Sáng 26/3/2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố báo cáo "Chỉ số Thương mại điện tử 2019" tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 (VOBF 2019).
Theo báo cáo của VECOM, EBI của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của EBI trong cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm).
Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước.
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Hải Phòng giữ vị trí thứ 3 về EBI. Tiếp sau đó vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương. Nhìn chung top 5 tỉnh thành đầu bảng vẫn không có sự thay đổi so với năm trước.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với 3 địa phương còn lại là rất lớn (khoảng cách giữa Hà Nội với Hải Phòng lên tới 24,7 điểm). Bên cạnh đó, cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (29 điểm) với điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (68,4 điểm) lên tới 39,4 điểm (năm 2018 là 36,7 điểm, năm 2017 là 36 điểm, năm 2015 là 30,5 điểm, năm 2014 là 20,3 điểm và năm 2013 chỉ là 18 điểm). Điều này chứng tỏ sự chênh lệch về phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương đang tăng dần.
"Sự phát triển của thương mại điện tử phát triển ở các địa phương lớn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hẹp được khoảng cách số là một thử thách lớn đối với thương mại điện tử Việt Nam", báo cáo của VECOM nêu rõ.
Cũng theo báo cáo EBI 2019 của VECOM, nguồn nhân lực về thương mại điện tử (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao) vẫn đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển.
Theo thống kê, lĩnh vực giải trí vẫn là nơi có tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử cao nhất (chiếm tới 49%). Tiếp theo đó là hai lĩnh vực gồm công nghệ thông tin - truyền thông và y tế - giáo dục – đào tạo (45%). Còn xây dựng vẫn là nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ lao động chuyên trách thương mại điện tử thấp nhất (chiếm 20%).
Tại Diễn đàn, để thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, ông Nguyễn Kỳ Minh - Ủy viên Ban Chấp hành VECOM cho biết, thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là thử thách lớn đối với thương mại điện tử Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò đầu tàu về thương mại điện tử của hai trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển thương mại điện tử nhanh và bền vững, ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có chỉ số thương mại điện tử thấp. Hiện Cục đã tập trung xây dựng các kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương như: Đào tạo nâng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT... để giúp các địa phương nâng cao thứ hạng của mình trong tương lai.
Một điểm đáng chú ý khác trong Báo cáo EBI 2019 là song song với việc sử dụng email, các doanh nghiệp có xu hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn, điển hình là các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, Skype, Facebook Messenger, Zalo… Gần như 100% doanh nghiệp có ứng dụng các công cụ này với mức độ khác nhau.
Thế nhưng việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng ở các doanh nghiệp lớn. Cả nước chỉ có 17% doanh nghiệp cho biết website có phiên bản di động. Tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14%.
Có tới 58% doanh nghiệp cho biết mới chi dưới 10 triệu đồng/năm để làm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.
Mức độ quan tâm, ứng dụng của doanh nghiệp trên các sàn TMĐT cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn chỉ dao động 11 – 13% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có kinh doanh qua sàn.