Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Khánh Hòa

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG CẨM (Trường Đại học Khánh Hòa)

TÓM TẮT:

Du lịch thông minh đang dần trở thành một xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp cũng nhanh chóng hòa theo sự phát triển nhanh, mạnh của xu hướng ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong hoạt động kinh doanh, nhằm cung cấp những trải nghiệm du lịch thú vị và trọn vẹn cho du khách. Sự phát triển du lịch thông minh sẽ thúc đẩy ngành Du lịch địa phương phát triển đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần đưa du lịch tỉnh Khánh Hòa phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Khánh Hòa, từ đó đề xuất giải pháp phát triển Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch thông minh.

Từ khóa: du lịch thông minh, điểm đến du lịch thông minh, công nghệ thông tin, ứng dụng, khách du lịch, tỉnh Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), cho phép tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng cho ngành Du lịch. Việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến cho ngành Du lịch đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành, các hoạt động du lịch ngày càng được công nghệ hóa, trở nên hiện đại hơn và thông minh hơn. Sự kết hợp giữa công nghệ với du lịch đã hình thành nên “du lịch thông minh” (Lê Quang Đăng, 2019).

Sự phát triển công nghệ mới trong những năm qua đã thay đổi cách tìm kiếm, chia sẻ thông tin và tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi của khách du lịch (Huertas và cộng sự, 2019). Sự bùng nổ của các ứng dụng di động và mạng xã hội cũng tác động tích cực đến phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin du lịch của du khách; đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch. Do vậy, du lịch thông minh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến.

Hiện nay, du lịch thông minh đã được nhiều nước trên thế giới triển khai với nhiều hình thức khác nhau tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh. Không nằm ngoài xu hướng, du lịch Việt Nam đang từng bước tiếp cận nhanh với du lịch thông minh. Nhiều địa phương trên cả nước xem du lịch thông minh là xu hướng mới phải bắt kịp để không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Khánh Hòa hiện là một trong những điểm đến du lịch đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Sự hình thành xu hướng du lịch mới trên của thế giới đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đòi hỏi các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch phải cập nhật thông tin, đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, phát triển du lịch thông minh tại các điểm đến cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho điểm đến và du khách, là xu hướng phát triển hiện nay, trong đó có thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

2. Điểm đến du lịch thông minh

2.1. Du lịch thông minh

Du lịch thông minh bao gồm trải nghiệm du lịch thông minh cho phép khách du lịch giao tiếp và tương tác chặt chẽ nhiều hơn với người dân địa phương, các doanh nghiệp địa phương, chính quyền địa phương và các điểm thu hút khách du lịch trong thành phố (Gretzel và cộng sự, 2016). Yalçınkaya và cộng sự (2018) cho rằng, du lịch thông minh cần gắn với bảo vệ môi trường; hướng tới nâng cao nhận thức sử dụng các công nghệ tiên tiến, nhưng gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo. Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là ICT nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng (Lê Quang Đăng, 2019). Du lịch thông minh được hỗ trợ bởi những nỗ lực tích hợp tại một điểm đến, đó là: thu thập và tổng hợp/khai thác dữ liệu thu được từ cơ sở hạ tầng vật lý, kết nối xã hội, chính phủ/tổ chức và con người; kết hợp với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi dữ liệu đó thành kinh nghiệm tại chỗ và kinh doanh theo đề xuất về hiệu quả, bền vững và làm giàu trải nghiệm (Gretzel và cộng sự, 2015).

2.2. Điểm đến du lịch thông minh

iểm đến du lịch thông minh chính là một trường hợp đặc biệt của thành phố thông minh, tức là điểm đến du lịch thông minh cũng ứng dụng các quy tắc và cơ sở hạ tầng tương tự đặc trưng của thành phố thông minh (Lazarevic và Pavlovic, 2018). Điểm đến du lịch thông minh là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững của các khu du lịch, mọi người đều có thể tiếp cận, hòa nhập với môi trường xung quanh, tăng chất lượng trải nghiệm tại điểm đến và cải thiện chất lượng cuộc sống dân cư (Gretzel và cộng sự, 2015). Điểm đến du lịch thông minh có thể được xác định bằng không gian du lịch với sự hỗ trợ của các ứng dụng ICT và các công nghệ nâng cao khác (Internet vạn vật, điện toán đám mây và các hệ thống dịch vụ Internet người dùng cuối,…) nhằm cố gắng cải thiện trải nghiệm của du khách khi tiếp cận điểm đến đó, đồng thời cung cấp chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân (Nguyễn Thị Minh Nghĩa và cộng sự, 2019).

Một điểm đến du lịch thông minh gồm có 6 thành phần chính, gồm: (1) Smart amenities (Tiện nghi thông minh); (2) Smart attractions (Điểm tham quan thông minh); (3) Smart ancillary (Các dịch vụ hỗ trợ thông minh); (4) Smart Accessibility (khả năng tiếp cận thông minh); (5) Smart activities (Các hoạt động thông minh); (6) Smart available packages (Dịch vụ trọn gói thông minh) (Huertas và cộng sự, 2019).

2.3. Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông đối với du lịch thông minh

ICT được coi là trụ cột cơ bản của nền kinh tế số. Sự phát triển của nó tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cách tiếp cận quản lý mới cho các điểm đến (Ivar-Bidal và cộng sự, 2019). Việc áp dụng ICT vào nhu cầu du lịch cũng nhanh chóng làm thay đổi việc quản lý và marketing du lịch và những công cụ này đã trở thành một yếu tố cơ bản của khả năng cạnh tranh cho điểm đến du lịch (Nguyễn Thị Minh Nghĩa và cộng sự, 2019). Boes (2016) cho rằng, ICT đóng 1 vai trò kép, vừa giữ vai trò phương tiện quan trọng cho đầu vào và đầu ra của việc thu thập, xử lý dữ liệu; vừa là yếu tố tích cực và năng động tạo điều kiện cho sự đổi mới thông qua khả năng tích hợp, tương tác và hệ thống kết nối hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các quy trình giữa tất cả các chủ thể tham gia để cải thiện khả năng cạnh tranh của các điểm đến du lịch thông minh.

ICT đang làm thay đổi hành vi của khách du lịch và lựa chọn điểm đến. Theo Sigalat-Signes và cộng sự (2019), ICT có thể hoạt động như một người thúc đẩy, người sáng tạo, người thu hút, chất tăng cường, người bảo vệ hoặc thậm chí là kẻ hủy diệt trải nghiệm. Ngày càng có nhiều du khách dử dụng điện thoại thông minh trong các chuyến đi của họ và điều đó ảnh hưởng rất lớn hành trình, kế hoạch tham quan, thu hút khách du lịch,… Việc áp dụng những công nghệ tiên tiến và sự kết hợp của nó với các mô hình tổ chức sáng tạo đã thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và đổi mới giữa các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến du lịch (Ammirato và cộng sự, 2018).

Vai trò của ICT trong quản lý du lịch cũng có thể được giải thích từ quan điểm của hệ sinh thái kỹ thuật số. Ivar-Bidal và cộng sự (2019) cũng xác định hệ sinh thái kinh doanh thông minh bao gồm nhà cung cấp tham gia chuỗi giá trị du lịch không chỉ cung cấp vật chất, mà còn cả dịch vụ trực tuyến của các nhà cung cấp. Hệ sinh thái kinh doanh du lịch tự nhiên bao gồm các nhà khai thác du lịch, các nhà khai thác vận tải hàng không hoặc xe buýt địa phương, khách sạn hoặc các nhà điều hành nhà nghỉ bản xứ địa phương, điểm tham quan, các nhà điều hành hoạt động và du ngoạn phong cảnh lịch sử, bộ phận mua sắm hoặc các nhà điều hành trung tâm mua sắm, nhà điều hành giải trí,... Ngoài ra, có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, như nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến (TripAdvisor, GoogleMap), nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến vận tải (Ctrip, Skyscanner, Uber, DiDi, Grab), nhà cung cấp dịch vụ lưu trú trực tuyến (Airbnb, Trivago), thanh toán trực tuyến (Alipay, Linepay, Applepay) và nền tảng truyền thông xã hội (Facebook, Instagram, WeChet, Weibo,...).

3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Khánh Hòa

Tại tỉnh Khánh Hòa, việc chuyển đổi số được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cho đến khi đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thì các giải pháp chuyển đổi số du lịch mới được thực hiện một cách quyết liệt và bài bản. Sở Du lịch Khánh Hòa đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch như: đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội; tổ chức các hội thảo trực tuyến; kết hợp với các doanh nghiệp để triển khai thực hiện bản đồ số cho du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với công nghệ số như du lịch "thực tế ảo",…

Hiện nay, Khánh Hòa vẫn chưa có trung tâm điều hành thông minh tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau để cập nhật và theo dõi các số liệu từ hệ thống để tạo ra những lợi ích thiết thực trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. Những ứng dụng với các tính năng như phân tích hành vi, mật độ giao thông, phân tích và cảnh báo về các hiện tượng mất an toàn, hành vi tụ tập đông người, vứt rác không đúng nơi quy định hay những ứng dụng công nghệ cho vấn đề môi trường hiện cũng chưa được xây dựng và triển khai như các địa phương phát triển du lịch khác. Khánh Hòa hiện cũng chưa triển khai được các ứng dụng giúp du khách có thể lập kế hoạch cho chuyến đi của mình, cũng như những hệ thống kiểm tra thông tin thẻ hướng dẫn viên, xe vận chuyển du lịch di động, tra cứu thông tin doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đạt chuẩn, hệ thống thẻ du lịch thông minh,...

Việc triển khai phát triển ngành Du lịch theo xu hướng thông minh của Khánh Hòa là khá muộn và chậm hơn so với một số địa phương. Tuy nhiên, Khánh Hòa đã và đang từng bước có sự chuyển mình trong việc chuyển đổi số du lịch, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến vào công tác quản lý, hoạt động kinh doanh cũng như truyền thông quảng bá từ cấp độ quản lý nhà nước, nhằm chủ động thích ứng với sự thay đổi của xu thế hướng đến mục tiêu phát triển du lịch thông minh trên nền tảng đô thị thông minh, hiện đại.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Sở Du lịch của tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan sẽ phối hợp thực hiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch. Cụ thể:

- Xây dựng Trung tâm Điều hành thông tin, hỗ trợ du khách. Đây là dự án nằm trong kế hoạch chuyển đổi số ngành Du lịch giai đoạn 2022 - 2025, nhằm xử lý các tình huống khẩn cấp hỗ trợ du khách, hướng đến môi trường du lịch thông minh, an toàn;

- Nâng cấp, hoàn thiện các chức năng của hệ thống phần mềm quản lý thông tin lưu trú; thiết lập Trung tâm dữ liệu, điều hành số của ngành Du lịch tỉnh,… phục vụ cho việc giám sát, hỗ trợ khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp hoặc khách cần sự trợ giúp;

- Triển khai nhiều dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi, bao gồm: Xây dựng và triển khai sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin điểm đến, tích hợp trên đầu số *2258 để hỗ trợ giải quyết các yêu cầu từ du khách; xây dựng phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo trên điện thoại di động, thuyết minh du lịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến;

- Xây dựng mới Cổng thông tin du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trên cơ sở trang web nhatrang-travel.com và nhatrang-travel.com.vn;

- Phát triển các ứng dụng hỗ trợ thanh toán trên các thiết bị di động thông minh, thẻ du lịch thông minh; hệ thống quản lý thông tin du lịch dựa vào thiết bị cảm biến định vị; hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu ngành, dự báo thị trường khách du lịch;

- Triển khai đề án số hóa 3D các hiện vật công trình lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh để quảng bá văn hóa, du lịch Khánh Hòa đến du khách.

Trong dự thảo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, ngành Du lịch địa phương cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án liên quan. Cụ thể, Sở Du lịch Khánh Hòa đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Viettel Khánh Hòa và Công ty Giải pháp Du lịch thông minh (Smart Travel Solution) về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch của tỉnh. Theo đó, Công ty Viettel Khánh Hòa và Công ty Smart Travel Solution sẽ hợp tác với Sở Du lịch tỉnh thực hiện khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp cụ thể cho triển khai Hệ thống Du lịch thông minh nhằm cung cấp các công cụ phục vụ cho cơ quan quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân cũng như xây dựng ứng dụng cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản như: ăn gì, ở đâu, mua sắm, thư giãn, các điểm tham quan, hướng dẫn đường đi, gợi ý phương tiện, giá cả lịch trình tour; xây dựng và lắp đặt hệ thống wifi hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Nha Trang.

4. Đề xuất giải pháp phát triển Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch thông minh

Là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, cùng với những tiềm năng du lịch hiện có, để trở thành một điểm đến du lịch thông minh theo định hướng và kế hoạch, Khánh Hòa cần nỗ lực tập trung giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần có hành lang pháp lý minh bạch và thông thoáng với các chính sách cụ thể, xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, minh bạch cho các bên tham gia; có chính sách khuyến khích và tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình vận hành dịch vụ du lịch thông minh của địa phương; tăng cường quản lý nhà nước đối với quản lý điểm đến và kinh doanh du lịch thông minh.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thông minh. Nhanh chóng triển khai các đề án, kế hoạch. Chính quyền địa phượng nên xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chung, tương thích với các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp du lịch đang sử dụng. Mặt khác, cần tăng cường hoạt động số hóa di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dựng trên nền tảng số đối với các công trình lịch sử, văn hóa; cần xây dựng môi trường thông minh với việc tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, tái chế và giảm thiểu các chất độc hại bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển du lịch thông minh. Cần tuyên truyền rộng rãi và kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cùng tham gia vào quá trình “thông minh hóa” các hoạt động du lịch của địa phương, đặc biệt kêu gọi những nhà đầu tư có danh tiếng, đã triển khai thành công tại các địa phương khác trong nước hoặc nước ngoài đến để khảo sát, giới thiệu và chạy thử,...

Thứ tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông minh. Để sử dụng các công nghệ thông minh, ngành Du lịch của tỉnh cần có đội ngũ nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp và có những hiểu biết cũng như kỹ năng về ICT. Địa phương nên có những chương trình đào tạo sử dụng các công nghệ mới cho doanh nghiệp và nhân lực ngành Du lịch, để có sự đồng bộ, thành thạo sử dụng công nghệ. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là cần đào tạo hướng dẫn đội ngũ những người làm du lịch cái tâm, cái tầm làm du lịch.

Thứ năm, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch thông minh cũng như tăng cường phối hợp giữa các ngành, mở rộng hợp tác liên kết.

Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông minh. Cần tuyên truyền, quảng bá cho người dân và du khách nhằm nâng cao nhận thức về gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững. Địa phương cũng cần phải đề ra chương trình quảng bá đồng bộ về sản phẩm du lịch thông minh đến khách du lịch,…

Thứ bảy, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của địa phương theo hướng thông minh. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, các hãng vân chuyển và các đơn vị cung cấp các ứng dụng công nghệ thông minh cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau.

5. Kết luận

Ngày nay, sự thông minh đã trở thành một phần quan trọng trong quản lý và tiếp thị điểm đến du lịch. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các điểm đến du lịch phải không ngừng thích ứng và phát triển một hệ sinh thái du lịch bền vững, đồng sáng tạo giá trị, nhằm mang đến trải nghiệm du lịch chất lượng cho du khách, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và lợi ích cho các bên liên quan. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng phát triển của du lịch thông minh, các điểm đến trong đó có Khánh Hòa cần phải năng động thích ứng, phát triển một hệ sinh thái điểm du lịch thông minh với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông minh, quản trị thông minh, con người thông minh, môi trường thông minh,… nhằm mang đến những trải nghiệm chất lượng cho khách du lịch, tiến tới sự phát triển “xanh” và bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ammirato, S., et al. (2018). Smart Tourism Destinations: Can the Destination Management Organizations Exploit Benefits of the ICTs? Evidences from a Multiple Case Study. DOI:10.1007/978-3-319-99127-6_54.
  2. Boes, K., Buhalis, D. and Inversini, A. (2016). Smart tourism destinations: Ecosystems for tourism destination competitiveness. International Journal of Tourism Cities, 2(2).108-124.
  3. Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z and Koo, C. (2015). Smart tourism: Foundations and developments. Electronic Markets, 25(3), 179-188.
  4. Gretzel, U., et al. (2016). Application of smart tourism to cities. International Journal of Tourism Cities, 2(2). DOI: 1108/IJTC-04-2016-0007.
  5. Huertas, A., et al., (2019). Which destination is smarter? application of the (Sa)6 framework to establish a ranking of smart tourist destinations. International Journal of Information Systems and Tourism, 4(1), 19-28.
  6. Ivars-Baidal, JA., Celdrán-Bernabeu, MA., Mazón, JN., Perles Ivars, A. (2019). Smart destinations and the evolution of ICTs: a new scenario for destination management?. Current Issues in Tourism (Online), 22(13),1581-1600
  7. Lazarevic, J., Pavlovic, G. (2018). Analysis of factors of smart tourism development in Serbia. Hotel and Tourism Management, 6(1), 81-91.
  8. Lê Quang Đăng (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam. Truy cập tại: http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam.
  9. Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thúy Vân, Lê Văn Hòa (2019). Điểm đến du lịch thông minh: Khái niệm và các xu hướng hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và phát triển, (128), 129-146.
  10. Sigalat-Signes, E., Calvo-Palomares, R., Roig-Merino, B., García-Adán, I. (2019). Transition towards a tourist innovation model: The smart tourismdestination Reality or territorial marketing. Journal of Innovation and Knowledge, 1-9.
  11. Yalçınkaya, P., Atay, L.,  Korkmaz, H. (2018). An Evaluation on Smart Tourism. China-USA Business Review, 17(6), 308-31.

 

APPLYING INFORMATION TECHNOLOGY

IN KHANH HOA PROVINCE’S SMART TOURISM DEVELOPMENT

Master. NGUYEN THI HONG CAM

Khanh Hoa University

Abstract:

Smart tourism is gradually becoming an inevitable trend. Firms are also quickly following the trend of applying smart tourism technology in their business activities to provide interesting and completing travel experiences for visitors. The development of smart tourism will promote the local tourism industry to respond to practical requirements, contribute to the sustainable development, and improve competitiveness of Khanh Hoa province’s tourism industry. This study focuses on assessing the current development of smart tourism in Khanh Hoa province. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help Khanh Hoa province become a smart tourism destination.

Keywords: smart tourism, smart tourism destination, information technology, application, tourists, Khanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]