TÓM TẮT:
Tiết kiệm là một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm được thể hiện ngay ở lời nói, hành động, trong các cuộc nói chuyện, cách sinh hoạt của Người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong xã hội hiện nay, lãng phí vẫn là vấn đề nhức nhối và văn hóa tiết kiệm chưa thực sự đi vào nếp nghĩ, hành động của mỗi người, đặc biệt là ở một bộ phận sinh viên hiện nay. Do đó, bài viết này bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm và sự cần thiết thực hành tiết kiệm ở một bộ phận sinh viên hiện nay.
Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, sinh viên.
1. Đặt vấn đề
Nói về thực hành tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực tuyệt vời, một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo. Ở Người không chỉ thấy trong lời nói, mà ngay cả trong hành động và sinh hoạt hằng ngày từ ăn, ở, mặc, đi lại, làm việc,... đều toát lên một lối sống vô cùng giản dị, dù Người đang ở cương vị Chủ tịch nước. Trong những năm qua, việc học tập theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm đã diễn ra rộng khắp ở mọi nơi, mọi tầng lớp khác nhau. Tuy nhiên, hiện tượng lãng phí, chưa biết tiết kiệm vẫn còn khá phổ biến ở các cơ quan, địa phương, các gia đình và tại trường học, đặc biệt là sự lãng phí về thời gian, sức khỏe, về vật chất trong sinh viên. Tiết kiệm như một phẩm chất đạo đức của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng và hơn bao giờ hết, thực hành tiết kiệm trong giới trẻ - nhấtlà trong tầng lớp sinh viên hiện nay cần được đặc biệt quan tâm.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm
“Kiệm”, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhắc tới đây là 1 trong 4 đức tính làm nên con người cách mạng, đó là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Việc thực hành tiết kiệm đã được thể hiện trong lời nói, trong các bài văn, trong cách sinh hoạt, làm việc,… hàng ngày của Người. Khi bàn về tiết kiệm của cải, tiền bạc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm” [1]. Nếu việc đáng tiêu mà không tiêu, luôn “coi tiền to như cái nống” thì đó là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không phải một dân tộc nghèo mới tiết kiệm, mà ngay cả các nước giàu cũng cần phải tiết kiệm. Tiết kiệm ngay cả trong thời chiến, cũng như trong thời bình.
Tiết kiệm (hay kiệm) được Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn: “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” [2]. Theo định nghĩa đó, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lực để tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Người tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất, nhưng lại đạt được mục tiêu cao nhất, theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”. [3].
Cùng với thực hành tiết kiệm, phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu ở một bộ phận cán bộ công chức. Theo Người, tiết kiệm còn là phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống thói hội họp lu bù, chống việc làm ẩu, làm cho xong ra những sản phẩm không dùng được đó là lãng phí, chống việc liên hoan ăn uống không cần thiết trong mọi hoàn cảnh.
Người luôn nhấn mạnh vai trò và tầm ý nghĩa của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nước ta. Bên cạnh đó, Người luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và điều đó có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc, cũng như trong hòa bình, xây dựng, kiến thiết nước nhà. Tiết kiệm trong tư tưởng của Người không chỉ tiết kiệm tiền bạc, mà mỗi chúng ta cần tiết kiệm cả lời nói, thời gian, tiết kiệm sức lao động trong mọi hoàn cảnh. Lúc sinh thời, Người luôn sắp xếp công việc hợp lý, có kế hoạch, mục đích rõ ràng, có như vậy mới mang lại thành công.
Trước lúc đi xa, ngay trong bản Di chúc viết năm 1965, Người chỉ dành vỏn vẹn 79 chữ để nói về việc riêng, đó là Người dặn dò trước lúc đi xa khi biết mình tuổi cao, sức yếu không còn cống hiến cho nước nhà được bao lâu. Cho đến lúc trước khi đi xa, Người còn lo tiết kiệm cả cho nước, cho dân, tránh lãng phí tiền bạc, thời gian của nhân dân. Những lời dặn của Người về việc tang lễ: Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Đó cũng chính là những lời dạy của Người cho chúng ta về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngay trong thời điểm viết bản di chúc, Người chọn thời điểm gần dịp sinh nhật từ 75 đến 79 tuổi (1965 - 1969) để viết về “cái chết” và Người luôn dành trọn 1 giờ trong ngày để viết và sửa các bản Di chúc qua các năm. Trong đó ta thấy được Người tiết kiệm cả thời gian để viết những lời “nhắn nhủ” cho Đảng, cho nước, cho dân, nhưng vẫn không quên những công việc hàng ngày. Trong Di chúc (1969), Người đã sửa và bổ sung viết về việc riêng, Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”[4]. Cùng với những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, cuộc đời của Người chính là tấm gương mẫu mực, minh chứng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính để toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo.
Mỗi hành động tiết kiệm của Người chính là động lực, là sức mạnh cho nhân dân ta vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất dù là thời chiến hay thời bình. Chính vì thế, Bác Hồ chính là tấm gương tiết kiệm vĩ đại để mỗi người Việt Nam soi vào đó, sửa chữa và học tập làm theo lời Bác.
3. Thực trạng đạo đức lối sống trong sinh viên hiện nay
Cùng với công cuộc đổi mới của Đảng, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, một nền đạo đức mới đã và đang hình thành, là nguồn động lực quan trọng của công cuộc phát triển đất nước. Đó là nền đạo đức phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc như yêu nước, thương người, sống nghĩa tình trọn vẹn, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư với những yêu cầu mới, những nội dung mới do đòi hỏi của dân tộc và thời đại. Nhờ đó, phần lớn sinh viên vẫn giữ được lối sống nghĩa tình, trong sạch, lành mạnh, khiên tốn, luôn cần cù và sáng tạo trong học tập, sống có bản lĩnh, có chí lập thân, lập nghiệp, năng động nhạy bén, dám đối mặt với những khó khăn, thách thức, dám chịu trách nhiệm, không ỷ lại, chây lười, luôn gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bên cạnh đó, có thể thấy, dưới sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường dẫn đến sự bùng phát của lối sống thực dụng, chạy theo danh lợi, bất chấp đạo đức, làm cho những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên. Một bộ phận sinh viên sống thiếu ý thức, phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp, hưởng thụ, đua đòi, mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân. Họ phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, không biết quý trọng thời gian, tiền bạc, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, chạy trường, mua bằng cấp,... trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.
Thời gian là vốn quý của con người bởi nó qua đi không thể nào lấy lại. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ sinh viên đang lãng phí rất nhiều thời gian vào những việc vô bổ và mang nặng tính giải trí, mà không có sự định hướng nào về công việc, học tập hay tương lai. Sinh viên đến trường thì luôn muộn sau khi giảng viên vào lớp, đến khi giảng viên điểm danh mới xuất hiện. Cũng không khó để bắt gặp trên giảng đường, giữa hàng chục sinh viên chăm chú nghe giảng bài, vẫn có nhiều sinh viên đang ngủ gục trên bàn chỉ vì không có việc gì làm, hoặc mải mê lướt “phây”, trang điểm, thậm chí xem phim ngay trong giờ học. Vào những buổi tối, đến những con phố có nhiều sinh viên đại học thuê trọ hoặc những nơi gần các trường đại học, chúng ta dễ nhận thấy hàng quán mọc lên rất nhiều và khách hàng chủ yếu chính là các bạn sinh viên đang vùi mình vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng, để rồi hôm sau có bạn lại trốn tiết, bỏ học. Không chỉ lãng phí thời gian, nhiều bạn còn sẵn sàng bỏ học, bỏ làm, thậm chí còn vay mượn, cầm cố đồ đạc để vùi đầu vào chơi điện tử và rất nhiều hoạt động vui chơi không bổ ích khác. Nhiều sinh viên hiện nay đang sống xa gia đình, quê hương để học tập, sinh sống, không có sự quản lý của gia đình nên thường xuyên tham gia vào những đêm thức trắng với những cuộc chơi để thể hiện mình với bạn bè, thích dùng hàng hiệu, đi xe đẹp, xe sang,... trong khi gia đình ở quê cũng không hẳn đã khá giả.
Hoặc một số bạn sinh viên khi đi học xa nhà vốn dĩ xuất thân con nhà có điều kiện nên được bố mẹ chu cấp tiền đã thường xuyên lãng phí tiền bạc vào những cuộc vui cùng bè bạn,... dần dần đã tạo nên cuộc sống ỉ lại, chỉ biết hưởng thụ, không chịu lao động, học tập.
Những biểu hiện của lối sống lãng phí, buông thả của một bộ phận sinh viên, như một lẽ tất nhiên, tích tiểu thành đại dẫn đến việc học tập chểnh mảng, sa sút. Sinh viên không tích lũy được kiến thức cần thiết làm lãng phí tiền của của gia đình, thời gian, công sức của bản thân. Đáng buồn hơn, có sinh viên bị buộc phải thôi học vì không đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường.
Bên cạnh việc lãng phí thời gian, còn là sự lãng phí về chất xám trong sinh viên hiện nay. Một bộ phận không hề nhỏ các bạn sinh viên khi đăng ký vào một ngành học lại chọn những những chuyên ngành học không đúng với khả năng của mình, để rồi học được 1, 2 học kỳ hoặc thậm chí học được 1, 2 năm các bạn lại xin chuyển ngành khác, hoặc bỏ học để ra học nghề hay đi làm,… như vậy rất mất thời gian, tiền bạc của gia đình, của bản thân và của cả xã hội. Việc sinh viên học một ngành và khi ra trường làm một nghề khác là thực trạng rất đáng báo động. "Thật đau xót khi một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khai thác dầu khí, nhưng lại làm công việc của nhân viên tổng hợp tại văn phòng UBND huyện" [5], thạc sĩ Nguyễn Kim Nương - Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã kể ví dụ trường hợp trên tại Hội thảo Giáo dục và định hướng giá trị nghề nghiệp xã hội cho học sinh - sinh viên, do Viện Nghiên cứu xã hội TP. Hồ Chí Minh.
4. Đề xuất giải pháp thực hành tiết kiệm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sinh viên trong giai đoạn hiện nay
Trong tình hình hiện nay, để thực hành tiết kiệm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sinh viên có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp của nhiều nhân tố: sự giáo dục và việc tự tu dưỡng, rèn luyện của sinh viên; sự nêu gương của cha mẹ trong gia đình, của cán bộ, đảng viên, của các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục và sự hướng dẫn của dư luận xã hội và pháp luật.
Đối với sinh viên, học tập kiến thức, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… chính là một cách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thực hiên những việc làm thiết thực gắn vớ,i mỗi ngày đến trường như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện, nước cho nhà trường. Trong cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”, tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như chơi trò chơi điện tử, nói chuyện phiếm trên zalo, facebook,… biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý; tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống,… Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào, các hoạt động xã hội, xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong từng hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước.
Sinh viên là những người đang đi học để tiếp cận tri thức, mọi chi phí sinh hoạt chủ yếu đến từ nguồn chu cấp hằng tháng của gia đình. Chính vì vậy, việc sử dụng đồng tiền một cách tiết kiệm, đúng mục đích là điều các bạn trẻ cần lưu tâm, thực hiện. Trong cuộc sống, mọi chi tiêu cho sinh hoạt cũng cần cân nhắc sao cho hợp lý, có chừng mực, không đua đòi, xa hoa lãng phí. Mỗi đồ dùng được sử dụng hàng ngày nên tiết kiệm, sử dụng ở mức độ hợp lý. Nếu trước đây các bạn sinh viên “diện” những bộ đồ hàng hiệu, thì bây giờ chỉ cần mua những bộ đồ với giá trung bình miễn sao hợp với vóc dáng và hợp với hoàn cảnh cụ thể, hoặc không nên chạy theo mốt mà bỏ đi những bộ đồ còn mới để tránh lãng phí. Trong những buổi sinh nhật, thay vì tổ chức tiệc mặn, linh đình tốn kém thì nên làm tiệc ngọt cùng bạn bè; khi ăn uống ở nhà hoặc là ở quán ăn nên ăn hết phần mình, không nên vì hình thức mà bỏ phí; điện thoại thì không nhất thiết phải dùng hàng hiệu bởi vì đôi khi chúng ta không sử dụng hết tính năng của nó; khi đến trường phải đi đúng giờ để không làm mất thời gian của thầy cô; vào lớp nếu đủ ánh sáng thì không nên mở đèn, và phải tắt các thiết bị sử dụng điện trước khi ra về; đồng thời tranh thủ thời gian rảnh để bồi dưỡng thêm kiến thức về ngoại ngữ, tin học và tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn… Khoản tiền tiết kiệm được có thể mua dụng cụ phục vụ học tập, hoặc đóng góp vào Quỹ Khuyến học của nhà trường để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc đóng góp cho Đoàn trường tổ chức đi thăm và mua quà tặng cho các cụ già neo đơn, các em ở trung tâm bảo trợ xã hội, góp phần tăng thêm ý nghĩa cuộc sống và tính nhân văn cao đẹp trong các hoạt động của Đoàn trường.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã phát động nhiều cuộc vận động, thi đua kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mọi lúc, mọi nơi. Đối với các nhà trường, bên cạnh việc trang bị kiến thức cho sinh viên cần phải đặc biệt chú trọng quan tâm đến giáo dục đạo đức nhân cách; tăng cường giáo dục, tuyên truyền để sinh viên nâng cao nhận thức thực hành tiết kiệm, nói không với chi tiêu lãng phí; dành thời gian và tâm sức học tập, rèn luyện tốt để sau này ra trường biết lập thân, lập nghiệp, quý trọng từng đồng tiền do công sức lao động mình làm ra.
Muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống lãng phí, mỗi gia đình, bố mẹ, thầy cô chính là những tấm gương thực hành trước và phải biến nó thành hành động đi vào đời sống hàng ngày để thế hệ trẻ, các bạn sinh viên noi theo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Một tấm gương sáng còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Gia đình, nhà trường, các thế hệ đi trước chính là những tấm gương mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo, tất cả mọi người cùng tiết kiệm dù là những thứ nhỏ bé để đất nước giàu mạnh hơn.
5. Kết luận
Trong bối cảnh sự lãng phí còn đang diễn ra ở một bộ phận giới trẻ đó là sinh viên như hiện nay thì việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm là điều rất cần thiết, giúp bản thân mỗi người được hoàn thiện hơn. Thế hệ sinh viên ngày nay cần tự soi lại bản thân mình, nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ra sức thực hành tiết kiệm theo gương của Người để tiết kiệm trở thành một thói quen hàng ngày mọi lúc, mọi nơi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội theo đúng phương châm “Tiết kiệm là quốc sách”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Lan Hương, (2008), Lãng phí chất xám vì chọn sai nghề, Báo Vnexpress, <https://vnexpress.net/thoi-su/lang-phi-chat-xam-vi-chon-sai-nghe-2102530.html.>
President Ho Chi Minh’s thought about saving practices and the necessity of doing saving practices among students
Master. Doan Thi Hue
Lecturer, Department of Political Theories, Van Hien University
ABSTRACT:
Saving is one of the basic moral qualities of people in general and of Vietnamese people in particular. Saving practices of President Ho Chi Minh are presented through his words, actions, conversations and his lifestyle. During his lifetime, President Ho Chi Minh was a great example of savings and waste prevention. Waste is still an unresolved issue and the saving have not been well done by many people, especially some students. This paper discusses Ho Chi Minh’s thought on saving and the necessity of doing saving practices among students.
Keywords: Ho Chi Minh's thought, saving practices, students.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]