Trước đó, ngày 20/5/2019 Mỹ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tủ hồ sơ kim loại thẳng đứng có chứa hai hoặc có ngăn mở rộng với chiều rộng thực tế từ 25 inch (tức 63.5cm) trở xuống do Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, gồm các mã HS: 9403.10.0020, 9403.10.0040, 9403.20.0080 và 9403.20.0090.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Trung Quốc là 45,2 triệu USD.
Mới đây, ngày 25/7, Bộ thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc trên, trong đó xác định biên độ bán phá giá cho sản phẩm bị điều tra là 198,50% và biên độ trợ cấp là 227,10%.
Căn cứ kết luận này, DOC sẽ thông báo Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) thu tiền đặt cọc các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với mức tương đương với biên độ bán phá giá và trợ cấp.
DOC dự kiến sẽ ban hành quyết định cuối cùng vào ngày 8/10/2019. Sau khi DOC ra ban hành quyết định cuối cùng, Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cũng sẽ ban hành quyết định cuối cùng về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước Mỹ vào ngày 21/11/2019.
Trong trường hợp, DOC và ITC đồng thời khẳng định tồn tại bán phá giá, trợ cấp gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm bị điều tra. Nếu DOC hoặc ITC ban hành kết luận phủ định, vụ việc sẽ được hủy bỏ và không ban hành lệnh áp thuế.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính cả vụ việc nói trên, Mỹ đã khởi xướng điều tra 172 vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp trong giai đoạn từ 2016 – nay, tăng 219% so với cùng kỳ giai đoạn trước đó.
Trước tình hình này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu mặt hàng tương tự lưu ý về vụ việc và khả năng Mỹ điều tra lẩn tránh thuế trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá không đảm bảo về xuất xứ.