Bao bì kéo vốn ngoại
Sự kiện này một lần nữa cho thấy, bao bì vẫn là lĩnh vực hút vốn, nhất là khi các ngành sản xuất lớn, từ công nghiệp chế tạo, nông nghiệp… vào đà tăng tốc, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng bao bì khá đa dạng.
Dự án nhà máy sản xuất bao bì Artpresto Việt Nam, do Công ty Artpresto Việt Nam (thuộc Tập đoàn Bandai Namco) làm chủ đầu tư, với mục tiêu là sản xuất các sản phẩm bao bì chất lượng cao.
Sau khi hoàn thành, nhà máy Artpresto Việt Nam sẽ hoạt động với công suất gần 40 triệu sản phẩm/năm.
Công ty Artpresto được thành lập vào năm 1983, phụ trách mảng thiết kế bao bì, thiết kế sản phẩm, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến in ấn của Tập đoàn Bandai Namco. Tổng doanh thu năm 2018 của Artpresto khoảng 8 tỷ yên.
Ông Urano Masahiro, Tổng giám đốc Công ty Artpresto Việt Nam cho biết, khi đi vào hoạt động, nhà máy tại Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng các sản phẩm bao bì chấ́t lượng cao cho thị trường Nhật Bản và Việt Nam.
Chưa cần nói tới khách hàng, nhu cầu của riêng Tập đoàn Bandai Namco Holdings - công ty mẹ của Artpresto là rất lớn, nên nhà máy tại Việt Nam sẽ là kênh cung ứng bao bì đáng kể cho Tập đoàn. Chưa hết, trong tính toán của tập đoàn này, Artpresto Việt Nam sẽ là bước phát triển đầu tiên của Bandai Namco đến thị trường Việt Nam nói riêng, là nền móng phát triển tại thị trường Đông Nam Á nói chung.
Điều này có thể hiểu, khi kinh doanh tốt tại Việt Nam, vốn sẽ được rót tiếp để mở rộng, tăng sản lượng và chớp thời cơ kinh doanh.
Trước đó, vào giữa năm 2018, Công ty TNHH Bao bì United cũng của một nhà đầu tư Nhật Bản là Tập đoàn Oji Holdings Corporation đã xuống vốn xây dựng nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM), trên diện tích 5 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 15 triệu USD.
Nhà máy của United chuyên sản xuất các sản phẩm từ giấy như các loại bao bì cao cấp dùng trong công nghiệp thực phẩm và nhãn hàng hóa.
Được biết, Nhà máy bao bì Tân Phú Trung là dự án thứ 6 của Tập đoàn Oji Holdings Corporation tại Việt Nam, sau các dự án tại Hải Phòng, Hà Nam và là nhà máy thứ 31 của tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á.
Dự án nhằm triển khai chiến lược mở rộng đầu tư với mục tiêu đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường gia tăng lợi thế cạnh tranh cho Oji Holdings Corporation. Nhà máy dự kiến hoàn tất và đi vào hoạt động trong tháng 5/2019.
Tiềm năng tăng trưởng còn lớn
Với mức tăng trưởng hiện tại từ 10-15%/năm, ngành công nghiệp chế biến và đóng gói bao bì Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn với các nhà cung cấp máy móc thiết bị hoạt động trong ngành, cũng như xu hướng doanh nghiệp ngoại mở rộng đầu tư, thâu tóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Bao bì là sản phẩm phong phú về chủng loại, mẫu mã, vì vậy, nguyên vật liệu bao bì cũng phong phú, đa dạng. Vật liệu bao bì Việt Nam đang sử dụng chủ yếu là nhựa, giấy, carton, kim loại và thủy tinh. Ước tính, toàn ngành sẽ tăng trưởng 25% trong năm 2019.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) cho biết, các doanh nghiệp bao bì ngoại vào Việt Nam đầu tư nhà máy để tận dụng cơ hội kinh doanh, nhưng họ cũng là lực đẩy để ngành bao bì trong nước mạnh lên. Khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp nội sẽ phải đầu tư lớn hơn, thay đổi kịp thời để theo kịp sự phát triển của ngành bao bì.
Theo dự báo, các ngành kinh tế chủ yếu từ thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, sẽ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, do vậy bao bì có cơ hội tốt để phát triển, cả bao bì công nghiệp lẫn bao bì nông nghiệp. Vấn đề là chủ doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược rõ ràng, xác định các giá trị cốt lõi, tăng cường các giải pháp quản trị hiệu quả, tìm kiếm thiết bị công nghệ phù hợp...