Vừa qua, Lễ ký kết hợp đồng dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang giữa Công ty Cổ phần Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE) và Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình xây dựng một dự án nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu trấu tại Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Công Thương, tiềm năng điện sinh khối tại tỉnh Hậu Giang khoảng 60MW, trong đó điện trấu 30MW, rơm rạ 10MW, bã mía 20MW. Trên cơ sở đó, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện sinh khối.
Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 875 tỷ đồng, công suất 20MW do HBE đầu tư, PECC2 với vai trò Tổng thầu EPC. Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 9486/QĐ-BCT ngày 16/12/2013 của Bộ Công Thương về “Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang sử dụng công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa cácbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận. Dự án được trang bị đầy đủ công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Quy mô đầu tư Dự án gồm: Khu vực gian máy chính; khu vực phụ trợ; khu vực nhà hành chính; khu vực kho chứa; hành lang cây xanh và đường kết nối.
Về mặt kinh tế - xã hội, dự án góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới thu gom, vận chuyển, sơ chế nhiên liệu sinh khối; thu hút thêm vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo lẫn trong nước và ngoài nước, đồng thời. giúp tăng thêm thu nhập cho người nông dân trong khu vực.
Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình xây dựng một dự án nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất tại Việt Nam. Sau khi dự án đi vào vận hành thương mại sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cung cấp điện, tăng cường an ninh năng lượng tại địa phương nói riêng và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
HBE cùng với EVNPECC2 tích cực tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với địa phương, phát điện thương mại vào cuối năm 2024.
Cùng với đó, HBE và EVNPECC2 tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, hiệu suất cao, tối ưu về chi phí và đảm bảo quá trình vận hành và khai thác của dự án, đáp ứng các quy định tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường.