Ứng dụng công nghệ thông tin trong Kiểm toán Nhà nước

THS. TRẦN THỊ THANH THÚY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thực tế hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong những năm vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp đang càng ngày càng phát triển hoạt động kinh doanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều nghiệp vụ ngày càng phức tạp, ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại trong hoạt động quản lý tài chính và nghiệp vụ. Do đó, KTNN cũng đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, công nghệ cao trong các hoạt động kiểm toán như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai kiểm toán từ xa, sử dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm trong kiểm toán tài nguyên, môi trường. Bài viết phân tích các ứng dụng CNTT trong KTNN và đề xuất một số giải pháp ứng dụng CNTT trong KTNN thời gian tới.

Từ khóa: công nghệ thông tin, kiểm toán nhà nước, trí tuệ nhân tạo.

1. Ứng dụng CNTT trong KTNN

Trong năm vừa qua, một điểm nhấn đáng chú ý là KTNN đã tập trung phát triển, mở rộng việc ứng dụng CNTT, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể như đã phát triển 18 phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán như: phần mềm nhật ký điện tử online kiểm soát hoạt động của các kiểm toán viên từ xa, phần mềm tổng hợp kết quả kiểm toán, phần mềm kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng trung tâm dữ liệu để thực hiện thu thập thông tin các đơn vị kiểm toán… 

Đồng thời KTNN lên kế hoạch sẽ kết nối liên thông dữ liệu và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán, phân tích dữ liệu. Trong tương lai, KTNN sẽ tập trung thực hiện kiểm toán ngay tại trụ sở, tức là sẽ kiểm toán từ xa, trừ khi cần phải xác minh, điều tra, giải trình. 

Ngoài ra, để bắt kịp xu thế cách mạng 4.0, KTNN đã phát triển loại hình kiểm toán CNTT để kiểm toán hệ thống kỹ thuật của CNTT. Theo đó đã thực hiện kiểm toán hệ thống CNTT tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vietcombank,… từ đó chỉ ra những tiện ích, hiệu quả và vấn đề trong thực hiện vận hành. 

Trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán về môi trường ở các khu công nghiệp, kiểm toán túi nilon ở TP.Hồ Chí Minh,... Đặc biệt, KTNN đã có sáng kiến đề xuất các nước bên cạnh sông Mê Kông thực hiện kiểm toán chung về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông. Cuộc kiểm toán với sự tham gia của Việt Nam, Thái Lan, Myamar dự kiến tiến hành trong quý I và công bố kết quả vào cuối năm. Trong từng loại hình kiểm toán cụ thể, KTNN cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả kiểm toán như công nghệ siêu âm để xác định cọc chìm trong lòng đất, từ đó có công trình xác định giảm tới 400 tỷ đồng; ứng dụng công nghệ viễn thám để tính toán trữ lượng khai thác khoáng sản tại Hải Phòng, từ đó tính ra thuế tài nguyên khoáng sản phải nộp và truy thu là gần 1.000 tỷ đồng…; ứng dụng công nghệ viễn thám để kiểm toán diện tích rừng Tây Nguyên…

KTNN đã có định hướng xây dựng các phần mềm ứng dụng và đã thu được những kết quả bước đầu:

Đối với nhóm phần mềm hỗ trợ hoạt động chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ, KTNN đã xây dựng Phần mềm Quản lý tài chính (triển khai sử dụng trong toàn ngành từ cuối năm 2016); Phần mềm quản lý hồ sơ công việc; Phần mềm Quản lý nhân sự (đang hoàn thiện và sẽ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018); Cổng thông tin điện tử; Phần mềm Quản lý đào tạo, Phần mềm Quản lý về đối ngoại - hợp tác quốc tế dự kiến sẽ xây dựng và triển khai trong thời gian tới.

Nhóm phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán là hệ thống phần mềm lớn, triển khai trong toàn ngành, gồm nhiều module giúp hỗ trợ các công tác khác nhau trong quá trình quản lý hoạt động kiểm toán. Các module đã được xây dựng bao gồm: Module quản lý, theo dõi nhật ký kiểm toán, nhật ký công tác; Module quản lý theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; Số hóa toàn bộ hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm toán. Các module hỗ trợ xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán: Module hỗ trợ quản lý kế hoạch kiểm toán hỗ trợ công tác lập và quản lý kế hoạch kiểm toán, Module quản lý hồ sơ, báo cáo kiểm toán, Module quản lý hệ thống mẫu biểu kiểm toán, Module cẩm nang kiểm toán viên dự kiến sẽ được xây dựng và triển khai trong thời gian tới.

Nhóm các phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán là hệ thống được triển khai trên quy mô toàn ngành, hỗ trợ việc phân tích dữ liệu, trích rút, tổng hợp, chọn mẫu và thực hiện kỹ thuật kiểm toán trên các tệp dữ liệu để xác định những sai sót, những điểm bất thường, xu hướng của thông tin tài chính trên các lĩnh vực kiểm toán ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng.

Những năm qua, KTNN đã từng bước đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán. 

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp cho việc phân tích thông tin, dữ liệu của kỹ thuật viên được nhanh chóng và chính xác hơn, tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán như: tập hợp được nhiều thông tin từ tổng hợp đến chi tiết liên quan đến các đầu mối kiểm toán; lưu trữ hồ sơ kiểm toán của đoàn, tổ kiểm toán trong tất cả các giai đoạn của quy trình kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung, phạm vi, trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Ngoài ra, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện dễ dàng và chặt chẽ hơn thông qua hệ thống nhật ký kiểm toán trực tuyến, nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán cho các kiểm toán viên.

Bên cạnh đó, CNTT cũng hỗ trợ việc đối chiếu từ các hệ thống khác nhau. Tại Đà Nẵng, ứng dụng CNTT đã cung cấp thông tin toàn bộ việc sở hữu đất đai, chuyển nhượng trên địa bàn; chỉ ra việc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cung cấp đầy đủ ngay từ đầu số liệu cho đoàn kiểm toán thông qua việc lưu giữ số liệu các dự án lớn tại một máy chủ riêng; chỉ ra việc lập sổ của cụcthuế để thu thuế đất phi nông nghiệp trên quận Ngũ Hành Sơn chỉ bằng 1/5 số liệu của Sở… 

Tại cuộc kiểm toán Ngân hàng TMCP Vietcombank, đoàn kiểm toán đã chỉ ra những bất cập trong quản trị CNTT, cụ thể như: không có kế hoạch chiến lược CNTT; không đánh giá rủi ro và mua bảo trì hệ thống CNTT định kỳ; không cập nhật các phần mềm đáp ứng các thay đổi về quản lý của Ngân hàng Nhà nước; không tổ chức lưu giữ hệ thống hồ sơ phần mềm có hệ thống. Với các bằng chứng trên, Ngân hàng đã không thực hiện các chuẩn mực về quản trị CNTT theo các tiêu chuẩn đã cam kết và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, KTNN còn chỉ ra hiện tượng “cho mượn mật khẩu” diễn ra nghiêm trọng ở mọi chi nhánh, mọi cấp và các nghiệp vụ khảo sát. Việc phân quyền theo chức danh nghiệp vụ không được thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ CNTT có thể thay đổi dữ liệu nghiệp vụ thực tế do không tách biệt hoàn toàn giữa môi trường kiểm thử và môi trường vận hành thực tế.

Các thông tin tài chính nghiệp vụ sẽ có rủi ro bị thay đổi, tiếp cận trái phép. Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra sự thiếu vắng kiểm soát nghiệp vụ bằng hệ thống CNTT dẫn đến chênh lệch về số liệu tài sản thế chấp, dự phòng rủi ro, chấm điểm xếp hạng tín dụng và nghiệp vụ khác. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm toán đã lượng hóa được những ảnh hưởng của số liệu lên báo cáo tài chính của đơn vị và khoanh vùng số liệu nghi ngờ yêu cầu đơn vị rà soát; chỉ ra một số công thức tính toán xử lý dữ liệu không chính xác như tính lãi dự thu của thẻ tín dụng, không trả tiền lãi dưới 1.000 đồng cho các khoản vay không kỳ hạn. Các kết quả trên phản ánh việc cài đặt công thức trên hệ thống máy tính chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Có thể thấy việc ứng dụng CNTT liên quan đến lập và trình bày báo cáo kiểm toán trong việc hỗ trợ lập báo cáo tài chính đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán và chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước, tính an toàn, bảo mật thông tin hoạt động nghiệp vụ của đơn vị được kiểm toán.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN còn hạn chế, chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích, hiệu quả trong công việc…

2. Giải pháp ứng dụng CNTT trong kiểm toán nhà nước

Để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN, cần thực hiện một số giải pháp được đề xuất cụ thể như sau:

- Các đơn vị trực thuộc KTNN phải gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị về việc thực hiện các nghị quyết, đề án liên quan đến ứng dụng, phát triển CNTT của KTNN, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi lề lối làm việc và tăng cường kỹ năng ứng dụng CNTT của công chức, viên chức và người lao động KTNN, góp phần gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm toán.

- Các đơn vị phải coi việc ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá của ngành, gương mẫu, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc KTNN thực hiện nghiêm, hiệu quả việc khai thác, sử dụng các phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử; tổ chức các lớp học, tập huấn về ứng dụng CNTT tại đơn vị; bảo đảm các điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng CNTT; thực hiện nghiêm các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; đẩy mạnh công tác kiểm toán CNTT…

- KTNN nên chọn hướng tiếp cận kiểm toán CNTT theo chuẩn mực ISSAI 5300 của tổ chức INTOSAI với các mục tiêu cụ thể như: kiểm toán hệ thống và dự án CNTT trọng yếu; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán chuyên ngành cung cấp bức tranh toàn cảnh nền tài chính quốc gia; triển khai các hoạt động kiểm toán CNTT tại các đoàn kiểm toán với việc tận dụng tối đa hiểu biết về hệ thống CNTT cùng hệ thống kiểm soát của đơn vị và các cơ sở dữ liệu kiểm toán chuyên ngành. Theo đó, KTNN cần hoàn thiện tài liệu hướng dẫn cùng cơ sở pháp lý; kiểm toán định kỳ các hệ thống CNTT trọng yếu; chọn kiểm toán một số chuyên đề kiểm toán CNTT dễ thực hiện và có tỷ lệ thành công cao; chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức nhân sự gắn với đào tạo….

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kiểm toán Nhà nước (2018), Chỉ thị 735/CT-KNN về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
  2. Bộ Tài chính (2013), Quyết định số 2261/QĐ-BTC ngày 10/09/2013 quyết định về việc phê duyệt kế hoạch triển khai “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
  3. Lê Thị Oanh (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến nghề kế toán viên, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/cach-mang-cong-nghiep-40-va-nhung-tac-dong-den-nghe-ke-toan-vien-305965.html
  4. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 phê duyệt Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

 Applying information technology in state audits

Master. Tran Thi Thanh Thuy

Faculty of Accounting, University of Economics – Technology for Industries

ABSTRACT:

Audit activities of the State Audit Office of Vietnam in recent years show that enterprises have increasingly expanded their business activities. Many audit activities have been increasingly complex and many modern information technology systems have been used to manage financial and operational activities. The State Audit Office of Vietnam has promoted the application of information technology in audit activities such as applying artificial intelligence, deploying remote audits, and using remote sensing and ultrasonic technology in environmental and natural resources audits. This paper analyzes the information technology applications which are used by the State Audit Office of Vietnam and proposes some solutions to promote the use of information technology in state audits in the coming time.

Keywords: information technology, state audit, artificial intelligence.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]