TÓM TẮT:
Dự toán ngân sách là một trong những công cụ quan trọng của hệ thống kế toán quản trị, giúp nhà quản trị xây dựng mục tiêu kế hoạch, phân bổ hợp lý các nguồn lực, đồng thời là cơ sở để đánh giá thành quả hoạt động của các cấp quản lý. Dự toán ngân sách có vai trò quan trọng trong công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bài nghiên cứu trình bày một số vai trò và lợi ích thiết thực của dự toán ngân sáchvới SMEs, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện dự toán ngân sáchtại doanh nghiệp.
Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, kế toán quản trị, ngân sách, dự toán ngân sách.
1. Đặt vấn đề
Lập kế hoạch là một chức năng quan trọng của nhà quản trị, nó mô tả mục tiêu và mục đích chi tiết cho từng hoạt động cả công ty. Việc xây dựng kế hoạch có thể cung cấp cơ sở cho các ngân sách hoạt động, mục tiêu, quy trình và kiểm soát quản lý (Friend & Zehle, 2004). Các công ty có kế hoạch tốt sẽ có lợi thế vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh, với mức hiệu suất cao hơn (Vuong & Rajagopal, 2020). Ngân sách là một công cụ quản lý giúp tổ chức và xây dựng kế hoạch hoạt động của nhà quản trị (Kiiru et. al., 2018). Dự toán ngân sách là một trong các công cụ lập kế hoạch chính được sử dụng trong các tổ chức, xác định các yếu tố về chi phí, doanh thu dự kiến trong quá trình hoạt động của tổ chức, tạo điều kiện cho việc xây dựng kế hoạch phù hợp.
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, việc quản lý tài chính hiệu quả là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt đối với SMEs. SMEs được coi là khu vực cốt lõi trong việc cung cấp sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước (Vuong & Rajagopal, 2020; Doko, 2024). Do đó, hiệu quả tài chính của SMEs rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và toàn cầu (Nair, Radman & Ahamad, 2020). Tuy nhiên, theo Abongo (2017), tỷ lệ SMEs phá sản ngay sau khi thành lập rất cao, một nguyên nhân quan trọng được đề cập đó là quá trình lập ngân sách yếu kém. Ngân sách đóng vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức trên toàn thế giới, vì nó cho phép các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chiến lược đã đặt ra cho tương lai (Nair, Radman & Ahamad, 2020). Một ngân sách có cấu trúc tốt giúp doanh nghiệp đối phó với những bất ổn của thị trường và thích ứng với các thay đổi về cung cầu (Doko, 2024). Dự toán ngân sách được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán, kiểm soát chi phí và là cơ sở để nhà quản trị đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả. Ngân sách rất quan trọng đối với SMEs, vì chúng cung cấp thông tin hướng đến tương lai, giúp các doanh nghiệp theo dõi và kiểm soát hiệu suất tài chính của mình (Nair, Radman & Ahamad, 2020). Tuy nhiên, nhiều SME chưa thực sự áp dụng hoặc chưa biết cách xây dựng dự toán ngân sách một cách bài bản.
2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)
SMEs là những tác nhân chủ chốt trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới (Nair, Radman & Ahamad, 2020). SMEs chiếm phần lớn các doanh nghiệp trên toàn cầu và có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế quốc gia. SMEs luôn có nhiều sự sáng tạo, đổi mới, năng lực quản lý tốt và nắm bắt văn hóa mới (Vuong & Rajagopal, 2020). Theo Ngân hàng Thế giới, SMEs chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp và đóng góp hơn 50% việc làm trên toàn cầu (World Bank, 2019). Tại các nền kinh tế mới nổi, SMEs chính thức đóng góp tới 40% thu nhập quốc dân (GDP). SMEs là một công cụ bền vững cho các nước phát triển và đang phát triển về mặt tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và tạo ra của cải (Adegun et. al., 2023)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết, khu vực SME luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, SMEs chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế (PV, 2024). SMEs có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. SMEs cũng chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Tiêu chí phân loại SMEs cũng đã được Chính phủ quy định rõ trong Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021.
3. Dự toán ngân sách
3.1. Khái niệm và nội dung của dự toán ngân sách
Kế toán quản trị tập trung vào việc thu thập, phân tích và báo cáo thông tin tài chính để hỗ trợ nhà quản trị ra quyết định. Chức năng của nhà quản trị là hoạch định, tổ chức điều hành, kiểm soát và ra quyết định. Dự toán ngân sách là một trong những công cụ của kế toán quản trị, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của nhà quản trị, đặc biệt là chức năng hoạch định, kiểm soát. Ngân sách là việc thực hiện chiến thuật của một kế hoạch kinh doanh để đạt được các mục tiêu của tổ chức (Myint, 2019). Dự toán ngân sách là quá trình tổ chức, tính toán và lập kế hoạch tài chính một cách chi tiết và toàn diện về việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện các hoạt động cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Dự toán ngân sách bao gồm nhiều kế hoạch có liên quan với nhau, xây dựng các báo cáo định lượng về các hoạt động dự kiến trong tương lai của doanh nghiệp. Lập ngân sách là tập hợp các hoạt động liên quan đến việc dự báo nhu cầu tài chính của doanh nghiệp, xác định thu nhập và chi phí của một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định và là thành phần quan trọng đảm bảo tài chính của doanh nghiệp (Abongo, 2017; Doko, 2024). DTNS là một bước quan trọng trong quy trình lập ngân sách. Quy trình lập ngân sách đóng vai trò trung gian để phân bổ tất cả các yếu tố chính bao gồm; lập kế hoạch kinh doanh, cam kết của tổ chức, thực hiện chiến lược, kiểm soát quản lý để hỗ trợ hiệu suất của các SME (Vuong & Rajagopal, 2020). Quy trình này có thể khác nhau giữa các tổ chức, nhưng điểm chung gồm các bước sau: đánh giá sự khác biệt giữa số tiền dự toán và số tiền thực tế; xác định và ưu tiên các mục tiêu và nhu cầu kinh doanh của giai đoạn sắp tới; dự báo và đánh giá các xu hướng hiện tại trong môi trường kinh doanh, doanh thu đầu vào và các rủi ro liên quan; đảm bảo nguồn tài trợ phù hợp với các mục tiêu chiến lược của công ty và lựa chọn các phương pháp, thủ tục phù hợp để thực hiện và giám sát kế hoạch; xem xét và phê duyệt ngân sách (Doko, 2024; Abongo, 2017). Nội dung của dự toán ngân sách thường bao gồm:
- Dự toán tiêu thụ sản phẩm: dự báo doanh số bán hàng cho từng sản phẩm, dịch vụ. Xác định giá bán dự kiến, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu (thị trường, cạnh tranh,...).
- Dự toán sản xuất, dự toán tồn kho thành phẩm cuối kỳ, dự toán mua hàng.
- Dự toán chi phí: chi phí sản xuất (nguyên vật liệu, nhân công, chi phí sản xuất chung); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp; chi phí tài chính;…
- Dự toán dòng tiền: dự báo dòng tiền vào (từ doanh thu, đầu tư,...); dự báo dòng tiền ra (chi phí, trả nợ,...); cân đối thu chi; xác định yêu cầu tồn quỹ tiền mặt dự kiến.
- Dự toán lợi nhuận: xây dựng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dự kiến; tính toán lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận.
- Dự toán bảng cân đối kế toán: xác định các yếu tố tài sản, nguồn vốn dự kiến
- Các nội dung khác: dự toán ngân sách đầu tư; dự toán ngân sách cho từng bộ phận,…
Quy trình lập dự toán ngân sách gồm 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (xác định mục tiêu chung của tổ chức, chuẩn hóa ngân sách, đánh giá hệ thống); giai đoạn soạn thảo (thu thập thông tin chuẩn bị dự thảo ngân sách lần đầu tiên, kiểm tra các con số dự toán bằng cách chất vấn và phân tích, lập dự toán tiền mặt để theo dõi dòng tiền, xem lại quy trình hoạch định ngân sách và chuẩn bị ngân sách tổng thể); giai đoạn theo dõi, kiểm soát (phân tích sự khác nhau giữa thực tế và dự toán, theo dõi khác biệt, phân tích sai số, kiểm tra những điều không ngờ đến, dự báo lại và điều chỉnh, xem xét những dạng ngân sách khác, rút kinh nghiệm) (Huỳnh và các cộng sự, 2020). Một số loại dự toán ngân sách phổ biến như: dự toán ngân sách tĩnh (Static Budget), dự toán ngân sách linh hoạt (Flexible Budget), dự toán ngân sách hoạt động (Operating Budget), dự toán ngân sách dòng tiền (Cash Budget).
3.2. Vai trò của dự toán ngân sách
Dự toán ngân sách có vai trò quan trọng đối với quá trình hoạt động của SMEs, một số vai trò phổ biến được nêu dưới đây:
Một là, lập kế hoạch tài chính và kiểm soát chi tiêu: dự toán ngân sách là công cụ quan trọng giúp SMEs lập kế hoạch tài chính, đảm bảo việc sử dụng nguồn lực hiệu quả. SMEs thường có doanh thu và nguồn vốn hạn chế, nên việc dự đoán dòng tiền, doanh thu và chi phí giúp doanh nghiệp theo dõi tài chính, thực hiện chi tiêu hợp lý. Khi có kế hoạch rõ ràng, doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh và tối ưu hóa lợi nhuận. Dự toán ngân sách dùng làm căn cứ cho việc huy động vốn, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền trong quá trình kinh doanh, đảm bảo dòng tiền ổn định, không bị gián đoạn hoạt động do thiếu hụt ngân sách.
Hai là, phân bổ nguồn lực: dự toán ngân sách góp phần hỗ trợ các nhà quản trị xác định và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp (Adegun et. al., 2023). Dự toán ngân sách giúp SMEs phân bổ nguồn lực giữa các phòng ban và hoạt động khác nhau, ưu tiên các mục tiêu quan trọng và sử dụng hợp lý nguồn lực cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Ba là, ra quyết định kinh doanh chính xác: SMEs thường đối mặt với nhiều lựa chọn quan trọng liên quan đến tài chính, đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh. Dự toán ngân sách cung cấp dữ liệu tài chính để hỗ trợ nhà quản trị doanh nghiệp có thể ước tính lượng vốn cần huy động, tránh các rủi ro tài chính khi vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư, ra các quyết định đầu tư, mở rộng, thu hẹp hoạt động, hoặc cắt giảm chi phí và lập kế hoạch tài chính dài hạn phù hợp với năng lực doanh nghiệp.
Bốn là, đánh giá hiệu quả hoạt động: dự toán ngân sách là công cụ để đánh giá hiệu quả tài chính của doanh nghiệp và từng bộ phận cụ thể: So sánh giữa dự toán và thực tế giúp doanh nghiệp phát hiện kịp thời những sai lệch để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tế kinh doanh; Nâng cao hiệu suất làm việc thông qua hoạt động theo dõi hiệu quả sử dụng ngân sách.
Năm là, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: Một kế hoạch ngân sách rõ ràng giúp tăng tính minh bạch trong việc sử dụng tài chính, nó tạo cơ sở để nhà quản trị thực hiện giải trình và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng nguồn lực với các nhà đầu tư.
Sáu là, định hướng chiến lược dài hạn: Dù có quy mô nhỏ nhưng SMEs vẫn cần chiến lược dài hạn để phát triển bền vững. Dự toán ngân sách giúp xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với năng lực tài chính, tạo cơ sở thuyết phục nhà đầu tư, ngân hàng khi cần gọi vốn, tránh tình trạng mở rộng quá nhanh khi chưa đủ nguồn lực.
Dự toán ngân sách có vai trò thiết yếu đối với SMEs trong việc lập kế hoạch, kiểm soát chi tiêu, ra quyết định tài chính, quản lý rủi ro và xây dựng định hướng dài hạn. Việc áp dụng công cụ dự toán ngân sách hiệu quả sẽ giúp SMEs tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
3.3. Lợi ích của dự toán ngân sách
Quá trình lập ngân sách là một trong những hoạt động quan trọng của quản lý tài chính doanh nghiệp và đặc biệt quan trọng đối với SMEs (Doko, 2024). SMEs cần thực hiện ngay quá trình lập ngân sách, vì các kỹ năng xử lý ngân sách sẽ hỗ trợ nhà quản trị đưa ra các quyết định hiệu quả giúp nâng cao tính bền vững khi đối mặt với các thách thức về môi trường, giành được lợi thế cạnh tranh và đạt được tầm nhìn về mục tiêu phát triển bền vững (Adegun et. al., 2023; Doko, 2024). Dự toán ngân sách là công cụ quan trọng để lập kế hoạch tài chính mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho SMEs trong quá trình hoạt động và phát triển, một số lợi ích phổ biến như:
- Kiểm soát tài chính chặt chẽ: dự toán ngân sách giúp SMEs theo dõi và kiểm soát chi tiêu, tránh được việc chi tiêu vượt mức và duy trì sự ổn định tài chính.
- Tối ưu hóa chi phí: SMEs thường có nguồn lực hạn chế, vì vậy việc sử dụng ngân sách hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm các khoản chi không cần thiết và tối đa hóa lợi nhuận. Dự toán giúp doanh nghiệp nhận diện được những khoản chi phí có thể tiết kiệm, từ đó cải thiện hiệu quả tài chính.
- Cải thiện hiệu suất tài chính: Mức lợi nhuận của SMEs tăng lên hơn khi áp dụng tốt các hoạt động lập ngân sách (Fortuna, 2021). Trong điều kiện nguồn lực tài chính bị giới hạn, các chi phí càng được kiểm soát hợp lý, hiệu suất tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện rõ rệt, làm cơ sở để SMEs duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững. Dự toán ngân sách giúp SMEs kiểm soát các khoản chi tiêu, đảm bảo rằng chúng được sử dụng đúng mục đích và mang lại giá trị tối đa.
- Hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác: Hiện nay, thị trường kinh doanh có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các nhà quản trị phải đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Dự toán ngân sách cung cấp các báo cáo có số liệu rõ ràng và chi tiết dự đoán về tài chính, giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định nhanh chóng như mở rộng đầu tư, cắt giảm chi phí,...
- Tạo động lực và trách nhiệm: dự toán ngân sách được lập chi tiết với các kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, bộ phận trong doanh nghiệp. Các kế hoạch được trình bày rõ ràng, chi tiết sẽ tạo động lực phấn đấu cho nhân viên và các bộ phận, họ sẽ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công việc, từ đó tăng hiệu suất làm việc nhằm đạt được mục tiêu chung.
- Nâng cao khả năng huy động vốn: dự toán ngân sách được xây dựng hợp lý với các kế hoạch tài chính rõ ràng, minh bạch giúp doanh nghiệp có được lòng tin và sự tín nhiệm từ nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn, tạo cơ hội phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dự toán ngân sách trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dự toán ngân sách có vai trò quan trọng, tuy nhiên việc áp dụng tại SMEs hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn như:
- Thiếu nhân lực và kinh nghiệm: Nhiều SME không có nhân viên chuyên trách hoặc chưa được đào tạo chuyên môn dẫn đến việc lập dự toán ngân sách thiếu chính xác và không hiệu quả. Bên cạnh đó, SMEs thường gặp khó khăn trong việc huy động đủ nguồn lực tài chính để thực hiện các hoạt động lập dự toán ngân sách.
- Thiếu công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp: Một số doanh nghiệp chưa đầu tư vào các công nghệ, phần mềm chuyên dụng để hỗ trợ lập dự toán ngân sách. Lập dự toán ngân sách thủ công dễ xảy ra sai sót và thiếu tính nhất quán. Chi phí bỏ ra để đầu tư vào đào tạo nhân sự, trang bị các công nghệ, phần mềm hỗ trợ cũng là một yếu tố khó khăn phổ biến đối với SMEs.
- Áp dụng nhưng chưa hiệu quả, thiếu dữ liệu tài chính chính xác: Thị trường luôn biến động, khiến việc dự báo chi phí và doanh thu trong tương lai trở nên khó khăn, các yếu tố như thay đổi nhu cầu tiêu dùng, giá cả nguyên vật liệu và các yếu tố chính trị xã hội có thể ảnh hưởng lớn đến lập dự toán ngân sách. Một số SME đã bắt đầu lập dự toán ngân sách nhưng gặp khó khăn trong việc dự báo chính xác các yếu tố tương lai, dẫn đến việc dự toán được lập ra nhưng không phản ánh đúng thực tế.
Bên cạnh đó, theo Doko (2024): SMEs phải đối mặt với thách thức khi thực hiện dự toán ngân sách là sự tham gia của các bên liên quan, sự kết nối giữ các bộ phận trong doanh nghiệp; thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính dài hạn và sự hỗ trợ hạn chế từ các tổ chức tài chính.
Do đó, bài nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dự toán ngân sách trong SMEs, cụ thể:
- Ứng dụng công nghệ tài chính: các phần mềm kế toán hoặc hệ thống ERP là phương tiện quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp lập dự toán ngân sách, giúp giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian. Đầu tư vào phần mềm quản lý ngân sách và các công cụ phân tích dữ liệu để tự động hóa quy trình, cải thiện độ chính xác của dữ liệu dự báo, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hiện các vấn đề tài chính và đưa ra giải pháp kịp thời (Doko, 2024)
- Đào tạo nhân viên: các nhà quản trị và nhân viên chuyên trách cần phải tham gia khóa đào tạo về ngân sách để nâng cao khả năng lập ngân sách (Adegun et. al., 2023). Việc cải thiện năng lực và kỹ năng lập ngân sách của nhân viên rất quan trọng, doanh nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu để đảm bảo nhân viên có đủ kiến thức và kỹ năng trong việc lập và quản lý ngân sách.
- Lập ngân sách linh hoạt: SMEs cần xây dựng các dự toán ngân sách trong nhiều tình huống khác nhau để có thể phản ứng kịp thời trước các biến động bất ngờ. Việc có một kế hoạch tài chính linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định tài chính trong bối cảnh biến động của thị trường.
- Thu thập và phân tích dữ liệu tài chính chính xác: việc xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu tài chính và phân tích dữ liệu này sẽ giúp doanh nghiệp dự báo chính xác hơn về các yếu tố tương lai. Thiết lập hệ thống thông tin tài chính rõ ràng và khuyến khích giao tiếp giữa các phòng ban để lập ngân sách chính xác hơn (Doko, 2024).
5. Kết luận
Kế toán quản trị sử dụng nhiều công cụ để lập kế hoạch, kiểm soát chi phí, phân tích tài chính và ra quyết định quản lý. SMEs có thể tận dụng các công cụ phù hợp với quy mô của mình để nâng cao hiệu quả tài chính và quản lý kinh doanh. Dự toán ngân sách là một công cụ quan trọng trong kế toán quản trị, việc lập dự toán ngân sách giúp doanh nghiệp xây dựng các mục tiêu rõ ràng và hiệu quả, là một thang điểm để đo lường với thực tế giúp doanh nghiệp thực hiện các thay đổi cần thiết phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế. Với các vai trò và lợi ích của mình, dự toán ngân sách là công cụ không thể thiếu đối với SMEs trong việc quản lý tài chính và là một trong các yếu tố quan trọng giúp SMEs duy trì hoạt động và phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Huỳnh, L., Đào, T. T., & Lê, Đ. T. (Chủ biên). (2020). Kế toán Quản trị. NXB Tài chính, Hà Nội.
PV (2024). Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Truy cập tại https://consosukien.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-luon-co-vi-tri-dac-biet-dong-vai-tro-quan-trong-trong-tang-truong-kinh-te-ta.htm
Abongo, S. (2017). The effect of budgeting process on the financial performance of top 100 small and medium firms in Kenya. Master’s thesis, University of Nairobi, Kenya.
Adegun, E. A., Oloruntoba, O., Fasesin, O. O., & Babalola, O. A. (2023). Budgeting process and small and medium enterprises performance: A goal-setting theory and quantitative approach. Rajasthali Journal, 4(1), 23-31.
Doko, A. (2024). Budgeting process in small and medium-sized enterprises: Statistical analysis of SMEs in Albania. Journal of Information Systems & Operations Management, 12(1), 68-84.
Fortuna, C. P. A. (2021). Budgeting practices: Its impact on the profitability of small and medium enterprises in Isabela. Universal Journal of Accounting and Finance, 9(3), 336-346.
Graham Friend & Stefan Zehle (2004). Guide to Business Planning. London: GBR - Profile Books Limited.
Kiiru, S. M., Kamau, J. G., & Nzioki, P. M. (2018). Effect of budget planning on financial performance of small and medium enterprises in Nakuru town central business district. International Journal of Business Management and Processes, 4, 79-88.
Myint, Y. Y. (2019). Analysis of the relationship between budget participation and job performance in Myanmar Private Commercial Banks. International Journal of Economics, Business and Management Research, 3(02), 144.
Nair, S., Radman, O. A. A., & Ahamad, S. (2020). The budgetary process and its effects on financial performance: A study of small and medium-sized enterprises in Yemen. International Journal of Innovation, Creativity and Change, 14(3), 816-834.
Vuong, K. T., & Rajagopal, P. (2020). A review of the management process with the mediating role of the budget process on the performance of Vietnamese SMEs. Management Dynamics in the Knowledge Economy, 8(3), 277-296.
World Bank. (2019). Small and Medium Enterprises. [Online] Available at https://www.worldbank.org/en/topic/smefinance.
THE ROLE OF BUDGET FORECASTING
IN SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES
• PHUNG THI THU HUONG
An Giang University, An Giang, Vietnam
Vietnam National University - Ho Chi Minh City, Vietnam
ABSTRACT:
Budget forecasting is a vital component of the management accounting system, supporting organizational leaders in setting strategic goals, allocating resources effectively, and assessing managerial performance across all levels. Its importance is particularly pronounced in the context of small and medium-sized enterprises (SMEs), where resource constraints and market volatility demand prudent financial planning. This study examines the key functions and practical benefits of budget forecasting for SMEs, highlighting its role in enhancing operational efficiency and strategic decision-making. Based on this analysis, the study proposes a set of targeted solutions to improve the accuracy, formulation, and implementation of budget forecasts, thereby contributing to more sustainable business management practices.
Keywords: small and medium-sized enterprises, management accounting, budget, budget forecasting.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 4 năm 2025]