơ sở hoạch định, kiểm soát, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, 2006. Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 về Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp.
  2. Bộ Tài chính, 2014. Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
  3. Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17, 2018. Báo cáo tài chính, tài liệu kế toán trong 3 năm (2016 - 2018), Khánh Hòa.
  4. Nguyễn Hoàng Giang (2016). Công tác tổ chức kế toán tại Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Môi trường và Hạ tầng Kỹ thuật Lạc Việt, Tạp chí Công Thương tháng 1/2016.
  5. Trần Thị Tuyết Hạnh (2019). Tổ chức công tác kế toán tại các bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố Trà Vinh, Tạp chí Công Thương số 3 tháng 3/2019.
  6. Công Thị Thu Hằng (2017). Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Kế toán, Trường Đại học Lao động - Xã hội.
  7. Lê Thị Huyền Trâm - Nguyễn Thị Hồng Sương (2018). Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, Tạp chí Tài chính.
  8. Trần Văn Tùng - Lê Văn Lượm (2019). Định hướng hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, Tạp chí Công Thương số 3 tháng 3/2019.
  9. Trần Thị Ngọc Vinh (2013). Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Cổ phần 6.3, Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.

ACCOUNTING ORGANIZATION AT NHA TRANG SEAFOODS JOINT STOCK COMPANY - F17

Master. Mai Diem Lan Huong

Lecturer, Department of Accounting

Faculty of Accounting - Finance, Nha Trang University

 ABSTRACT:

This study aims at analyzing the current situation of accounting organization at Nha Trang Seafoods Joint Stock Company - F17. The study’s results show that besides benefits, the organization of accounting work at Nha Trang Seafoods Joint Stock Company - F17 still has some limitations. Based on the study’s results, the author proposes solutions to improve the organization of accounting work at Nha Trang Seafoods Joint Stock Company - F17.

Keywords: Accounting, organization of accounting, Nha Trang Seafoods Joint Stock Company - F17.