Văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI)

TS. LÊ THỊ VIỆT HÀ (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - Học viên cao học TẠ THANH TUẤN - (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã dựa vào văn hóa doanh nghiệp để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong kết quả chung của Tổng công ty (TCT). Do vậy ở bài viết này sẽ tập trung bàn đến văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, qua đó tìm hiểu thực trạng văn hóa doanh nghiệp của TCT và đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa doanh nghiệp TCT hơn nữa để đạt được hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.

Từ khóa: văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện.

1. Đặt vấn đề

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cung cấp cho khách hàng bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm thuộc 4 nhóm sản phẩm chính: bảo hiểm Xe cơ giới, bảo hiểm Con người, bảo hiểm Tài sản Kỹ thuật, bảo hiểm Hàng hải. PTI tự hào là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có mạng lưới bán hàng và phục vụ khách hàng lớn nhất thị trường. Để đạt được những thành quả đó, TCT đã rất chú trọng tới phát triển văn hóa doanh nghiệp tới tất cả cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp. Trong bài viết này, nhóm tác giả đặt ra những câu hỏi: 1) Văn hóa kinh doanh có vai trò gì đối với sự phát triển của doanh nghiệp; 2) Những nhân tố nào ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty cổ phần Bưu Điện?; 3) Thực trạng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty cổ phần Bưu Điện hiện nay ra sao?; 4) Cần có những giải pháp gì để thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty cổ phần Bưu điện hướng tới xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững?

2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện bài viết, chúng tôi thực hiện những phương pháp sau:

Phương pháp phân tích tổng hợp: Các số liệu của các báo cáo, từ kết quả khảo sát thực tế để phản ánh thực trạng văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện; Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia: Lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm; Phương pháp xử lý số liệu: Tác giả lập bảng hỏi khảo sát thực trạng về 3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp, Xây dựng bảng câu hỏi khảo sát sự cảm nhận và đánh giá thực trạng về 3 cấp độ Văn hóa doanh nghiệp. Sử dụng thang đo Likert với 5 bậc quy ước trước, tương ứng với thang điểm từ 1 đến 5.

3. Thực trạng văn hóa doanh nghiệp tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được thành lập ngày 01/08/1998 với cổ đông sáng lập: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (sau giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam quản lý); Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và các Tập đoàn kinh tế lớn trong nước.

Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường Việt Nam là: Bảo Việt (15,4%), PVI (14,3%), PTI (10.1%), Bảo Minh (7,8%) và MIC (6,8%).

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp của TCT hiện nay xếp theo mức độ quan trọng thứ tự là: Triết lý quản lý và kinh doanh - đây là cơ sở xây dựng định hướng hoạt động của doanh nghiệp và chi phối các quyết định quản lý; Động lực của cá nhân và tổ chức - chính là các động lực thúc đẩy hành động của các cá nhân và môi trường - “động lực chung” của tổ chức.  

Ngoài ra, điều kiện làm việc luôn được chú trọng đầu tư đúng mức. Quy trình, quy định, chính sách giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, theo chuẩn. Đây cũng là cấu thành giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, góp phần tạo tính ổn định và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp của TCT, đã thể hiện qua những hoạt động, như: trưng bày các biểu trưng trực quan của văn hóa công ty PTI; thực hiện các nghi lễ, nghi thức của công ty; thực hiện nhất quán các ngày nghỉ lễ hàng năm và thời gian tổ chức trong toàn Công ty cho các dịp sự kiện như Tết Dương lịch, Gặp mặt đầu Xuân, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3,... Công tác khen thưởng của TCT  được kiện toàn, thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo được không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp các phân xưởng, công trường. (Xem Bảng khảo sát mức độ hài lòng về Tổng công ty)

Bảng khảo sát mức độ hài lòng về Tổng công ty

(Tổng số người tham gia khảo sát: 405 người)

     Tiêu chí

    đánh giá

 

 

 

Mức độ

đánh giá

Đánh giá về việc lãnh đạo tôn trọng, quan tâm, động viên CBCNV

Sự hài lòng trong mối quan hệ với đồng nghiệp

Mức độ hài lòng về văn hóa doanh nghiệp

Mức độ hài lòng về việc CBCNV được tham gia các khoá đào tạo

Mức độ hài lòng về việc doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng

 

 

Tỉ lệ chung mức độ hài lòng

Hoàn toàn không hài lòng

0

0

0

0

0

0.0%

Không hài lòng một số mặt

3

5

7

9

11

1.7%

Bình thường

32

32

21

18

13

5.7%

Hài lòng

41

39

34

41

9

8.1%

Rất hài lòng

329

329

343

337

372

84.4%

Nguồn: Khảo sát của tác giả (2022)

4. Một số giải pháp phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện

Để nâng cao văn hóa doanh nghiệp tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, chúng tôi thấy cần đưa ra một số giải pháp có tính chất chiến lược như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của nhân viên về vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Một tổ chức chỉ có thể thay đổi khi từng cá nhân thay đổi. TCT cần tập trung động viên từng cá nhân phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và ý thức chủ động trong công việc. Mỗi cán bộ nhân viên của phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm  của mìnhvới sự phát triển kinh tế - xã hội, cam kết tận tâm trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả khi thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng. Tại TCT đã có nhiều giải pháp để đưa vào áp dụng, truyền thông và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, kết quả chưa thực sự như mong muốn, còn tồn tại những hạn chế yếu kém nhất định. 

Thứ hai, nâng cao chất lượng truyền thông văn hóa doanh nghiệp. Về truyền thông nội bộ, TCT phải thành lập riêng một bộ phận chuyên trách về văn hóa doanh nghiệp, bộ phận này có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn cho lãnh đạo TCT để điều chỉnh, xây dựng những giá trị, niềm tin, quy tắc mới, đặc trưng của TCT. Từ đó, xây dựng các kế hoạch, tổ chức đào tạo, truyền thông và phát triển những giá trị văn hóa doanh nghiệp trong toàn TCT. TCT cần tập trung bồi dưỡng một đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có văn hóa và có năng lực, kinh nghiệm truyền tải những thông điệp văn hóa của TCT đến với cán bộ nhân viên. Đồng thời, cần xây dựng những chiến lược truyền thông ngắn hạn, dài hạn, những mục tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn cụ thể để triển khai thực hiện. Công ty cần tổ chức từng đợt truyền thông văn hóa tại các đơn vị cơ sở, đặc biệt cho các tổ đội công nhân.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống khen thưởng và khuyến khích. Có thể chú trọng vào công tác đánh giá quá trình lao động. Quản lý và đánh giá công việc là khâu then chốt trong đánh giá khen thưởng và khuyến khích người lao động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của tổ chức. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban giám đốc TCT cần tập trung vào công tác này trên các khía cạnh như: bộ phận nguồn nhân lực phải phối hợp với các bộ phận chuyên môn của c TCT xây dựng hệ thống đánh giá đa chiều: cấp trên đánh giá cấp dưới, đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau, bộ phận này đánh giá bộ phận khác, các tiêu thức đánh giá phải rõ ràng, thống nhất trên cơ sở của việc phân tích và bản mô tả công việc cụ thể cho từng vị trí, chức danh, đồng thời phải đảm bảo dễ thực hiện; tăng cường hơn nữa việc phân cấp quản lý trên cơ sở quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp quản trị trong hệ thống tổ chức của Công ty đảm bảo tính hệ thống, tính phân quyền và tính khoa học trong quản lý. Thông qua sự phân cấp quản lý chặt chẽ, Công ty sẽ hình thành được bộ máy quản lý đồng bộ giúp cho công tác điều hành đạt hiệu quả.

Thứ tư, hoàn thiện xây dựng tốt mối quan hệ cấp trên cấp dưới. Mối quan hệ cấp trên với cấp dưới cũng là một trong những yếu tố tác động ảnh hưởng tinh thần làm việc của nhân viên. Vì vậy, để tăng mức độ thỏa mãn của cán bộ công nhân viên đối với TCT, vấn đề mối quan hệ cấp trên, cấp dưới cũng cần được quan tâm và làm tốt. Cấp trên thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ phân công, sắp xếp giao việc cho cấp dưới và đồng thời luôn hoan nghênh các đóng góp cũng như thường xuyên đánh giá thành tích thực hiện công việc của cấp dưới, những nhân viên có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp tục và phát triển trong công việc.  

Thứ năm, tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận tiện cho nhân viên. Ban lãnh đạo TCT cần quan tâm tạo ra một môi trường và điều kiện làm việc tốt, thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên, đồng thời để kích thích và thu hút cũng như giữ chân người lao động giỏi. Một môi trường có điều kiện làm việc thuận lợi (an toàn, sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị và phương tiện làm việc…) sẽ tạo ra không khí làm việc chuyên nghiệp và thoải mái tại nơi làm việc, giúp nhân viên tập trung hoàn thành công việc có hiệu quả. Vì vậy, ban lãnh đạo TCT cần quan tâm, thiết lập và cố gắng duy trì một môi trường làm việc thật sự tiện nghi về cơ sở vật chất, không gian làm việc hiện đại. Hệ thống an toàn và bảo hộ lao động cho công việc ở bộ phận kỹ thuật sản xuất cần được trang bị hệ thống phương tiện đồng bộ thiết bị bảo hộ tốt, phù hợp với tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

Thứ sáu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Với mục tiêu giảm thiểu tổn thất cho PTI cũng như cho khách hàng, cần tăng cường thực hiện công tác kiểm soát và quản lý rủi ro cho các nhóm nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, như: nhóm nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và tài sản kỹ thuật. Muốn vậy, PTI cần có một đội ngũ nhân viên năng động, có trình độ và kinh nghiệm. Vì thế, chiến lược đào tạo nâng cao cần được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Đối với PTI, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, là yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, PTI luôn quan tâm đến yếu tố con người, tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực.  

5. Kết luận

Qua khảo sát thực trạng văn hóa doanh nghiệp tại TCT, chúng tôi nhận thấy TCT đã xây dựng, hoàn thiện một nền tảng tư tưởng, văn hóa doanh nghiệp đặc trưng cơ sở cá thể hóa văn hóa của Tổng công ty làm cơ sở để đạt được các mục tiêu đề ra. Công ty đã xây dựng một quy trình đánh giá, hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp và duy trì được một môi trường làm việc hiện đại, lành mạnh; đảm bảo sự công bằng trong thu nhập và tạo cơ hội phát triển cho mọi thành viên; quan tâm chu đáo đến đời sống vật chất, tinh thần, gia đình của từng cán bộ nhân viên. Từ đó, tạo sự đoàn kết mạnh mẽ trong nội bộ và sự gắn bó của cán bộ nhân viên đối với TCT. Bên cạnh đó, TCT đã xây dựng được một đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn, phong thái làm việc chuyên nghiệp, năng động, cởi mở và hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp TCT. Với các giải pháp phát triển văn hóa doanh nghiệp được đề xuất, cùng với các chiến lược phát triển riêng, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện sẽ đạt được nhiều kết quả kinh doanh hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt

  1. Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (2022), Báo cáo tài chính PTI các năm 2020, 2021.
  2. Đỗ Minh Cương, (2011). Văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh. NXB Chính trị Quốc gia.
  3. Trương Hoàng Lâm, (2012). Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự cam kết gắn bó của nhân viên đối với Công ty Hệ thống thông tin FPT. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế. Trường Đại học Nha Trang.
  4. Dương Quốc Thắng, (2010), Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với triết lý phương Đông. NXB Đại học Thái Nguyên.

Tài liệu tiếng Anh

  1. Cooke, R. A., Szumal, J. L. (1993). Measuring normative beliefs and shared behavioral expectations in organizations: The reliability and validity of the organizational culture inventory. Psychological Reports, 72, 1299-1330. CrossRefGoogle Scholar.
  2. Cooke, R. A., Szumal, J. L. (2000). Using the organizational culture inventory to understand the operating cultures of organizations. In Neal M. Ashkanasy, Celeste P. M. Wilderom & Mark F. Peterson (Eds.), Handbook of organizational culture and climate (pp. 147-162). Thousand Oaks, CA: Sage.Google Scholar.
  3. Deshpandé, R., & Farley, J. U. (1999). Executive insights: corporate culture and market orientation: comparing Indian and Japanese firms. Journal of International Marketing, 7(4), 111-127.

 A study on the corporate culture of Posts and Telecommunications Joint Stock Insurance Corporation

PhD. LE THI VIET HA1

Master student. TA THANH TUAN1

1University of Economics and Business, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

Corporate culture is a vital element of every enterprise in the context of current economic integration process. Posts and Telecommunications Joint Stock Insurance Corporation (PTI) has developed their corporate culture in order to obtain remarkable achievements. This study analyzes the current PTI’s corporate culture. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to support PTI develop its corporate culture in the coming time.

Keywords: corporate culture, business ethics, social responsibility, sustainable development, Posts and Telecommunications Insurance Corporation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]