Xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long với Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít

Đề tài Xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long với Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít do TS. Nguyễn Diễm Phúc - Nguyễn Thị Bé Huỳnh ( Bộ môn Du lịch - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long - 2 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) thực hiện.

TÓM TẮT:

Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít là hệ thống các lò gạch gốm với tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gốm gạch lớn nhất cả nước. Làng nghề gạch gốm Mang Thít được xem là kho báu lộ thiên giàu giá trị lịch sử, kinh tế và văn hóa, là tiềm năng to lớn trong việc đa dạng hóa và chuyên môn hóa sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch nơi đây còn chưa được đầu tư khai thác hợp lý. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả khái quát, phân tích thực trạng xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Đề án Di sản đương đại, từ đó đề xuất giải pháp nhằm xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long gắn với Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít.

Từ khóa: sản phẩm du lịch, Đề án Di sản đương đại Mang Thít, sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Đề án Di sản đương đại Mang Thít là hệ thống các lò gạch gốm với tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gốm gạch lớn nhất cả nước. Làng nghề gạch gốm Mang Thít được xem là kho báu lộ thiên giàu giá trị lịch sử, kinh tế và văn hóa, là tiềm năng to lớn trong việc đa dạng hóa và chuyên môn hóa sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Đề án Di sản đương đại Mang Thít án ngữ tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Toàn bộ vùng di sản có diện tích khoảng 3.060 ha trải dài trên 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000 ha thuộc hai xã An Phước và Chánh An. Làng nghề gạch gốm là thế mạnh kinh tế của huyện Mang Thít, góp phần giải quyết việc làm của người dân địa phương, đồng thời đóng góp đáng kể cho nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long. Vào những năm 1990, thời điểm phồn thịnh nhất, nơi đây có khoảng 2.000 lò hoạt động cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa và quốc tế. Sau những bước thăng trầm, nghề sản xuất gạch ngói ở Vĩnh Long đã thu hẹp quy mô sản xuất , do nguồn đất sét tại địa phương hầu như cạn kiệt và sản phẩm có sức cạnh tranh kém. Đề án di sản đương đại Mang Thít là ý tưởng được hình thành trên nền tảng khai thác khoảng 900 lò gạch truyền thống hiện có để phục vụ du lịch, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hình ảnh các lò gạch gốm liền kề san sát nhau giống như một “vương quốc” với hàng trăm “kim tự tháp” ẩn mình trong làn khói mờ ảo tạo nên bức tranh đa sắc giữa làng quê mộc mạc, thanh bình. Xét về văn hóa học, đây được xem như một kho báu di sản về phương thức sản xuất với sự giao thoa văn hóa Khmer, Kinh và Hoa tạo nên nguồn tài nguyên du lịch độc đáo. Việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Đề án Di sản đương địa huyện Mang Thít góp phần đa dạng hóa và chuyên môn hóa sản phẩm du lịch cho Vĩnh Long. Đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Vấn đề làng nghề gạch gốm phục vụ cho việc phát triển du lịch trên cả nước đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Có thể kể ra một số bài viết, công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề này như: “Làng gốm Phù Lãng”, “Làng gốm Phù Lãng Quế Võ (Hà Bắc) qua tư liệu mới”, “Lò gốm thời Lê ở Phả Lại, Quế Võ (Hà Bắc)” của 2 tác giả Trần Anh Dũng và Trần Đình Luyện. Gần đây có “Nghề gốm Phù Lãng - truyền thuyết về tổ nghề và lịch trình phát triển”, “Gốm sành nâu ở Phù Lãng” của Trương Thị Minh Hằng.

Riêng lĩnh vực phát triển du lịch làng nghề gạch gốm ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, tại tỉnh Vĩnh Long đang được sự quan tâm rất lớn. Đối với làng nghề gạch gốm Mang Thít gần đây mới được các tác giả là cá nhân, cơ quan quan tâm nghiên cứu như: Đề án “Di sản Đương đại Mang thít” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long thực hiện vào tháng 12/2021. Hội thảo khoa học “Đóng góp ý tưởng tổ chức hoạt động, triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít”, đã được UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức vào ngày 18/11/2022, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022).

Công trình nghiên cứu “Không gian trải nghiệm Di sản đương đại gốm Mang Thít” của sinh viên Bùi Dương Uyên Nhi (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đạt giải Nhì Loa Thành 2022. Những công trình này đã khái quát được tiềm năng, thực trạng và đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch của Mang Thít nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung. Ngoài những đề tài trên đây, đến nay, chưa có công trình khác nào nghiên cứu một cách có hệ thống về xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng thông qua quá trình điền dã dân tộc học với hai công cụ là quan sát tham gia và phỏng vấn sâu có chủ đích. Quan sát tham gia được tiến hành trong quá trình phục vụ du khách đến tham quan và trải nghiệm nhằm mô tả sản phẩm du lịch tại điểm đến. Phỏng vấn sâu có chủ đích bao gồm du khách, dân địa phương, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ quan quản lý nhà nước, nhằm thu thập ý kiến đa chiều về quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, hiệu quả và khả năng phát triển của sản phẩm du lịch trong tương lai.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Quan điểm về xây dựng sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch được xác định dựa trên nền tảng về thị trường du lịch, xu hướng và thị hiếu khách du lịch. Vì vậy, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và tiếp thị là một chuỗi hoạt động kết nối liên tục trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch. Sự liên kết giữa thị trường và sản phẩm phải tuân theo các quy luật: quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh và quy luật giá trị.

Xây dựng sản phẩm du lịch có thể tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau: (1) Các yếu tố thu hút và phục vụ khách du lịch bao gồm: cơ sở hạ tầng (đường xá, điện nước, thông tin liên lạc, các loại phương tiện vận chuyển khách), cơ sở vật chất kỹ thuật (các cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí, mua sắm...), nhân viên phục vụ và cơ sở vật chất và tiện nghi khác; đặc biệt là vấn đề tiếp thị, quảng cáo và xây dựng hình ảnh cho điểm đến. (2) Theo một hướng tiếp cận khác, xây dựng sản phẩm du lịch bao gồm phát triển những điểm tham quan, các hoạt động và các dịch vụ đa dạng phục vụ khách. Trong hai cách tiếp cận trên, hướng tiếp cận thứ nhất đóng một vai trò quyết định đến việc xây dựng sản phẩm du lịch tại các điểm đến.

Mặt khác, xây dựng sản phẩm du lịch của một điểm đến không chỉ phục vụ cho khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa mà cả đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư xung quanh. Xây dựng sản phẩm du lịch là một quá trình, trong đó các giá trị của một địa điểm cụ thể được sử dụng tối đa để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước, khách du lịch quốc tế và người dân địa phương.

Xây dựng sản phẩm du lịch hiện nay không chỉ chú trọng đến phát triển về quy mô, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch…; kết hợp với sự tăng trưởng về doanh thu, số lượng khách du lịch đến lưu trú kể cả trong nước và quốc tế, mà chuyển trọng tâm sang nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch ngày càng được đa dạng hóa, cơ cấu dịch vụ du lịch tăng lên chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu kinh tế chung. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch cần quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch, công tác quản lý điểm đến.

4.2. Thực trạng khai thác sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long gắn với Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít

Vĩnh Long án ngữ tại vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh duy nhất ở Tây Nam Bộ được bao bọc bởi hai con sông: sông Tiền và sông Hậu. Chính vị trí thuận lợi này đã định hình nên loại hình du lịch sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch homestay… cho Vĩnh Long trong thời gian vừa qua. Hòa cùng xu hướng phát triển của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, huyện Mang Thít được đánh giá là một trong những vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch nổi bật và đặc sắc nhiều thuận lợi phát triển du lịch văn hóa tại tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, Đề án Di sản Đương đại được xác định là một trong những dự án trọng điểm của du lịch Tây Nam Bộ và tỉnh Vĩnh Long, nhằm cân bằng sản phẩm du lịch tại địa phương, đa dạng hóa và chuyên môn hóa sản phẩm du lịch, góp phát triển bền vững du lịch Vĩnh Long trong thời gian tới.

Không chỉ có miệt vườn trái cây trĩu quả, những điểm du lịch sinh thái độc đáo, Vĩnh Long còn nổi tiếng với Di sản Đương đại Mang Thít được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với hệ thống các lò gạch gốm được hình thành qua hơn 100 năm giao thoa văn hóa - kỹ nghệ đặc sắc giữa 3 dân tộc: Khmer, Kinh và Hoa. Nhận thức được giá trị văn hóa đặc sắc này, các công ty du lịch đã rất năng động trong việc đưa du khách đến tham quan khu vực Đề án Di sản đương địa bằng 2 cách: 1/. Tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của Đề án Di sản đương đại trên tàu du lịch. Du khách vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức trái cây vùng sông nước trên tàu du lịch, vừa tận hưởng không khí mát mẻ trên tàu du lịch để ghi lại những khoảnh khắc sông nước hữu tình. 2/. Du khách di chuyển bằng tàu đến Đề án Di sản đương đại, tận mắt quan sát các công đoạn tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, đạp xe quanh đường làng và ghi lại hình ảnh tại làng nghề độc đáo.

4.3. Đánh giá chung

4.3.1. Thuận lợi

Đề án Di sản đương đại Mang Thít là một điểm đến phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Quy mô xây dựng của đề án được ví như  “kim tự tháp phương Đông” với kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo, tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Di sản đương đại Mang Thít có vị trí giao thông thuận lợi, cả về đường thủy, đường bộ và đường hàng không.

Hệ thống các lò gạch, lò gốm ở Mang Thít được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Các lò gach, lò gốm lâu đời ở đây được xem như là biểu tượng truyền thống văn hóa, lịch sử của con người vùng đất Vĩnh Long và được xem là tài nguyên độc đáo, sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long.  

Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít là một trong những dự án trọng tâm của du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Đề án Di sản đương là vấn đề quan trọng nhằm đa dạng hóa và chuyên môn hóa sản phẩm du lịch, góp phần phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long theo hướng bền vững trong tương lai.

4.3.2. Khó khăn

Việc khai thác sản phẩm du lịch gắn với Đề án Di sản đương đại Mang Thít vẫn còn những bất cập và tồn tại:

Sản phẩm du lịch ở Măng Thít chưa được phong phú và đa dạng. Hiện tại, nơi đây chỉ tập trung khai thác loại hình du lịch tham quan, du lịch thể thao (trải nghiệm xe đạp trong khu di sản), chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời chưa phát huy hết giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của Đề án di sản.

Thời gian tham quan của du khách phụ thuộc khá nhiều vào thời gian hoạt động của lò gốm. Thông thường lò gốm hoạt động theo giờ hành chính, do đó, nếu những ngày thời tiết xấu, thời gian di chuyển tàu bè thay đổi so với dự kiến sẽ ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trong các lò gốm khá cao so với nhiệt độ bên ngoài, lại chưa có khu vực dành riêng phục vụ khách du lịch, vì vậy gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của khách du lịch.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lò sản xuất gạch gốm không đảm bảo tiêu chuẩn, tác động tiêu cực đến sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, việc khai thác sản phẩm du lịch gắn với di sản cũng chưa thật sự tối đa như mong muốn. Nghề nung gạch gốm đỏ là một ngành nghề thủ công truyền thống, những người thợ gặp nhiều khó khăn, khó có thể tiếp tục sống với nghề, do thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công này ngày càng thấp dần đi khi nhu cầu, thị hiếu, thói quen tiêu dùng thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, sinh kế của các hộ gia đình làm nghề. Vì vậy, các sản phẩm du lịch vẫn chưa phát huy được thế mạnh hỗ trợ cho việc quảng bá và bán các sản phẩm gạch gốm cho khách du lịch để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

5. Đề xuất một số giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long gắn với Đề án Di sản đương đại

Từ những phân tích trên, chúng tôi bước đầu đề xuất các giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Đề án Di sản đương đại như sau:

Một là, cần có chiến lược cụ thể trong xây dựng Đề án. Theo đó cần ưu tiên đảm bảo kinh tế cho người dân trong từng giai đoạn thực hiện, cu thể là: 1/. Thời gian bồi hoàn và mức kinh phí hỗ trợ cho người dân để đảm bảo sinh kế hộ gia đình sản xuất gạch gốm trong thời gian chờ đợi chuyển đổi kinh tế từ thủ công nghiệp sang dịch vụ, nhằm tránh tình trạng phá bỏ các lò gạch gốm sẵn có vì đảm bảo thu nhập gia đình ; 2/. Đảm bảo khả năng phục vụ du khách trong từng giai đoạn xây dựng. Hoàn thành đề án đến đâu đưa vào hoạt động du lịch đến đó. Cần để cho người dân thấy lợi ích kinh tế thiết thực do chính quyền địa phương mang lại sẽ tạo động lực cho người dân cùng chung tay xây dựng đất nước. 

Hai là, xây dựng sản phẩm trên cơ sở tôn trọng văn hóa bản địa. Phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có, Đề án Di sản đương đại Mang Thít tạo nên bức tranh đa sắc cho vùng sông nước, được ví như “kim tự tháp phương Đông” chứa đựng giá trị lịch sử hàng trăm năm cần được lột tả qua các bài thuyết minh của người dân địa phương. Chính những cuộc đời gắn liền với các giai đoạn thăng trầm của gốm đỏ là những “nhân chứng sống” thổi hồn cho những bài thuyết minh về nghề gốm thêm sinh động, thể hiện hết giá trị của của những đôi bàn tay, những giọt mồ hôi và khối óc sáng tạo nên hình dáng của từng sản phẩm gốm. i. 

Ba là, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó gạch gốm là chủ đề trung tâm. Cụ thể: (1) Sản phẩm lưu niệm và quà du lịch: sáng tạo ra những vật phẩm trang trí làm từ nguyên liệu đất sét mang đậm bản sắc, gắn với biểu tượng, địa danh độc đáo như: chậu hoa mini, chén đĩa, bát, ấm trà hay con vật vùng sông nước... đặc biệt là lò gạch mini được đầu tư xây dựng chuyên phục vụ cho khách du lịch ; (2) Bảo tàng 3D Di sản đương đại: thể hiện bằng hình ảnh qua các giai đoạn: Hình thành - Phát triển - Ngày nay, đó là hình ảnh về làng nghề, lò gạch, sản phẩm gạch gốm sẽ được bao quát trọn vẹn. Giúp cho du khách có thể tìm hiểu kĩ hơn về làng nghề gạch gốm, cũng như giá trị lịch sử của làng nghề. Xây dựng phòng chiếu phim 3D với những hình ảnh chân thật và âm thanh sống động nhằm lột tả công đoạn sáng tạo sản phẩm của người thợ thủ công ; (3) Xây dựng tour du lịch chuyên đề: gồm nhiều hoạt động, trong đó lấy gạch gốm làm hoạt động trung tâm. Hiện tại, loại hình mới này được xem là xu thế đi du lịch kiểu mới có lượng người yêu thích nhiều nhất. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các quy trình làm gạch gốm và tự tay làm ra các sản phẩm với sự hướng dẫn từ các người thợ; (4) Đa dạng sản phẩm du lịch gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả của Đề án Di sản Đương đại Măng Thít; đồng thời phát huy giá trị của các làng nghề thủ công như: chằm nón, đan rổ, đan rế, sản xuất hủ tiêu và bún,…

Bốn là, cộng đồng cùng nhau chung tay làm du lịch. Đề án Di sản đương đại là tài sản của chung của cộng đồng địa phương. Do đó, ngoài các hạng mục thuộc sự quản lý các cơ quan nhà nước cũng cần sự chung tay của toàn dân. Có thể xây dựng theo mô hình mỗi nhà một sản phẩm. Ví dụ: gia đình đầu tiên giới thiệu quy trình sản xuất: thu gom nguyên vật liệu, thiết kế, chế tạo, bảo quản; gia đình thứ hai sẽ cho khách cơ hội trải nghiệm tự tay làm vật dụng mà khách yêu thích; gia đình thứ 3 là nung sản phẩm khách vừa làm ra ; gia đình thứ 4 là xây dựng các tiểu cảnh về gạch gốm để khách checkin lưu niệm; gia đình thứ 5 là bán hàng lưu niệm là các sản phẩm gốm do các người thợ làm ra…

Năm là, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, các công ty du lịch, trung tâm du lịch trong và ngoài nước nhằm khai thác hợp lý tiềm năng và thế mạnh của đề án.

Sáu là, ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 trong xây dựng và quảng bá Đề án Di sản đương đại Mang Thít, như: Bảo tàng tranh 3D, video giới thiệu, video clip quảng bá hoặc các video mô hình thực tế ảo 9D VR để kích thích sự tò mò của du khách muốn hòa mình vào không gian Đề án di sản đương địa độc đáo này.       

6. Kết luận

Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít sở hữu giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng độc đáo, mang lại nhiều cảm xúc cho khách du lịch. Do đó, việc đầu tư sáng tạo sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu du khách là yếu tố quan trọng, góp phần gia tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú tại điểm đến. Nhận thức được tầm quan trọng đó, chúng tôi đã đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với Đề án Di sản Đương đại như bước đầu khơi gợi tính sáng tạo và tình yêu quê hương tại vùng đất Vĩnh Long.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Trần Thúy Anh (2011),  Khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 12.

[2]. Hoàng Văn Châu - Phạm Thị Hồng Yến - Lê Thị Thu Hà (2007),  Làng nghề du lịch Việt Nam, NXB Thống kê, Hà Nội.

[3]. Trần Thị Hoa Lý (2007), Phát triển làng nghề ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận văn thạc sỹ kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế.

[4]. Nguyễn Thị Hồng Ngọc (2014), Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề, Luận văn thạc sĩ khoa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

[5]. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long (2023), Quyết định số 1293/QĐ-UBND ngày 31/5/2023, Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu Di sản đương đại Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045.

Developing tourism products of Vinh Long province associated with the Mang Thit District Contemporary Heritage Project

Ph.D Nguyen Diem Phuc1

Nguyen Thi Be Huynh2

1Department of Tourism, Vinh Long University of Technology Education

2Vinh Long University of Technology Education

Abstract:

Mang Thit District Contemporary Heritage Project is about a system of ceramic brick kilns hundreds of years old, known as the largest ceramic brick production place in Vietnam in the past. Mang Thit ceramic tile craft village is considered an open - air treasure rich in historical, economic and cultural value. It  has great potential in diversifying and specializing tourism products in the Mekong Delta in general and Vinh Long province in particular. However, tourism products here have not been developed and exploited properly. This study analyzed the current development of tourism products associated with the Mang Thit District Contemporary Heritage Project. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to develop tourism products of Vinh Long province associated with the project.

Keywords: tourism products, Mang Thit District Contemporary Heritage Project, tourism products of Vinh Long province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương