Tóm tắt:
Theo kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017, ở nước ta, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp - chỉ với 0,5%, nhưng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước lại chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn toàn bộ khu vực doanh nghiệp[1].
Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đặc biệt quan trọng này, việc cải cách trong cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Bài viết nghiên cứu về vị trí, vai trò của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hiện nay.
Từ khóa: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu.
1. Căn cứ ban hành và vị trí của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Xuất phát từ thực tế cho thấy, việc tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong nhiều năm qua ở nước ta đã phát sinh những hạn chế, bất cập:
Theo quy định trước đây, mô hình thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn phân tán. Cụ thể, quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước được giao cho các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Chính việc phân chia chức năng chủ sở hữu phân tán cho nhiều cơ quan như vậy, dẫn tới các vấn đề vướng mắc và lúng túng trong sự phối hợp giữa các cơ quan, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước.
Bộ máy thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên trách, không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Mặc dù mô hình tổ chức thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở nước ta đã được đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dù đã góp phần thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước - chuyển từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư kinh doanh vốn, nhưng SCIC vẫn chủ yếu thực hiện thoái vốn, bán vốn nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ đầu tư phát triển vốn nhà nước như kỳ vọng.
Chính sự phân tán và thiếu chuyên biệt trong quản lý vốn nhà nước đã dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2012 là 16,4%; năm 2013 là 15,8% đến năm 2017 chỉ còn 12,2%. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ hàng năm không giảm, luôn có 20% doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có lợi nhuận. Năm 2017, doanh nghiệp nhà nước chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần[2].
Qua đó, việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở là phù hợp với các chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Các nghị quyết, kết luận của Đại hội Đảng đã nhiều lần yêu cầu tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và hình thành bộ máy chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã yêu cầu: "Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp".
Việc hình thành Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp, có năng lực và nguồn lực tương xứng để tập trung chức năng quản lý, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp - là yêu cầu khách quan và cần thiết. Khác với những mô hình đã có trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ. Ủy ban được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định.
Đồng thời với việc ban hành Quyết định thành lập Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đã được giao cho Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, trong đó có những tập đoàn, tổng công ty trước đây do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan đại diện, như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (từng thuộc Bộ Tài chính), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (từng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông),...
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc xóa bỏ cơ chế đại diện cũ đang tồn tại. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vẫn đóng vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban và SCIC hay những doanh nghiệp trong thời gian chưa chuyển giao. Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước vẫn thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật[3] nhưng hoạt động với tư cách là một doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện.
2. Vai trò của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ủy ban vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Do đó, Ủy ban đảm nhiệm hai nhóm nhiệm vụ và quyền hạn chính:
Một là, với tư cách một cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều 3 Nghị định số 10/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/2/2016 quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Điều 6 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, bao gồm: đề xuất Chính phủ việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ủy ban; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với công chức, viên chức, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền đầu tư của Ủy ban;…
Hai là, với tư cách một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Với mỗi nhóm doanh nghiệp có vốn góp nhà nước khác nhau thì thẩm quyền của ủy ban với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng được quy định không giống nhau, căn cứ theo các quy định - Luật Doanh nghiệp (2014), Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (2014), Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/1/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Điều 4, Điều 5 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP - có thể thấy Ủy ban có các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau: Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các quyền, trách nhiệm đối với doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu (như quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp, quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp); quyết định và điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp. Ủy ban còn đóng vai trò là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại các doanh nghiệp theo như quy định và điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp, sửa đổi, ban hành điều lệ doanh nghiệp, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, việc tuyển dụng lao động, thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật,…
Khi bàn về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một vấn đề được đặt ra là mối quan hệ giữa Ủy ban với các Bộ và cơ quan ngang Bộ có dẫn tới tình trạng chồng chéo trong quản lý hay không. Trước đây, các Bộ ngành vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Hiện nay, cùng với sự ra đời của Ủy ban, hai chức năng này đã được tách biệt riêng. Ủy ban chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan đại diện chủ sở hữu, còn các bộ quản lý ngành tiếp tục chủ trì các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực được phân công.
Cũng cần lưu ý là nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cũng không dừng lại ở việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước như SCIC. Ủy ban được thành lập thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, quản lý phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà không can thiệp vào việc sản xuất kinh doanh - thuộc thẩm quyền được quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp. Ủy ban không phải là nhà kinh doanh mà là nhà đầu tư vào doanh nghiệp và phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên doanh nghiệp.
3. Kết luận
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là bước ngoặt lớn, thay đổi toàn diện so với phương thức quản trị, điều hành chồng chéo tại doanh nghiệp có vốn góp nhà nước trước đây. Song đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc vận hành hoạt động của Ủy ban sao cho hiệu quả, tránh “siêu uỷ ban” dẫn đến “siêu quyền lực”, “siêu tham nhũng”.
Trong thời gian tới, các nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, rà soát các văn bản có liên quan về quyền đại diện chủ sở hữu của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và việc quản lý của các Bộ chuyên ngành để đảm bảo việc quản lý thực hiện không chồng chéo, mâu thuẫn; đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước nói riêng, doanh nghiệp có vốn góp nhà nước nói chung phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Xem: http://vneconomy.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-chiem-nguon-von-lon-chu-yeu-la-von-vay-20180919152955158.htm, truy cập ngày 4/5/2019.
- Xem: http://vneconomy.vn/20-doanh-nghiep-nha-nuoc-kinh-doanh-khong-lai-thua-lo-20181113164557246.htm, truy cập ngày 4/5/2019.
- Xem tại: https://nhadautu.vn/lap-sieu-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-so-phan-scic-se-di-ve-dau-d6161.html, truy cập ngày 20/3/2020.
- Xem tại: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-12-nqtw-ngay-362017-hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tiep-tuc-co-cau-lai-562, truy cập ngày 4/5/2019.
The role and the position of the Committee for Management of State Capital at enterprises
Master. Pham Thi Huyen
Faculty of Economics Law, Hanoi Law University
Abstract:
According to the official results of Vietnam’s 2017 Economic Census, although the number of state-owned enterprises accounts for a modest proportion of the total number of enterprises with only 0.5%, the total capital of state-owned enterprises account for 28.4% of the entire capital of Vietnamese enterprises. In order to improve the efficiency of using capital at state-owned enterprises, it is necessary for Vietnam to reform its state capital management mechanism. This article is to study the role and position of the Committee for Management of State Capital at enterprises.
Keywords: Committee for Management of State Capital, enterprises, owner’s representatives.