TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu về xây dựng “văn hóa trường Đảng” tại Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng. Trong thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế, chuẩn mực “văn hóa trường Đảng”. Tuy nhiên, cần có những giải pháp đột phá hơn nữa trong tình hình mới. Đó vừa là yêu cầu đồng thời cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng hiện nay.
Từ khóa: văn hóa trường Đảng, trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng, văn hóa.
1. Đặt vấn đề
Xây dựng “văn hóa trường Đảng” hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong hệ thống trường Chính trị. Để mang lại hiểu quả cao trong việc xây dựng, thiết lập văn hóa trường Chính trị chắc hẳn có nhiều yêu cầu, giải pháp khác nhau. Theo đó, ngày 26/10/2017, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG về việc Quy định ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết định chỉ rõ, cụ thể đối tượng và phạm vi áp dụng cho toàn thể cán bộ, học viên đang công tác và học tập, nghiên cứu tại trường Đảng.
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng nằm trong hệ thống trường Đảng, với mục đích giữ gìn phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa nhà trường: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử. Qua đó, sẽ góp phần gìn giữ lâu dài bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và mang tính đặc thù của trường Đảng; xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống lành mạnh, xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, học viên trong công tác và học tập. Quan trọng hơn là tạo dựng được môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, do công tác giáo dục lý luận chính trị và thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên vừa qua đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng trong xã hội; làm xói mòn những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống; làm phát triển tư tưởng thực dụng, lối sống hưởng lạc, chạy theo đồng tiền, sống thủ đoạn, suy thoái đạo đức, coi thường kỷ cương pháp luật; làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng trong cán bộ, đảng viên và lu mờ hình ảnh cao đẹp của người cộng sản trong lòng quần chúng nhân dân. Đó cũng có một phần trách nhiệm lớn lao của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng hiện nay.
2. Thực trạng thực hiện văn hóa trường Đảng của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng
Chức năng, nhiệm vụ của trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng chủ yếu là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở cơ sở. Nhà trường không chỉ là nơi đào tạo những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương mà đó còn là nơi chuôi rèn bản lĩnh, đạo đức, tác phong cho học viên. Có thể nói, đấy là môi trường tốt nhất đào tạo ra những “hạt giống đỏ” vừa đủ đức vừa đủ tài nhằm phục vụ tốt Đảng, Nhà nước và quần chúng, nhân dân. Để góp phần thực hiện tốt “Văn hóa trường Đảng”, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, quy chế của nhà trường đạt được những thành tích đáng kể, như: Về công tác chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đều đạt và cượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra: Trong năm 2021, đào tạo - bồi dưỡng 55 lớp (với 4.601 học viên). Về công tác nghiên cứu khoa học: Trường đã tổ chức được 6 buổi tọa đàm, 3 Hội thảo khoa học, xuất bản 2 Tập san, 1 sách Chuyên khảo. Đặc biệt, nhà trường luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên; trong năm 2021, nhà trường đã đưa đi đào tạo 66 lượt (nghiên cứu sinh: 2, ngạch chuyên viên chính: 2, chuyên viên: 1, cao cấp: 8, cao học: 6, lãnh đạo cấp phòng: 5; chuyên môn, chuyên sâu: 42 lượt,...). Đây là những thành tựu cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng ngang tầm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, thực trạng văn hóa Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, bên cạnh những mặt đạt được không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn nhất định:
Về phía giảng viên: Đôi khi chưa thực sự gương mẫu thực hiện giờ giấc, tác phong lên lớp chưa nghiêm túc; chưa đầu tư, đổi mới nhiều cho bài giảng nên chưa thu hút được học viên, phần lớn giảng viên vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình là chính; chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của học viên; việc trao đổi, thông tin học tập của lớp với giáo viên chủ nhiệm chưa kịp thời; đánh giá kết quả học viên thiếu chính xác, khách quan, đôi lúc còn cảm tính; đặc biệt, một số ít giảng viên hiện nay còn biểu hiện lãng phí, sách nhiễu, gợi ý học viên tặng quà nhằm trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, việc học tập nâng cao trình độ nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn đôi khi chưa được xem trọng, một số ít còn mang tư tưởng an phận. Cụ thể, tổng số cán bộ, viên chức nhà trường là 46, trong đó: có 5 Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ, còn 11 cán bộ, giảng viên trình độ cử nhân.
Về phía học viên: tình trạng đi trễ, về sớm còn thường xuyên xảy ra; thiếu tập trung, lo ra, đến lớp chủ yếu để “điểm danh”; chưa tập trung học tập, ý thức tự học còn chưa tự giác nên chưa nắm bắt kịp thời những thông tin mới; chưa trăn trở trước những vấn đề quan trọng, cốt lõi của lý luận chính trị; chưa nghiên cứu giáo trình khi đến lớp; còn thụ động, chưa tương tác tốt với giáo viên và các bạn cùng lớp; bài thu hoạch, khóa luận tốt nghiệp chủ yếu là kế thừa của khóa trước nhưng thiếu tính chọn lọc, sáng tạo,…
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa trường Đảng của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng thời gian tới
Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, phần nào đã gây ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng uy tín, môi trường đào tạo, văn hóa Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng hiện nay. Vì vậy, để góp phần xây dựng văn hóa trường Đảng, thiết nghĩ, Cấp ủy, Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên và học viên các Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng thời gian tới, cần phải thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
Về phía học viên: Ra sức nghiên cứu, học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình - là nơi trau dồi đạo đức và tư cách cách mạng. Học tập lý luận chính trị “như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”[1], “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[2]. Và, “có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[3]. Đặc biệt, bản thân người học phải ra sức trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, tác phong chuẩn mực; thích ứng linh hoạt, nhạy bén với cái mới, có ích và từ bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu; biết đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực và sẵn sang bênh vực cái đúng, lẽ phải. Học viên phải luôn tôn trọng ý kiến và chấp hành đúng những quy định của nhà trường, những quyết định của cấp lãnh đạo, quản lý. Luôn giữ thái độ chuẩn mực, khiêm tốn đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.
Khi tiếp xúc với giảng viên, học viên cần có thái độ, ứng xử đúng mực; phải thể hiện tinh thần cầu thị khi trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp. Đặc biệt, không dùng quà tặng để mưu lợi cho cá nhân và tập thể. Ứng xử giữa học viên với học viên: Cần chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập; luôn tăng cường đoàn kết, không gây bè phái, chia rẽ nội bộ; góp phần tạo nên sự kết nối giữa các học viên trong lớp, giữa các thế hệ học viên với nhau. Đặc biệt, với nhiệm vụ học tập và rèn luyện: Bản thân học viên phải tuân thủ nội quy, quy chế, quy định của nhà trường; có tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, tránh đi trễ về sớm; hợp tác tốt với giảng viên và các học viên với nhau; trong học tập, nghiên cứu phải tích cực trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm; dành thời gian nghiên cứu trước tài liệu khi đến lớp, khai thác triệt để các nguồn tài liệu, tư liệu có liên quan đến bài giảng, môn học nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ học tập.
Về phía giảng viên: Nhiệm vụ của người thầy trường Chính trị trong giai đoạn mới, không phải đào tạo ra những người biết đọc, biết viết mà tạo ra những công dân, cán bộ tốt cho địa phương nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; những người thay mặt dân giải quyết công việc. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của người thầy. Chính vì vậy, giảng hiện nay, trước hết, cần phải có thái độ ứng xử tốt với đồng nghiệp, thẳng thắn, đúng mực; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sẵn sàng chia sẻ thông tin, tri thức và kinh nghiệm giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học; tuyệt đối không xúc phạm danh dự đồng nghiệp dưới mọi hình thức; gương mẫu, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
Khi giao tiếp với học viên, giảng viên phải có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; tôn trọng ý kiến của học viên, cần nhạy bén nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên; thể hiện phong cách chuẩn mực của người giảng viên trên giảng đường cũng như trong cuộc sống; thực hiện kỷ luật phát ngôn, không nói, viết và làm những việc trái với lợi ích của Đảng và Nhà nước và nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc và phản động.
Trong chuyên môn, giảng viên phải nghiêm túc soạn giảng và đảm bảo thời gian, giờ giấc lên lớp; thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cá nhân và hiệu quả trong công việc; luôn luôn chủ động cập nhật kiến thức; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc và sự nghiệp đổi mới của đất nước; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu.
Về phía cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường: Thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, thể hiện rõ tư duy, phong cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý; phải là tấm gương về bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm, sáng tạo trong điều hành; lắng nghe ý kiến của cấp dưới, học viên để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình dạy và học; đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân; kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, hối lộ, tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ, thao giảng, kịp thời nắm bắt tình hình học tập của học viên và giảng dạy của giảng viên.
Trong quản lý học viên, cán bộ, lãnh đạo quản lý nhà trường cần nghiêm túc, thưởng phạt nghiêm minh, đúng quy chế đào tạo. Có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện tốt nền nếp, kỷ cương, tinh thần, thái độ học tập trên lớp, trên thư viện và đi nghiên cứu thực tế, viết bài thu hoạch, khóa luận tốt nghiệp,.... Xây dựng môi trường văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện để nhà trường trở thành nơi rèn luyện lý tưởng về đạo đức, phẩm chất cách mạng, đáp ứng tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra: “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả”[4].
Đặc biệt, phải thường xuyên giữ mối liên lạc với cơ quan, đơn vị cử học viên đi học; cần tuyển chọn, giới thiệu những cán bộ, đảng viên đúng tiêu chuẩn, thật sự xứng đáng; đồng thời, cơ sở đào tạo cần duy trì tốt thông tin hai chiều nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng đào tạo và quản lý tốt học viên.
4. Kết luận
Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các trường Chính trị tỉnh luôn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng. Để góp phần tạo nên “thương hiệu”, tăng cường uy tín ở các trường Chính trị tỉnh hiện nay, xây dựng và tạo lập văn hóa trường Đảng, thiết nghĩ mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên và học viên nhà trường cần nêu cao khẩu hiệu: “nói không với tiêu cực trong quản lý và học tập”.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.273
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.274
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.611
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr28.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017). Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ký ngày 26/10/2017.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tập 5 - 11, 2011.
- Học viện Chính trị - Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2010). Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 3/02/2010 về việc ban hành Quy chế, Quy định quản lý đào tạo ở các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
BUILDING PARTY CADRES’ POLITICAL SCHOOL CHARACTERISTICS
IN SOC TRANG POLITICAL SCHOOL TODAY
NGUYEN PHAN DAU
Soc Trang Political School
ABSTRACT:
The article touches on building party cadres’ training school characteristics in Soc Trang Provincial Political School, over the past time, the Soc Trang Political School has effectively built and implemented the regulations and standards for building party cadres’ training school characteristics. Yet, the soc trang provincial political school are required to come up with breakthrough measures to execute this task in the new situation.
Keywords: party cadres’ training school, Soc Trang Political School, culture.