Thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ
Dẫn số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết tháng 7/2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 1,09 triệu tấn cao su với các mã HS 4001,4002,4003 và 4005 trị giá 2,19 tỷ USD, tăng 12% về lượng và tăng 27,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hoa Kỳ.
Trong thời gian này, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ với 23,51 nghìn tấn, trị giá 41,87 triệu USD, tăng 61% về lượng và tăng 92,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ cũng chiếm 2,2%, tăng nhẹ so với mức 1,5% của 7 tháng đầu năm 2020.
Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ với 23,46 nghìn tấn, trị giá 41,65 triệu USD, tăng 60,8% về lượng và tăng 92,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 4,3%, tăng so với mức 2,9% của 7 tháng đầu năm 2020.
Thống kê cho thấy, trong 7 tháng năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 396,22 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 823,13 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2021.
Đáng lưu ý, cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hoa Kỳ trong 7 tháng năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng. Trong khi thị phần của Đức, Hàn Quốc, Mexico, Nga giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,01% trong tổng lượng cao nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Xuất khẩu cao su giảm về lượng nhưng tăng về trị giá
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tháng 8/2021, xuất khẩu cao su đạt 189,71 nghìn tấn, trị giá 311,35 triệu USD, giảm 14,9% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, xuất khẩu cao su đạt 189,71 nghìn tấn, trị giá 311,35 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với tháng 7/2021; so với tháng 8/2020 giảm 14,9% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 1,11 triệu tấn, trị giá 1,85 tỷ USD, tăng 22,1% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, trong tháng 8/2021, xuất khẩu cao su bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch. Nông dân trồng cao su tiểu điển ở nhiều tỉnh cũng phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su vì giãn cách xã hội.
Về giá xuất khẩu, giá cao su xuất khẩu tháng 8/2021 bình quân ở mức 1.641 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng 7/2021, nhưng tăng 33,3% so với tháng 8/2020.
Trong tháng 8/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 72% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 136,6 nghìn tấn, trị giá 221,86 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với tháng 7/2021; so với tháng 8/2020 giảm 25,8% về lượng và giảm 1,4% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.624 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 7/2021 và tăng 32,8% so với tháng 8/2020. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 778,93 nghìn tấn cao su, trị giá 1,26 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 45,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 11/2021. Trong đó, khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Từ tháng 7 tới tháng 11 là giai đoạn cao điểm của sản xuất cao su tại Trung Quốc, tuy nhiên quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.
Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12/2021 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 4/2022.