Xóa bỏ 95% thuế nhập khẩu, thị trường Canada mở rộng đón hàng Việt

Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay lập tức, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.

Ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định này sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tăng trưởng xuất khẩu thêm 4% và tăng nhập khẩu 3,8%.

Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ được các nội dung cam kết Hiệp định CPTPP, đặc biệt trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada, ngày 25/4/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada”.

Thông qua các nội dung được trao đổi tại Hội thảo bởi nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận thức rõ ràng hơn về các thách thức, cơ hội, tiềm năng thị trường cũng như khả năng tận dụng các điều khoản Hiệp định để có thể nắm bắt thời cơ, đưa ra những chính sách phát triển phù hợp, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam – Canada lên một tầm cao mới.

Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/4/2019
Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/4/2019

 

Dư địa hợp tác thương mại Việt Nam - Canada còn rất lớn

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP, Canada nổi lên như nhân tố mang tính đột phá về mặt đối tác của Việt Nam.

Theo thống kê của Hải quan Canada, xuất nhập khẩu của hai nước đã tăng 412% trong 10 năm qua, tính từ năm 2008 đến năm 2018; và tăng tới 2.300% nếu tính từ năm 2000. Dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt tới 20%.

Việt Nam hiện nay đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương, xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 4 tỷ USD, xuất siêu 2,4 tỷ USD.

Những sản phẩm xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada là các mặt hàng chủ lực của ta, gồm: dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ… Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… cũng bước đầu có tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang thị trường này trong thời gian qua.   

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2018 cao gấp 3 lần Indonesia, Philippines, gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada”
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada

 

“Điều này cho thấy, với khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam và nhu cầu của Canada, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn. Bù lại, các sản phẩm công nghệ cao của Canada như máy móc, sản phẩm sinh học, hóa chất và các nguyên liệu cho sản xuất, chăn nuôi… luôn là những mặt hàng có nhu cầu cao tại Việt Nam”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Về đầu tư, hiện nay, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 149 dự án, trị giá hơn 5 tỷ USD. Các dự án được đánh giá là có chất lượng cao, với bình quân 1 dự án là 32,36 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,97 triệu USD/dự án, với các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo…

 

CPTPP - “cú hích lớn” cho quan hệ Việt Nam - Canada

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị thuận lợi giữa hai nước, dư địa và tiềm năng phát triển còn nhiều, Hiệp định CPTPP với các cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư, được coi như một “cú hích lớn” cho phát triển đầu tư, thương mại song phương, mở ra một “chân trời kinh doanh” mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Theo ông Jared Brading - Tham tán phụ trách Phát triển thương mại của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á của Canada.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, việc cam kết của Canada xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay lập tức, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chuyển từ mức thuế MFN trung bình là 17% xuống 0%, rõ ràng là thị trường Canada đang mang lại cơ hội “có một không hai” để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình. Các lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển mạnh như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép và hàng nông sản.

Trong khi đó, CPTPP cũng mang lại môi trường giao thương thế hệ mới, tạo cơ hội cho Canada củng cố mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và củng cố niềm tin của người Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada.

Ông Jared Brading - Tham tán phụ trách Phát triển của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tại Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada”

Ông Jared Brading - Tham tán phụ trách Phát triển của ĐSQ Canada tại Việt Nam khẳng định CPTPP sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác thương mại song phương

 

“CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại tác động thực tiễn và hiệu quả đến quan hệ thương mại Việt Nam - Canada, đồng thời giúp cải thiện thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa hai nước tại thị trường nhau, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa hai bên”, ông Jared Brading khẳng định.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho biết, vừa qua, đề xuất Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững - Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực thi CPTPP” đã được Bộ Ngoại giao Canada thông qua.

Theo đó, dự án do Chính phủ Canada tài trợ sẽ tập trung vào các hoạt động đào tạo, tư vấn chuyên sâu 1:1, với mục tiêu là hỗ trợ các tổ chức chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có lãnh đạo nữ có giải pháp thiết thực, để tận dụng được các cơ hội, ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Song song với Dự án này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực để xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada cũng như phát triển hợp tác đầu tư Canada tại Việt Nam, qua đó đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.

Thy Thảo